Tuấn Lalarme

New York Trilogy (Trần trụi với văn chương) – Paul Auster

Lâu lắm tôi không đọc sách gì một cách trọn vẹn, một phần vì lười, một phần vì bận rộn mệt mỏi, một phần vì tôi xem phim nhiều hơn, và một phần khác tôi không thể tập trung dán mắt vào câu chữ của người khác khi những câu chữ của chính mình mà tôi muốn nói về tình yêu của tôi nó cứ đầy ắp và đè lên mọi chữ nghĩa của người khác. Tôi đọc thêm được vài chục trang 1Q84 quyển 3 của Murakami, tiếp tục nhai nốt món ăn khó nuốt “phê phán lý tính thuần túy” của Emmanuel Kant – một triết gia người Đức, đọc vài trang quyển Thiết kế đô thị cho chuyên ngành của mình mà cũng không thể nuốt nổi, rồi tôi thử những thứ dễ nhai hơn, tôi thử đọc Phế Đô của Giả Bình Ao, đọc lại tập tản văn của Marai Sandor, tiếp tục nghía thêm vào quyển “6 người đi khắp thế gian” của James Michener… Tôi cứ lang thang hết quyển này đến quyển khác, để rồi lại bỏ dở, lại để chúng lơ lửng đâu đó trong đầu, giống như kiểu tôi muốn mua cho mình đôi giầy, nhưng cứ vào đến tiện nào tôi cũng lắc đầu và đi ra, nhanh chóng, ngán ngẩm và buồn bã. Cho đến khi tôi bắt gặp New York Trilogy của Paul Auster, bản tiếng Việt dịch bởi Trịnh Lữ với tựa “Trần trụi với văn chương”, tôi lại vào thử, và tự nhiên tìm được đôi giày vừa khít với cái duy cảm của mình, tôi mua nó, đi nó, một chút sướt sát ở mắt cá chân vì giầy mới, nhưng rồi mọi thứ cũng trở nên thuần và dễ chịu hơn. New York Trilogy đã trở thành quyển sách đầu tiên tôi đọc xong sau quá nhiều sự dang dở nối tiếp dang dở.

Paul Auster là một phù thủy của sự sắp đặt ngôn từ, câu chữ, biến những thứ đơn giản nhất khi sắp lại với nhau nó thành một thế giới đầy hỗn mang và huyễn hoặc không thể tin nổi, để rồi khi người đọc đi vào trong đó, người ta chỉ tìm thấy sự lạc lối của chính mình vì những dòng sự kiện tưởng chừng như chẳng có gì lại làm ta điên cuồng lục tìm để hiểu, và rồi lại chẳng thể hiểu gì cả. Newyork Trilogy là tập hợp 3 câu chuyện, người ta hay gán cho nó cái mác trinh thám, mà nói vậy cũng được, vì có sự kì bí, có thám tử, có điều tra, theo dõi, giống như trong một bộ phim noir, có câu chuyện tưởng chừng giật gân, và có những người phụ nữ mà họ giống như ảo ảnh mà cũng rất thực tồn tại như một thực thể, một mắt nối của câu chuyện, một dạng totem để Paul Auster đặt câu chuyện trung tâm xoay quanh nó, dù ông có lôi chúng ta đi xa đến đâu thì người phụ nữ đó, totem đó, chính là mắt xích dẫn dụ ta quay lại.

Người ta khó có thể nói những chuyện ông kể là hay hay dở, hay hay dở rốt cuộc đã bị Paul Auster biến thành một trò cười khi mọi thứ mà ông viết ra cứ mập mờ, ma mị, tưởng như chẳng có đầu, chẳng có cuối, ông cứ dẫn ta đến một cách cửa, định mời ta vào xem căn hộ mà ta định sẽ mua và ở lại, thì ông lại quay lại, cười với cái dáng vẻ bí ẩn và bảo nhầm nhà, vậy là ta như kẻ ngớ ngẩn chẳng thể biết rốt cuộc ngôi nhà đó hình thù bên trong trang trí bày những vật dụng ra sao.

Tập hợp ba câu chuyện: Thành phố thủy tinh, những bóng ma và căn phòng khóa kín, New York Trilogy có thể gọi là tuyển tập mà cũng có thể chỉ là một câu chuyện với ba phần khác biệt, giống như cách Vương Gia Vệ kể 2 câu chuyện chẳng liên quan trong bộ phim Trùng Khánh Sâm Lâm. Tất cả điểm chung của ba câu chuyện là cái hậu cảnh là New York, những cá nhân sống trong đó, và những bản ngã đang đánh mất đi chính mình, không phải trở thành cái vô ngã, mà trở thành một thứ dở sống dở chết, một cái khe trống nằm giữa bản ngã và vô ngã. Và ba câu chuyện vừa chẳng liên quan lại vừa cứ liên quan một cách rối tung rối mù, Paul Auster đánh lười hay chơi khăm độc giả bằng những cái tên, những cái tên viết hoa được dùng ở phần này, rồi lại được nhắc đến ở phần kia một cách như vô tình và lại đầy hữu ý. Họ (những nhà phê bình chuyên nghiệp) gọi sách của Paul là văn chương hậu hiện đại, trinh thám giả tưởng hậu hiện đại, vừa siêu thực, vừa giả tưởng, vừa đi tách khỏi những ánh văn kinh điển trinh thám khác của Agatha Christie, Conan Doyle (thật ra tôi đọc khá ít các tác giả viết truyện trinh thám, đây là hai người tiêu biểu nhất cho dạng trinh thám cổ điển, hiện đại tôi nghĩ vậy mà tôi biết)… Còn tôi vì bản thân cũng không phải là một người đọc chuyên nghiệp (nhà phê bình, biên tập viên, những người làm nghề điểm sách…) khái niệm hậu hiện đại đối với tôi dùng ở đây có vẻ hơi khoa trương. New York Trilogy của Paul, tôi thích một sự lý giải mang tính gần gũi và dễ tiếp cận hơn đối với tôi, đó là những ánh văn vừa trào lộng, vừa hài hước nhưng vừa độc ác. Vì sao tôi lại nói độc ác, vì Paul đã gần như đưa nhân vật vào một mê cung không có lối thoát, và rồi ông cũng đưa bản thân mình vào như kiểu đánh lạc hướng, hay đúng hơn là kiểu trêu ngươi người đọc (ở câu chuyện Thành phố thủy tinh), trong mê cung đó, khi nhân vật chấp nhận đi vào thì luôn đã có một cái tư tưởng là cố gắng tìm cho được cái tâm của mê cung đó, đến nơi mà vương miện chiến thắng đang đợi, để rồi trên quãng đường tìm vào đó, họ cứ lạc lối dần, đánh mất mình dần, trở nên không còn là mình nữa nhưng họ cũng không thể quay lại, giống như một mũi tên đã bắn ra, không thể để nó rơi xuống nửa chừng được, người ta cứ dấn sâu vào, sâu vào mãi cho đến lúc đánh mất chính bản thể của mình. Chỉ đến khi đó, Paul Auster tôi nhìn thấy được cách ông cười khoái trí với cái mê cung mình tạo ra, một mới đóng tập sách đó lại, còn người đọc, không phải hụt hẫng, mà thấy bất an vì sự đơn giản đến đáng ngạc nhiên khi một cá tính bị chi phối bởi một cá tính khác, hoặc bị chi phối bởi chính câu chuyện mình đâm đầu vào và đánh mất chính mình lúc nào không biết.

Đọc tác phẩm này, giống như ta chấp nhận thử thách vừa là tính kiên nhẫn của mình, vừa là sự không lùi bước để tìm ra sự thật cho mình (mặc dù chẳng có sự thật nào cả). Đôi khi tác giả để nhân vật của mình tự chìm trong ý nghĩ tự thân và dẫn chúng ta đến nơi nào đó gần như ra khỏi câu chuyện chính được kể, những suy nghĩ miên man bất tận về quá khứ, về những sự tự trải nghiệm tự thân của nhân vật, về những nhân vật khác trong các tác phẩm khác mà nhân vật chính đã đọc… những dẫn chứng ngắn gọn và goi hình nhưng lại giống như không liên quan, hoặc có liên quan thì cũng khiến cho đầu óc độc giả như bị lôi vào sự ma mị của ngòi bút, của câu chữ, khiến cho những dẫn chứng đó vừa hấp dẫn về mặt thông tin, vừa đâu đầu khi bắt người ta liên tưởng, vừa chẳng nói gì cả. Ba câu chuyện gần như chẳng liên quan nhưng lại nên đọc cùng một lượt, chúng liên quan một cách siêu thực và trêu chọc cho đến tận những trang cuối cùng.

Con người ta ai cũng có những lúc bị cuốn vào vòng xoáy của một điều gì đó trong cuộc đời, cơm áo gạo tiền, các mối quan hệ, những bí mật… và khi ta bị cuốn vào trong đó, dường như sự đi ra khỏi được là điều rất khó khăn và mệt mỏi, đôi khi ta chiến đấu để đi đến tận cùng, đôi khi ta như ngạt thở cố vùng vẫy để có thể ngoi lên mặt nước, đôi khi ta bị nó cuốn trôi đi mà không còn kịp trở lại là mình, thám tử Quinn của thành phố Thủy Tinh đã không thể ngoi lên được (cho đến những chữ cuối cùng mà Paul viết cho ta đọc), nhân vật Lam (Blue) có vẻ đã kịp thở ở đoạn cuối cùng trong Những bóng ma, còn nhân vật tôi thì sao, vì đã tự có thể đặt ngôi thứ nhất và viết về câu chuyện của mình, Tôi có lẽ là nhân vật đã “sống lại” nhất, sau khi đánh mất mình. Cả ba nhân vật đó đều bị cuốn vào một cá nhân cuộc đời khác, rồi chìm sâu vào đấy giống như những con rối, đến mức mà không thể tự buộc chỉ giải thoát mình nếu không có những hành động điên rồ và quyết liệt.

Nếu mỗi cá thể trong cuộc sống hiện đại này đang loay hoay với sự tồn tại của bản ngã mình, khiến mình u uất và nhiều buồn phiền, tôi nghĩ nên đọc Paul Auster, để thấy rằng, cái ngã của ta ta vẫn đang kiểm soát được không phải là trọn vẹn mà đủ để ta không đến mức đánh mất mình như cách Paul để các nhân vật của mình chìm nghỉm trong thành phố New York sầm uất và rộng lớn đó.

Exit mobile version