Hôm qua nghe tin cụ Giáp mất, bản thân tôi không có nhiều kỉ niệm liên quan gián tiếp với cụ, ngoài những lần đi vào viện 108 thăm người thân và tình qua tòa nhà nơi cụ đang nằm điều trị, tôi thường cầu cho cụ được sống thọ hơn, để con cháu của cụ luôn có một tấm gương sống, một huyền thoại sống để soi mình vào để sống tốt hơn, rồi thêm nữa, cụ là người Quảng Bình, cùng quê hương với mẹ tôi, cái mảnh đất gió lào, cát trắng, lụt lội, quanh năm nghèo khổ, nên ngoài việc cảm thương và vô cùng buồn tiếc khi nghe tin cụ mất, tôi lại cảm thấy một nỗi nhớ dâng lên tự bên trong về cái mảnh đất miền trung nhỏ hẹp mà nghèo nàn đó. Những kĩ niệm đã trở thành những mảnh vụn rời rạc trong kí ức của tôi, của một đứa trẻ quê cha thì ở Hà Tây, sinh ra ở Đak Lak và sống suốt thời niên thiếu cho đến lúc trường thành ở Hà Nội. Quảng Bình chỉ là nơi tôi ghé qua không thường xuyên trong những đợt hiếm hoi khi giỗ ông, giỗ bà. Chẳng có nhiều lưu luyến đến từ mảnh đất đấy ngoài những người thân nhưng không thuộc, người quen nhưng không sâu.
Làng tôi nghèo lắm, quê mẹ tôi, tên là Đồng Tư, nhiều người hay trêu là cái làng có cố gắng cả đời cũng chẳng lên được Đồng Rưỡi. Ngôi làng yên bình nằm bên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng, ngược dòng sông đấy tiến lên đầu nguồn là Trường Sơn, là dãy núi hùng vĩ có chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại của cụ Giáp, cụ Đồng Sĩ Nguyên, dãy núi đã mang bao dấu chân bộ đội vượt từ bắc vào nam để tiếp tế cho tiền phương của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đi ngược lên Trường Sơn đó là những con suối nhỏ, những thác đầu nguồn chảy siết, rừng rậm um tùm bám xanh vào những quả núi hùng dũng, như những người lính nghiêm trang bảo vệ biên giới phía Tây tổ quốc. Tôi nhớ hồi bé tôi về quê mẹ, bác tôi lăn lộn trên rừng Trường Sơn lấy gỗ, tìm trầm về xuôi bán lấy tiền nuôi gia đình, bác cho cả nhà tôi lên Trường Sơn chơi, trên chiếc xuồng máy cũ kĩ, đi ngược dòng sông Nhật Lệ, dòng sông xanh ngắt màu của rong rêu, của thiên nhiên tươi đẹp, hai bên bờ là cây cối, những cán cây rộng, cong nghiêng trên mặt nước, thỉnh thoảng, bác lại tạt vào một tán cây như thế nghỉ ngơi, cho bọn trẻ con chúng tôi nghịch nước, dòng nước trong vắt, tôi nhìn thấy cả những con tôm bé đang búng mình dưới nước, bên những gốc cây, rẽ cây xà bên dưới nước, bác tôi bắt lấy rồi cho vào miệng ăn ngon lành, bác bảo tôm ở đây rất ngọt và nhiều đạm, ăn vào nhanh lấy lại sức. Tôi cũng sợ vì tôm sống nhưng rồi cũng liều thử. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ đến những con tôm đấy, những con tôm của trẻ con, ngon nhất trên đời, cái vị ngon không phải đến từ tôm, đến từ thiên nhiên hùng vĩ, từ những con người lam lũ mà giàu tình cảm.
Quê tôi cũng như nhiều làng quê khác hiện tại đã thay da đổi thịt, đã có nhà xây, nhà 2 tầng, những con đường được láng xi măng đẹp đẽ, nhưng tất cả vẫn hiện lên một nỗi buồn, nỗi buồn dành cho một làng quê vốn đẹp và yên bình đang có những xóa trộn không đáng có của hiện đại, nhanh sông nhỏ chạy ra gần nhà tôi đã ô nhiễm trầm trọng vì quá nhiều xuồng máy, người dân không ý thức để bảo vệ con sông của chính mình đã họp trợ và để tất cả rác thải ra dòng sông đấy, tôi đã từng tắm được trên đó, tôi đã từng suýt chết đuối trong dòng sông đó vì cái tội thèm nước, thèm sự xanh trong và đẹp dễ đầy bình an. Nhưng giờ thì không thể, mùi xú uế và những vàng xanh váng vàng trên mặt nước khiến cảm xúc ùa về thật tê. Giống như đang ngồi uống trà đá vỉa hè ngắm dòng chảy của phố phường thì chợt có một anh chàng nào đó đứng bên kia đường và thản nhiên tè vào đấy ngay trước mặt thiên hạ. Cảm xúc bị chặn đứng, thế giới nội tâm bị xáo trộn, chỉ là một viên gạch khác trên bức tường của kí ức bị vụn vỡ.
Trên đòng sông Nhật Lệ đó, anh họ tôi đã giúp tôi bơi ra xa, giúp tôi ngụp lặn trong con sông quê hương thơm mát. Ở quê tôi có một loại cây có cái tên là “Bần” một cái tên thật đặc biệt, quả màu xanh và dẹt, khi chín có thể ăn được, có vị chua, ăn cảm giác bùi nhưng rất dễ chịu nếu chấm cùng muối ớt. Quả xanh thì rất cứng, cứng như quả cây xà cừ vậy, nhưng khi chín quả sẽ rụng xuống, mềm mại và dễ chiều. Tôi thích loại quả đấy lắm, mỗi lần về quê là lại men ra bờ sông nhặt quả đấy để ăn, nghĩ đến thôi mà nước miếng đã tràn ra đầy miệng, tôi cắn ngập răng vào đó, rùng mình vì chua, miệng hơi cau lại vì sự biến đổi vị giác đột ngột, sau khi quen cái chua đó thì dư vị của nó thật tuyệt, đầy chất quê hương mà tôi không thể lý giải được. Bần, tôi không biết cái tên xuất phát từ đâu, còn địa phương nào có không, cái tên gợi sự nghèo khổ, bần hàn. Mẹ tôi kể, ngày xưa khổ cực, mẹ còn trẻ con đã phải ra ga Long Đại để trèo tàu bán hàng rong cho hành khách, đôi khi ngồi treo veo trên nóc tàu Thống Nhất, hoặc nhảy tàu trong khi tàu đang chạy. Mẹ đã phải bon chen trong cuộc sống như thế ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác vui vẻ và chơi những trò chơi con trẻ đầy ngây thơ. Mẹ tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cái nghèo và thương bà ngoại, thương chị gái, mẹ tôi đã tự hứa với mình phải quyết tâm làm sao cho bà ngoại và chị thoát ly được mảnh đất đấy. Mẹ tôi làm được một nửa, vì đến khi nhà tôi đã khấm khá thì bà ngoại mất. Bà ra đi thanh thản tại làng Đồng Tư của mình, sau một giấc ngủ, tôi vẫn còn kịp nói chuyện với bà trong tối hôm trước, gia đình tôi đã về kịp khi bác tôi báo tin bà đang rất yếu. Tôi không bao giờ quên, trên chiếc xe U-oát trở cả gia đình mà bố tôi mượn từ đơn vị của mình. Trong hành trình, có một lần, khi xe đang đi xuống dốc tại địa điểm nào đó tôi không còn nhớ vì khi đó mình còn quá nhỏ, chú lại xe đột nhiên bị trúng gió và ngất lịm ngay trên tay lái, nhưng dường như số mệnh an bài, chú đã kịp nhấn chân phanh trước khi chú không còn ý thức được nữa. Cả nhà tôi được cứu sống, và ngay sau khi về đến quê, bà ngoại tôi đã mất ngay trong đêm đó. Có lẽ bà đã ra đi để giúp chúng tôi được sống, mê tín hay không thì tôi không biết nhưng thực sự không ai có thể tin được làm sao chú có thể nhấn chân phanh ngay trước khi chú bị ngất lịm bất thình lình như vậy.
Kí ức vụn vỡ trong tôi về ngôi làng Đồng Tư đó nó đơn giản và dịu dàng, đôi khi chỉ là những mảnh ghép đã bị vỡ vì sự bào mòn của thời gian. Những cánh đồng trải dài, rộng nhưng không đủ dinh dưỡng để trồng được nhiều vụ lúa như miền bắc, chỉ toàn trồng khoai và sắn. Có lẽ vì thế nên quê tôi có món khoai “deo”, khoai khô rất ngon. Những lát khoai sau khi được luộc chín, thái thành lát và phơi khô. Khi ăn từng lát khoai đó nó vừa dẻo vừa bùi, vừa ngọt giống như ta ăn kẹo vậy, đôi khi có những lát khoai cứng như đá mà ta chẳng còn cách nào khác hơn là mút cho đến khi nó mềm ra, rồi nhai vội và nuốt. Đôi khi có những loại khoai lại quá dẻo, giống như ta ăn kẹo kéo, dính hết vào kẽ răng, những nụ cười “khoai” tôi hay gọi vậy. Tôi rất thích ăn khoai deo đó, cứ có ai đi về quê, hoặc từ quê ra tôi đều xin mẹ bảo họ mua cho tôi. Bây giờ thì hiếm và đắt rồi, thêm nữa cũng không còn loại cứng như đá và đôi khi lại bị hà, bị sâu nữa, khoai dẻo mềm và ngon. Nhưng tôi không có cảm giác thích như hồi còn bé, ngồi lựa từng cái mềm mềm để ăn, rồi nhẩn nha, chẳng khác gì chú bò gặm cỏ, đôi khi tôi còn mang lên lớp, mang theo mình bất cứ đầu. Những lát khoai khô đã nuôi dưỡng tâm hồn của bố mẹ tôi, của nhiều thế hệ nghèo khổ đi trước, chỉ có khoai độn thêm với gạo cho nhiều để ăn cho đủ no.
Có lẽ chỉ có khi nào tất cả mọi người đều nghèo nàn như nhau, khốn khổ như nhau thì tình thương dành cho nhau mới đủ lớn, cuộc sống mới được yên bình. Bây giờ khác nhiều lắm, đôi khi về quê, tôi lại được dặn là không được đi ra ngoài chơi đêm, vì thanh niên làng rất “bố láo”, chúng nó mà gặp người lạ là chúng nó đánh cho bằng chết. Rồi nghe kể về những vụ hiếp dâm, dọa nạt người già… tôi rùng hết cả người. Làng quê tôi vẫn còn nghèo lắm, đâu có quá nhiều hộ giàu đâu, vậy mà những cái thói hư tật xấu, bản tính ác của trẻ con sao lộ ra nhiều quá vậy. Ngày xưa đâu có thế, đèn đường không có, tôi cùng mấy anh em đi dạo trong đêm tối mù, nói chuyện râm ran, nghe tiếng dế, tiếng ve kêu mùa hạ, những con đom đóm lập lèo trên đồng, dạo ma nhau, gọi tên nhau… tất cả hòa tấu nên một bài ca tuyệt đẹp của tuổi thơ. Thế giới ngày càng hỗn loạn và bản tính con người ngày càng không kiểm soát được, nhưng đến cả ngôi làng nghèo như làng tôi, cách thành phố Đồng Hới hơn 30km, gần con đường Trường Sơn huyền thoại lại trở nên xấu xí như vậy sao?
Dòng sông Nhật lệ vẫn chảy đều qua năm này năm khác, lấy nước từ dãy Trường Sơn, đổ qua nhiều ghềnh thác và chảy đến ngôi làng nghèo Đồng Tư, nó đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của dân tộc, dãy Trường Sơn còn đó thì có lẽ nước sông sẽ không bao giờ cạn, (trừ khi con người, lại muốn cắt đứt đi cái nguồn gốc của mình bằng sự tham lam đến bẽ bàng ai cũng nhận thấy mà không ai có thể làm gì được), nước sông không cạn nhưng tình người sao cứ cạn dần, tôi không quá ích kỉ để đòi lại ngôi làng và những người dân thuần chất mà tôi biết thời thơ ấu, tôi chỉ muốn quê tôi giàu lên, cái tên Đồng Tư không còn bị mỉa mai thành Đồng Rưỡi, tôi chỉ muốn họ giàu con cái, thanh niên trong làng cũng giàu hơn về văn hóa, hiểu hơn về những luân lý thường tình của đạo đức để sao cho vung đất nghèo Quảng Bình quê tôi, của cụ Giáp có được sự minh tuệ của cha ông để vươn lên cùng đất nước.