Tuấn Lalarme

Những người khốn khổ (2012)

Dám chuyển thể một bộ tiểu thuyết đồ sộ và kinh điển đã là một việc của một người gan lớn, lại còn dám chuyển thể thành phim ca nhạc, lấy gần như toàn bộ lời nhạc của vở nhạc kịch vô cùng thành công cùng tên do các ca sĩ chuyên nghiệp hát như Colm Wilkinson, thì lại cả gan hơn nhiều. Tom Hooper không dừng lại ở đó, toàn bộ diễn viên được thu hát trực tiếp, những diễn viên của Hollywood chuyên đóng các vai diễn bom tấn trên màn ảnh như Hugh Jackman, Anna Hathaway…, họ hát nhạc kịch bằng giọng của họ với một cái tai nghe nhỏ đeo tron tai để nghe được nhịp điệu, và họ diễn xuất trong một tác phẩm điện ảnh. Chắc hẳn ai cũng phải nghi ngờ về sự khả thi của sự liều lĩnh này, mặc dù những diễn viên đấy cũng có tiểu sự liên quan đến âm nhạc, nhiều người đã từng tham gia nhạc kịch. Rõ ràng với sự bạo gan như vậy như chênh vênh của giới phê bình là khó tránh khỏi, nhiều người tán thưởng, nhưng nhiều người khó tính thì khó chịu với sự thô nháp thỉnh thoảng bị vấp trong lời hát.

This film image released by Universal Pictures shows Hugh Jackman as Jean Valjean in a scene from "Les Miserables." (AP Photo/Universal Pictures, Laurie Sparham)

Còn tôi, tôi chỉ ước gì Tom Hopper giữ được ý định ban đầu mà làm ra bản phim dài 4 tiếng, một tác phẩm như Những Người Khốn Khổ phải được những đạo diễn bạo gan như Peter Jackson dám dựa vào từng hơi thở của nguyên tác để mang đến cho những kẻ mê đắm tác phẩm văn học này như tôi được sống lại cái thế kỉ 19 đầy biến động của nước Pháp đấy. Rất tiếc chỉ có gần 3 tiếng, nhưng 3 tiếng đấy là ba tiếng vô cùng cảm xúc, và đáng khen ngợi.
 
Jean Valjean, vì ăn cắp ổ bánh mì cho đứa con chị gái đang bị ốm và đói, mà phải chịu tù khổ sai 19 năm dưới sự cai quản của Javert. Sau 19 năm, Jean Valjean ra tù nhưng vì là tù khổ sai nên dù đi đến đâu kiếm việc làm thì giấy tờ tùy thân luôn tố giác điều đó và không ai nhận, ông hầu như không thể thay đổi cuộc đời mình cho đến khi gặp được “Chúa”, vị cha xứ đầy lòng nhân từ đã tha thứ cho ông tội ăn cắp đồ của mình mà theo lời cha xứ “để mua lại tâm hồn của Jean Valjean”. Từ đó ông hối cải và quyết định trở thành một con người tốt hơn. Ông đổi tên và sau những nỗ lực không ngừng ông trở thành thị trưởng. Nhưng số phận trớ trêu, bóng ma Javert lại săn đuổi ông, đến nhận chức dưới quyền của ngài thị trưởng, nhưng hắn luôn nghi ngờ về thị trưởng giống một người mà hắn từng cai quản đã mất tích. Trong khi đó, trong nhà máy của ông có một cô gái tên Fantine, có một đứa con gái tên Cosette được một người họ hàng là Thenardier nuôi nấng giúp. Bị ganh ghét cô mất việc, để có tiền chu cấp cho con gái, cô phải bán tóc, bán cả răng, rồi ra đường làm gái điểm để kiếm tiền. Jean Valjean biết chuyện hứa sẽ chăm sóc Cosette. Biến cố lại xảy ra với người đàn ông khốn khổ, do lương tâm của mình ông lại trở lại là Jean Valjean ngày trước, đến cứu Cosette, rồi 2 người trốn vào thành Paris, chạy khỏi sự truy đuổi của Javert.
 Lúc này, nước Pháp sau khi Napoleon bị lật đổ, triều đình phong kiến Bourbon lại trở lại nắm quyền lực, những người thanh niên tư sản Paris đứng lên định làm cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, trong đó có Marius – một chàng trai con nhà gia thế nhưng nhiệt huyết với tự do dân chủ cùng tham gia vào nhóm những thanh niên kêu gọi dân chủ đó. Tình cờ gặp Cosette, Marius và Cosette yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên… Jean Valjean với tấm lòng yêu thương con hết mực, một trái tim tốt bụng lại tiếp tục cuộc hành trình của mình trong một thế giới đầy những buồn khổ.
Tom Hopper rất trung thành với nguyên tác văn học, hầu như không có nhưng chi tiết phụ thêm, những tình tiết nằm ngoài tác phẩm, nhưng thực sự là một bản anh hùng ca hoành tráng về xã hội Pháp thế kỉ 19 và về lòng người. Ngay cảnh đầu phim, sự hoành tráng đã làm choáng ngợp người xem, những người tù khổ sai đang phải kéo dây chão để dựng con tàu thủy khổng lồ. “Look down, look Down” tiếng những người tù hát lên trong sự mệt mỏi của con tàu và của ách thống trị phong kiến. Jean Valjean xuất hiện, rồi Javert xuất hiện. Hugh Jackman, rồi Russe Crowe, 2 cái tên đình đám của bộ phim, 2 hình ảnh đại diện cho một bên là lòng người, một bên là luật pháp phong kiến áp đặt lên người khốn khổ. Nhiều người bảo Jean Valjean và Javert là 2 nhân vật đại diện cho thiện và ác. Tôi thì không cho là vậy, Javert chưa bao giờ ác và không bao giờ thực sự là ác, Javert đúng hơn là một người đại diện cho luật, một đứa con tội nghiệp của luật pháp, vô cảm, không bao giờ để những giá trị đạo đức tác động. Hắn từng nói nếu bố mẹ hắn xuất hiện lúc này hắn cũng sẽ cho họ vào tù không do dự (mẹ Javert làm điếm). Javert là vậy, trong sự đáng ghét đáng căm hận, thì hắn lại là một kẻ đáng thương, một người thiếu thốn tình cảm, một kẻ bị đào tạo giống như một cái máy được sản xuất trong cách mạng khoa học kĩ thuật. Có lẽ nhận biết được điều này một cách sâu sắc Tom Hopper đã chọn Russe Crowe vào vai Javert. Nói về diễn xuất thì Russe Crowe là một diễn viên tài năng không còn gì để bàn cãi, nhưng cái bàn cãi đó là Russe là một người có khuôn mặt tròn, đôi mắt rất tình cảm, nhìn thấy ông người ta không thể thấy được cái ác, sự vô cảm, mà luôn thấy một lòng trắc ẩn hiện đâu đó không thể che giấu, điều này vừa là điểm cộng, vừa là điểm trừ của Russe trong vai Javert này, vì sự hiền quá của Russe khiến cho vai diễn của Javert bị nhạt đi nhiều.Quay trở lại bộ phim, khung cảnh chiến đâu trên đường phố của thanh niên tư sản với chế độ phong kiến cũng rất ấn tượng, thể hiện rõ sự chuyển mình mạnh mẽ trong lòng chế độ phong kiến Pháp đang rệu rã trong sự phù phiếm của giàu sang và sự khốn cùng của những người dân thuộc tầng lớp đáy trong xã hội Pháp, những lý tưởng có lẽ là không tưởng lúc đấy trong một xã hội nơi mà chủ nghĩa lãng mạn đang phát triển mạnh mẽ, nhưng đã nêu bật được sự dũng cảm của tuổi trẻ, sự nhanh nhẹn của một thế hệ nhỏ đang ẩn mình như chú bé Gavorche…
 Hugh Jackman và Anna Hathaway là những sự lựa chọn tuyệt vời hoàn toàn xứng đáng cho 2 đề cử Oscar ở các hạng mục khác nhau cho mỗi người. Từ một người tù mạnh mẽ đầy thù hận và bất mãn có thể nâng cả cột buồm, đến một ngài thị trưởng tận tâm với người dân, đầy lòng trắc ẩn và xót xa cho những thân phận nghèo khổ, đến một người cha hết lòng yêu thương con gái, sẵn sàng hy sinh mọi thứ, hy sinh cả bản thân mình để đêm hạnh phúc đến cho con gái, Hugh Jackman đã lột tả được tất cả những cung bậc đó của Jean Valjean, đã làm nổi bật tính cách, đã thực sự hóa thân thành Jean Valjean mà một cậu bé cấp 3, ngồi đọc đến những chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết phải khóc nức nở. Còn Anna Hathaway thì quá tình và quá đời, sự xinh đẹp nổi bật trong cái nhà máy chị làm việc, sự tương phản của sự xinh đẹp và trong trắng với khu ổ chuột nơi đầy gái mại dâm và bọn con buôn tồn tại, và một giọng ca đầy cảm xúc, hát “I Dreamed A Dream” trong sự nghẹn nghèo đến tức thở vì sự lừa dối của người đời, sự tan tành của những giấc mơ thời thiếu nữ: “life has killed the dream I dreamed.”. Đấy chính là điểm mạnh của phim này mà nhạc kịch không có. Cảm xúc của diễn viên qua cử chỉ, ánh mắt, qua cách diễn vô cùng chuyên nghiệp dường như hóa thân hoàn toàn vào nhân vật, thấy được điều đó để hiểu rằng vừa phải diễn xuất vừa diễn thật khó vô cùng, vậy mà vẫn đầy tình cảm, những sự hơi thô của giọng hát không là gì do với cảm xúc dồi dào mà họ mang đến. Tôi quên không nhắc đến Eponine ở đoạn tóm tắt câu chuyện, nhưng thực sự Eponine (Samantha Barks) cũng là một nhân vật ấn tượng khác, ấn tượng hơn Cosette và Marius nhiều, là con gái của 2 kẻ kiếm sống trên sự đau khổ của người khác, hai kẻ ti tiện, bần cùng của xã hội Pháp, vợ chồng Thenardier (người nhận nuôi Cosette hồi nhỏ), Eponine yêu hết mình, hy sinh hết cho tình yêu dành cho Marius, tình yêu của cô là không vị kỷ, là người hy sinh hết để cho người mình yêu được hạnh phúc (một cá tính hơi giống Jean Valjean), những đoạn Eponine hát rất xúc động, đáng thương và yêu vô cùng. (một minh chứng cho việc cha mẹ tệ hại nhưng chưa chắc con đã thành người xấu).
Là phim ca nhạc nên phần nhạc rất quan trọng, lời hát thì không phải bàn vì quá đẹp và sâu sắc, những lời nhạc giàu ý nghĩa, nhiều tính biểu tượng và đầy nhân sinh. Hết bài này đến bài khác, 49 ca khúc hát liên tục trong phim đan xen vào đó là những câu thoại đếm trên đầu ngón tay, nếu nhắm mắt nghe họ hát thì khuyên bạn là nghe lại bản nhạc kịch được dựng kỉ niệm 10 năm vở nhạc kịch ra mắt, nhưng vì bạn xem phim, các ca khúc sẽ đi thẳng vào tâm hồn bạn qua đôi mắt nhìn sự biểu cảm vô cùng của các diễn viên. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa diễn và hát, giữa diễn xuất chuyên nghiệp và giọng hát nghiệp dư. Họ hát thật đấy, hát trực tiếp đấy. họ khóc thật đấy, là Jean Valjean, Fantine, Javert thật đấy. Tin tôi đi, tôi xem và tôi đã khóc, như tôi vẫn khóc cho “những người khốn khổ” trong cuộc đời này.
Exit mobile version