Tuấn Lalarme

Les Miserables – Những người khốn khổ giàu tình người

Lại một lần nữa “Những người khốn khổ” được đưa lên màn ảnh trong một bộ phim ca nhạc với sự tham gia diễn xuất của Anne Hathaway, Hugh Jackman, Russel Crowe,  Henena Bonham Carter,… toàn những cái tên khủng, hứa hẹn sẽ là một chuyển thể thành công của bộ tiểu thuyết lừng danh của Victor Hugo.

“Những người khốn khổ” như một bộ sử thi về cuộc sống của thủ đô Paris vào thế kỉ 19, những thân phận của những tầng lớp thấp cổ bé họng, giới quý tộc Paris, rồi những thành phận cặn bã của xã hội tất cả đã được Victor Hugo ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh và sâu sắc trong hơn 2000 trang của cuốn tiểu thuyết. Có thể nói, đây là cuốn tiểu thuyết tôi yêu thích nhất, tôi say mê, mê mẩn, một cậu nhóc 20 tuổi, đọc và tưởng tượng đến thành phố Paris, đến hệ thống cống ngầm khổng lồ, khuôn mặt mạnh mẽ khắc khổ của Jean Valjean, khuôn mặt nanh ác của Tenardier, khuôn mặt lạnh lùng nghiêm túc đến vô cảm của Javert, khuôn mặt không còn răng, đầu trọc đau thương của Fantine… những khuôn mặt châu Âu trong thời kì trung cổ, những khuôn mặt da trắng trong đầu óc mơ màng của một cậu bé da vàng, hiện lên thành một ước vọng tuyệt đẹp.

Tôi không bao giờ quên cái ngày chủ nhật bố chở tôi đi mua sách, mua hai quyển “Những người khốn khổ” này, bản 2 tập của nhà xuất bản văn học, mỗi quyển dày hơn 1000 trang, lúc đấy tôi thấy sao mà dày thế, so với quyển sách đầu tiên tôi sở hữu “Bông hồng vàng, bình minh mưa” của Pauxtopxki thì dày hơn rất nhiều, 2 bố con đến Nguyễn Xí, tôi hỏi đến cửa hàng thứ 3 thì mới có sách để mua, bố tôi cho tiền, tôi cảm động lắm, vì thực tế cả bố và mẹ tôi đều không khuyến khích tôi đọc sách, vì mẹ luôn sợ tôi nghiện, tôi sẽ chìm đắm trong đấy mà không thể học, vậy mà bố tôi vẫn cho tôi tiền mua, sau khi tôi xin vì không thể chịu nổi việc đọc trích đoạn trong sách giáo khoa. Tôi mừng quýnh, tôi đọc ngấu nghiến, còn đọc đi đọc lại, có những chương tôi đọc đến cả chục lần, nói không ngoa, chương nói về 100 ngày của Napoleon, quyển 3 Marius… hay kinh khủng, có lẽ không bao giờ có thể có quyển sách nào lôi cuốn tôi đến những thân phận khác mãnh liệt như thế, quyển sách như nam châm phát ra từ trường cực mạnh hút hết những ion Fe trong mạch máu của tôi về phía đấy, để tâm trí tôi chìm vào đấy như tàu ngầm chìm trong biển cả vậy.

Là một tiểu thuyết vĩ đại, nên việc chuyển nó thành kịch, thành phim đã trở thành những ước muốn của đạo diễn khắp nơi trên thế giới. Trong đó tôi thích nhất vở nhạc kịch được soạn bởi Claude-Michel Schönberg và bộ phim làm năm 1998 trong đó Liam Neeson đảm nhận vai Jean Valjean, một vai diễn không thể hợp hơn. Vậy là sau hơn 30 năm vở nhạc kịch mang đến thành công trên khắp thế giới, và sau 15 năm bộ phim của Hollywood ra mắt, đạo diễn Tom Hooper đã quyết định mang “Những người khốn khổ” trở lại trong một bộ phim điện ảnh kết hợp nhạc kịch với dàn sao hạng A của Hollywood.

Vì đây là nhạc kịch nên việc chọn diễn viên có thể biểu diễn nhạc là điều vô cùng quan trọng và theo lời đạo diễn Tom Hooper thì thường các diễn viên nam nổi tiếng không chịu thử giọng, nhưng vì đây là một bộ phim ca nhạc diễn viên không chỉ diễn mà còn phải hát nên việc thử giọng là tối quan trọng, và Russel Crowe từng là nhạc sĩ là một sự lựa chọn hợp lý cho vai thanh tra Javert, còn Jackman từng là diễn viên nhạc kịch. Với một bộ phim làm lại từ bộ tiểu thuyết quá vĩ đại như này, thì việc casting diễn viên nữ thật là một trải nghiệm thú vị cho đạo diễn Tom Hooper khi mà gần như tất cả các diễn viên nữ hạng A đều muốn được tham gia phim này đều sẵn sàng đến và thử vai. Và Anne Hathaway được chọn cho vai diễn Fantine, vai mà mẹ của cô đã từng là diễn viên đóng thế cho tour diễn của vở nhạc kịch ở Mỹ. Tom Hooper khi trả lời phỏng vấn đã nói: “Tôi cảm thấy may mắn khi tham gia vào việc tuyển chọn tuyệt vời nhất từng biết, sự tuyển chọn mà đến giờ tôi vẫn không tin, và thậm chí sau khi bấm máy và làm việc với các diến viên, tôi vẫn không tin là mọi chuyện vẫn đang diễn ra tốt đẹp.”

Và Anne Hathaway có lẽ là một sự lựa chọn đúng đắn khi trailer lần đầu xuất hiện khi cô hát ca khúc “I dreamed a dream”, một đoạn khá xúc động mà theo lời kể của Tom Hooper, đoàn làm phim hoàn toàn bị dao động khi quay cảnh đó. Bộ phim sẽ ra mắt vào dịp Giáng Sinh, một bộ phim với những thân phận khốn khổ nhưng mang tính nhân văn sâu sắc. Mới chỉ trailer được tung ra nhưng qua đó đã cho ta thấy tạo hình, giọng hát, ngoại cảnh… mà Tom Hooper sẽ mang đến, nó hoàn toàn ấn tượng, hoàn toàn quyến rũ cho sự chờ đợi bộ phim sẽ là một cú hích lớn nữa cho các tác phẩm kinh điển, những tác phẩm mà việc chuyển thể lên màn ảnh sẽ được sự soi chiếu bởi rất nhiều mối quan tâm từ những độc giả trung thành của tiểu thuyết khắp nơi trên thế giới.

Nếu ai quên Tom Hooper là ai và vì sao ông dám làm bộ phim giàu tính nghệ thuật như này, thì đó là người đã đạo diễn phim The King’s Speech, bộ phim đã đoạt giải Oscar năm 2010.

Exit mobile version