Tuấn Lalarme

No Country for Old Men – Không chốn dung thân

Kịch bản của anh em nhà Coens dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cormac McCarthy. Một câu chuyện tội phạm kinh điển, kinh điển vì nó mang đến một cảm giác như thể chính mình là một nhân vật trong đó với những đe dọa cực kì gần và không thể tránh. Một cơn ác mộng thực sự đi ra từ màn ảnh. Điều đó làm cho bộ phim mang đến một điều hoàn toàn khác so với những bộ phim cùng thể loại. Mỗi cảnh quay, mỗi trường đoạn, mỗi lời thoại đều ẩn giấu trong đó một không khí sợ hãi và đe dọa, nhưng cực kì thông minh trong cách dẫn dắt và từ ngữ được dùng, bộ phim mang đến ấn tượng từ thị giác, cho đến cảm giác, một sự xuyên thấu mọi giác quan để rồi cuối cùng đọng lên một cảm giác vừa trống rỗng, vừa khó có thể nói lên bằng lời.

Bối cảnh phim xảy ra tại một vùng miền tây nước Mỹ, tại đó, một gã thị dân nghèo với nghề hàn cơ khí Llewelyn Moss (Josh Brolin) bỗng nhiên nhặt được một khoản tiền rất lớn của bọn buôn ma túy, sau khi bọn chúng bắn giết lẫn nhau. Moss không báo cảnh sát mà lẳng lặng giữ khoản tiền 2 triệu đô đó cho mình, một gã sát thủ Anton Chigurh (Javier Bardem) được cử đi đến đấy để lấy lại tiền mà ma túy, tuy nhiên hắn trở mặt và cũng muốn tất cả về tay mình. Anton truy lùng dấu vết của Llewelyn, viên cảnh sát trưởng tại vùng đó Ed Tom Bell (Tommy Lee Jones) muốn sống một cuộc sống yên phận với người vợ già vui tính của mình nên luôn tìm cách né tránh những vụ giết người xảy ra trong vùng mà đẩy cho người khác, bên cạnh đó ông cũng đi tìm Llewelyn Moss để hy vọng có thể cứu giúp gã nhà quê đang chạy trốn theo lời nhờ cậy của người vợ hắn ở nhà.

Không có thiện ác, người tốt kẻ xấu, chỉ có bản chất của con người lộ diện. Một sự khai thác bản chất tâm lý để mổ ra những biểu hiện tâm lý bậc thầy. Bộ phim đầy bạo lực, những cảnh bắn giết và truy đuổi dù không đạt ở tốc độ như những bộ phim hành động thông thường khác thể hiện mà nó có một đô sâu tinh tế khiến người xem luôn ở trong trạng thái hồi hộp và căng thẳng, giống như một người đi dây nghiệp dư lần đầu tiên thử thách mình trên một độ cao tương đối, luôn luôn sợ hãi việc trượt chân và chấm hết cuộc đời, đó chính là cảm giác mà anh em nhà Coen đã mang lại được cho người xem bộ phim này. Nhìn tổng thể, bộ phim dường như quá đơn giản và già cỗi, với những nhân vật đã trung niên, một câu chuyện đuổi bắt khá điển hình không thực sự đặc biệt với lòng tham, sự khát máu, lạnh lẽo, nên nếu bảo bộ phim dường như chẳng có gì thì nhiều người sẽ đồng tình, nhưng đó là một sai lầm trong việc thưởng thức đầu óc của một ekip làm phim tuyệt vời. Vì bộ phim này hay ở từng khung hình, từng trường đoạn, vừa khiến người ta ngạt thở, vừa lại vô cùng quyến rũ, giống như một bản nhạc pha trộn của Gothic chậm rãi và Black metal đầy những tiếng trống dồn dập, cái sự dồn dập đến từ sự tĩnh lặng và trầm lắng đến không ngờ, người ta cứ hình dung thấy tiếng trống đấy, tempo được đẩy lên cao hết cỡ nhưng nó vẫn cứ bí bách ở bên trong mà chưa thành một âm thanh cụ thể, để rồi vỡ tung ra bằng máu, bằng những thân phận đã bị tận diệt.

Dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Cormac anh em nhà Coen đã phát triển kịch bản vô cùng khéo léo, mạch phim rõ ràng, mạch lạc, logic và cô đọng. Không có cảnh gì khiến người ta cảm giác bị thừa, không có trường đoạn nào khiến người ta khó hiểu hoặc không làm tăng kịch tính của phim. Đặc biệt là lời thoại, lời thoại tinh tế đến từ những cái đầu thông minh, sự im lặng và lời nói được thể hiện đúng lúc, đúng thời điểm, tạo cảm giác hài hòa, không kịch mà đầy lực hấp dẫn. Đầu tiên những lời thoại đến từ lời kể chuyện qua giọng của viên cảnh sát già Ed ở đầu phim, ở đó là sự hoài cổ về một thời cảnh sát không phải đeo súng. Ở đó Ed cho thấy sự hoài nhớ và trăn trở về cái ác, về cuộc sống, rồi ông kể đến kẻ đã bị ông đưa lên ghế điện, gã mà đối với hắn tội ác là điều hẳn nhiên hắn sẽ làm cho dù hắn có quyền lựa chọn lại. Qua lời kẻ ngắn gọn, mệt mỏi và trầm tư đó của Ed thế giới đã chuyển từ tính thiện sang tính ác, hay thực chất chẳng có cái gì là ác là thiện chỉ có bản chất con người đã để lộ diện mình hơn. Một đoạn kể không thể nào hợp hơn để vào truyện để bắt đầu hành trình đuổi bắt, truy vết của 2 kẻ phạm lỗi, cùng với một gã cảnh sát cầu toàn, bất lực, và đôi phần hèn nhát. Để rồi cuối phim, vẫn ông cảnh sát đấy kể tiếp về giấc mơ của mình, một giấc mơ đầy hoài cổ và buồn bã có những màu sắc của một đứa trẻ luôn cần một cái gì đó để dựa vào trong cuộc đời này. Tommy Lee Jones đã hóa thân vào một trong những vai diễn xuất sắc của mình, khuôn mặt nhăn nhúm vì thời gian, giọng nói ấm và đôi phần mỉa mai, luôn khéo léo lẩn tránh nhiệm vụ phải đối đầu với nguy hiểm, một viên cảnh sát quèn, tại một vùng quê, nơi tội ác không phải là điều xa lạ nhưng hiếm gặp, chỉ có cuộc đời bình yên cạnh người vợ già. Mặc dù là cảnh sát trưởng, nơi đang xảy ra những vụ giết người máu lạnh và ghê tởm nhưng hầu như không có cảnh nào ông ở trong tình huống gặp nguy hiểm, chỉ có một trường đoạn duy nhất ở cuối phim, với cái thở dài nhẹ nhõm như thể trong ông đang tự chửi mình về cái sự bạo gan mà ông đang làm. Tôi không thực sự hiểu cái tựa phim, tôi chỉ nghĩ khi nhìn vào Ed và gã trùm mafia ngồi nhà thuê sát thủ đi tìm giết Chigurh, đó là sự hết thời của những người già cỗi như họ, một thế hệ khác, không trẻ, không già, với những khác biệt hẳn về trong một cuộc sống đã thay đổi quá nhiều. Họ chỉ co cụm trong cái chốn yên bình đó mà không còn vai trò gì trong xã hội mới, trong mạch săn lùng của Chigurh và Moss, dù cho xen vào đó, Chigurh cũng bị Carson Wells (Woody Harrelson) săn đuổi dưới sự chỉ đạo của tên trùm đứng đằng sau số tiền đó.

Nhưng những đoạn thoại ấn tượng nhất đến từ Chigurh, một gã sát nhân không có chút từ bi, và nhân tính nào, ở hắn người ta không nhìn thấy cái thiện hay cái ác, chỉ nhìn thấy một sự xâm chiếm hoàn toàn bởi bản chất tăm tối của con người. Hắn giết người bằng những câu nói đơn giản đến rợn người, nụ cười bẹp dí và bè ra giữa hai làn môi mỏng. Hắn không nói ta đã thấy được một làn sát khí dày đặc và tăm tối bao quanh hắn, nhưng khi hắn nói trong cái giọng nói vô cảm như bỡn cợt của hắn không có sự giả hiệu, đóng kịch, hắn đo giá trị mạng sống bằng đồng xu, bằng vận may của kẻ nào đó lỡ vô phúc mà giáp phải hắn. Chigurh là một điển hình cho một kiểu nhân vật phản diện diễn vai phụ nhưng hoàn toàn lấn át vai diễn chính, một dạng phản diện vừa khiến khán giả sợ hãi, vừa khiến người ta cứ trầm trồ về sự quyến rũ đến nghẹt thở. Chigurh hoàn toàn xứng đáng cùng với The Joker là một trong những nhân vật phản diện quyến rũ nhất mọi thời đại trong điện ảnh. Tôi chưa được đọc tác phẩm văn học, nên tôi luôn luôn nghĩ không hiểu bên trong tác phẩm văn học đấy, liệu McCarthy có tạo được một Chigurh ấn tượng đến mức đó như cách mà Javier đã thể hiện không? Trong đó đoạn thoại của hắn và người đàn ông tội nghiệp bán tạp hóa là một đoạn thoại kinh điển trong điện ảnh, theo tôi là như vậy. Người bán hàng không biết đang nói chuyện với ai, ban đầu còn đùa cợt, nhưng dần dần qua đôi mắt lấn át kẻ đối diện, khuôn mặt tượng trưng cho ác quỷ, giọng điệu cứng và vô cảm hắn dần khiến người đàn ông sợ hãi, luống cuống toát mồ hôi để rồi hắn tự quyết định số mạng của ông già bằng trò tung đồng xu may rủi. Ông già không có quyền lựa chọn việc tham gia hay không, ông chỉ có nhờ sự may mắn của mình để sống hoặc chết. Mức độ tàn nhẫn của Chigurh luôn luôn ở cấp độ tăng dần, không do dự. Javier Bardem dành được Oscar cho vai diễn của mình là điều hoàn toàn đúng. Mái tóc kiểu cổ điển, mượt, dài rẽ sang một bên, khuôn mặt gầy nhiều nếp nhăn, nụ cười luôn bè ra giữa hai làn môi, đôi mắt nhìn xuống, hoàn toàn thể hiện rõ được cái bản chất của Chigurh, một bóng ma, một ác quỷ, một gã sát nhân gan góc, khó tả.

Tôi còn ấn tượng đoạn cuối, khi hắn rời khỏi nhà vợ của Moss, không ai biết hắn có giết cô không, nhưng hắn lại nhìn xuống gót giày, một cử chỉ như bản năng nhưng đã đủ nói lên tất cả. Chigurh truy đuổi Moss một cách chậm rãi và điềm tĩnh, trong một sự tĩnh mịch đến từ những con đường cao tốc, những thành thị nhỏ và buồn của nước Mỹ, nước Mỹ quả thật rộng lớn, nhưng trên những con đường cao tốc đó, ta lại có cảm giác Moss không thể thoát được khỏi sự truy đuổi đó, Chigurh cũng biết vậy, bản năng gã mách bảo chứ không chỉ là cái thiết bị định vị nhỏ có trong va li tiền. Một gã Chigurh như vậy, đến như một sát thủ khác săn lùng và hiểu hắn như Carson Wells cũng không thể làm gì được, liệu một Ed già nua thì làm được gì, Ed dường như thấu cảm được vậy, một kẻ tâm thần giết người bằng một thiết bị nén khí cái mà để lại một vết thương như bị đạn bắn nhưng trong cơ thể lại không tồn tại đầu đạn. Moss cũng biết mình không thể thoát, nhưng khi hộp Pandora mở ra, thì dường như không có ai có đủ quyền lực để đóng nó lại.

Bộ phim mang màu sắc bạo lực nhưng bên trên đó, điều mà bộ phim đã mang đến được cho tôi khi theo dõi. Bộ phim tạo nên được những cá tính nhân vật điển hình, một vai phản diện hấp dẫn, một thế hệ đã già, và quyền lực của đồng tiền mang đến những bất hạnh đáng tiếc. Anh em nhà Coens đã quá khéo léo sắp xếp câu chuyện thành một kịch bản thông minh và hấp dẫn, một bộ phim trầm nhưng lại luôn đủ sức mạnh để kéo người ta ngồi yên chăm chú để xem bước tiếp theo là gì. Và dường như ai cũng có nguyên tắc sống của mình, ngay cả Chigurh cũng vậy: “He has his principles” – Carson Wells đã nói vậy về Chigurh. “Fargo” đã bắt tôi phải viết vài dòng khi tôi còn chưa thực sự hiểu review phim là gì, còn No Country for Old men đã khiến tôi phải viết mặc dù tôi thấy vô cùng khó để kể về một bộ phim tinh tế như vậy.

Facebook Comments Box
Exit mobile version