Tuấn Lalarme

Nồi bánh chưng của ông nội

Năm ngoái tôi nhớ đêm 30 tết âm lịch, tôi đứng rửa bát, bạn tôi thì cặm cụi nấu bữa cơm cúng giao thừa. Tôi vừa rửa vừa khóc, tôi cũng chẳng biết bạn tôi có để ý không hay cô ấy đang chăm chú vào công việc của mình, còn tôi đứng đấy, nhìn những bóng đèn trước mặt, khóc không thành tiếng, rồi thành tiếng. Tôi cứ để ý nghĩ của tôi trôi về những cái tết âm lịch trước đó, khi tôi ở Việt Nam, tôi nhớ nồi bánh chưng của ông nội tôi đêm 28 tết. Những hồi ức ùa về, tôi tủi thân, tôi đang ở xứ sở xa lạ, tôi chẳng biết bao giờ tôi mới được trở về, khi tôi về liệu tôi có còn là thằng nhóc như ngày xưa, thằng cháu đích tôn, ít nói mà ông yêu quý, liệu khi đó người ông già cả ốm yếu của tôi còn sống trên đời?

Tôi chưa bao giờ ăn tết ở quê, tôi chỉ về quê trước tết vài ngày, ở chơi với ông bà nội. Mà thực ra tôi cũng chẳng có chơi gì, chẳng muốn đi ra khỏi căn nhà mái ngói của ông tôi. Tôi nằm ngủ, xem tivi, đọc sách, bóp tay bóp chân cho ông, nghe ông kể chuyện, chạy xuống bếp xem bà nấu cơm, nghe tiếng dép lê của bà kêu ngoài sân và chạy ra hỏi bà đi đâu đấy. Tôi không phải là thằng nhóc đã học đến đại học, sống bằng đam mê của mình nữa. Khi tôi ở quê tôi chỉ là một thằng bé không biết làm gì vì còn quá bé, chẳng ai cho làm gì vì chẳng biết làm gì. Chỉ ở đâu đó hiện diện trong ngôi nhà, như khỏa lấp sự trống trải của người già, thêm một nụ cười tươi trẻ tràn đầy sức sống cho ông bà tôi. Vậy thôi.

Trong những ngày đó, ngày mà tôi chờ mong nhất là khi cái nồi bánh chưng thật là to của ông nội tôi được nhóm lửa ở gian nhà phụ, kê trên những viên gạch, xung quanh đổ đầy trấu, những thanh củi lớn được chuẩn bị sẵn để cho vào tiếp nhiệt cho nồi bánh chưng sẽ được nấu trong vòng 10-12 tiếng. Ông mặc dù đã yếu, đi lại khó khăn nhưng luôn là người kĩ tính, ông bảo bà đi chợ mua loại thịt nào, loại lá nào, ở đâu, ông lo hết, rồi ai là người sẽ làm bánh chưng. Không phải ai ông cũng tin tưởng giao phó. Có hai người bạn ông ít tuổi hơn thường gói bánh cho ông. Nhưng có một năm một người bạn trong hai người đó của ông mất, chỉ còn lại một người cùng làm với chú tôi. Cuộc sống ở nông thôn, mời nhau chén rượu, giúp nhau khi cần, nụ cười luôn rộn rã với sự đùa vui hài hước mà một thằng bé khô khan như tôi không nắm bắt được. Tôi chỉ ngồi cười khi được trêu, say xưa nhìn họ gói bánh, chẳng cần khuôn nhưng cái nào cũng như cái nào, đẹp và đều chằn chặn. Mỗi lần như vậy, tôi đều xin được gói một cái, một cái của tôi, không đẹp đôi khi méo mó nhưng mà tôi thường thưởng thức nó rất nhiệt tình. Tôi vẫn mãi chỉ là đứa trẻ trong căn nhà đó, dưới ánh đèn neon tối buồn, mùi nhang trên bàn thờ thơm bay thoang thoảng trong không khí, ông ngồi khoanh chân trên ghế, dưới sàn nhà hai người bạn ông vừa gói vừa nói chuyện, bà nội ngồi trên giường của ông mắt lim dim lúc nào cũng sẵn sàng ngủ gục, tiếng tivi về chương trình tết mở nhỏ. Thế giới co lại thành những đường biên giới hạn, căn nhà đó, ngay lúc đó là cả thế giới của tôi, không phải chỉ là tuổi thơ, mà cả tuổi vị thành niên, là thanh niên và là một phần của đời tôi.

“Thằng Tuấn nó nướng khoai khéo lắm, chẳng bị cháy vỏ tí nào mà rất vừa chín”. Ông kể với bố tôi như vậy vào ngày 29 tết, ngày mà cả nhà tôi có mặt ở quê ăn bữa cơm tất niên và đón tôi ra lại Hà Nội sau đó. Giọng ông vui vẻ, nụ cười rất duyên, đôi mắt hơi khép lại, những nếp nhăn đã quá nhiều không thể đếm được, ông ít khi cười như vậy. Nụ cười đó của ông, mỗi lần tôi bắt gặp tôi đều thấy thật đẹp, tôi thấy tình cảm của ông tôi đối với mình. Tôi nhìn thấy hình ảnh mình trong ông. Một người ít nói, đầy tình cảm nội tâm nhưng luôn thể hiện sự lạnh lùng và không quan tâm đến người khác. Ông và tôi, hai người đàn ông cách nhau hai thế hệ, có những cuộc “dạo chơi” nho nhỏ như vậy mỗi lần tôi về quê vào dịp tết.

Tôi ngồi bên bếp bánh trưng, lửa cháy rực, thỉnh thoảng tôi vun trấu vào hoặc đổ thêm trấu ra xung quanh để giữ lửa và tập trung nhiệt vào đáy nồi. Khi củi hết tôi lại lấy một thanh củi to nhét vào trong. Tôi vụng về và đầy hứng thú “nghịch” ngọn lửa ấm áp chỉ có mình tôi cai quản. Tôi tự thấy mình giống vị thần Promethe, giữ lửa cho loài người, giữ lửa cho nồi bánh chưng ấm áp của ngày tết. Tôi chạy vào phòng kho lấy vài củ khoai lang, rồi nướng. Một phần lớn tuổi thơ tôi nằm ở Dak Lak, mảnh đất đỏ Bazan hùng vĩ, ở đó tôi cũng thường đi đào khoai lang trong khu vườn của nhà mình, rồi vun lên thành một đống lửa và nướng chúng, đôi khi cả những củ sắn dài và trắng nữa. Nhưng tôi chỉ biết đặt chúng lên ngọn lửa, cho lớp vỏ cháy và ruột khoai chín dần. Tôi để vài củ vào trong bếp lửa bánh chưng đó. Có khi tôi quên mất và cả củ khoai chẳng khác gì một hòn than lớn, còn lại thì đều cháy xém, đầy muội than và rất nóng. Ông tôi chống gậy đi ra sân tiến về chỗ tôi, ông ngồi lên cái ghế tôi đã để sẵn vì biết thể nào ông cũng ra ngồi với tôi sau khi đã ngả lưng cho đỡ mệt. Ông nhìn những củ khoai của tôi và nhìn tôi rồi cười, tay tôi lấm len muội than, miệng đen nhẻm vì những miếng khoai cháy tôi cứ để cả vào miệng.

Giá tôi có thể vẽ được tốt, tôi muốn vẽ lên bức tranh đó, ở gian nhà bên phải, nơi cạnh khu nhà bếp là một chái nhà không có cửa, ở đó trong các góc để đầy các bao tải gạo, trấu, ngô, gần giống một căn nhà kho. Chái nhà được chống bằng ba cột gỗ lớn, tại một góc sát mép sân chung của cả nhà, bếp lửa được dựng ở đó, bên trong mái che, để tránh trường hợp trời mưa xuống. Trời tối, khoảng sân tối om, không gian tối một màu sạm của điện yếu. Chỉ có chái nhà đó bên bếp lửa hai bóng hình một lớn một bé đang ngồi. Người cao lớn hơn dáng hơi gù, gầy yếu, đang ngồi nhìn thằng bé ăn khoai lang nướng. bếp lửa bập phùng hắt hai chiếc bóng lên tường. Một người cười, một người đang nhăn nhó vì nóng. Rồi người đàn ông, nói gì đó với cậu bé, sau đó cậu bé lấy một củ khoai lang sống, vùi vào trong tro chứ không vứt lên lửa dưới những cục than như lúc đầu nữa. Sau khi cho vào theo lời người lớn. Cậu bé ngồi nhìn ngọn lửa, cả hai im lặng một lúc, rồi người đàn ông đó kể một câu chuyện gì đó mà chú bé nghe rất chăm chú. Thời gian như ngừng lại. Hai thế hệ ngồi bên nhau, xung quanh thời gian dừng việc của mình và nhìn ngắm họ, những ánh sao lấp lánh của một tối đông lạnh trên bầu trời đêm. Phải chăng đó là bức tranh đẹp nhất của kí ức về những ngày tết?

Những củ khoai nướng theo cách của ông thật nguyên lành và đẹp, chúng không bị sứt sẹo bởi những phần bị cháy. Chúng chín đều và ấm áp. Ông bày tôi cách nướng như vậy, và rồi hôm sau ông khen tôi khéo nướng khoai với đôi mắt thật ấm áp, nụ cười thật hạnh phúc. Tôi đâu có biết làm nếu ông không bày tôi như vậy. Có lẽ ông nhìn thấy ở tôi tuổi thơ của ông chăng?

Tôi lớn lên, trưởng thành tôi vẫn đi về vào những ngày giáp tết như thế, vẫn nướng khoai và đợi ông nội tôi ra ăn cùng. Tiếng chiếc ba toong của ông lịch kịch trên sân, bà nội tôi đang nằm ngủ trên ghế, dáng bà nhỏ bé, gầy gò trông thật tội nghiệp. Chỉ còn ông và tôi thức để canh bếp lửa. Hai bóng trên tường không còn một to và một nhỏ nữa, tôi đã trưởng thành, thân thể tôi đã lớn hơn người ông ốm yếu của mình. Thời gian vẫn đang làm nhiệm vụ vô tình của nó, chúng chỉ dừng lại vào những khoảng khắc trên bếp lửa đó mỗi năm vài giờ đồng hồ để nhìn ngắm ông cháu tôi, còn lại nó vẫn đi về phía trước đầy tuyến tính và lạnh lùng, kéo cái lưng gù của bà tôi xuống hơn nữa, để dáng đi của ông chậm hơn và mệt mỏi hơn, để tôi chìm vào suy nghĩ nhiều hơn và nhạy cảm hơn. Ông hỏi tôi có bạn gái chưa? Ông bảo tôi khi nào cháu yêu thì cháu cứ theo tình yêu của cháu chứ đừng nghe lời mẹ. Mẹ thì lúc nào cũng muốn tốt cho mình nhưng đôi khi họ không hiểu mình muốn gì. Ông bảo bà mày dạo này hay đi chùa, chẳng chịu ở nhà mấy, nên ông toàn phải ở nhà một mình. Ông bảo tay ông đau nhưng mỗi lần cháu bóp tay cho thì đỡ lắm, thấy máu huyết lưu thông hơn hẳn. Ông bảo tết này mày ở nhà ăn tết với ông đi….

Tôi chưa bao giờ chịu ở lại ăn tết ở quê. Mỗi lần tôi đi lên Hà Nội vào ngày 29 lại thấy mắt ông buồn, tôi chào ông, ông như đang nghĩ đi đâu đó không để ý rồi giật mình “à, cháu đi nhé, rảnh lại về ông chơi”. Tôi là kẻ thích chui rúc một mình mình thôi, nhưng tôi lại không chịu được cuộc sống ở quê, nó không đủ ồn ào để tôi hét vào đó mà không ai nghe thấy, tôi muốn ra Hà Nội của tôi, trốn vào cái nơi thị phi đó, không ai quan tâm đến ai, tôi tìm lại được nơi dành cho mình. Tôi thương ông mà tôi lại ích kỉ quá. Nhưng thôi nói những chuyện như vậy chỉ tổ buồn não.

Tôi quay về với nồi bánh trưng của mình vào tối hôm trước. Thường thì khoảng 10h tối bánh sẽ chín sau khi đun khoảng 10 tiếng. Lúc đó chú rể cùng hai đứa con chú nhà gần đấy sẽ đến để giúp lấy bánh ra. Nắp nồi mở, nồi bánh chưng nghi ngút khói. Nước đã gần cạn, chú đổ nước lạnh vào đó cho bánh nguội bớt, rồi dần dần lấy từng cái bánh ra. Những cái bánh xanh màu lá, lạt mềm buộc chặt tinh tế và đơn giản. Tôi lúc nào cũng như lúc nào háo hức lăng xăng giúp chú, lấy bánh, xếp gọn lại. Ông tôi bảo làm thế này, làm thế kia. Thật vui, tôi cùng hai đứa con của chú sau khi lấy được hết bánh ra, bắt đầu cắt thử một cái ăn, tất nhiên lúc này thì bánh vẫn còn ướt chưa săn lại nên ăn sẽ không ngon bằng để sang hôm sau. Nhưng ai mà chờ được. Cái bánh đầu tiên là cái bánh của thành quả lao động mà một đứa trẻ như tôi thấy mình cũng có phần trong đó và đòi được thưởng thức. Lớp nếp ở ngoài xanh thật đẹp, bao quanh lớp nếp trắng bên trong, nhân đậu xanh cùng một miếng thịt mỡ lợn béo ngậy. Đấy là miếng bánh ngon nhất tôi được ăn trong cả dip tết. Tôi ăn trọn vẹn và thưởng thức đầy đủ. Mọi người thì bình luận bánh thế nào, nhân ra sao, thịt chất lượng có như mọi năm không? Còn tôi chỉ có ăn và khen.

3 năm rồi tôi không được ăn bánh chưng ông làm và sắp đến năm thứ 4. Tôi đã bỏ lỡ mất 4 nồi bánh, cơ số củ khoai để nướng và những câu chuyện ông kể bên bếp lửa như vậy. Ông bảo, năm nay ông làm ít thôi, bà yếu rồi nên cũng không đi chợ mua nhiều đồ được. Mày không chịu về ăn tết rồi năm sau ông chết mất đấy. Tôi cười và bảo cháu còn phải ngồi nấu bánh với ông thêm nhiều năm nữa, ông yên tâm. Liệu có được không nhỉ? Nếu bảo tôi đã quá lớn để còn làm những điều đó thì không phải? Đối với tôi, khi tôi nghĩ đến nồi bánh trưng đó tôi vẫn luôn thấy mình là một đứa trẻ, hau háu nghe những câu chuyện của ông, ngờ nghệch nướng những củ khoai đến cháy đen, và ăn ngon lành miếng bánh trưng vẫn còn ướt khi vừa ra lò. Vì ở thời điểm đó thời gian đã dừng lại, như thằng bé Oscar dừng mình ở 3 tuổi, tôi dừng tôi lại khi ngồi bên bếp lửa ở cái tuổi vị thành niên đó.

Đôi khi tôi nghĩ sao tôi xa nhà quá, xa cái tết mà tôi vô cùng yêu quý mỗi độ năm mới. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nhà cũng không xa lắm đâu, chỉ cần mình luôn nghĩ về, luôn biết mình là ai, luôn có những hoài niệm đẹp, là đủ. Khi đó tôi cảm thấy vị tết đầy ắp cơ thể mình. Bữa cơm ấm áp cúng ông Công ông Táo, rồi bữa cơm giao thừa, mùi nhang, bình hoa tươi mới. Những giai điệu nhạc vui tươi. Vậy đấy, thế thì ở đâu cũng có tết thôi, tết ở bên trong tâm hồn mình, tâm hồn của một người con dù lông bông đến cùng trời cuối đất thì khi đến dịp đặc biệt luôn biết cách hướng về nguồn cội.

Exit mobile version