Một mùa Oscar nữa đã xong, những cá nhân nổi tiếng nhất của điện ảnh thế giới đã khoe mình trên thảm đỏ tại nhà hát Dolby ở Hollywood, những bộ cánh đẹp nhất của các nhà thiết kế danh tiếng, một ngày hội có một không hai khi mà những người hâm mộ điện ảnh được chiêm ngưỡng họ tại cùng một thời điểm, với những nụ cười rạng rỡ, những khuôn mặt quen thuộc, và những giọng nói đã đi vào lòng người qua các vai diễn. Tất cả những giải thưởng đã có chủ, những cái tên được xướng lên trong sự vỡ òa hạnh phúc vì đơi mong, một chút thoáng buồn vì giải vuột khỏi tay, tất cả những cung bậc cảm xúc đấy của một buổi lễ trang trọng, vinh danh tất cả những cá nhân đã đóng góp cho điện ảnh Mỹ và thế giới, những khoảng lặng của sự tưởng niệm, của sự vinh danh, của những cống hiến hết mình được ghi nhận. Chính vì vậy, dù những giải được trao không phải giải nào cũng nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của người hâm mộ, nhưng xét chung thì buổi lễ đã hoàn toàn thành công. Tuy nhiên, như tôi đã nói, mọi giải thưởng đều luôn luôn có một chút gợn, một chút hơi thật vọng và không hài lòng. Tôi đã có vài cảm giác như vậy về những tượng vàng được trao.
Năm nay có 9 phim được đề cử giải Oscar, may mắn là tôi đã được xem cả 9 phim, vì vậy, cái nhìn của tôi về bộ phim đoạt giải phim xuất sắc nhất – Argo trong tổng thể của những bộ phim khác khá rõ ràng. Phải nói Argo là một phim hay, nhưng trong một kì Oscar có quá nhiều phim hay thì một bộ phim hay không có nghĩa nó là hay nhất. Trong 9 phim thì hai phim kém hay nhất là Life of Pi và Argo. Life of Pi của Lý An, so với tác phẩm văn học gốc mà tôi đã quá yêu mến, thì thực sự cái vị Lý An tạo ra cứ nhàn nhạt, giống như tôi ăn một món canh cá ngon nhưng vị cá hơi tanh, hơi nhạt thành ra xem xong, thấy nó đẹp, thấy Lý An cũng dụng tâm lồng những ý nghĩa mà tiểu thuyết mang lại vào trong phim, nhưng cứ thấy thiếu thiếu, không đủ, chính vì cái cảm giác hơi hợt mà bộ phim mang lại khiến cho tôi không thích phim của Lý An, và cái giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất mà ông nhận tôi không phục, tôi không đồng tình. Tất nhiên, tiểu thuyết Life of Pi thuộc dạng tiểu thuyết không thể chuyển thể thành phim, nhưng Lý An làm được, và tạo một hiệu ứng nhất định thì quả đáng nể. Nhưng tôi không cho là vậy, và chính vì những trải nghiệm mang nặng tính suy tưởng và cuốn sách mang lại, khiến những trải nghiệm giàu hình ảnh của đạo diễn người Đài Loan không thể vào sâu được trong tâm hồn tôi.
Argo thì tôi xem đến 2 lần, một lần đi xem rạp nhưng do vừa làm việc quá mệt nên vào xem mà ngủ mất một đoạn, đến mấy hôm trước lễ trao giải Oscar bắt đầu thì tôi mới có dịp xem lại, và thật đúng như cái cảm nhận của lần đầu tiên, một bộ phim motip cổ điển của một người hùng Mỹ cứu người dân của mình. Dựa theo một câu chuyện có thật về việc giải cứu con tin là các cán bộ ngoại giao bị bắt tại Iran của CIA, Ben Affleck đã hoàn thành tốt việc tạo dựng lại không gian, bối cảnh, màu sắc của bối cảnh những năm 80, xung đột giữa chính quyền Mỹ, và Iran về chính trị. Bộ phim mang nặng màu sắc chính trị, và giải thưởng cũng khiến cho người ta cảm giác được cái quân bài chính trị đứng sau khi mà ngay tại thời điểm hiện tại thì xung đột giữa Mỹ và Iran vẫn không hề dừng lại. Tôi cảm giác, bộ phim được giải như là để kích thích cái chủ nghĩa dân tộc ở người Mỹ, và nêu cao tinh thần anh hùng của người Mỹ hơn là vì nó mang tính nghệ thuật cao. Nếu xét về yếu tố chính trị của phim thì tôi vẫn thích bộ phim Zero Dark Thirty hơn, bộ phim mô tả lại quá trình truy bắt Obama Bin Laden từ sau vụ 11/9. Sau 11 năm theo đuổi, truy tìm, với những khủng hoảng nội bộ, sự hy sinh của đồng nghiệp, Maya (Jessica Chastain) vẫn kiên trì và mạnh mẽ truy tìm đến cùng, có lẽ sau The Hurt Locker, các vị ở viện hàn lâm không muốn lại tiếp tục vinh danh lần thứ 2 người đàn bà cứng rắn Kathryn Bigelow.
Trong 9 bộ phim đấy thì Beasts Of The Southern Wild (Benh Zeitlin) là bộ phim tôi có cảm tình nhất. Một bộ phim độc lập kinh phí thấp, nhưng cái tư tưởng của nó thì rất đương đại. Đó là sự biến đổi khí hậu, sự quy thuận và tàn phá tự nhiên của con người, với nhân vật chính là một cô bé 9 tuổi (Quvenzhané Wallis) sống với cha. Tự nhiên và con người được lột tả với những nét khắc nghiệt của cuộc sống. Xã hội văn minh đưa con người vào những khuôn khổ của những luân lý và lòng tham. Và một xã hội khác, nhỏ hơn, sống tự do, nghèo khổ, phóng khoáng… Khi mới xem phim này xong, tôi đã nghĩ phim này phải được giải, tự nhiên đang là vấn đề quá nóng của xã hội hậu hiện đại, con người đang buông tuồng theo lòng tham không đáy phá hủy hết mọi quy luật của cuộc sống, tự nhiên bị tàn phá, thiên nhiên nổi giận, con người bấp bênh trong cuộc sống của chính mình. Nhưng có lẽ vấn đề của tự nhiên vẫn chưa sẵn sàng được tiếp nhận. Và một đề cử cho phim hay nhất, và diễn viên chính xuất sắc nhất (cô bé Wallis – diễn viên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử được đề cử ở hạng mục này) cũng là một thành công không nhỏ.
Giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Jennifer Lawrence với phim hài lãng mạn The Silver Linings Playbook. Nếu không kể đến có một chút tiếc cho nữ diễn viên Emmanuelle Riva trong phim Amour vì bà đã rất già, thì giải này không hề nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Jennnifer Lawrence đến với tôi từ phim Winter’s Bone (Debra Granik) cách đây 3 năm, và trong phim đó cô bé sinh năm 90 này đã hoàn toàn chinh phục tôi, một vai diễn đầy góc cạnh được thể hiện quá tốt, một đề cử đã được xướng tên cô, và đến năm nay, vẫn cái đề cử đấy đã trở thành giải thưởng một cách đầy thuyết phục. Trong The Silver Linings Playbook, Lawrence một lần nữa thể hiện một vai diễn phức tạp, một phụ nữ góa bụa, có những bất ổn về tâm lý, về đời sống tình dục, yêu và cố gắng giúp đỡ Pat (Bradley Cooper) vừa mới ra tù, đang tìm cách quay lại với người vợ đã lừa dối mình. Một mối tình kì quặc, một câu chuyện của hai kẻ điên yêu nhau. Đã lâu lắm rồi tôi không xem phim hài lãng mạn, vì thực sự tôi nghĩ, chuyện lãng mạn trên đời này thì nhiều và hay thật, nhưng để dựng thành phim sợ rằng sẽ lại xáo mòn, và thường phim hài lãng mạn không thuyết phục tôi lắm. Nhưng ở đây không chỉ phim thuyết phục tôi, và cô bé Jennifer cũng hoàn toàn thuyết phục tôi, nhưng phim này khó đoạt giải, vì cái thể loại cảm giác như nó chỉ để giải trí đơn thuần hơn là gắn với một tiêu trí nào đó một cách hàn lâm. Nhưng Bradley Cooper mặc dù đã thoát khỏi những hình ảnh hài hước, đẹp trai sát gái bình thường mà vào vai một anh chàng hâm dở, tính cách phức tạp thì cũng không thể thắng được diễn viên gạo cội Daniel Day Lewis, một sự lựa chọn không thể khác. Lincoln là một vai diễn tầm vóc của một diễn viên lớn, một sức diễn mạnh mẽ, trong danh sách đề của thì tôi thấy có Joaquin Phoenix và Hugh Jackman còn có thể gần đạt được một chất lượng diễn xuất tương tự. Đặc biệt là Joaquin, có lẽ đây là vai diễn tốt nhất của anh cho đến thời điểm này, kể cả vai diễn Johnny Cash trong phim Walk The Line (James Mangold), và Hugh Jackman cũng không thua kém nhiều, Jean Valjean là một vai diễn phức tạp. Nhưng trên tất cả Daniel Day Lewis diễn mà như không diễn, như thể anh chính là Lincoln ở kiếp trước, rất hoàn thiện.
Jennifer Lawrence – Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (The Silver Linings Playbook)
Quentin Tarantino lại tất nhiên được giải kịch bản gốc xuất sắc nhất với kịch bản bộ phim do ông đạo diễn Django Unchained, không ngoài dự đoán, câu chuyện vô cùng thú vị trong Django với một phong cách phim “Spagetti Wesstern” mang lại cho những người yêu thích điện ảnh một tác phẩm giàu chất điện ảnh, âm nhạc xuất sắc, diễn xuất tuyệt vời, và câu chuyện đầy mê hoặc. Chẳng thế mà lần thứ 2 xuất hiện trong phim của Quentin, Christoph Waltz lại dành thêm một giải diễn viên phụ xuất sắc nữa. Vai diễn viên nha sĩ King Schultz đi săn tiền thưởng giúp Django đi cứu vợ mình vừa duyên dáng, vừa thú vị, vừa tưng tửng hài hước, vừa phớt đời, đúng kiểu một lãng tử già sống đôi khi có vẻ rất vô tâm nhưng lại nhiều tình nghĩa. Nhưng phim này thì nhất định không thể đoạt giải phim hay nhất vì tính bạo lực đẫm máu của nó. Thiết nghĩ đó là điều không nên được cổ súy bằng giải thưởng, với cả vốn dĩ Quentin Tarantino vốn không có duyên với giải Oscar hạng mục đạo diễn và phim truyện. Còn một phim nữa tôi cũng rất thích là Les Miserables phóng tác thành phiên bản điện ảnh từ phiên bản nhạc kịch được dựng dựa theo theo tiểu thuyết cùng tên của Victor Hugo, phim này gây nhiều tranh cãi trong giới phê bình, ngay cả bản thân người xem cũng có hai luồng ý kiến, một bên thì ủng hộ một bên thì hoàn toàn coi bộ phim là sự thất bại. Vì nhiều lẽ mà bộ phim này không thể đoạt giải Oscar, nhưng quan trọng nhất đó là sự vấp của những diễn viên khi vừa diễn xuất vừa hát, lại là những diễn viên nghiệp dư trong nghiệp hát (dù có đôi chút trong tiểu sự liên quan đến âm nhạc), chính vì vậy bộ phim không làm tròn vai là một tác phẩm duy mĩ về điện ảnh, bộ phim được yêu mến nói đúng hơn là đến từ cảm xúc, đến từ những sự thổn thức theo hành trình nhân vật, và câu chuyện đẹp của chủ nghĩa lãng mạn pha hiện thực xã hội của Victor Hugo. Chính vì cái cảm xúc đó lại nâng tầm Anne Hathaway, một tượng vàng Oscar là một cái kết có hậu cho Fantine, “I Dreamed A Dream” đã lấy nước mắt khán giả, và chạm được vào chiều sâu của tính nhân bản.
Chán nhất là cái giải phim hoạt hình, chẳng thể nào hiểu nổi vì sao Brave lại đoạt giải. Nói thật là giờ tôi không nhớ phim đấy như thế nào ngoài việc hình dung được tạo hình của cô công chúa tóc xù. Tôi cũng không có cảm tình đặc biệt với Frankenweenie, ParaNorman, hay The Pirates (phim này chưa xem), nhưng Brave chắc chắn không thể bằng Wreck-it Raph. Brave là một câu chuyện cổ tích có phần cũ, cổ điển. Còn Wreck-it Raph là một câu chuyện rất thú vị và độc đáo, giống như những đồ chơi trong Toy Story, đến một ngày những nhân vật trong các trò chơi điện tử truyền thống không còn được sử dụng nữa, thì những nhân vật ấy sẽ ra sao? Và phải chăng bị gán cho là người xấu thì sẽ không bao giờ trở thành tốt? Thú vị lắm thay, nhưng tiếc lắm thay là các vị hàn lâm viện lại chọn Brave. Năm nay có 2 phim không được gì, The Hobbit của Peter Jackson, và The Dark Knight Rises của Christopher Nolan. Tôi nhắc đến 2 phim này vì 2 phim này đều làm tôi rất thích, tôi thực sự hứng khởi khi được xem những bộ phim tôi coi là đỉnh cao đấy, nhưng có lẽ để đạt được như cách Peter Jackson làm The Lord Of The Rings, còn Nolan thì vốn vẫn vô duyên với các giải thưởng hàn lâm này.
Tổng kết lại, tôi không thích giải phim cho Argo, phải đạo diễn cho Lý An, và giải hoạt hình cho Brave, còn lại thì hoàn toàn phù hợp, những nữ diễn viên trẻ đẹp, tương lại diễn xuất còn sáng lạn, và những nam diễn viên gạo cội, những vai diễn gai góc, những chân dung đầy cá tính và riêng biệt. Dù cho tôi không thích hay thích thì đây là một mùa Oscar tôi nghĩ là thành công, và năm 2012 là một năm thành công cho giới làm phim, và những người đam mê điện ảnh vì những tác phẩm mang tính duy mĩ cao, và tính giải trí cũng được chú trọng một cách sâu sắc. Liên hoan phim Cannes lại sắp đến, những bộ phim đậm chất nghệ thuật sẽ được trình chiếu ở đây, và nếu có thể, tôi sẽ xuống thành phố Cannes đầy nắng và hương biển để được chìm vào 1 trong những liên hoan phim danh giá của thế giới. Ở Pháp đến năm thứ 3 nhưng lần nào đến dịp đấy tôi đều bỏ lỡ vì nhiều chuyện.
Tổng kết lại giải thưởng của tất cả các hạng mục:
Best Supporting Actor: Christoph Waltz (Django Unchained)
Animated Short Film: Paperman
Animated Feature: Brave
Cinematography: Life of Pi
Visual Effects: Life of Pi
Costume Design: Anna Karenina
Makeup and Hairstyling: Les Misérables
Live Action Short: Curfew
Documentary Short: Inocente
Documentary Feature: Searching for Sugarman
Foreign Language Film: Amour
Sound Mixing: Les Misérables
Sound Editing: Zero Dark Thirty & Skyfall
Supporting Actress: Anne Hathaway (Les Misérables)
Film Editing: Argo
Production Design: Lincoln
Original Score: Life of Pi
Original Song: Adele – Skyfall
Adapted Screenplay: Argo
Original Screenplay: Django Unchained
Best Director: Ang Lee (Life of Pi)
Leading Actress: Jennifer Lawrence (Silver Linings Playbook)
Leading Actor: Daniel Day Lewis (Lincoln)
Best Picture: Argo