Phantom Thread tiếp tục chứng kiến màn hoá thân xuất sắc của Daniel, cũng như khả năng chỉ đạo tuyệt vời của Paul Thomas Anderson với tư cách là một trong những đạo diễn xuất sắc đương đại.
Phim lấy bối cảnh những năm 50 của thế kỷ XX, thời mà phong cách thời trang của tầng lớp thượng lưu đang trên đà chuyển mình, với những thiết kế vượt thời đại của Christian Dior, Coco Chanel, Cristóbal Balenciaga, những người được gọi chung là couturier. Couturier là từ dùng để chỉ những người thiết kế và thực hiện những bộ cánh thời trang thời thượng nhất, thường được đặt hàng bởi tầng lớp quý tộc, có khi là cả công chúa, hoàng hậu. Reynolds Woodcock do Daniel Day-Lewis hoá thân là một nhân vật như vậy. Ông là một couturier thứ thiệt với sự kỹ lưỡng, chăm chút từng chi tiết đến mức ám ảnh trong công việc (nhân vật này được lấy cảm hứng từ Cristóbal Balenciaga, người được chính nhà thiết kế nổi tiếng Christian Dior gọi là “the master of us all”). Phantom Thread mổ xẻ cuộc sống riêng tư và chuyện tình cảm kỳ quái của ông cùng người tình Alma (Vicky Krieps) dưới sự chứng kiến của người chị gái Cyril Woodcock (Lesley Manville).
Ngay từ cảnh phim đầu tiên, Daniel Day-Lewis đã thuyết phục khán giả hoàn toàn với vai Reynolds Woodcock. Từng động tác chải tóc, mặc áo, mang giày của ông đều được thực hiện với phong thái mềm mại của một người cả đời cầm kim chỉ. Ngoài thời gian làm việc, Reynolds có những mối quan hệ rất ngắn ngủi với một chuỗi các người tình, và tất cả đều kết thúc bằng việc Cyril cho họ một chiếc đầm do Reynolds may riêng và tống khứ họ ra khỏi nhà. Sau một cuộc tình như vậy, Reynolds về vùng quê và phải lòng một cô gái hầu bàn – Alma. Ngay từ cái nhìn đầu tiên của hai người ta đã biết Alma sẽ là người tình tiếp theo của Reynolds. Bầu không khí đặc quánh sự thèm muốn được cụ thể hóa bằng cách mà Reynolds gọi thức ăn sáng nhưng cứ như muốn ngấu nghiến Alma. Ngay sau đó, Reynolds đi ăn tối cùng Alma, tâm sự cùng cô rồi cho cô làm người mẫu để may riêng một bộ váy, và tất nhiên ngủ cùng cô, như đã làm với bao nhiêu người tình trước đây.
Tuy nhiên tất cả những điều đó không làm cho ông bớt khó chịu với cô trong bữa ăn sáng ngay ngày hôm sau. Sự khác biệt giữa hai người bắt đầu lộ ra và ngày càng chối mắt, khi những cử chỉ, hành động của Alma vẫn cực kỳ vụng về, trái hẳn với phong thái mềm mại, nhẹ nhàng của Reynolds và Cyril. Reynolds để ý kĩ mọi điều, ông dùng những lời lẽ cực kỳ khó nghe để chỉ trích Alma ngay giữa bữa sáng và bỏ đi. Nhưng họ vẫn yêu nhau.
Alma và Reynolds khác nhau về mọi thứ, xuất thân, sở thích, tính tình, tuổi tác, cách đối xử với mọi người, có vẻ thứ duy nhất kết nối họ là sự ham muốn. Thế nhưng thứ quan trọng nhất trong một mối quan hệ đâu phải chỉ có vậy, đó còn là những giá trị sống mà cả hai người xem trọng, những điều mà họ sẽ chiến đấu để bảo vệ. Và chính điều đó đã là một sợi chỉ vô hình gắn kết cả hai, cho cả hai thấy những giá trị đáng trân trọng từ người kia để tình yêu được duy trì giữa rất nhiều khác biệt về tính cách.
Phantom Thread là một cuộc đấu tranh giành quyền lực trong tình yêu giữa Alma và Reynolds. Alma, không như những tình nhân trước đây của Reynolds, không hề chịu thua kém ông và quyết tâm tìm cách hiểu ông theo cách riêng của mình, dù Cyril, người sống chung với ông từ nhỏ đến lớn đã khuyên rằng đây là một ý tồi. Tuy nhiên, dù cô có cố gắng đến mấy, Reynolds vẫn là người nắm dao bằng cán, một người như Reynolds rõ ràng đang có một cuộc sống đúng theo ý ông muốn, và ông chỉ muốn tìm một người tình có thể ráp vừa vặn vào cuộc đời mình chứ không phải một người thách thức ông phải thay đổi, phải trưởng thành hơn như Alma. Và tất nhiên, ta rất ít khi thấy Alma giành được quyền lực từ tay Reynolds, ngoại trừ lúc ông ngã bệnh ở giữa phim, chính thời gian chăm sóc Reynolds đã cho Alma một ý tưởng khác thường để làm ông yêu cô hơn, bằng mọi giá. Đây là lúc mà bộ phim làm ta choáng váng với những tình tiết không ai ngờ được như một màn ảo thuật, bằng những chiêu lừa đánh lạc hướng ta từ đầu phim, để sau đó lộ ra màn chính là một tình yêu không bình thường, sự chịu đựng như sắp bùng nổ của Reynolds và sự tự nguyện nhường lại quyền lực trong tình yêu của Reynolds cho Alma, cùng một trong những cảnh gây lạnh sống lưng nhất màn ảnh năm nay, với những cái liếc mắt đầy ẩn ý của Reynolds và ánh mắt sắc như dao cạo của Alma.
Không thể nhắc tới mối quan hệ của Alma và Reynolds mà không nhắc tới Cyril, chị gái của Reynolds, khi mà bà luôn xuất hiện trong trong mọi phân cảnh riêng tư của hai người, từ buổi ăn sáng, ăn tối, hẹn hò cho đến lúc lấy số đo cơ thể của Alma, và trong mọi cảnh, bà đều để lại một ấn tượng rằng bà mới là người quan trọng nhất với Reynolds, chứ không phải là một người tình nào khác. Có thể nói, dù nhân vật chính của phim là Reynolds và Alma nhưng Cyril mới là thế lực lớn nhất của nhà Woodcock. Bà là biểu tượng của nữ quyền, đồng thời là nhân vật hay nhất phim. Bối cảnh phim là giữa những năm 50 của thế kỷ XX, lúc mà phong trào nữ quyền vẫn còn sơ khởi và cuộc sống của phụ nữ vẫn còn bị bó buộc bởi những định kiến được đặt ra bởi đàn ông, điển hình là cách Reynolds đối xử với tất cả những người tình của ông. Dù vậy, Cyril vẫn sống theo cách riêng của mình, dù Reynolds là người đứng đằng sau những thiết kế nổi tiếng của nhà Woodcock, Cyril mới là người điều hành, làm mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ điều động đội ngũ thợ may cho đến lịch sự mời người tình của ông ra khỏi nhà, khi ông đã chán họ. Cuộc đời của bà đã hoàn chỉnh với công việc quản lý nhà Woodcock và mối quan hệ chị em với Reynolds mà không cần một người nào khác. Bà là người duy nhất được chỉ trích Reynolds, chỉ ra những điều nhảm nhí mà ông làm, Cyril được vào phòng Reynolds vào bất cứ lúc nào mà chẳng cần gõ cửa, nhưng ông lại nổi cáu với Alma khi cô làm điều tương tự. Mối quan hệ giữa Reynolds và Cyril được tóm lại bằng cách ông gọi bà là “My so-and-so”, một từ thường dùng để gọi những người mà ta không biết gọi là gì, cứ như đối với ông, bà còn hơn cả một người chị, một người bạn thân, mà là một người ông có thể hoàn toàn tin tưởng, và với một người như Reynolds, điều đó mang ý nghĩa rất lớn.
Hình ảnh và âm thanh trong phim luôn phối hợp với nhau một cách hoàn hảo, với tiếng nhạc ráo riết, gấp rút khi Reynolds và Alma ham muốn nhau, mỉa mai, châm biếm khi Barbara Rose xuất hiện, những tiếng động chói tai gai óc khi Alma ăn sáng, và đặc biệt là sự lạnh gáy ở cảnh cuối phim. Những bộ váy trong phim đều rất đẹp, rất thời thượng và phù hợp với bối cảnh phim, tuy nhiên nếu thật lòng mà nói, những thiết kế của Reynolds trong phim không thể so sánh với những bộ váy mà những nhà thiết kế thời trang trong thời đại đó đã thiết kế, đặc biệt là của Balenciaga, với những nét chấm phá đi trước thời đại, tạo ra cả một làn sóng thời trang đi theo vết chân ông.
Ta có thể coi bộ phim là một character study (có thể dùng để dạy ở trường về cách xây dựng nhân vật) của ba nhân vật Reynolds, Alma và Cyril. Và một tác phẩm như vậy thì không thể nhắc tới những diễn viên tài năng đã hóa thân hoàn hảo vào ba vai diễn để đời này. Daniel Day-Lewis hoàn toàn xứng đáng với đề cử Oscar thứ bảy trong sự nghiệp với vai Reynolds Woodcock, và có thể đây sẽ là lần thứ tư ông đoạt giải dành cho nam diễn viên xuất sắc nhất, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu và sẽ là chương kết hoàn hảo cho sự nghiệp lẫy lừng của ông. Lối diễn method acting của ông đã và đang chứng minh rằng nhập tâm vào vai diễn, vào vai mọi lúc mọi nơi, kể cả khi không ở phim trường là cách tốt nhất để hoàn thành vai diễn đó. Cảnh lần đầu Reynolds gặp Alma cũng là lần đầu tiên Daniel Day-Lewis và Vicky Krieps gặp nhau ngoài đời thực, như yêu cầu của Daniel, và phản ứng của hai người là phản ứng chân thực của hai người bạn diễn và cũng là của hai nhân vật. Vicky Krieps hoàn thành xuất sắc vai Alma với sự ngại ngùng trong lần đầu chạm mặt Reynolds, sự quyết tâm lúc tranh luận với ông, và sự lạnh lùng khi sử dụng thủ đoạn. Nhưng nhân vật gây bất ngờ nhất phim là Cyril Woodcock của Lesley Manville, với phong thái của một người nắm giữ mọi mối chỉ trong nhà Woodcock, cách đối xử lịch sự trung tính với Alma, nhưng vẫn là một người đầy tình cảm khi bênh vực cho cô trước những lời chỉ trích của Reynolds . Đề cử Oscar cho bà là hoàn toàn xứng đáng khi mà chỉ có bà là có thể chiếm được sự chú ý của khán giả trong những cảnh phim có Daniel Day-Lewis xuất hiện.
Tình yêu là chủ đề muôn thuở trong các tác phẩm nghệ thuật, tuy nhiên cốt lõi của tình yêu là gì thì chắc chẳng ai hiểu được. Liệu có thể tồn tại tình yêu giữa những người có quá nhiều khác biệt, khi mà gần như mỗi người nói một ngôn ngữ khác nhau? Trong tình yêu, liệu việc ai nắm nhiều quyền lực hơn có quan trọng? Lỡ như đối với người bạn yêu bạn không phải là số một, mà lại một người khác? Và nếu người đó lúc nào cũng xuất hiện trong những buổi hẹn của hai người? Đó có phải là tình yêu nếu một trong hai người dùng biện pháp “không chính thống” để giữ tình yêu của người kia? Và cuối cùng, nếu cả hai người đồng ý thì cái biện pháp không chính thống kia có trở nên đúng? Mối quan hệ đó có thể gọi là tình yêu hay không? Phantom Thread đã phơi bày tình yêu và tất cả những sự thật trần trụi phía sau cho ta, và ẩn đằng sau tác phẩm đầy tinh tế, ma mị này là những mối chỉ dẫn ta đến câu trả lời cho những câu hỏi trên. Những câu trả lời đó có thể đúng với Reynolds và Alma, nhưng mỗi người trong chúng ta cần xem xét kỹ và vạch ra giới hạn, sau đó rút ra câu trả lời của riêng mình về bản chất của tình yêu.