Tuấn Lalarme

Rosetta – Bạn có thực sự yêu cuộc đời này?

Trong chúng ta ai cũng từng có những giây phút tuyệt vọng, sự tuyệt vọng kéo cả thân hình ta sụp xuống, khiến tâm hồn ta vỡ vụn, những lúc đó nếu như ta không đủ sức lực tự thân để chiến đấu, thì chỉ có cái chết mới giúp ta. Có những sự tuyệt vọng đến từ trong chính bản thể mình, nó ấm ức dai dẳng, đeo bám không vì nguyên do cụ thể nào, nó gắn liền với tâm lý, tình cảm tự sinh của bản thân ta. Có những nỗi tuyệt vọng đến từ bên ngoài, từ cuộc đời, như thể ta đang ở trong một căn phòng không lối thoát, mà ở đó các bức tường đang khép dần lại, ta vô vọng, không thể tìm được đường ra, cuộc đời giết ta như vậy. Rosetta của hai đạo diễn Jean-Pierre Dardenne, Luc Dardenne chính là một ví dụ điển hình của nỗi tuyệt vọng do cuộc đời tàn nhẫn ép cô phải sống.

Là một cô gái mạnh mẽ, kiêu hãnh một cách dữ dội, nhưng rất thảm thương, Rosetta (Émilie Dequenne) sống cùng mẹ trong một xe van được đỗ trong công viên cắm trại tại một thành phố của Bỉ. Mẹ là một kẻ nghiện rượu, bị gã gác cổng công viên lợi dụng mua rượu cho hòng tìm kiếm chút nhục dục cho mình. Rosetta căm ghét lão, và vô cùng khó chịu với mẹ mình, gần như lúc nào cũng trốn chạy khỏi con gái, để cô lại một mình, vật lộn với cuộc sống của chính mình. Rosetta chỉ có một mong muốn kiếm được một công việc, cô làm mọi cách để có được việc, những cách mà không đụng chạm đến lòng tự trọng của cô về sự khốn cùng.

Bộ phim được mở đầu bằng góc quay cận cảnh, camera cầm tay, Rosetta đang chạy, cô vừa chạy vửa hét lên với người chịu trách nhiệm ở đó vì sao cô bị đuổi việc, vì sao cô đã làm tốt mà lại đuổi việc cô, trong giọng nói là sự giận dữ, tiếng thổn thức, và nỗi buồn khổ không thể mô tả. Rồi cô cũng phải chấp nhận tình huống của mình, cô lên xe bus, đi đến một bìa công viên, cô vào trong công viên, nơi có một đường ống cống bỏ hoang, cô thay bằng đôi ủng, rồi chạy về phía nơi ở của mình. Cả cuộc đời Rosetta là chạy, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm việc, chạy đi bán áo quần mẹ sửa lại từ đồ cũ, chạy đuổi theo người mẹ bệ rạc nghiện rượu mà đánh mất hết tự trọng của chính mình. Cô không hề giống như những cô gái đồng trang lứa, ở tuổi mơ mộng, tìm chàng trai nào đó để yêu, đọc những câu chuyện tình có cánh. Rosetta nằm ngoài tất cả sự hưởng thụ đó của tuổi trẻ. ở cô chị có duy nhất sự tồn tại là hiện hữu, sự tồn tại của một sinh vật sống, đang tìm kiếm “đồng cỏ” cho mình.

Kiêu hãnh đến mức cực đoan, cô không chấp nhận chịu ơn ai, không chấp nhận xin của ai, cũng không chấp nhận có những công việc tạm thời, tất cả những gì cô muốn là một công việc lâu dài ổn định. Nhưng cuộc đời có vẻ quá khó khăn với một cô bé vốn có lẽ chưa bao giờ có cuộc sống êm đềm Rosetta, cô vật lộn, tìm được việc rồi bị cho nghỉ, cô điên cuồng dùng bạo lực để thể hiện khao khát được làm việc của mình. Những cảnh quay đó luôn gây ra một hiệu ứng mạnh mẽ và kì cục về một thân phận người nhỏ bé, đơn đọc và đáng thương hại. Tôi đặc biệt ấn tượng với cameraman, dùng cách cầm tay, những khung hình rung chạy theo nhân vật, luôn để gần sát nhân vật cho ta cảm giác được chiều sâu bên trong tâm hồn cô đang vụn vỡ dần như thế nào. Một thân thể phụ nữ yếu đuối, trong tiết trời lạnh mùa đông, phải dùng bạo lực với cả thế giới, cả với mẹ của mình để sinh tồn, quả thực quá sức chịu đựng của con người.

Như tôi đã nói, cô luôn chạy, cô không đi cổng chính, mà đi ra khỏi nhà bằng cách chui qua hàng rào, cô giống như con chuột chũi, đào đào đất quanh khu nhà để tìm giun, câu trộm cá bằng phương tiện thủ công mà cô tự tạo. Tất cả chỉ để tìm kiếm thức ăn, khi bắt được cá bé cô thả đi, bắt được cá lớn thì lại vội vã sợ hãi bị bắt quả tang mà cũng vứt đi mất. Cái gì chạm đến cô rồi cũng tuột đi. Ta vừa mừng cho cô thì ngay sau đó ta lại đổ sụp mắt xuống vì xót xa. Trong một lần cô đi mua Gauffle – 1 loại bánh của Bỉ, cô quen một người bạn mới, một anh chàng tầm lứa tuổi cô đang đứng bán bánh. Riquet (Fabrizio Rongione) thích cô, và có lẽ cô cũng thích anh, nhưng đối với cô, sự thích như vậy là điều xa vời và không thực tế. Họ chơi với nhau, đó là những cảnh yên bình hiếm hoi cho Rosetta, để rồi cô lại vật lộn đi kiếm việc. Riquet giúp cô tìm được việc ở chỗ ông chủ anh, nhưng rồi cô lại bị đuổi như thể cô cuộc đời không muốn cô yên ổn. Cô thực sự mong muốn được làm ở vị trí của Riquet đến nỗi, khi anh ngã xuống sông, cô đã thú nhận cô từng có ý nghĩ không cứu anh thoát khỏi đó. Ý trí của Rosetta quá lớn hay bản năng sinh tồn của cô thực sự mạnh? Tôi sẽ để dành cho các bạn câu trả lời ở cuối phim, để bạn thấy Rosetta có thực có bản năng sinh tồn quá mạnh hay cô chỉ là một cô gái yếu đuối, đang bị bốn bức tường của cuộc đời ngày càng siết chặt lại, ép cô vào đường cùng.

Có một đặc điểm đặc biệt là phim không có âm nhạc. Thứ âm nhạc duy nhất phát ra là tiếng chơi trống của Riquet, rất đáng chán và nghiệp dư nhưng nó thể hiện sự chân thật, đơn giản của một người đàn ông đang mong muốn giúp đỡ một cô gái. Không âm nhạc, bộ phim càng trở nên trần trụi, thô ráp và buồn bã. không cầu kì phô trương, bộ phim cho ta cảm giác về ngay chính bản thân nó cũng nằm ở đâu đó rất nhỏ bé trong thế giới điện ảnh, nó giống như một hạt vàng mà nếu ta không để ý kĩ ta sẽ khó có thể thấy được chẳng thế mà khi bộ phim được xướng tên là bộ phim xuất sắc nhất liên hoan phim Cannes 1999, và vai diễn nữ cũng dành giải thưởng cá nhân cho mình là nữ diễn viên xuất sắc nhất, nó đã gây ra khá nhiều bất ngờ nằm ngoài mong đợi. Bộ phim chợt gợi tôi nhớ đến 4 months, 3 weeks, 2 days (Cristian Mungiu) của điện ảnh Roumani vào năm 2007, nó không liên quan nhau về mặt câu chuyện, nhưng nó liên quan đến cách kể chuyện, đến sự giản dị nhưng mang đến ấn tượng sâu sắc, về những góc máy trần trụi, ngạt thở khiến cho ta cảm giác, bộ phim này nếu không có những hiệu ứng tuyệt vời từ bối cảnh và góc quay thì nó không thể đạt được cảm xúc như nó đã mang lại cho khán giả.

Tôi đôi khi cũng thấy tuyệt vọng, nhưng cái tuyệt vọng của tôi tự nhiên nhỏ bé trước những nỗi tuyệt vọng của Rosetta, hay của Otilia (nhân vật trong 4 months, 3 weeks, 2 days, người đã vì bạn mình mà bị gã bác sĩ lợi dụng). Chính vì vậy, tôi luôn nghĩ, những bộ phim tuyệt vọng như này, có ý nghĩa thật lớn cho người xem, nó khiến ta hiểu cuộc đời hơn, khiến ta sẵn sàng hơn, và khiến ta tự nhìn lại bản thân mà đánh giá đúng vị trí của mình, để từ đó, ta gạn lọc cho mình, những gì xứng đáng và không xứng đáng để ta phải vô vọng về đời sống. Có ai đó hỏi tên trên ask.fm như này: Nhiều lúc em nghe mn nói: cứ ngồi xem phim nó ù lì, trì trệ bản thân. Anh thì sao? Tôi đã trả lời khá dài dòng: “Quan trọng là cách xem và cách chúng ta tiếp thu nó vào người thôi. Nhiều người xem phim đơn thuần giải trí, xem cho vui giết thời gian… còn phần khác thì xem phim vì phim không chỉ là phim, phim là đời, 1 truyện phim được thể hiện nếu e đủ tinh ý em sẽ thấy ta đã tiếp thu vào mình một mảnh đời. Càng tiếp thu nhiều, ta càng hiểu cuộc sống hơn. Nên ai bảo xem phim là nhồi 1 chỗ và ù lì trì trệ thì họ đơn thuần chỉ là những người thuộc phần kia, xem để cho não nghỉ ngơi, chứ không phải xem để não vận động và tư duy siêu hình về chiều sâu của đời sống.” đáng lẽ tôi chỉ cần nói rằng, “xem những phim như Rosetta đi, liệu ta có ù lì được không khi nhìn thấy một số phận luôn chiến đấu với cuộc sống như vậy.”

Một phim khác rất hay của anh em đạo diễn Dardenne: Two Days, One Night

Exit mobile version