“Người khôn ngoan học được nhiều từ kẻ thù của mình hơn là kẻ ngốc học được từ bạn bè”. Niki Lauda ( Daniel Brühl) tay đua xe công thức 1 (F1) người Áo, đã nói như vậy với chính đối thủ của mình James Hunt ( Chris Hemsworth), tay đua người Anh, kẻ canh tranh trực tiếp chức vô địch vào năm 1976 với Niki. Rush được đạo diễn bởi Ron Howard là một bộ phim tiểu sử về hai nhân vật chính đó, hai kẻ thù, hai đối thủ, hai tính cách để qua đó hai chân dung nhân vật được dựng lên một cách vừa đối lập, lại vừa mang lại cho chúng ta một trải nghiêm tuyệt vời về ý nghĩa của cuộc sống, của đam mê và lòng nhiệt huyết qua Tốc độ.
Phim tiểu sử luôn có một nét quyến rũ đặc trưng, vì nó mang đến những cá thể có thật ngoài đời, với những cá tính mạnh mẽ và độc đáo với cuộc đời đầy những khúc quanh và vòng ngoặt đầy mê hoặc. Được nâng lên bởi một kịch bản giàu tính điện ảnh, phim tiểu sử trở thành một một bản nhạc với tiết tấu nhẹ nhàng và chậm rãi ban đầu, để tăng nhịp cho sự mạnh mẽ và dồn dập ở đằng sau nơi kịch tính được đẩy cao, và nơi thân phân thật sự của sự tồn tại được biểu đạt. Ron Howard đi theo một motip khá thông thường của nhiều bộ phim tiểu sử khác. Giới thiệu ban đầu về nhân vật cần nói đến, Niki Lauda và James Hunt, hai tay đua gặp nhau ở giải nhỏ Công Thức 3, nơi mà ngay lập tức họ trở thành 2 kẻ thù vì bản tính và cách sống khác hẳn nhau. Một phần cuộc đời họ được Ron Howard mô tả, về gia đình về lối sinh hoạt, James Hunt là một tay chơi thứ thiệt, với vẻ ngoài điển trai, sống từng ngày như thể sẽ chết vào ngày mai, còn Niki Lauda là một người kỉ luật, tham vọng, luôn có kế hoạch và chiến lược cho bước tiếp theo của mình. Họ gặp lại nhau tại giải đua Công Thức 1 năm 1976, và sự có mặt của họ đã khiến cho giải đua năm đó trở thành kinh điển.
Mở đầu phim, qua giọng kể của Niki Lauda, chân dung của những người tham gia đua xe F1 được hiện ta mà điển hình ở đây là James Hunt, anh miêu tả F1 là nơi tham dự của những kẻ ngông cuồng, điên loạn và mơ mộng, nơi mà mỗi năm 2 trong số 25 tay đua tham gia sẽ chết vì tốc độ. Qua nhân vật James Hunt, điều đó đã được chứng minh một cách hoàn hảo, ranh giới của con người bình thường và sự ngông cuồng thách thức số phận, giữa sự mơ màng về vinh quanh tột cùng khi chiến thằng thần chết và chiến thắng những tay đua khác và sự lo lắng của người thân và của tận sâu bên trong mình. Ron Howard với kịch bản được viết bởi Peter Morgan đã làm được điều đó. James Hunt không tính toán, anh chỉ đơn giản là được ngồi vào vô lăng, thỏa mãn đam mê với tốc độ của mình, tìm cách tiếp cận được vinh quang tột cùng trên bục người chiến thắng. Tham vọng là điều gì đó xa vời, anh giành chiến thắng không phải vì tham vọng mà đơn giản là để đạt được ước mơ của mình, để được tung hô và thể hiện được cái bản ngã của mình, không hơn, không kém. Anh sẵn sàng đánh đổi mạng sống để thắng. Và khi thắng rồi là đủ, là ước mơ đã thành sự thật, là không còn ham muốn, là nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống.
Tập trung phần lớn bộ phim vào khoảng thời gian năm 1976, trên những đường đua đa dang khắp nơi trên thế giới, chân dung của Niki thuộc đội Ferrari ngày càng rõ nét với sự tham vọng, tính toán, kỉ luật và khó chịu. Đối với anh ngoài việc bản thân phải có những điều mà anh đã nhận xét ở trên về F1, anh còn nói rằng mỗi cuộc đua tỉ lệ đi đến cái chết là 20%, và khi anh tham gia một cuộc đua anh phải đảm bảo con số chỉ là 20% không mạo hiểm hơn bất kì phần trăm nào nữa. Khi anh tập hợp một cuộc họp mong bỏ phiếu hủy bỏ chặng đua tại Đức vì đường đua quá nguy hiểm trong thời tiết không được như ý, nó đã thể hiện rõ rệt nhất con người của Niki: không có ai thích, không ai ủng hộ, luôn luôn độc lập một mình với sự cố chấp và tính kỉ luật cao đến mức gây nhàm chán và khó chịu cho bất kì ai tiếp xúc với anh, tất nhiên ngoài người vợ của mình. Và khi anh chỉ quay lại đường đua sau 42 ngày điều trị vì một tai nạn khủng khiếp tại chặng đua nước Đức đó, nó lại nêu bật được ý trí khủng khiếp của một người không chấp nhận thất bại, một kẻ vị kỉ không thể chấp nhận khi thấy Hunt đang bám đuổi và sắp tiệm cận mức điểm của mình trên bảng xếp hạng. Một tính cách vừa khiến người ta ngưỡng mộ nể trọng, lại vừa khiến người ta cảm thấy có chút gì đó lấn cấn vì sự không bao giờ thỏa hiệp với tính ương ngạnh của mình.
Hai chàng trai trẻ, ganh và ghét nhau tại giải nhỏ công thức 3, trở thành hai nhà vô địch (Niki đã vô địch tại giải đua năm 1975). Họ gọi nhau là nhà vô địch, họ gọi nhau là “thằng khốn” nhưng họ không đấm nhau như những kẻ thù nhìn nhau là không thể chịu nổi. Họ sòng phẳng, ganh nhau tại nơi tham vọng của họ được biểu hiện, chiến thắng của họ được ghi nhận. Họ cạnh khóe mỉa mai nhau, và trong những câu nói của họ với nhau giống như họ đang bảo vệ cách sống của mình và dạy cho kẻ thù sao cho thế nào là sống. Họ đều biết rằng chẳng ai nghe lời ai. James Hunt vẫn mãi là một tay chơi, chơi hết mình mà không cần biết ngày mai đến đâu. Một chức vô địch trong một đời là quá đủ cho anh. Ngược lại, Niki chọn cách ngủ sớm, dậy sớm, lập kế hoạch, hiểu biết một cách hoàn hảo chiếc xe mà mình lại, thứ mà mình sử dụng, đua xe là sự nghiệp chứ không còn là cuộc chơi của những tay đua đầy đam mê với tốc độ và sự thử thách bản thân. Một người đi đường thẳng, còn một người để mặc dòng đời cuốn đi, ai có một cuộc sống đáng ngưỡng mộ hơn ai, không ai có thể trả lời được. Niki với người vợ hiền lành, luôn lo lắng cho chồng, sau khi cưới anh đã bảo vợ mình “Hạnh phúc là kẻ thù, nó làm ta cảm thấy yếu đối, làm ta nghi ngại. Đột nhiên, ta có thứ gì đó để mất.”. Hay Hunt với cô vợ người mẫu (Olivia Wilde) mà anh không thực lòng muốn cưới vì bản thân anh không muốn thay đổi, để rồi ly dị, rồi lao vào vòng xoáy của rượu, sex…. Có lẽ vì Hunt không có gì để mất. Ron Howard và kịch bản của mình không phán xét ai, vì tựa chung, mỗi người có quyền lựa chọn cho mình cách sống sao cho mình cảm thấy là chính mình nhất. Có lẽ ai cũng sẽ chọn James làm nhân vật ưu thích của mình, chứ không phải một người cứng nhắc, cục cằn, chống lại xã hội và luôn nói những lời khó nghe như Lauda, nhưng điều đó không thể nào không khiến bạn trong cả bộ phim có đôi chút cảm tình với Lauda.
Chris Hemsworth trong sự thất bại thể hiện mình ở nhân vật Thor trong bộ phim về siêu anh hùng cùng tên, đã thực sự lột xác và hoàn thành rất tốt vai diễn này với vẻ ngoài điển trai, nụ cười quyến rũ và luôn nở rộng như thể nhìn đời lúc nào cũng đẹp và tràn đầy niềm vui trong bất kì hoàn cảnh nào. Anh đã chứng tỏ mình không chỉ là một diễn viên thích hợp với một dòng phim hành động bom tấn không quá cầu kì về mặt nội tâm nhân vật. Từ Goodbye Lenin, sự trở lại của Daniel Brühl trong bộ phim này thật đáng chú ý. Với giọng Anh của một người Áo, khuôn mặt hiếm khi cười, sẵn sàng gọi chiếc Ferrari là “đống cứt” trước mặt ban quản lý, một chân dung Lauda hiện ra mới đầy những tiêu cực và sự thù địch, nhưng không kém phần thu hút, một đối thủ xứng đáng trong cuộc đời James Hunt và ngược lại.
Tất nhiên bộ phim không tránh khỏi đôi khi làm quá để tăng kịch tính khiến nhịp phim đột nhiên chững lại vì một cảm giác dàn dựng trong một câu chuyện tiểu sử. Nhưng Ron Howard luôn là một cái tên an toàn, phim của ông luôn đạt được mức độ đáng xem nhất định, mang lại cảm xúc cũng như sự suy ngẫm trong câu chuyện mà ông muốn kể. Rush cũng vậy, Howard mang đến sự kịch tính và mức độ giải trí vừa phải cho người xem, tuy nhiên bộ phim cũng không thiếu tính nghệ thuật điều mà giới hâm mộ điện ảnh đòi hỏi để chiêm nghiệm và tìm ra được sự thích thú trong suốt hơn hai tiếng ngồi trước màn ảnh để thưởng thức.