Tuấn Lalarme

Split – Động lực của con người luôn là sự bất hạnh

Mấy năm về trước, ở thời kỳ đầu của Facebook Group, có một group đến nay đã không còn tồn tại tên là Unhappy People. Cũng như vô vàn group tự phát sinh ra chẳng vì một mục đích cụ thể, nó không có hoạt động gì cả, chỉ là một nhúm người tự thừa nhận mình bất hạnh bằng cách ghi tên tham dự. Nhưng có một ai đó đã post vào trong group một câu đại ý:

“Động lực của loài người là những kẻ bất hạnh, những kẻ hạnh phúc luôn luôn là bọn cản trở sự vận động tiến lên của lịch sử”

Và bộ phim Split (2017, M. Night. Shyamalan) đã tổng kết lại bằng một câu ngắn gọn và giản dị hơn nhiều:

“The broken are the more evolved”

Và cách dùng từ cũng chính xác tuyệt vời, vì thật khó mà tìm ra trên đời một ai đó hoàn toàn bất hạnh hay hạnh phúc 100%, nhưng đích thực tồn tại một loại người: The Broken – những kẻ mà cuộc đời đã bị huỷ hoại theo cách này hay cách khác. Cả người tốt và kẻ xấu trong Split đều thuộc loại người này. Trong đó Kevin / The Horde / The Beast có thể coi là kẻ đứng ở đầu cuối của giống loài thảm hại này, nơi hắn đã hoàn toàn đón nhận lấy cái tăm tối nhất của nhân tính, và cũng từ đó tiến hoá về sinh học để trở thành một cá thể siêu đẳng. Tôi nghĩ rằng hình ảnh The Beast chính là sự ước lệ của các chứng rối loạn tâm thần, phần tăm tối và cũng là cái chứng minh sự phức tạp kinh khủng của bộ não con người, đến từ các tác giả kịch bản. Bóng tối, thực sự mạnh kinh khủng. Và James McAvoy đã hoàn thành công việc của mình cho vai Kevin một cách đáng khâm phục, không cần phải so sánh với bất kỳ ai khác.

Split rõ ràng là một bold movie, thoả mãn, nhưng điều hay ho nhất lại là sự tiết lộ ở cuối cùng: Split có cùng một vũ trụ với bộ phim từ năm 2001 của Shyamalan: Unbreakable, khi Bruce Willis xuất hiện và nói về nhân vật của Samuel L. Jackson. Trong tất cả các phim của anh đạo diễn gốc Ấn trước Split, tôi luôn thích Unbreakable nhất, ngay từ lần đầu tiên xem nó ở cái thủa còn chưa biết điện ảnh là cái gì. Giá trị của Unbreakable chính là cách tiếp cận thể loại hết sức out-of-the-box, khi bắt đầu xem ta tưởng như đây là một bộ phim tâm lý gia đình kiểu indie thì đến giữa phim mới té ngửa ra đây là một bộ phim superheroes.

Shyamalan điều khiển câu chuyện giữ được độ sâu về tâm lý cho đến cuối, đi đến cùng một cách xử lý thể loại vô tiền khoáng hậu. Split với tư cách là một sequel/spin-off vẫn giữ đúng được phong cách ấy: ban đầu ta tưởng đâu đây chỉ là một phim psychology thriller với đầy đủ các yếu tố đặc trưng (nạn nhân tóc nâu, gái tóc vàng, gái da màu, thủ phạm, người già thông thái, phòng giam kín…), mãi cho đến cuối mới biết là phim về supervillians, và mọi thứ được đạo diễn triển khai toàn vẹn về kể chuyện. Chính điều đó làm cho Unbreakable và Split thật hoàn hảo khi đứng cạnh nhau, mở ra một vũ trụ điện ảnh về siêu anh hùng cực kỳ hiện thực, và phải xem cả hai mới cảm nhận được hết vóc dáng vũ trụ này. Lẽ tất nhiên khi ta đã có hai phần phim thế này, thì rất nhiều người bao gồm cả Shyamalan, Willis, Jackson đều hi vọng về (ít nhất) một trilogy.

Và với thành công về doanh thu của Split, gần như chắc chắn chúng ta sẽ có một tập phim kết nối Split (Chia Tách) và Unbreakable (Không Thể Phá Vỡ), nơi hai anh hói trọc bất khả bại ở hai đầu sáng tối phải đối đầu (tên khéo lại là Nokia Connecting People không chừng). Điều tôi hi vọng là ở tập 3, Shyamalan vẫn sẽ giữ được phong cách tiếp cận thể loại này, nghĩa là một phim siêu anh hùng mở đầu giống như một thể loại phim khác. Bởi vì nếu, tập thứ 3 trở thành một phim superheroes/supervillians toàn tòng chuẩn mực thì mặc dù cũng OK thôi, nhưng chắc chắn nó sẽ không trọn vẹn một trải nghiệm điện ảnh.

P.S: Nhân tiện giới thiệu một phim siêu anh hùng hết sức khác biệt và đáng xem tên là The Sword Bearer (2006) của điện ảnh Nga, hãy xem nếu bạn có thời gian.

Nguyễn Hữu Tuấn

Exit mobile version