Thỉnh thoảng lại xuất hiện những ý nghĩ ngớ ngẩn, so sánh ngơ ngơ trong đầu, tự nhiên nhảy ra chen ngang suy nghĩ như thế đang ngồi quạt mát lại mất điện thế là tắt luôn dòng suy nghĩ kia lục đục chạy đi tìm cách làm mát mình. Ví dụ đang mải suy nghĩ đến việc làm thế nào để có cốc cafe mà không phải đi ra ngoài đường thì đột nhiên thằng Android và thằng iOS vào cãi nhau trong đầu. Thằng Android nói thằng iOS giống như Thiên Chúa Giáo độc tài là thứ tôn giáo độc thần, chỉ có duy nhất trên đời Thiên Chúa mà không công nhận bất cứ vị chúa quyền năng nào khác cũng như đã dùng iOS thì chỉ có thể sử dụng phần mềm của thằng Apple mà thôi, làm gì có thằng nào khác dám động vào. Android hỏi tại sao mày lại quá đáng thế, không chịu mở để mọi người cùng phát triển cho công nghệ ngày càng lớn mạnh hơn, iOS bảo rằng, dùng tao thì phải tin tao như chúa nói “phúc cho ai không thấy mà tin”, khi nào đã tin tao rồi thì các người dùng, tín đồ, con chiên sẽ mãi mãi tuân phục, chiếm lòng tin là chiếm tất cả mà lại. Còn Android như đạo Phật vậy, ai cũng có thể thành Phật, có hàng trăm nhà sản xuất có thể dùng hệ điều hành Android, có thể dùng nó không phải suy nghĩ….. Nhưng tất nhiên chỉ để dòng suy nghĩ trôi đến đấy vì nghĩ tiếp thể nào cũng thấy so sánh khập khiễng và quá nhiều lỗ hổng, tốt nhất là dừng ở đấy là được. Hay như đang căm hận vụ chùa Trăm Gian bị sự Ngu và Tham tàn phá không thương tiếc, lửa hận dâng trào, chỉ mong sao có cõi Tu La thật để trừng phạt những con người đã nhẫn tâm làm thế, thì thấy tự nhiên một tia nghĩ khác ngoi lên trong đầu, bất chợt, chẳng liên quan lắm, có liên quan nhưng chỉ về mặt biểu hiện chứ không liên quan đến tính chất, đó là tại sao thầy Thích Tâm Mẫn đi cả quãng đường từ chùa Hoằng Pháp ra đến gần hết miền trung thì bình an, không ồn ào, nhưng ra đến miền bắc cái là bao nhiêu chuyện xung quanh thầy làm chuyến đi phát nguyện tự nhiên mất đi bao nhiêu ý nghĩa, phải chăng người miền bắc chuộng hình thức, sống ích kỉ, tham lam nên kéo theo bao nhiêu hệ lụy mà tệ nhất là làm liên lụy đến cả thầy, giờ thì vàng thau lẫn lộn, Phật giáo nhân từ cung bị vạ lây.
Làm con người có lẽ cái mệt nhất là phải suy nghĩ quá nhiều. Với những người suy nghĩ để tìm ra đáp án của một công việc được giao, một khúc mắt chưa tìm được nút gỡ thì còn đỡ vì thể nào cũng tìm ra lời giải và khi đó cái sự nhẹ nhõm vô cùng nó đến làm rỗng dạ dày và người ta gạt được suy nghĩ đi. Còn với những kẻ sống một cuộc đời mơ mộng thì cực hơn nhiều, những chuỗi suy nghĩ bất tận, mông lung, không đầu không cuối, đến bật chợt, đi bất chợt như sương mù, như mây có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu không báo trước và khi đó kẻ đó như đang bồng bềnh trong mây phủ không biết trước mặt có vách núi nào không, dưới kia là mặt biển hay mặt dất “how much longer till I hit the ground”. Kẻ đó cứ trôi vậy, bất định, và nếu kiếp trước gieo cái nhân tử tế thì có lẽ may mắn thì không bị đâm đầu vào đá, còn nếu kiếp trước gieo nhân xấu thì cái quả gặt được của một kẻ mộng mơ là điều tệ hại khó nói trước được. Một kẻ mơ mộng thường là kẻ không có đức tin vào tôn giáo mà không có đức tin thì đến khi Amagedon diễn ra còn lâu mới được phán xét được vào đất Chúa và cũng vậy một kẻ mông mơ thì tâm không thể yên, đầu không thể tịnh, không bao giờ thoát được chữ Si, không thể có trí tuệ, không thể khai mở cái vô minh, mãi mãi chỉ tiệm cận với chữ Vô Thường, không bao giờ đến được với cực lạc. Một kẻ như vậy chỉ có thứ tôn giáo duy nhất để tin vào, thứ tôn giáo thờ phụng bản ngã, thứ tôn giáo mà chính bản thân mình vừa là Chúa, Phật, vừa là giáo sĩ, tu sĩ, vừa là con chiên, Phật tử. Thứ tôn giáo tôn bản thân lên trên hết thảy, tôn giáo của ích kỉ, cô độc, bản năng và nửa vời. Chính vì vậy nên kẻ đó mãi mãi sẽ cứ độc hành độc bộ trên đường đời, tự làm khổ mình như một kẻ khổ tu, tự trừng phạt mình, tự hy sinh mình, tự làm mình yếu đuối. Một kẻ như vậy thường không bao giờ hối tiếc nhưng luôn luôn hoài nhớ, luôn đủ mạnh để bỏ qua nhưng không bao giờ quên, một kẻ như vậy có thể khuyên mọi người hãy theo ý tưởng Carpe Diem, nhưng không bao giờ theo nó, một kẻ Nostagia, một người thích hình ảnh Bồ đề Lạt Ma với chiếc giầy mắc trên cậy gậy đi khắp thế gian, một kẻ muốn chết trong tự nhiên hoang sơ nhất nhưng muốn sống trong một đô thị sầm uất nhưng cô đơn nhất như New York, Hong Kong, Hanoi. Một kể trong đầu có rất nhiều thứ nhưng không bao giờ có thể nói ra được trọn vẹn, trình bày được đầy đủ vấn đề, đi đến được tận cùng chân lý. Một kẻ không bao giờ muốn phụ lòng ai nhưng phụ lòng tất cả mọi người.
Một kẻ như vậy đôi khi thấy thật giống như Kobo Abe đã miêu tả về nhân vật nam trong tiểu thuyết Woman in the dunes, luẩn quẩn trong những đụn cát được tạo thành từ những hạt cát có đường kính 1/10mm mà không sao thoát ra được, hay như nhân vật K có tìm cách nào cũng không thể đến được Lâu Đài trong tiểu thuyết của Franz Kafka. Suy nghĩ của kẻ mơ mông là dòng chảy của cát, trong chiếc đồng hồ cát mà thời gian được đong là một đời người.
Đấy, suy nghĩ của một kẻ như tôi là vậy đấy, lan man sang tận thế giới nào.