Tuấn Lalarme

Tại sao lần nào đi Paris cũng buồn thế?

James Joyce, Orhan Pamuk đã dựng lên chân dung những thành phố buồn đến mức, chỉ nghĩ đến những cái tên đấy, hoặc tình cờ bắt gặp đâu đó, thì Dublin hay Istanbul luôn hiện lên trong tâm tưởng với một hình hài buồn bã, xám xịt, đầy hoài niệm. Paris thì không, Enest Hemingway lại dựng lên một vở kịch đầy những tiết tấu vui tươi của những ngày hè tràn ngập lễ hội đầy mê man của thủ đô Paris. Nhưng tôi lại không bao giờ có cái cảm giác về một Paris như Hemingway đã mô tả, tôi luôn luôn thấy, Paris – thủ đô nghệ thuật một chân dung cũng u sầu chẳng kém gì hình hài của Dublin với những thân phận người khốn khố, hay một Istanbul đầy tàn tích của một đề chế huy hoàng. Có lẽ vì tôi không nhìn thấy Paris chỉ qua sách như tôi nhìn Dublin hay Istanbul, để hình dung theo cách mà nhà văn họ miêu tả, tôi nhìn Paris bằng đôi mắt, đôi tai và đôi chân của mình, bằng cảm giác, và những hình dung thực sự của trải nghiệm.

Tôi có dịp nói chuyện với một cô bé còn chưa đầy 20 tuổi, cô bé sang đây được hai năm, hai năm trải mình cùng Paris, những tưởng rằng, Paris nơi những chàng thi sĩ tìm được những nàng thơ của mình để sáng tác không biết mệt mỏi, nơi những bộ cánh thời trang hợp thời nhất làm mê mẩn bao nhiêu cô gái, là nơi mà một tâm hồn mê nghệ thuật sẽ chết chìm trong những giấc mơ về thế kỉ ánh sáng, về Paris những năm đầu thế kỉ 20 như anh chàng Gil trong phim Midnight in Paris của Woody Allen, những tưởng một nơi như thế tưởng như không xa thiên đường là mấy nhưng thực chất lại hoàn toàn ngược lại với nhiều người. Đôi mắt cô bé mệt mỏi, thân hình rệu rã, cảm giác của tôi khi ngồi nói chuyện trước cô gái là một cảm giác về một thân thể đã chịu đựng quá nhiều những mệt mỏi, sự chịu đựng mà đáng lẽ ra không thể có ở một cô gái mới 20 tuổi. Vậy là thế đấy. Câu chuyện của cô bé xoay quanh chữ Tiền, tiền để chi tiêu ở thành đô trung tâm châu Âu, để trang trải cuộc sống một mình, để không phải xin bố mẹ. Không phải câu chuyện học. Chữ Tiền được thoát ra nhiều từ miệng cô gái khiến tôi buồn và thương. Tôi thương cho một cuộc sống còn đang ở tuổi không phải lo nghĩ nhưng khiến em phải nói quá nhiều điều hằn học. Em vẫn cười trong nụ cười buồn cam chịu và chấp nhận, cô bé dùng đến từ số phận. Sao Paris lại làm em ra như thế? Tôi nhớ đến lần gặp cô bé cách đây cũng khá lâu, nụ cười tươi rói khiến tôi rất vui trong ngày vui của riêng mình, khiến tôi quên đi nhiều mệt mỏi của một ngày đi bộ ròng rã khắp Paris hòng tìm kiếm cho mình ở thủ đô những khoảng khắc quý giá tô đắp cho những trải nghiệm của cuộc đời mình. Vậy mà giờ đây, nụ cười héo tàn, giọng nói chất đầy bức xúc nhưng không thể thể hiện hết thành lời, đôi mắt cứ nhìn đâu đó xa xăm, kiệt sức. Tuy vậy, ở cô bé vẫn còn chút điều đọng lại khiến tôi vẫn cảm thấy vui thay cho cuộc gặp của mình, đó là tình yêu, niềm tin vào tình yêu mà tôi những nghĩ rằng sẽ khó có thể có được ở những cô gái còn ít tuổi như thế, vì họ phải yêu nhau xa lắm. Có thể tôi đang đánh giá sai về cái vẻ bề ngoài mệt mỏi đấy, có thể tôi không đủ thân để em chia sẻ cả những niềm vui trong cuộc sống ở xứ người, tất cả chỉ là điều tôi thấy và tự cảm thấy. Vậy đấy, Paris hút hết sinh lực ở em, nhưng vẫn để lại ở em niềm tin vào một điều bấp bênh và chấp chới trong cuộc đời này, tình yêu.

Tôi còn một cuộc gặp gỡ khác nữa, chẳng phải là người quen, một anh làm dọn dẹp ở cửa hàng ăn nhanh McDonald, anh ấy nhìn giống một người An Nam, hoặc rộng hơn có thể là một người Đông Dương, ở anh tôi thấy sự u ám, và buồn bã, những sợi râu ngắn lún phún ở môi trên, cái mũ đen và bộ đồng phục đen của Mcdo, khuôn mặt buồn, không cười, đôi mắt thiếu tự tin của một cuộc sống không có tương lại ổn định, hoặc có thể anh ấy cũng chẳng có người yêu bên cạnh mình. Tôi thấy ở đấy một hình ảnh của một người châu Á nhỏ bé giữa sự xô bồ, giữa những cơ thể châu Âu to lớn, trắng trẻo đẹp đẽ, trong tôi tự trào lên một cảm giác buồn khó tả, một cảm giác như tiếng vọng của thế kỉ 20, những người dân An Nam nhỏ bé, thấp hèn giữa bọn thực dân đô hộ. Tôi chỉ đang tưởng tượng quá đáng thôi chứ tất nhiên hiện thực xã hội khác bối cảnh ngày xưa đó nhiều nhiều lắm, làm phục vụ hay quét dọn ở bên Pháp này cũng còn sướng hơn làm công nhân hay ngay cả nhân viên nhà nước ở Việt Nam nhiều. Chỉ là một hình ảnh tối, buồn và đầy tương phản khiến tôi lại tự chìm mình vào nỗi buồn không đặt tên và đong đếm được, một cảm xúc của một cá tính đô thị coi nỗi buồn là vẻ đẹp vĩnh cửu. Trên vỉa hè, một hình hài đang chùm chăn ngủ trên một tấm nệm bẩn ám đầy màu mốc.

Có lẽ vì chính khi coi nỗi buồn là vẻ đẹp vĩnh cửu, tôi đã tìm đến Paris để được lang thang chọn 1 ngày sinh nhật của mình trong đó, để được chạm mạnh vào cái phần buồn đầy đặn, để tìm được vẻ đẹp vĩnh cửu cho tâm hồn mình. Nhiều người chẳng tin tôi đi lang thang trong sinh nhật của mình một mình, làm những việc thưởng ngoạn một mình. Tôi thì thấy lạ sao người ta lại không tin. Đơn giản tôi đang tự tìm đến cái nét buồn hoàn hảo của một thành phố tôi đã luôn luôn yêu mến từ khi tôi còn là một câu học sinh mơ mông, và cho đến giờ vẫn không thôi mơ mộng. Tôi nhớ cô bé tôi kể ở trên bảo tôi là anh đã 27 tuổi là đủ tuổi để lấy vợ rồi, đại loại về một cuộc sống với gia đình ổn định. Nhưng Paris không thì thầm với tôi điều đó, Paris cứ nói với tôi rằng, tôi phải cô độc, tôi phải lang thang, tôi phải vác trên vai balo nặng nề với máy ảnh, chân máy… đi dạo khắp những ngõ hẻm, những con đường, nhìn hết khuôn mặt người của cái thế giới phù hoa này, tôi phải ngẫm nghĩ và quan sát, tôi phải tìm được cho mình để viết lên cái gì đó phản bác lại cái “hội hè miên man” của Hemingway, của Scott Fitzgerald, Paolo Picasso, Salvador Dali, Luis Bunuel…, tôi phải nhìn thấy cái khắc khổ mà Balzac đã trở thành cái máy đánh chữ để kiếm tiền trang trải qua ngày, tôi phải nhìn Paris trong cống ngầm hôi thối mà Jean Valjean đã vác Marius đi lấy lại sự sống… Tôi là ai mà đòi làm được tất cả những điều đấy? Tôi chỉ là một thằng nhóc đang mộng tưởng với khả năng nhỏ mọn của mình mà thôi.

Giá mà tôi được sống ở Paris. Phải không em? Tôi sẽ viết văn, viết tiểu thuyết trong một căn hộ gác mái 12 m2, ngồi quán bar Chat Noir gần Moulin Rouge để tưởng tượng về những nhân vật hư cấu của mình, tôi sẽ cho nhân vật của tôi giống như cô gái ở trên một cuộc sống vất vả với đôi mắt u ám đầy mệt mỏi và kiệt sức, cô yêu một anh chàng họa sĩ trẻ ngày ngày phải ngồi vẽ ở chợ hội họa gần đồi Montmartre, cả hai sống trong một căn hộ rẻ tiền ở khu phố Tàu, nhưng họ hạnh phúc, họ yêu nhau, hôn nhau với những nụ hôn Pháp nồng cháy, làm tình, họ khỏa thân trong căn hộ của mình, căn hộ treo đầy ảnh khỏa thân của cô gái do chàng họa sĩ vẽ, họ đi dọc sông Seine mua những quyển tiểu thuyết cũ rích của thế hệ Beat với giá 3Euros, xem những bộ phim thuộc thời kì New wave của Pháp, cô gái thích nhất bộ phim Vivre sa Vie của Jean Luc-Godard, nghe những bản prog rock tuyệt vời của Pain of Salvation, và gào theo ca khúc I’m a Fool to Want you của Billie Holiday, biết đâu đấy, tôi sẽ làm một cái “Cameo” nhỏ trong tiểu thuyết đó, tôi là anh chàng ngồi vạ vật với chai bia bên bờ sống Seine làm thơ cho đôi tình nhân đó giống anh chàng dở hơi trong bộ phim Before Sunrise.

Có vẻ đơn điệu phải không? Chắc tôi phải tìm thêm kịch tính cho câu chuyện của mình, cô gái phải lòng một anh chảng ở chỗ làm việc, và anh người yêu phải làm mọi cách để giành giật lại một nửa của mình? Thế chăng? Hay rùng rợn hơn, để cô gái biến mất sau một cơn làm tình đầy hoang dại, chưa bao giờ cả hai lên đến cực điểm như thế, cô gái biến mất không có chút manh mối, không chút dấu vết? Thế chăng? Nhạt nhẽo thật, tôi đâu có được sống ở Paris, tôi chỉ tạt qua Paris mọi dịp có thể, tôi chỉ kịp hít thở không khí Paris trong một giới hạn ngày nhất định, ngắn ngủi và thiếu thỏa mãn. Tôi chỉ tạt qua Paris để tìm đến những giai điệu âm nhạc của mình qua những buổi Concert, tôi chỉ tạt qua đấy, chỉ kịp chui vào Shakespeare & Co mua cho mình một tập thơ của Alexandre Pope…, vào nghĩa trang Pere – Lachaise để thăm mộ Balzac, mộ Oscar Wilde… vào những ngày xám xịt, bao giờ cũng là những ngày trời đầy mây, cuộc sống như được chùm bởi tấm vải niệm, tôi đang ở Paris.

Biết đâu đấy? Paris buồn mà, có nhiều thứ để làm, mà chung quy tất cả những thứ đấy để phục vụ cho sự tưởng tượng của những tâm hồn nhạy cảm mà thôi.

Exit mobile version