Tuấn Lalarme

Tampopo – Điện ảnh có hương vị

Trong thế giới điện ảnh, ẩm thực thường đứng sau các thể loại như chính kịch, hành động hay lãng mạn. Nhưng Tampopo của Juzo Itami đã phá vỡ điều đó, khi đưa món ăn quốc dân của Nhật Bản, mì ramen, lên vị trí trung tâm, trở thành nhịp đập trái tim của một bộ phim mang phong cách “cao bồi mì gõ” đặc trưng kiểu Nhật.

Ra mắt năm 1985, Tampopo là một tác phẩm độc đáo, kết hợp tinh tế giữa điện ảnh Western, phim xã hội đen và hài kịch. Trên nền câu chuyện về hành trình nâng cấp một tiệm mì, đạo diễn Itami đã dệt nên một khúc ca đầy màu sắc dành cho ẩm thực, cho văn hóa Nhật Bản, và cho cả điện ảnh thế giới.

Anh hùng cao bồi giữa lòng đô thị

Goro, một tài xế xe tải, thích đội mũ rộng vành, toát lên phong thái lãng tử của một cowboy đang bước vào “thị trấn nhỏ”. Chỉ có điều, thị trấn ấy là một quán mì ọp ẹp, chủ quán là Tampopo, một người phụ nữ trung niên nhỏ bé, nhưng đầy nghị lực.

Ngay từ lần đầu xuất hiện, Goro đã va chạm với một gã khách quen thích bắt nạt nữ chủ quán, rồi tình huống đưa đẩy nhanh chóng khiến anh trở thành người thầy hướng dẫn Tampopo cách làm nên một tô mì đúng nghĩa. Anh không chỉ dạy nấu mì, mà còn dạy cách quan sát, cảm nhận, và thậm chí dạy cả nghệ thuật lắng nghe thực khách qua cách họ húp nước.

Những phân đoạn Goro cùng Tampopo luyện nấu mì theo kiểu “tập thể dục buổi sáng”, hay lén đi “học lỏm” bí kíp từ quán khác, vừa hài hước vừa ấm áp. Ẩn sau phong thái cứng rắn của Goro là sự dịu dàng và vốn hiểu biết rất đời về cái nghề nấu ăn, làm mì bình dị của xã hội Nhật Bản.

Những tấm gương phản chiếu xã hội

Tampopo không chỉ là một câu chuyện “cao bồi ăn mì”. Đan xen cùng tuyến truyện chính là hàng loạt các tiểu phẩm độc lập, khắc họa những khía cạnh sâu kín và mâu thuẫn văn hóa trong đời sống ẩm thực Nhật Bản.

· Lớp học ăn spaghetti là một ví dụ châm biếm đầy duyên dáng. Một quý bà dạy một nhóm phụ nữ cách ăn mì thật “Tây phương”, không tạo tiếng động. Nhưng có một người nước ngoài ngồi bàn bên, bắt đầu sì sụp dĩa mì Ý y chang đầy khoái trá. Cả lớp lấm lét quan sát, quay lại nhìn nhau, rồi… quẳng luôn cái phong cách “Tây phương” đi, cứ thế “rồn rột” húp mì ngon lành luôn. Một cú tát nhẹ nhàng vào chủ nghĩa hình thức, và lời nhắc nhở rằng niềm vui ăn uống không nên bị ràng buộc bởi sự gò bó.

· Bữa tối đối tác cho thấy sự chênh lệch thế hệ. Một nhóm doanh nhân cùng nhau ăn tối, nhóm già dặn chọn món khá là khuôn mẫu, trong khi một nhân viên trẻ đọc vanh vách tên món Pháp đắt tiền, tự tin thể hiện gu ẩm thực cá nhân. Một phân đoạn châm biếm nhẹ nhưng sâu, về sự phân cấp và áp lực đồng hóa giữa các thế hệ.

· Và rồi có cả Tình yêu, Ẩm thực và Khoái cảm. Một tiểu phẩm kỳ dị, giàu nhục cảm, với phân đoạn một đôi tình nhân trao nhau lòng đỏ trứng sống, chậm rãi như một bản hòa tấu về dục vọng và sự thăng hoa qua món ăn. Cảnh phim ấy khiến người xem vừa bối rối vừa ngỡ ngàng, nhưng cũng là một tuyên ngôn nghệ thuật rất dũng cảm, rằng ẩm thực không chỉ “nuôi thân xác” mà còn biết “chạm thể xác”, sâu đến tâm hồn.

Biểu tượng của nghề thủ công và bản sắc văn hóa

Trong Tampopo, ramen không chỉ là món ăn, nó là một biểu tượng sống động của tinh thần thủ công, kỷ luật và niềm kiêu hãnh văn hóa Nhật.

Mỗi nhân vật đều có triết lý riêng về tô mì. Tampopo, từ một người phụ nữ không biết gì, dần trở thành hình mẫu của một shokunin – người sống vì nghề, tận hiến cho từng chi tiết.

Ở tiểu phẩm đầu tiên, Thầy dạy ăn mì, truyền dạy bài học sâu sắc từ một ông cụ già cho Gun, cậu đàn em của Goro, đại ý là: Cái tô, sợi mì và nước dùng, tất cả phải hòa hợp như một bản giao hưởng. Không chỉ là nghệ thuật nấu ăn, mà là lối sống, một thứ thiền định giữa nhịp sống hiện đại.

Lên hình tô mì

Juzo Itami thực sự “quay” thức ăn với sự tôn kính như đang quay gương mặt người yêu vậy. Từng góc cận đặc tả sợi mì óng ánh lớp mỡ, hơi nước nghi ngút, từng topping như lát thịt heo, măng muối Menma, chả cá Narutomaki, hành lá thái khoanh tròn, một miếng rong biển khô nằm trên… đều được sắp xếp khéo léo, đẹp “chảy nước miếng”.

Bạn gần như có thể “ngửi thấy” tô mì qua màn hình. Ẩm thực trong Tampopo không chỉ là chất liệu, mà là một chủ thể sống động, gợi cảm và đầy mê hoặc.

Tô mì biết nói

Tampopo là một câu chuyện điện ảnh đậm đà và nhiều hương vị, về tình yêu nghề nghiệp, về sự tận hiến, và khát vọng sống đúng với chính mình. Với tinh thần hài hước, sâu sắc và đầy sáng tạo, Juzo Itami đã biến một tô mì ramen thành biểu tượng điện ảnh, không chỉ của Nhật Bản mà của cả thế giới yêu phim.

Ẩm thực trong phim không chỉ để ăn, nó còn biết nói. Nó có thể dạy ta hiểu thêm về cuộc sống, con người, và đôi khi dạy ta biết yêu, nếu ta đủ kiên nhẫn để lắng nghe và cảm nhận.

Tampopo cho thấy nếu cảm nhận đủ sâu, một món ăn bình dân cũng có thể mang hương vị của điện ảnh kinh điển – mộc mạc và bất tử.

Exit mobile version