Tôi đặt bút viết những dòng này ở những giờ cuối cùng của tháng 4 tính theo giờ nước Pháp. Tôi tự nhủ mình rằng tôi sẽ viết đủ cảm nhận của mình về 12 tháng trong năm, tôi đã bắt đầu từ tháng 10, tháng tôi sinh ra đời, tháng mà đối với tôi là nguồn cội của mọi thứ thuộc về tôi, tinh thần, tâm tính, cuộc đời. Giờ đã đi được 1 nửa. Thời gian trôi nhanh chẳng đợi ai, chẳng cho ai kịp thở hắt ra khi ta chồn chân mỏi gối ngồi nghỉ ngời trong một công viên trong mát. Tôi thấy mọi thứ đã qua và trước mặt nhuộm một màu buồn không thể gợi hình bằng câu chữ, tháng 4 của tôi kết thúc vậy, những ý nghĩ của một nỗi buồn vô cùng vô tận của sự trống rỗng, quạnh quẽ và đơn côi.
Tôi sẽ bắt đầu tháng tư bằng sự tham chiếu ngược, tôi muốn nhắc đến ngày thống nhất dân tộc, ngày mà dân tộc ta đã dành được chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ, lãnh thổ hình chữ S đã từng bị chia cắt, tàn phá. Chúng ta thống
hất, non sông liền một dải, đấy là điều mà 30/4 đã làm được, dân tộc ta đã làm cho bến Hiền Lương chấm dứt bom đạn, làm cho chúng ta có 1 bờ biển nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau không đứt đoạn, không ngăn cách. Quan trọng của cuộc chiến này không phải là bên nào thắng, mà đã giúp chúng ta xóa đi cái vĩ tuyến 17, phá đi “bức tường Berlin”, chúng ta trộn vào nhau, người nam và người bắc trong sự tương thông của một dân tộc thống nhất. 38 năm, thiết nghĩ người Việt nên bỏ qua sự thù hằn, sân hận, bỏ quá sự ích kỷ, nhỏ mọn trong cách tư duy về những hoài hoang của quá khứ để nhìn nhau như những người anh em, cùng tiếng nói, cùng tư duy.
Ông anh tôi vẫn nói với tôi rằng, trong bối cảnh của hiện tại, và thực tế nó vậy, đó là chúng ta phải hiểu rằng, cái quá trình đang đi của chúng ta để dẫn đến độc lập khỏi Pháp, thống nhất đất nước khỏi sự can thiệp của Mỹ và ăn ngủ dưới mái nhà của ĐCS bây giờ là bước đi duy nhất hợp lý, và dù có thay chế độ này bằng chế độ khác thì không chắc nó có khá hơn không hay nó càng nát bét hơn nữa, đại loại thế, và tôi hoàn toàn đồng ý. Cái thể chế đang tồn tại, cần một sự “tắm gột” hơn là một sự “xóa bỏ”. Tôi chỉ là một kẻ nhỏ mọn sinh ra trong thời bình, sống trong một gia đình bình thường, có thể cái cách nghĩ của tôi về sự thống nhất và về những vấn đề liên quan đến thể chế chính trị còn nông cạn và hạn hẹp ở tư duy. Nhưng tôi biết, nhiều người sẽ đồng ý như tôi, những người thực sự yêu cái mảnh đất Việt Nam khiêm tốn trên bản đồ thế giới về ý nghĩa thực sự của sự thống nhất nằm bên trên những phán xét về tham vọng, ích kỷ, và những toan tính chính trị. Hồi ở Việt Nam tôi rất thích đến những ngày lễ như này, không phải vì tôi được nghỉ học, mà vì tôi được chìm trong một không gian âm nhạc cách mạng trực tiếp “cúng cụ” với những ca khúc cách mạng vô tư trong sáng và rạng ngời của sức trẻ, của hạnh phúc, của niềm tin, của một lý tưởng mạnh mẽ mà cái thời hiện đại này của tôi không bao giờ có nổi. Tuổi trẻ chúng ta cứ chấp chới bên những bờ vực của sự tự diệt bản thân vì cái ngã quá lớn của mình, sống nhỏ nhen và đầy ích kỉ.
Tôi hiểu rõ sự tự diệt bản thân đó của chính mình. Những nỗi buồn những những con hà bám vào vỏ tàu, làm tan hoại nó. Tôi thấy sự sầu thương của đôi mắt mình khi nhìn thấy giới, của nụ cười chính mình trong sự trào lộng đầy mỉa mai với những giai điệu vui tươi của cuộc đời. Tôi những tưởng mùa hè đã về ở đất Pháp, mùa hè với những chùm nắng nặng trịch, bỏng rát mà không khó chịu, vậy mà thật may, những ngày cuối tháng tư đón nhận những trận gió lạnh, những cơn mưa dài không dứt, những khoảng trời rêu mốc. Tôi thấy rõ được nỗi cô đơn trong những giọt mưa đó, thấy rõ cái sự sầu khổ của kiếp người, của những khuôn mặt vô hồn không lối thoát. Có cô bé bảo tôi rằng cô bé sợ đi Pháp, vì sợ nỗi cô đơn. Tôi thiết nghĩ em chắc là một người không gặp nhiều va vấp, sống một cuộc sống bình lặng với nụ cười luôn tươi và đính kèm những nỗi buồn của một cô gái đang trưởng thành. Tôi muốn nói với em rằng rồi sẽ đến lúc em có ở đâu, ở bên ai, em có đang đặt thân mình trong một vòng tay mạnh mẽ đầy che trở, em có ngủ ngon một giấc sâu với buổi sáng thức dậy bên cạnh người mình yêu thì nỗi cô đơn cũng không từ bỏ em đâu em à. Cô đơn là một trạng thái mà đôi khi ta khôn thể lý giải, không thể cắt nghĩa và không thể xua đi. Cô đơn không chỉ đến khi em ở một mình, em xa người mình yêu, khi tình yêu của mình không được đáp trả, khi không còn bố mẹ bên cạnh để chăm sóc. Cô đơn đến với em khi cõi lòng em chứa đầy một nỗi lòng nào đấy mà em không thể chia sẻ cho bất kì ai, khi bản thân cá tính khiến em tự co mình vào bên trong, khiến một phần nào đó trong em che giấu tất cả mọi người, em cô đơn, em trốn mình trong những ca khúc buồn, trốn trong tiếng rơi tí tách của mưa, thở dài cùng gió, mắt buồn cùng mây. Tôi không phải là người sợ nỗi cô đơn, nỗi buồn, tôi đối mặt với nó như thể đó đơn thuần là một gia vị cho cảm xúc của mình, cho những giai điệu mình nghe, và những bài viết nhỏ nhỏ của mình. Vậy mà tháng tư mang đến cho tôi một điều gì đó buồn đến nao lòng.
Những cây trụi lá của mùa đông đã phủ vào mình màu xanh tươi mới, phụ nữ diện vào mình những bộ cánh mỏng tanh khiêu gợi, vậy mà có điều gì đó cứ nhấm nháp tình cảm tôi. Tôi, ở sâu thẳm tôi hiểu nỗi buồn của mình, tôi hiểu sự kì cục của tuổi trưởng thành mang đến quá nhiều chơi vơi và chấp chới. Tôi nhớ những xe hoa bán dạo đầy hoa loa kèn ở nhà, một chút lạnh run người của rét nàng Bân, những chuyện chất chứa trong lòng cứ đầy lên mà không thể chia sẻ. Tôi sẽ bao giờ, có thể kể được với ai đó hết nỗi lòng của mình, có cô gái nào dám nghe tất cả mọi điều đen tối của tâm hồn tôi, nhưng thực ra, liệu có cô gái nào tôi có đủ tự tin để kể ra hết tất cả những điều đó không? Tôi sợ là chẳng có ai, những cô gái đã đến và đi trong cuộc đời tôi, chỉ để lại những nụ cười, những câu chuyện của họ, để tôi chia sẻ nỗi buồn và cô đơn với họ chứ họ không thể đủ sức chia sẻ nỗi niềm của tôi. Giá mà…
Tôi chẳng muốn nói “giá mà” trong những ngày cuối cùng của tháng tư này. Cuộc đời là một chuỗi duyên nợ, nhân quả, cái gì nó là như thế thì nó là như thế, chẳng thể thay đổi được số phận, giống như nhà khoa học trong bộ phim The Time Machine chế ra cỗ máy mong trở về quá khứ để cứu người vợ bị tai nạn chết của mình. Chẳng bao giờ làm được, mọi thứ khi đã an bài thì chúng ta không thể thay đổi và can thiệp, “giá mà” chỉ càng tăng thêm bi kịch và đóng lại một lối đã chưa hề có đường thoát.
Tháng tư sắp đi mất, nhiều thứ bên trong tôi cũng đi mất lâu rồi. Chiếc quần dài đã theo tôi bao nhiêu năm đã rách, bung toạc nhiều chỗ, đôi giày tôi đã đi mòn trên khắp nẻo đường đã bung đế và sắp hỏng, nhiều ước mơ của tôi đã thực hiện được nhưng còn rất nhiều giấc mơ khác đang trở thành điều không thể trong tương lại. Tôi thấy trái tim mình đang như thể bị tự hoại bởi sự tàn tạ của những nụ cười đang héo tàn. Ai sẽ là nụ cười tiếp sức cho cuộc đời tôi?