Tuấn Lalarme

The Godfather 2 – Bốn thập kỷ, một kiệt tác

Star Wars, Indiana Jones, loạt phim về Jason Bourne hay bộ ba phim Batman của Christopher Nolan … là những cái tên thường được nhắc tới trong danh sách các bộ phim sequel (phần tiếp theo) xuất sắc của Hollywood. Thế nhưng luôn nằm trong nhóm đầu mọi danh sách các phim hay nhất mọi thời đại như trường hợp của hai phần đầu tiên The Godfather (tựa Việt là Bố Già) thì quả thực là độc nhất vô nhị.

Sau khi The Godfather ra đời năm 1972 dựa trên nguyên tác của nhà văn Mario Puzo, những tưởng sẽ chẳng thể nào có thêm một tác phẩm gangster nào khác sánh ngang được với kiệt tác ấy nữa. Thế nhưng chỉ hai năm sau, The Godfather 2 lại xua tan những hoài nghi với chất lượng thể hiện những gì tinh hoa nhất của đạo diễn Francis Ford Coppola cùng màn trình diễn xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa dạy diễn xuất của hai ngôi sao Al Pacino và Robert De Niro.

Bộ phim “2 trong 1”

Dòng phim The Godfather – dẫu được xem như tượng đài của thể loại phim gangster – vẫn khiến cánh đàn ông mê đắm bởi câu chuyện nói về tình phụ tử, bởi những mẫu đàn ông rất điển hình. Trong một dàn các nhân vật với đủ thể loại, từ cục tính gia trưởng (con trai cả Sonny), hèn yếu cơ hội (con trai thứ Fredo) hay mưu mẹo (cố vấn Tom Hagen) … nổi bật lên nhất vẫn là ông trùm Vito Corleone (Marlon Brando thủ vai) và cậu con trai Michael (Al Pacino). Họ đều là những người ban đầu có thiện ý và muốn sống một cuộc sống yên lành, nhưng vòng xoáy nghiệt ngã của số phận đã khiến tố chất hơn người của họ phát tiết để trở thành những người đàn ông vĩ đại – dù đó là trong thế giới ngầm.

The Godfather 2 cũng xoay quanh hai người đàn ông đó, với hai câu chuyện giữa quá khứ và hiện tại được đan xen trong suốt 200 phút phim. Quá khứ thuộc về Vito – người con của vùng đất Corleone, Sicily buộc phải bỏ xứ mà đi trước lời đe dọa lấy mạng của một ông trùm mafia làng. Đến sống tại New York, Vito lấy họ là Corleone để nhớ về gốc gác của mình và trải qua những ngày tháng kiếm sống vất vả nhưng lương thiện. Thế rồi vì sự chèn ép của một gã mafia khác, Vito Corleone buộc phải giở thủ đoạn lưu manh nhằm giữ lấy miếng cơm manh áo, và đó cũng chính là viên gạch đầu tiên cho đế chế Corleone sau này …

Trong khi đó, ở thời hiện tại là năm 1958, Michael Corleone chính là người được chọn để tiếp quản cái đế chế ấy. Ở phần đầu tiên, khán giả đã được biết tới Michael như một chàng đại úy trẻ điển trai muốn tránh xa những công việc đen tối mà cha mình chỉ đạo, để rồi cuối cùng buộc phải lấy vai gánh vác cả cơ nghiệp mà cha anh gây dựng khi ông già yếu do tuổi tác cùng di chứng của lần bị ám sát hụt. Cảnh cuối phần một chứng kiến sự lột xác hoàn toàn của Michael, khi từ một anh chàng khẳng định với bạn gái “Đó là cha anh chứ không phải anh” để  nói về những hành động mafia ở đầu phim, Michael đã trở thành một ông trùm uy nghiêm, máu lạnh ra lệnh hạ sát các đầu lĩnh mafia khác ở New York để một tay thâu tóm thế giới ngầm.

Trở thành “Don Michael” của thế giới ngầm New York dường như là chưa đủ với một kẻ tài trí hơn người như Michael và anh tiếp tục thể hiện tham vọng của mình khi muốn bành trướng biên giới quyền lực của mình sang cả Las Vegas và Cuba. Điều này khiến cho Michael trở thành cái gai trong mắt nhiều người – bao gồm cả đối tác là gã tài phiệt Do Thái Hyman Roth (Lee Strasberg). Bị ám sát không thành ở chính nhà riêng, Michael biết rằng có một kẻ phản bội trong chính những người thân tín với anh và quyết định rời khỏi gia đình để giải quyết những ân oán, để lại toàn quyền quyết định cho Tom Hagen (Robert Duvall) …

Đen tối hơn, bi kịch hơn

Trước năm 1972, đã từng có những bộ phim làm về giới gangster như The Public Enemy (1931) hay Scarface (1932) song quả thực The Godfather đã định nghĩa lại cả một thể loại phim. Được dựa trên cuốn tiểu thuyết best-seller của Mario Puzo, bộ phim thể hiện mafia như những kẻ trọng tín nghĩa, những “anh hùng bất đắc dĩ” vì thời thế và bị dồn đến đường cùng mà buộc phải làm điều trái với mong muốn. Vito có lẽ mãi sẽ là anh bán đồ ăn nếu không bị Don Fanucci làm mất việc và đòi tiền bảo kê, trong khi Michael cũng có thể theo nghiệp nhà binh thay vì buộc phải tiếp quản cơ đồ của người cha khi ông bị ám sát còn trong gia đình không còn ai đủ khả năng cáng đáng. Cái khí chất của những gã đàn ông, những câu thoại để đời, các tình tiết gây sốc cùng những giai điệu đi vào lòng người của nhà soạn nhạc Nino Rota đã biến The Godfather trở thành “bố già” của dòng phim gangster.

Khi làm phần tiếp theo, đạo diễn Coppola đã cùng nhà văn Puzo viết kịch bản để đảm bảo những nét tinh túy của phần đầu tiên vẫn được kế thừa. Không còn Marlon Brando do những bất đồng với hãng sản xuất (ông từ chối xuất hiện dù chỉ ở một phân cảnh ngắn vào cuối phim), vai diễn Vito Corleone thời trẻ được trao cho diễn viên tiềm năng ở thời điểm ấy là Robert De Niro. Coppola vẫn nhớ anh chàng diễn viên từng tới thử vai Sonny, Michael … trong phần đầu nhưng không thành ấy và đã quyết định chọn De Niro sau khi chứng kiến anh vào vai tên tội phạm Johnny trong Mean Streets. Việc đưa nhân vật Vito trở lại trong phần hai không chỉ giúp khán giả vơi đi nỗi nhớ nhân vật mưu trí và cũng rất tình cảm này mà còn giúp Coppola giới thiệu được căn nguyên đưa ông trở thành một “Don Vito” quyền lực sau này.

Cách nhau tới hơn bốn thập niên là câu chuyện về Michael cùng màn đấu trí với Hyman Roth và cả những rắc rối gia đình, với kẻ nội gián còn là bí ẩn trong khi người vợ Kay Adams (Diane Keaton) lại ra sức phản đối anh khi gia đình Corleone ngày càng chìm sâu trong tội ác. Nếu như các phân đoạn nói về Vito được dựa trên cuốn sách The Godfather thì những gì Michael phải đối mặt trong The Godfather 2 lại là sản phẩm do Coppola và Mario Puzo hợp tác viết thêm, với nguyên mẫu cho Hyman Roth là ông trùm quyền lực ở ngoài đời thực Meyer Lansky.

Kết quả là khán giả có được những đoạn đối thoại đến bây giờ vẫn được xem như đỉnh cao của Hollywood và một cốt truyện không nhiều khoảnh khắc đáng nhớ như phần đầu nhưng lại có phần trội hơn về tính bi kịch. “Hãy giữ bạn ở gần ta và giữ cho kẻ thù còn gần hơn nữa”, “Michael, chúng ta còn mạnh hơn cả Tập đoàn thép nước Mỹ” … là những câu thoại đã được liệt vào hàng kinh điển, đến mức khi xem xong phim bản thân ông trùm Meyer Lansky còn … gọi điện cho người thủ vai mình trên phim là Lee Strasberg để chúc mừng.

Lee Strasberg là chuyên gia dạy diễn xuất lừng danh của Hollywood và là một huyền thoại sống vào thời điểm ấy, song ông vẫn chưa phải người diễn hay nhất trong The Godfather 2. Nổi trội hơn cả trong một dàn diễn viên quy tụ toàn sao ấy vẫn là những người đàn ông thủ vai ba thành viên gia đình Corleone, ấy là John Cazale (vai Fredo), De Niro (vai Vito thời trẻ) và Al Pacino (vai Michael). Đạo diễn Francis Ford Coppola đầy tài năng, nhưng ông cũng là một người may mắn khi trong giai đoạn hoàng kim của sự nghiệp (bắt đầu từ năm 1972 với The Godfather và kết thúc năm 1979 với Apocalypse Now), ông được cộng tác với những ngôi sao mà giờ đây được xem như những người vĩ đại nhất từng xuất hiện trên màn bạc. Nếu như nhân vật Fredo hèn yếu nhưng giàu tham vọng để rồi chuốc lại tấn thảm kịch do nam diễn viên yểu mệnh John Cazale đảm nhiệm thì hai vai Vito và Michael lại lần lượt do hai cây đại thụ De Niro và Al Pacino thể hiện.

Diễn xuất hoàn hảo

Cùng nổi lên từ thập niên 70 với những vai diễn gai góc thế nhưng mãi cho tới bộ phim hành động kinh điển Heat (1995), hai huyền thoại Al Pacino và Robert De Niro này mới có dịp trực tiếp đối mặt trên màn ảnh rộng. Dù cộng tác chung trong The Godfather 2 nhưng họ không có dịp gặp nhau trên phim do ở hai tuyến thời gian khác nhau. Nhưng họ gặp nhau ở điểm chung là diễn xuất tuyệt vời cũng như con đường giống nhau một cách kỳ lạ của hai cha con nhà Corleone.

Để vào vai Vito Corleone – một người Italy chính gốc – Robert De Niro đã có tới 4 tháng sống tại Sicily và học thổ ngữ nơi đây. Sự hi sinh ấy đã được đền bù xứng đáng với Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc, giúp Vito Corleone trở thành nhân vật đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đem lại tượng vàng cho hai diễn viên (Marlon Brando đã đoạt giải Nam chính 2 năm trước đó). The Godfather 2 không chỉ thắng lớn tại phòng vé thời điểm ấy với gần 50 triệu USD doanh thu mà còn đoạt 6 giải Oscar, bao gồm cả Phim hay nhất.

Nhưng có một sự bất công lớn tại lễ trao giải Oscar năm đó, khi tượng vàng Nam chính không được trao cho Al Pacino. Cho đến ngày nay, chẳng mấy ai còn nhớ tới vai diễn của người đoạt giải là Art Carney, trong khi vai Michael Corleone lại luôn nằm trong danh sách những màn trình diễn hay nhất mọi thời đại. Al Pacino đã có phần nhập vai hoàn hảo, khiến ngay cả người xem cũng có thể cảm nhận cái uy của ông trùm và cơn thịnh nộ đang sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Từ một người hùng thời chiến, bảo vệ Tổ quốc trở thành trùm mafia khuynh đảo pháp luật, đưa ra những quyết định lạnh lùng không một chút do dự với chính người trong gia đình, nhân vật Michael Corleone làm khán giả nể phục về tài năng và ghê sợ vì độ máu lạnh.

Khi chọn một Al Pacino vô danh thay vì các ngôi sao hàng đầu cho vai Michael, Coppola tuyên bố rằng ông muốn “có một diễn viên với bản đồ Sicily trên mặt anh ta”. Nhưng với phần thể hiện của Pacino, người ta có thể thấy con đường dẫn tới địa ngục, với hai hốc mắt ngày càng hõm sâu theo thời lượng phim. Sự mưu trí, lạnh lùng tới thâm độc của Michael – dù là khi đối chất trước tòa, thể hiện uy với vợ hay khi trao nụ hôn tử thần cho người máu mủ ruột thịt – chính là mấu chốt giúp bộ phim trở nên kinh điển.

16 năm sau phần hai, Coppola đã làm thêm The Godfather 3 với chất lượng sụt giảm hơn hẳn hai phần đầu và chuốc lấy bao lời chê bai từ người hâm mộ lẫn các nhà phê bình. Thực chất bản thân bộ phim không đến nỗi tệ, chỉ bởi Coppola đã “trót” làm ra hai phần đầu quá xuất sắc, để chúng trở thành tượng đài không thể san bằng trong lòng những khán giả yêu điện ảnh.

Exit mobile version