“Ẩm thực” có lẽ luôn là một nan đề khó giải đối với điện ảnh, bởi sau rất nhiều tác phẩm làm về đề tài này, những trái tim yêu môn nghệ thuật thứ bảy vẫn chẳng thể nào cảm thấy thỏa mãn. Họ khắc khoải bởi sau những thước phim duy mĩ về những món ăn đẹp đến diễm lệ được chiếu trên màn ảnh kia, họ chẳng thể nào cảm được cái hồn, cái tinh hoa của những nền văn hóa được ẩn giấu trong từng công thức món ăn.
Chính bởi như vậy, nên những bộ phim vừa thể hiện được những món ăn một cách tinh tế cũng như dẫn dắt được người xem qua những cung bậc cảm xúc thăng trầm của người đầu bếp, đó hẳn sẽ là một bộ phim vô cùng đáng xem. Và, “The hundred foot journey” chính là một tác phẩm như thế.
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Richard Morais xuất bản năm 2010, “The hundred foot journey” là cuộc hành trình xuyên suốt qua hai nền ẩm thực tinh hoa nhưng cũng đầy đối nghịch là Pháp – Ấn. Tại sao lại nói chúng đối nghịch ? Bởi nếu ẩm thực Ấn coi trọng gia vị, hương thơm nồng đượm, vị đậm đà trong từng món ăn thì nền ẩm thực Pháp lại ưa thích sự tinh tế trong cách chế biến cũng như tôn thờ hương vị tự nhiên, thanh nhã của từng loại nguyên liệu.
Và, nhân vật chính trong cuộc hành trình đầy thú vị đó chính là chàng trai Kadam Hassan (Manish Dayal). Sinh ra tại Mumbai và mang trong mình niềm say mê với ẩm thực Ấn Độ, thế nhưng, sau những biến cố của cuộc đời, số phận đã mang Kadam cùng cả gia đình tới với Pháp, đất nước của nền ẩm thực nổi tiếng bậc nhất trên thế giới. Với niềm đam mê mở nhà hàng Ấn cho riêng mình trên đất nước lục lăng xinh đẹp này, liệu con đường của Kadam có quá khó khăn khi nhà hàng đối diện của quán anh lại chính là nhà hàng sang trọng được cấp tặng một sao Michelin ?
Có thể nói, bản thân “The hundred foot journey” là một bộ phim với nhiều chi tiết đặc biệt, đặc biệt ở chỗ nó có thể mang những thứ tưởng chừng như rất đối nghịch và rồi từ từ, từ từ dung hòa mọi thứ với nhau để tạo ra những câu chuyện tốt đẹp hơn. Nền ẩm thực Pháp – Ấn, quán ăn nhỏ tuềnh toàng với nhà hàng một sao Michelin, tất cả dường như chỉ để làm nền giúp cho tài năng của Kadam được rực sáng qua từng bước diễn biến của câu chuyện, để rồi, sau tất cả, anh có thể kết hợp đặc trưng của cả hai nền ẩm thực giúp tạo ra những công thức độc đáo nhất cho riêng mình.
Như một vị bếp trưởng tài ba, đạo diễn Lasse Hallström đã biết cách gia giảm, sử dụng những góc máy quay để có thể truyền tải những hình ảnh đẹp nhất về những món ăn được sử dụng trong phim. Với mỗi phân cảnh này, có cảm tưởng như cả một bữa tiệc thịnh soạn đã được dọn sẵn ra, chỉ chờ những khán giả xem phim vào thưởng thức. Hơn hết, vị đạo diễn 70 tuổi này còn biết cách tiết chế, phân phối thời gian hợp lý, giúp cho bộ phim không bị sa đà quá nhiều vào việc trưng ra những góc đẹp nhất của món ăn, như các bộ phim nói về đề tài ẩm thực hay mắc phải, mà còn giúp cho khán giả có đủ không gian và thời gian để chiêm nghiệm, vui thích với câu chuyện tình yêu một trẻ, một già do số phận đã run rủi, gán ghép để khiến bộ phim đời hơn, nhẹ nhàng hơn.
Ngoài những phân cảnh trong nhà hàng, Lasse Hallström còn tận dụng rất tốt ngoại cảnh làng quê nước Pháp để tôn vinh lên cái nét đẹp từ những câu chuyện hết sức giản dị, đời thường mà dường như, những người yêu điện ảnh đã bỏ quên mất sau khi quá say mê vào những khung cảnh huyền ảo viễn tưởng hay hành động máu lửa đang chiếu nhan nhản ngoài rạp chiếu bóng kia. Sau những phút giây căng thẳng trong bếp, có thể nói những phân cảnh giữa Kadam và cô nàng bếp phó xinh đẹp Marguerite (Charlotte Le Bon) cùng nhau đạp xe, câu cá, nếm đồ ăn đã mở ra một không gian khác vô cùng thoáng đãng mà nhẹ nhàng trong tâm trí người xem. Để rồi, mỗi khi họ gặp nhau, khán giả lại xuýt xoa thích thú bởi một mối tình trong sáng mà đáng yêu đến nhường vậy từ hai người vốn dĩ phải là đối thủ cạnh tranh.
Ngoài những yếu tố kể trên, không thể không nhắc tới diễn xuất của những diễn viên, những người đã góp phần không nhỏ tạo nên sức hút của bộ phim. Nổi bật nhất, chắc có lẽ là vai diễn Madame Mallory của diễn viên nữ đã từng đoạt giải Oscar Helen Mirren. Trong vai một người phụ nữ luống tuổi cố gắng dành hết phần đời của mình để phát triển nhà hàng sau nỗi đau mất chồng, Helen đã khiến cho người xem, những khán giả một lần nữa phải lặng người trước tài năng của mình. Ánh mắt lúc kiên định, lúc mềm mỏng, biểu cảm tinh tế với những phút giây hồi hộp rồi vỡ òa cảm xúc, tất cả những khoảnh khắc ấy như một lần nữa khẳng định tài năng của nữ diễn viên năm nay đã 71 tuổi. Còn Marguerite của Charlotte Le Bon, đó sẽ là tội lỗi lớn nếu như ai quên mất đóng góp của nàng họa my người Pháp xinh đẹp. Với vẻ đẹp mỏng manh sương khói, đôi mắt biết cười cùng sự đáng yêu nhí nhảnh, Charlotte đã chinh phục người xem , nhất là những quý ông với nụ cười tỏa nắng của mình. Chắc chắn rằng, sau khi hình ảnh cuối cùng khép lại, vô số người vẫn còn sẽ nuối tiếc vì muốn nán lại với Charlotte, với cô nàng Marguerite xinh đẹp thêm một chút nữa.
Đến cuối cùng, khi những món ăn ngon, những khung cảnh làng quê yên bình hay những câu chuyện tình yêu đã khép lại, “The hundred foot journey” vẫn khiến cho khán giả cảm thấy một cảm giác sảng khoái nhẹ nhàng, như một làn nước mát khẽ chảy qua tâm trí. Bộ phim như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với những ai yêu môn nghệ thuật thứ bảy, rằng vẻ đẹp cuộc sống từ những điều bình dị nhất vẫn là một chủ đề muôn vàn hấp dẫn mà có lẽ, những đạo diễn đã vô tình bỏ quên trên con đường chinh phục khán giả của mình…
Trịnh Quang Anh