Tuấn Lalarme

‘The Imitation Game’ – Bí mật người hùng đồng tính thầm lặng

Bộ phim tiểu sử “The Imitation Game” xoay quanh người anh hùng thầm lặng chưa được nhiều người biết tới của Thế chiến thứ II: nhà toán học đồng tính Alan Turing. Dựa trên những sự kiện có thật, bộ phim The Imitation Game kể lại cuộc đời và những đóng góp vĩ đại ít được người ta biết tới trong Thế chiến thứ II của Alan Turing, nhà toàn học thiên tài đồng tính người Anh. Chế tạo ra cỗ máy Christopher để phá giải hệ thống mật mã điện báo Enigma của quân đội Phát xít Đức, Alan Turing được cho là đã giúp Thế chiến thứ II kết thúc sớm hai năm, cứu sống 14 triệu sinh mạng con người và là cha đẻ của công nghệ máy tính điện tử hiện đại.

 

The Imitation Game kể lại cuộc chiến thầm lặng và người hùng còn chưa được nhiều người biết đến là Alan Turing, nhà toán học thiên tài đồng tính người Anh.

Với những bộ phim mang đề tài chiến tranh, khán giả thường quen với những tác phẩm hành động, cháy nổ, hoặc những ngườihùng xông pha nơi trận mạc. Đi ngược lại xu hướng đó, The Imitation Game đặc tả một mặt trận không tiếng súng nhưng cũng không kém phần cam go: mặt trận tình báo. Tại đó, nhà toán học Alan Turing (Benedict Cumberbatch) và các cộng sự có nhiệm vụ hóa giải hệ thống mật mã điện báo Enigma, nhằm tiên đoán trước những cuộc tấn công, ném bom hay đổ bộ bất ngờ của quân đội Đức.

Không chỉ có cuộc chiến với quân đội Đức, Alan Turing còn có một “cuộc chiến” khác. Đó là giữa ông với các chuẩn mực xã hội, khi chính phủ Anh vẫn còn coi đồng tính là một hành vi trái đạo đức, đi ngược lại pháp luật tại thời điểm ông sinh sống. Cho dù là một thiên tài hàng đầu, Alan Turing cũng không tránh khỏi số phận nghiệt ngã. Thời hậu chiến, ông chọn lựa hình phạt “thiến hóa học” thay vì phải ngồi tù hai năm, để rồi tự sát một cách bí ẩn vào năm 1954. Mãi tới những năm gần đây, chính phủ nước Anh mới gửi lời xin lỗi chính thức đến gia đình ông, phần nào bù đắp lại một cuộc đời rất đỗi tài năng nhưng lại bị lãng quên của Alan Turing.

Trở lại bộ phim The Imitation Game, phim diễn ra song song tại ba thời điểm. Mở đầu ở năm 1952, một vụ trộm bí ẩn xảy ra tại nhà riêng của Alan Turing lôi kéo cảnh sát vào cuộc. Họ nghi ngờ rằng nhà toán học là một điệp viên của Liên Xô và ra sức điều tra về cuộc đời ông. Tuy nhiên, tất cả đều dẫn đến ngõ cụt khi mọi nghiên cứu và thành quả của Alan Turing trong thời chiến đều đã bị tiêu hủy nhằm đảm bảo tính bí mật.

The Imitation Game diễn ra song song tại ba thời điểm thời gian, nhưng chủ yếu tập trung vào quãng Alan Turing và các cộng sự chế tạo cỗ máy Christopher.

Quay lại năm 1939, nước Anh tuyên chiến với Phát xít Đức tại châu Âu. Chính phủ xứ sở sương mù lúc này hết sức đau đầu trong việc hóa giải mật mã Engima của đối phương và ra sức tìm kiếm những chuyên gia phá mã, khoa học gia hàng đầu để tham gia phục vụ mặt trận không tiếng súng. Dù bị ghét bởi tính khí ngang ngạnh, nhưng nhờ một chút may mắn mà Alan Turing được giữ vị trí chỉ huy nhóm, cố gắng chế tạo ra cỗ máy hóa giải mang tên Christopher. Song song với đó, phim cũng đưa người xem về thời điểm năm 1928, khi Alan Turing còn ở trường trung học với mối quan hệ tình cảm cùng một người bạn nam rất thân.

Nhờ có The Imitation Game, khán giả được chứng kiến gần như toàn bộ cuộc đời gây tranh cãi của một trong những khoa học gia quan trọng bậc nhất lịch sử nhân loại. Dù không có những pha hành động cháy nổ, nhưng không khí trong phim luôn diễn ra hết sức khẩn trương, căng thẳng trên nền nhạc dồn dập nhưng không kém phần lãng mạn của Alexandre Desplat, bởi cứ mỗi khi một cuộc nói chuyện trong phim diễn ra, “lại có ba người lính Anh vừa tử nạn trên chiến trường”. Trên thực tế, bộ phim không đơn thuần thuộc thể loại tiểu sử dễ gây nhàm chán, mà hoàn toàn có thể được xếp vào dòng phim giật gân với liên tiếp các bí mật và kịch tính nối tiếp nhau được sắp xếp cực kỳ logic và không kém phần bất ngờ.

Hóa thân thành nhà toán học Alan Turing là “chàng Sherlock Holmes thế kỷ 21” Benedict Cumberbatch. Đây là một vai diễn hết sức xuất sắc của tài tử, nhưng nếu nói là “để đời” thì có lẽ là chưa. Bởi Alan Turing trongThe Imitation Game và Sherlock Holmes trong loạt phim Sherlock có quá nhiều nét tương đồng, từ bộ óc thiên tài cho tới tính khí ngang ngạnh khiến nhiều người khó chịu, ghét bỏ. Yếu tố đồng tính trong Alan Turing lại được thể hiện nhiều nhất ở thời điểm 1928, do một diễn viên trẻ hơn là Alex Lawther đảm nhận. Chỉ tới những giây phút cuối cùng của bộ phim, khi Alan Turing hé lộ những bí mật và cảm xúc sau chót rồi vỡ òa trong nước mắt, khán giả mới được chứng kiến một Benedict Cumberbatch tạm thoát ra khỏi hình tượng ở Sherlock.

Trong một cuộc phỏng vấn, Benedict Cumberbatch từng chia sẻ vui rằng Alan Turing và các cộng sự của ông trong phim không khác gì “biệt đội Avengers”. Bên cạnh một số nhân vật nam làm nền, Matthew Goode trong vai Hugh Alexander có nhiều đất diễn nhất, khi “từ thù hóa bạn” với Alan Turing sau khi công nhận tài năng của trưởng nhóm. Nhưng điểm nhấn sắc sảo nhất lại đến từ một diễn viên nữ: “bông hồng nước Anh” Keira Knightley trong vai Joan Clarke.

 

Keira Knightley là một đối trọng tương xứng của Benedict Cumberbatch trong phim, khi nhân vật Joan Clarke của cô cũng có nỗi khổ tâm riêng.

Nếu như Alan Turing có “cuộc chiến” với vấn đề đồng tính, thì Joan Clarke cũng có “cuộc chiến” của riêng cô về vấn đề phân biệt giới tính. Trong giai đoạn 1939 tới 1945, người phụ nữ vẫn chưa thoát ra được khỏi vòng kiềm tỏa của định kiến xã hội. Chuyện một phụ nữ nhất thiết phải lấy chồng, có con, suýt chút nữa khiến Joan Clarke vắng mặt trong đội của Alan Turing, cho dù cô có đầu óc không hề kém cạnh cánh mày râu. Đạo diễn Morten Tyldum đã xây dựng nên một bóng hồng đơn độc nhưng sở hữu cá tính mãnh liệt, một nửa hoàn hảo về mặt “đầu óc” của Alan Turing.

Cuộc đính hôn ngắn ngủi giữa Alan Turing và Joan Clarke cũng thêm một lần nữa khắc sâu vào nỗi đau đáu về nhân dạng thật của mỗi cá nhân con người, khi cả hai đều đang giấu đi bản ngã thực sự. Tuy nhiên, để sáng tạo ra cỗ máy Christopher, những sự hy sinh như thế vẫn chưa thấm vào đâu so với những quyết định mà họ phải đưa ra sau khi thành công.

Lấy đề tài chiến tranh nhưng không hề có tiếng súng trực tiếp, lấy nhân vật đồng tính làm trung tâm nhưng không hề có những cảnh ái ân, đạo diễn Morten Tyldum thể hiện một lát cắt vô cùng tinh tế về cuộc đời của một anh hùng còn chưa được nhiều người biết đến. Alan Turing lập dị, kỳ quặc, khó gần, kiêu ngạo, nhưng trên hết ông là một thiên tài xuất chúng. “Đôi lúc, chính những người không ai nghĩ có thể làm được điều gì, lại có thể thực hiện những điều mà không ai có thể tưởng tượng ra”, câu thoại đầy ý nghĩa lặp đi lặp lại trong phim chính là thông điệp mà The Imitation Game muốn trao đến cho khán giả theo dõi bộ phim này.

Exit mobile version