Tuấn Lalarme

The Lost Daughter – Lạc mất và tìm thấy trong ràng buộc và tự do

“Có nhiều người chết ở tuổi 25 nhưng đến 75 tuổi mới được chôn.” -Benjamin Franklin muốn nói gì khi nói câu này?

25 là lúc chúng ta đang ở độ tuổi sung sức nhất để phấn đấu cho một cuộc sống tự lập và ổn định. Dù đã giàu có hay vẫn còn nghèo khó, dù thành công hay thất bại, dù đã kết hôn hay còn độc thân, dù một mình hay đã có con, thì cái tuổi 20 tự do đã qua rồi, 25 là thời điểm bước vào những năm tháng ràng buộc phía trước.

75 là lúc chúng ta đang ở độ tuổi viên mãn nhất, hoặc cũng có thể là ôm mối tiếc nuối đến cuối đời.

25-35-45 hay 55-65-75 với mỗi người số tuổi có thể khác nhau những chúng ta ai rồi cũng phải đối mặt với sự lựa chọn.

Sống với ước mơ và hoài bão, hay cơm áo gạo tiền?

Sống cho bản thân hay gia đình?

Câu trả lời chắc chắn sẽ là hãy sống có lý tưởng, đừng an phận chấp nhận “cái chết tinh thần” quá sớm để biến bản thân thành những “xác sống”. Vậy nhưng bộ phim The Lost Daughter (2021) lại đưa ra một đáp án hoàn toàn khác.

The Lost Daughter là tác phẩm đầu tay của nữ diễn viên Maggie Gyllenhaal trong vai trò đạo diễn và biên kịch. Diễn xuất của Oliva Colman ấn tượng theo một cách rất tự nhiên, đặc biệt là sự hoá thân vào nhân vật khiến khán giả khó nhận ra mỹ nhân Dakota Johnson, và cách diễn tự nhiên của nữ diễn viên Jessie Buckley trong vai Leda hồi trẻ. Với bản năng và cảm quan của những người vợ, người mẹ, người phụ nữ, họ đã mang đến một bộ phim không ra vẻ bóng bẩy, chải chuốt, hay phải cố nghệ thuật để tranh giải. The Lost Daughter lôi cuốn người xem với một ngôn ngữ điện ảnh giản dị mang đến một câu chuyện rất đời, rất thực nhưng vẫn phản chiếu những góc khuất trong tâm hồn con người và phản ánh những vấn đề mang tính xã hội.

Leda (Olivia Colman) một phụ nữ lớn tuổi có một kỳ nghỉ một mình tại một bờ biển. Dù đang đi nghỉ dưỡng nhưng tâm trí bà chẳng thể thư giãn khi bắt gặp Nina (Dakota Johnson) một người phụ nữ trẻ đang khủng hoảng trong vai trò làm mẹ, làm vợ. Nhìn người mẹ trẻ bối rối, lúng túng, bỏ mặc khi chăm sóc cô con gái nhỏ, cãi vã, xích mích, to tiếng với chồng, hình ảnh ấy khiến những ký ức xưa ùa về, bủa vây tâm trí Leda.

The Lost Daughter khéo léo khi xây dựng bối cảnh là một bãi biển nhỏ. Cùng với cách dựng phim có phần hỗn độn, khi lồng những mảnh ghép quá khứ và hiện tại đan xen quá khức vào hiện tại, lồng ghép những kỉ niệm ấm áp chồng chéo lên một hiện thực cô đơn lạc lõng. Giữa không gian ồn ào của bãi biển náo nhiệt của những gia đình và những nhóm người vui vẻ nô đùa, cãi vã, căng thẳng, thư giãn,… chỉ có bà ngồi đó, một mình, với cái nhìn xa xăm hoài nhớ về con gái của mình. Lặng nhìn ký ức của bà qua những khung hình, người xem mơ hồ hoài nghi có lẽ bà là người mẹ mất con.

Phim dẫn dụ người xem theo tâm trạng cô đơn của người phụ nữ khi hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa, để rồi giật mình khi bà thú nhận rằng không phải con gái bà bị mất tích mà bà đã từ bỏ chúng để đến với cuộc sống tự do, cho riêng mình. Đây cũng là lúc khán giả tự vấn chính mình và xã hội. Gia đình hay sự nghiệp, với đàn ông luôn dường như có vẻ dễ dàng, nhưng với phụ nữ họ sẽ chỉ có một lựa chọn mà thôi. Được cái này nhưng sẽ mất cái kia. Và người phụ nữ ấy đã lựa chọn sự nghiệp, để rồi cuối cùng mang nỗi ân hận, day dứt khôn nguôi. Để rồi cuối cùng đây, bà chỉ còn lại một mình, cô đơn với những nỗi niềm day dứt không nguôi vì những gì bà đã đánh đổi.

The Lost Daughter đã cho người xem thấy một người mẹ đã chết khi sống vì ước mơ danh vọng, vì đã lựa chọn sự nghiệp thay vì gia đình. Thứ bà đã lạc mất không phải những đứa con mà là vai trò làm mẹ trong con người bà ấy. 

 “- Con tưởng mẹ đã chết.

– Không, mẹ còn sống đây.”

Cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa người phụ nữ và cô con gái cho người xem hiểu bà còn sống, nhưng không sống trong hiện tại mà là sống với quá khứ, kỷ niệm về gia đình, về những cô con gái đã đi lạc của mình.

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh người mẹ cô đơn trên bãi biển, một bên là những con sóng dạt dào, một bên là bờ cát đầy sỏi đá, đó như là cảm xúc và tâm hồn bà đã chai sạn theo thời gian nhưng quá khứ thì vẫn dội về ám ảnh không thôi. 

The Lost Daughter là hành trình tìm lại những người con gái đã đi lạc trong dáng hình của người mẹ, người vợ. Dù người phụ nữ trong phim không hoàn hảo, nhưng nó cho người xem thấy được những khó khăn, vất vả và cả sự hy sinh của những người mẹ, người vợ, để ta thấy hiểu hơn cho những gì mà họ đã phải lựa chọn, đánh đổi khi ở nhà và chăm sóc con cái.

Ba nhân vật nữ trong phim là hiện thân của quá khứ (Leda hồi trẻ) – hiện tại (Nina) – tương lai (Leda khi già) và niềm tin (con gái của Nina), đó là những quãng đời của người phụ nữ, của sự lạc mất và tìm thấy trong ràng buộc và tự do.

“Cái giá của hạnh phúc là ràng buộc.

Cái giá của tự do là cô đơn.”

Bạn lựa chọn điều gì?

Hãy xem The Lost Daughter và tìm câu trả lời cho riêng mình.

Exit mobile version