Phim tài liệu The Social Dilemma của Netflix là một lời cảnh tỉnh cho chúng ta về tính hai mặt của mạng xã hội khiến chúng ta không còn đủ khả năng tự do cho chính những lựa chọn của mình.
Với điện thoại thông minh mà chúng ta có ngày nay, thật không khó để kiểm tra xem ta đã sử dụng bao nhiêu thời gian của một ngày dành cho các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tiktok… con số có thể gây kinh ngạc cho bạn, hoặc có lẽ nó cũng chẳng gây kinh ngạc gì cho ai khi mà ai cũng đều chấp nhận rằng đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, thậm chí ngay cả khi ta trên giường ngủ hay trong nhà vệ sinh.
Chình vì một thói quen như vậy, bộ phim The Social Dilemma càng thực sự có giá trị như một lời cảnh báo đến tất cả chúng ta về sự nguy hại của những sản phẩm dường như vô hại đó. Nếu ai đã xem một bộ phim khác là The Great Hack cũng trên nền tảng Netflix, chúng ta đều có cái nhìn đại khái về việc làm cách nào tổng thống Donald Trump có thể thắng cử nhờ vào sức mạnh của Dữ Liệu Lớn (Big Data) khi phân tích và tìm được đúng điều cử chi Mỹ muốn để nhắm vào đó trong các chiến lược bầu cử của mình. The Social Dilemma mở rộng hơn, hoặc nói cách khác, cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh hơn về cách mà con người chúng ta càng ngày càng bị lệ thuộc vào mạng xã hội, và dường như chúng ta tưởng rằng chúng ta tự do lựa chọn, xem hay để tâm đến những gì mình muốn, nhưng thực chất, bằng vào trí tuệ nhân tạo, chúng ta đang bị “dắt mũi” đi theo các xu hướng mà Facebook, Google, Twitter… muốn để “moi” tiền từ các nhà quảng cáo.
Điều thú vị của bộ phim The Social Dilemma là những cuộc phóng vấn trong phim được thực hiện với những kĩ sư công nghệ hàng dầu của thung lũng Silicons, những người đứng đằng sau những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google, Twitter, họ bằng vào niềm tin “thơ ngây” về việc tạo nên một cuộc cách mạng công nghệ khi giúp con người dễ dàng hơn trong cuộc sống, như cách mà nút “Like” được tạo ra chỉ để với mục đích mang để một sự sẻ chia, nhưng họ đã không nghĩ rằng, nút Like đã làm đảo lộn đời sống chúng ta theo cách không ngờ nhất, chúng ta đếm số like để có được tâm trạng vui hay buồn. Bộ phim mang đến khá nhiều những nghiên cứu với số liệu thống kê đầy đủ cho thấy vì có mạng xã hội nên tỉ lệ tử tự, bị trầm cảm tăng lên rất nhiều vì mạng xã hội.
Được thực hiện với phong cách tài liệu đan xen giả tài liệu, đạo diễn Jeff Orlowski lồng vào trong bộ phim một tuyến nhân vật dàn dựng cho thấy tác hại của mạng xã hội lên chúng ta một cách vô thức như thế nào trong cách thức những thuật toán của Facebook, Google cố đọc suy nghĩ và định hướng người dùng sao cho có thể thoả mãn được những nhà quảng cáo, những nhãn hàng trên khắp thế giới. Bằng phương thức giả lập, đạo diễn đã cho chúng ta hiểu một cách trực quan cách mà những trí thông minh nhân tạo hoạt động để cố gắng lôi kéo chúng ta đi theo hướng mà những tập đoàn khổng lồ này muốn. Chúng ta tưởng rằng chúng ta tự do lựa chọn những gì chúng ta muốn theo dõi, nhưng không, một sự thật trần trụi đã được bóc mẽ trong bộ phim về cách những kĩ sư nghiên cứu kỹ tâm lý học con người và biến chúng ta thành những “chuột thí nghiệm”.
Thông điệp của bộ phim rất rõ ràng, nó rõ ràng nhưng không mô phạm, nó vẫn cho thấy điều tốt đẹp của một xã hội công nghệ, nhưng chúng ta, con người chưa được trang bị đầy đủ sự hiểu biết và khả năng phòng vệ trước sự phát triển theo cấp số nhân của khoa học công nghệ. Những nhân vật được đưa ra đối thoại trong phim ở khía cạnh nào đó vẫn cho khán giả một sự lạc quan, nhưng sự lạc quan này đến bằng khả năng nhận thức và ý thức sự bảo vệ bản thân và con cái chúng ta trước sự tấn công của mạng xã hội vốn theo như những kĩ sư hàng đầu của thung lũng silicon đã nói, con người dần không còn thực sự kiểm soát được cách mà những trí tuệ nhân tạo vận hành nữa.
Một lời khuyên cho bạn: Đừng xem những gì Facebook, Youtube, Google gợi ý, hãy xem những gì mà mình thực sự muốn và cần để bảo vệ hàng rào cuối cùng của sự tự do ý chí.