Tuấn Lalarme

Tôi nói về nơi xa lạ, đâu cũng được, chỉ để đi đến.

Đôi khi, thèm được lên đường, đi đến đâu đó với chiếc balo nặng trình trịch trên vai, kiếm một góc nào đó dưới một mái hiên, cuộn mình trong túi ngủ ấm áp và hít thở không khí đêm của một nơi xa lạ, hoặc nếu có tiền, thuê một phòng nhỏ trong một khách sạn hạng thường, tắm táp thật sạch sẽ để xua đi bụi đường, nằm đắp chăn, tắt điện và nhìn ra ngoài thành phố xa lạ, nếu có trăng và sao thì thật tuyệt, có mưa cũng tuyệt vậy. Tựu trung lại, chỉ muốn đi, đến một nơi xa lạ, rồi ở đâu cũng được, sao cho thỏa được cái chí của một tâm hồn thích xê dịch như tôi thôi.

Nhưng đôi khi, lại chẳng thể đi đâu, chết dí một chỗ, bao nhiêu việc phải làm, đầy những tính toán cần phải suy nghĩ, và tiền nong cũng là một cản trở không nhỏ. Tôi phải làm gì khi đôi chân phát cuồng mà ý chí lại không cho phép mình được lên đường?

Như lúc này đây, tôi chẳng thể đi đâu, cứ ngồi miệt mài bên chiếc máy tính với xứ sở Narnia của mình, tôi trốn vào đấy, tìm trong cái xứ sở huyền diệu đấy tất cả mọi động lực cho mình, tìm một sợi dây buộc chặt mình vào căn phòng nhỏ bé này, nơi tôi chỉ có thể đến Narnia qua cái tủ quần áo, còn cửa chính thì luôn được nêm chặt bằng ý chí không được trốn đi đâu. Nghe thật mệt mỏi phải không? Mà nó phải vậy, đôi khi người ta phải biết kìm nén bản thân mình, neo chặt mình lại không được cho cái chí tang bồng của mình được thỏa sức vẫy vùng. Tôi lại dùng nhiều từ đôi khi quá rồi. Tôi chỉ muốn nói rằng, lúc này đây, tôi phải tự tìm cho mình một thế giới khác, đầy ắp trí tưởng tượng để lẩn mình vào đó mà quên đi rằng tinh thần tôi đang muốn đi đâu đó trên đôi chân của mình, balo trên vai, nặng trình trịch với máy ảnh và sách và vô vàn thứ linh tinh khác. Vậy thôi.

Nhưng mà khi trở về với thế giới thực của mình, tôi lại thèm. Tôi thèm được lên đường, được đi đến một thành phố xa lạ. Được lang thang trên những con đường không quen thuộc, cười với những khuôn mặt xa xôi, ngồi gặm bánh mì mua trong siêu thị, chụp lại chân dung của thành phố bằng những cú máy vụng về. Chìm bản thể của mình ở một nơi xa lạ không ai biết là một cảm giác không thể tả. Ta giống như một tế bào lạ xâm nhập vào một cơ thể khác. Tất cả mọi thứ trước mắt ta sao khác biệt với những điều ta biết, nó chỉ cùng lợn gợn về những điều ta thấy gần giống, dường như giống chỗ này chỗ kia, còn thực chất nó là một cơ thể riêng biệt độc đáo. Một nơi đầy những cá nhân trống rỗng trong việc đi tìm bản ngã của mình. Tôi đến đấy, tế bào tôi thâm nhập vào đấy, tôi chỉ cảm giác như tôi đang tìm được sự đồng điệu của mình. Sự đồng điệu đến từ sự không thấu hiểu. Nghe có vẻ lạ phải không? Nhưng đối với tôi khi ta không thấu hiểu một bản thể, ta chỉ chạm vào nó bằng xúc giác hời hợt bề mặt, thì  bản thân sự chạm đó cho ta một cái nhìn tổng thể, một cách đánh giá chủ quan, nó là sự dễ dàng nhất để ta tiệm cận với sự đồng cảm, vì rốt cuộc trên cuộc đời dài đằng đẵng, chúng ta đa phần chỉ chạm nhau bằng những cái nhìn để thấu thị vào bản năng bên trong sự tương giao nào đó mà ta muốn.

Tôi hay tưởng tượng đến một mặt hồ, và tôi là người khổng lồ đang đứng bên bờ hồ đó, vì là người khổng lồ nên mặc dù hồ rất rộng đối với kích cỡ người bình thường, nhưng với tôi nó khá là nhỏ, tôi đặt bàn tay lên mặt nước, bàn tay tôi tiệm cận vào tâm của hồ, bàn tay lớn và nhạy cảm, tôi chạm nhẹ vào đó rồi từ từ tôi đẩy tay mình xuống dần từng chút một, sau đó đột ngột tôi nhấc bàn tay lên, tâm hồ xao động mạnh, rồi từng gợn nước lăn tăn lăn tăn theo vòng tâm đó lan tỏa ra khắp nơi bằng những vòng tròn đồng tâm mà dao động yếu dần tỉ lệ nghịch với bàn kính đường tròn. Tôi, chỉ một cái chạm tay đã chạm vào cảm mặt hồ một cách gián tiếp và trực tiếp, mặt nước mát lạnh, những sợi lông mảnh nhất trên bàn tay tôi khẽ lay động để cảm nhận được cá đang bơi dưới mặt hồ, rong đang nhảy điệu valse dưới đáy hồ, những sinh vật khác không được biết đến bởi khả năng của tôi đang dịu dàng vờn đùa với nhau. Tôi cảm nhận được chúng một cách rõ ràng, giống như tôi đang lật giở từng trang sách với những số phận trong đấy. Tôi tự xê dịch cái sự tưởng tượng đó vào hình dung một thành phố, nơi mà ngược lại, tôi là một cá thể bé nhỏ, còn thành phố là người khổng lồ, tôi không dùng tay để hiểu thành phố nữa, mà thành phố dùng luồng không khí đan quyện nhau qua từng con phố để chạm vào từng sợi lông tơ trên cơ thể tôi, chúng rung động, chạm vào sự tinh tế của các luồng không khí, ở đó tôi có thể cảm nhận được sự nhộn nhịp của khu phố này, sự buồn bã của khu phố kia, một cô gái đang ngồi dưới mái hiên nhìn lên bầu trời cao rộng mơ về chàng hoàng tử của mình, một đôi vợ chồng già đang đi dạo tay trong tay để đi hết những ngày cuối cùng của cuộc đời, một nhóm bạn trẻ đang đứng xếp hàng để đến lượt mình vào một hộp đêm nơi một phần tuổi trẻ được tiêu xài trong đó, sức sống và sự lãng quên…. Từng con phố đó truyền hơi thở cho luồng không khí, len lỏi chạm vào một sinh thể bé nhỏ như tôi, tôi chỉ việc đơn giản bên trong người khổng lồ nhắm mắt lại và cảm nhận, giác quan tôi mở rộng, từng lỗ chân lông như những con mắt được nở ra đến đón vào mình tất cả sức sống cũng như sự trì trệ của một sinh thể khổng lồ như thành phố. Tôi không kiệt sức vì sự hấp thụ khổng lồ đó, vì tâm hồn tôi, thứ vô hình, vô dáng, nằm bên trong tôi, bên trên tôi, bên ngoài tôi sẽ bung hết ra, pha loãng vào không gian để đón nhận tất cả.

Đó là lý do tôi hay chọn một địa điểm cố định ở một nơi xa lạ chỉ để đặt chân và đặt thân mình ở đó. Tôi thích nằm trong một khách sạn có cửa sổ và cảnh đêm bên ngoài, tôi thích ngồi chết dí ở bờ biển nơi mở ra khoảng đen bất tận của biển cả trước mắt, tôi thích ngồi trên một con đèo, nhìn xuống thung lũng đen kịt với đầy sự huyền bí ẩn sau cây cối phía dưới. Những lúc như thế, tôi để không gian xung quanh mình thật yên tĩnh, thế giới thu hẹp trong tầm nhìn của đôi mắt nhưng mở rộng bằng sự cảm nhận bởi xúc giác. Nó cũng không khác gì xứ sở Narnia huyền diệu của tôi, chỉ có điều nó thực, và nó là sự nghiệm sinh bằng chính bản thể xác thịt của mình.

Một ánh chớp lóe sáng trên bầu trời, xuyên qua những chiếc cửa sổ áp mái căn hộ của tôi, đôi mắt tôi chớp nhanh theo ánh chớp, một cách cửa trong não bộ của tôi mở ra, tôi thấy tôi đang ngồi đó, trước Moulin Rouge ở Paris, cốc bia trước mặt, một hình dung đầy ảo ảnh ngồi cạnh tôi, Paris ồn ã ngay cả đêm khuya vì nơi tôi ngồi những bước chân đi lại liên tục, không ngừng như thể sợ hãi sự sống sẽ đi mất bất kể lúc nào, chúng tôi nhìn người này người kia, nói về những người qua đường, đi qua trước mặt, cốc bia cạn dần, nhưng sức sống của tuổi trẻ cứ ứ đầy, chúng tôi còn rất trẻ, chúng tôi ở một thành phố vừa lạ vừa quen, một thành phố nơi mà chúng tôi thường ghé chân nhưng chỉ trú lại trong vài ngày ngắn ngủi, đó là lần đầu tiên chúng tôi ngồi với nhau. Tôi không còn là một cá thể bé nhỏ cảm nhận nơi xa lạ khổng lồ bằng xúc giác nữa, tôi là một có thể đã có một liên kết với một cá thể khác, vẫn bé nhỏ, nhưng sự bé nhỏ được nhân đôi, và tâm hồn thì mở rộng ra gấp bội. Cuộc sống trôi đi trong ánh đèn đủ màu sắc của đêm, những câu chuyện được nói với đầy sắc cười và sự yêu dấu. Đó là một trải nghiệm khác, một sự xa lạ khác mà tôi thấy nụ cười của mình đầy ắp, và cảm xúc của tôi không còn thu vén về cái nơi tôi đang ngồi đấy nữa, cảm xúc của tôi nó bám vào cảm xúc của người ngồi cạnh tôi, rồi từ đó, tôi không biết, chỉ là cảm giác, cảm xúc của hai chúng tôi cùng chu du qua những nóc nhà Paris, như chú mèo trong bộ phim A cat in Paris của hai đạo diễn Jean-Loup Felicioli, Alain Gagnol, ánh đèn, từng con phố, kinh đô ánh sáng co lại thành một sự thân thương không thể cưỡng lại, tôi chưa bao giờ nghĩ đến nó bằng một sự thân thương hơn tôi đã từng có qua những trang sách của Victor Hugo, vậy mà lúc đó nơi xa lạ thân thương đã biến thành nơi gần gũi đầy yêu mến, một tính từ tôi chỉ muốn nói tránh đi của tình yêu.

Đó là lần đầu tiên chúng tôi ngồi với nhau ở một nơi không thuộc về cả hai, và có lẽ là lần cuối cùng trong cái hữu hạn của đời người mà tôi đang ngày càng thấy xa vời và cách biệt. Từ việc chỉ là mong muốn giờ đã gia tăng sự vô định bằng ước mơ. Cái việc được một lần như vậy nữa nó đã biến thành một ước mơ, một điều gì đó phi thực tế và phi giới tuyến về không gian. Vì là ước mơ nên sau đó tôi phải tự đè cái ước mơ đó lại, để những mong muốn nhỏ nhoi tìm đến một thành phố xa lạ của tôi được trở về trong tôi với những vẹn nguyên của cảm giác, của sự háo hức và sự thèm. Có một đêm gần đây, tôi muốn đi quá, tôi lang thang ngoài đường trong đêm khuya lạnh lẽo, tôi đi ra cây cầu quen thuộc cạnh nhà, tôi đến quảng trường lớn, bốn phía thinh không, những ánh đèn yếu ớt về khuya tạo ra những khoảng sáng tối đầy ma mị, tôi chững lại, tôi cảm thấy lạc lõng và bải hoải, cái cảm giác của một tâm hồn không biết mình thuộc về đâu, cảm giác đó nó đến vì tôi không phải ở nơi xa lạ, tôi đang ở gần nhà của tôi, nơi tôi vẫn đến thường xuyên, nơi tôi đã thuộc từng cửa hàng và con phố. Tôi chợt nghĩ không biết tôi đang làm gì ở đây, tại cái “nhà” này, nơi tôi thuộc về mà cũng chẳng thuộc về tôi, một nơi vô định trong cái cố định của đời sống. Tôi lạc lối. Nếu là nơi xa lạ tôi đã hẳn tự mặc định trước trong tâm trí mình rằng tôi đang ở nơi tôi chẳng biết gì cả, nên mọi thứ trong tầm mắt là những thứ hoàn toàn tôi không nhận biết. Còn tại đó, quảng trường lớn gần nhà tôi, trong đêm khuya, thỉnh thoảng những âm thanh của ôtô của những tiếng người nhẹ như gió thoảng vọng lại bên tai, bóng tối đã đồng lõa với cái tâm vốn đang tĩnh lặng của mình, để khuấy nó lên, để tôi thấy tôi đang không biết làm gì tại nơi gần gũi này, tại sao tôi lại ở đây, lại để mình lạc lối trong mê cung của đời sống, để cứ phải nhớ nhung, buồn bã, để vật vã đi tìm lại chính mình, vật vã đi tìm xem tôi là ai, đi tìm em ở tận nơi nào. “Nhà” tôi đã bội phản tôi như vậy. Nó phản bội tôi khi tôi đang thấy mình thân thuộc với nó nhất, tôi thấy mình đang thả cả tâm hồn và thể xác mình lại đó, bám lấy nó, cái nơi quen thuộc này của tôi nó thỉnh thoảng lại bội phản tôi như vậy. Đó là sự bất trắc mà nơi xa lạ sẽ không mang đến cho tôi, sự xa lạ của một thực thể thành phố khổng lồ nào đó sẽ không cần biết tôi là ai, tôi cũng không cần biết thành phố đó nó mang đến cho tôi cái gì, chúng tôi là hai kẻ xa lạ, chúng tôi tan vào nhau trong ánh sáng cũng như bóng tối mà không tạo cảm giác sẽ có sự bội phản đè nén tâm hồn mình. Có lẽ đó là lý do mà vì sao tôi hay nhiều người khác cũng vậy, muốn được chìm mình trong một nơi xa lạ, đôi khi, để thoát cái “nhà” của mình.

Chính vì sự chỉ muốn chìm vào nơi xa lạ như vậy, nên có lần tôi với thằng bạn tôi cãi nhau chỉ vì tôi đã không lên kế hoạch trước đến thăm chỗ này chỗ kia, đi đến những địa điểm nổi tiếng trên các quyển sách du lịch để rồi khi đến nơi hai thằng cứ lang thang mà không biết đi đến chỗ nào để nó được ngắm những biểu tượng của nơi chúng tôi đến. Vì nó đâu có hiểu được cách tôi cảm nhận một thành phố xa lạ như tôi đã kể ở trên, nó đâu có hiểu được cách tôi hưởng thụ chuyến đi của mình, cách tôi lang thang đi tìm mạch đập của thành phố qua những giác quan mở rộng. Để đi đến những địa điểm nổi tiếng thì ai cũng làm, nhưng để cảm nhận được mạch sống của thành phố qua sự mở lòng và để đôi chân dẫn lối lại là một điều không phải ai cũng có thể hiểu để cảm. Tôi chỉ nghĩ, trong quan điểm của mình, khi tôi để mặc mình chơi vơi trong nơi xa lạ, tôi sẽ chạm được vào cái bình dị nhất, cái cốt lõi, từng sợi tơ trên cánh tay của người khổng lồ sẽ cảm nhận được mạch ngầm dưới đáy hồ, hay từng sợi lông trên cơ thể tôi sẽ chạm vào không khí những dòng lưu chuyển của một thực thể khổng lồ mà tôi đang chìm vào bên trong đó.

“Một ngày như mọi ngày, bóng đổ một mình tôi” – Trịnh Công Sơn (à, tôi nghe đến câu này khi tôi đặt dấu chấm cuối cùng ở trên).

Exit mobile version