Trong nhiều đạo diễn hoa ngữ thành danh trong nước và quốc tế, có lẽ Trương Nghệ Mưu là một trường hợp đặc biệt. Ông gắn bó với văn hoá Trung Quốc, với con người Trung Hoa qua từng tác phẩm một, từ thời kì đầu mới làm phim, cho đến sau này thành danh và được Hollywood để mắt tới. Ông có ý thức vô cùng mãnh liệt về việc xuất khẩu văn hoá Trung Hoa ra trường quốc tế, chẩng thế mà dù cho chọn những nam diễn viên Mỹ để vào phim của mình, nhưng không vì thế mà yếu tố Trung Quốc bị yếu đi hay triệt tiêu. Điều đó được thể hiện vô cùng rõ nét trong tác phẩm Kim Lăng Thập Tam Thoa với sự tham gia của Christian Bale vào năm 2011, hay tác phẩm The Great Wall có sự tham gia của nam tài tử Matt Damon sẽ ra mắt khán giả vào tháng 2 năm 2017, một tác phẩm tham vọng nói về Vạn Lý Trường Thành.
Thuộc thế hệ đạo diễn thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc cùng thời với Trần Khải Ca, Điền Tráng Tráng, Trương Nghệ Mưu trải qua thời kì đen tối của Trung Hoa với cách mạng văn hoá. Chính nhờ cách mạng văn hoá, Trương Nghệ Mưu trong quá trình bị đẩy đến vùng nông thôn làm việc và sống đời sống của dân nghèo đã giúp ông thay đổi nhận thức về xã hội. Điều được ông thể hiện rất nhiều trong các bộ phim thời kì đầu đặc biệt là bộ ba phim Cao Lương Đỏ (1987), Cúc Đậu (1990) và Đèn Lồng Đỏ Treo Cao (1991) khi ông cùng nàng thơ Củng Lợi của mình tái hiện lại xã hội thôn quê với rất nhiều hủ tục, định kiến còn xót lại từ chế độ phong kiến.
Trong bộ ba phim đó, bằng vào khả năng của một người xuất thân là Nhiếp Ảnh Gia, Trương Nghệ Mưu tạo dựng nên một không gian đặc biệt ấn tượng với sắc đỏ làm chủ đạo. Sắc đỏ của bộ quần áo cưới thể hiện, sắc đỏ của đèn lồng, sắc đỏ của máu, của rượu. Nó vừa thể hiện được “tính nữ” của nhục dục, vừa thể hiện hủ tục về nối dõi tông đường của xã hội phong kiến nơi xem những người phụ nữ chỉ là công cụ hơn là mang đến tình yêu. Trong xã hội nửa phong kiến đó, Trương Nghệ Mưu khôn khéo tránh né động chạm đến chính trị, với ông, mỗi thân phận con người mới là điều đáng kể, trong mỗi thân phận đó, ông nói lên nỗi lòng của họ, đặc biệt là phụ nữ. Cho họ tình yêu, cho họ ham muốn và cho họ phản khánh. Dù cuối cùng, như một lẽ tất yếu trong một xã hội trọng nam khinh nữ, họ đều có số phận bi thảm, cái chết của Cúc Đậu, cái chết của Cửu Nhi trong Cao Lương Đỏ, hay cô gái hoá điên trong Đèn Lồng Đỏ Treo Cao.
Có lẽ Cách Mạng Văn Hoá đã đả thông tư tưởng cho ông rất nhiều. Khiến ông có thể hiểu hoàn cảnh chính trị của mình, giúp ông tìm được cách kể chuyện độc đáo, không còn mang bóng dáng của thứ phim ảnh đơn điệu dưới thời Mao Trạch Đông, nhưng không đả phá chính quyền. Ông chỉ nhìn vào thân phận người, số phận người phụ nữ bằng sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ. Trương Nghệ Mưu luôn luôn là một đạo diễn đa dạng, ông muốn phim ảnh mà mình làm ra có sự đa dạng và cầu thị. Như trong một bài phỏng vấn ông có nói rằng: “Tôi đã làm nhiều phim về đỏ quá. Tôi không muốn khán giả sẽ nói rằng: à, lại một phim nữa của Trương Nghệ Mưu bất cứ khi nào tôi làm một bộ phim mới” (Zhang Yimou, interview with Mary Farquhar tại Liên hoan phim quốc tế hawaii, 1995 – Senseofcinema.com)
Sau bộ ba phim đánh dấu tài năng của Trương Nghệ Mưu trên con đường điện ảnh, ông bắt đầu tìm kiếm những chủ đề mới, nhưng có một điều xuyên suốt gần như trong tất cả mọi tác phẩm của ông đó là phụ nữ. Những tác phẩm như Phải Sống, Thu Cúc đi kiện hay Quy Lại (2014), Đường Về Nhà (1999) là những thân phận phụ nữ không phải chống lại bạo lực gia đình và hủ tục về nối dõi tông đường, ông đẩy người phụ nữ ra xã hội, họ đứng lên chống lại mặt trái của xã hội đó, mà ở đây là Cách Mạng Văn Hoá, chính quyền, họ đòi quyền lợi cho người thân, cho tình yêu của họ. Sự được lòng của ông của đảng Cộng Sản Trung Quốc giúp ông có thể thực hiện những bộ phim về đề tài nhạy cảm như Cách Mạng Văn Hoá. Vì đối với ông, mọi thứ chỉ để lột tả số phận những cá nhân đơn lẻ, cô độc và nghèo khó. Ông không đả kích, vạch mặt hay tố cáo.
Trương Nghệ Mưu vượt qua mọi lời dèm pha về việc nghe lời chính quyền, ông đứng trên đôi chân mình bằng những tác phẩm nghệ thuật thuần khiết, cũng như những tác phẩm nghệ thuật chứa nhiều yếu tố thương mại về sau này như Hoàng Kim Giáp, Anh Hùng, Thập Diện Mai Phục được đón nhận rộng rãi không chỉ công chúng, mà còn các liên hoan phim và các lễ trao giải lớn như Oscar, Cannes, Venice… Trương Nghệ Mưu không chỉ làm phim, ông còn tham gia đạo diễn kịch, đạo diễn các chương trình nghệ thuật mà điển hình chính là Lễ Khai Mạc Olympic Bắc Kinh 2008.
Sau hơn 2 thập kỉ làm việc không ngừng nghỉ, ở độ tuổi 65 ông vẫn không muốn dừng lại. Thời kì về sau những tác phẩm của ông không còn mang nhiều sức mạnh nghệ thuật qua ngôn ngữ điện ảnh, mà chuyển hướng sang khán giả đại chúng và quốc tế hơn. Chính vì vậy, Kim Lăng Thập Tam Hoa hay tác phẩm mới nhất The Great Wall mang dấu ấn rất rõ về việc ông đang muốn tiếp tục thay đổi trên con đường sáng tác của mình để tạo ra sự đa dạng nhất có thể. Khi công bố về dàn diễn viên của The Great Wall, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã nhận được những phản đối gay gắt về việc “làm trắng” nhân vật khi chọn Matt Damon vào vai nam chính. Tuy nhiên ông đã bảo vệ quan điểm của mình trong một bài phỏng vấn trên Entertainment Weekly: “bộ phim này không phải là về việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành, Damon cũng không đóng một vai dành cho người Trung Quốc. Anh chỉ là 1 trong 5 nhân vật chính, mà 4 nhân vật còn lại là người Trung Quốc”. “Tôi đã và sẽ không chọn diễn viên cho một bộ phim mà nó đi ngược lại quan điểm thẩm mỹ điện ảnh của tôi”. Ông vẫn luôn vậy, trong suốt sự nghiệp của mình, gắn bó với văn hoá, con người Trung Quốc và xuất khẩu nó ra thế giới với nét đẹp mỹ cảm của nghệ thuật điện ảnh.
Box: Trả lời phỏng vấn trên THe Wall Street Journal, Trương Nghệ Mưu nói về The Great Wall như sau: Thực sự là một thách thức cho tôi vì bộ phim sẽ hoàn toàn nói tiếng Anh. Tôi đã từng từ chối những tác phẩm như vậy, nhưng sau khi làm “Kim Lăng Thập Tam Thoa” bộ phim nói một phần bằng tiếng Anh, tôi nhận thấy rằng phản hồi của khán giả không tệ khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Nhưng tôi chỉ nhận những dự án mà câu chuyện có liên quan đến Trung Quốc với những yếu tố Trung Quốc. Nếu không, tôi không thể làm gì nhiều với nó.