Tuấn Lalarme

Nói chuyện phim: Transformers: Age of Extinction


Sau một thời gian dài tôi không ra rạp xem phim vì nhiều lý do, tôi đã quyết định phải đẩy mình đến đấy dù sao thì tôi cần phải ngồi ở một nơi nhiều người để cùng xem một bộ phim nào đó với họ, để nghe cách họ biểu lộ cảm xúc trong suốt thời gian phim diễn ra. Tôi có hai lựa chọn: Boyhood của Richard Linklater hoặc Transformers 4. Boyhood thì quá đặc biệt, tôi đã được nghe nói quá nhiều, rating trên metacritics là 99/100, không có gì đảm bảo hơn nữa về mức độ hấp dẫn của bộ phim này, hơn nữa tôi lại còn là một người đặc biệt thích trilogy “Before…” của ông. Nhưng tôi quyết định chọn Transformers 4 của Micheal Bay, một bộ phim hành động thuần túy, bị chê tơi tả, nhiều bạn hỏi trên ask.fm của tôi về phim này và đều biểu cảm sự thất vọng nặng nề. Nhưng tôi cần phim gì đó để giải trí thuần túy, một phim gì đó chỉ để xem mà không nghĩ gì hết, sau khi gần đây tôi đã xem khá nhiều phim độc lập như Ida, Under The Skin, The Immigrant… Tôi sợ rằng tôi sẽ không đủ sức để viết review phim Boyhood, đó là điều đáng tiếc nếu phim đó được đánh giá cao như vậy.

Phần 4 của loạt phim về robot biến hình của Michael Bay nếu gọi là thảm họa của điện ảnh cũng chẳng sai, nhưng cũng có thể nhìn ở góc độ khác thì nó không đáng bị trù dập thảm hại như vậy. Nó cho tôi sự giải trí cần có, đôi khi hơi quá dài dòng ghê khó chịu, nhưng nhìn chung, xem để mà xem, vứt đi gần 3 tiếng để đầu óc hoàn toàn ở trạng thái trống rỗng thì quả cũng đáng. 

Tôi chưa bao giờ thích 3 phần trước của phim, nếu không muốn nói nó giống như một tờ báo vứt lăn lóc trên tàu điện ngầm để ta cầm vào giết thời gian nhàm chán trong lúc ngồi tàu. Dài lê thê, vô vị, kịch bản nhạt nhẽo, những cảnh quay được sắp đặt đến nực cười, chỉ có mấy con rô bốt biến hình, những cảnh hành động cháy nổ hoành tráng làm người ta sao nhãng đi việc một tác phẩm điện ảnh đích thực cần phải như nào. Nhưng tôi không phủ nhận nó có một sức hút nào đó khá mời gọi, giống như ta ngồi đơn điệu trên tàu điện ngầm và nhìn vào tờ báo vứt bên cạnh mình, tôi nghĩ đa phần sẽ cầm lên dù cho chẳng quan tâm chút nào đến nội dung bên trong đó. Transformers xuất hiện cũng ở tình trạng như vậy. Mùa hè rực rỡ, ta có quá nhiều thời gian rỗi, ta muốn giải trí, muốn vứt thời gian vào cái gì đó đơn giản, dễ hiểu. Transformers hay những bộ phim bom tấn xuất hiện trong thời gian hè mang một mục đích như vậy. Nếu may mắn ta sẽ có được một bom tấn được cả nội dung và hình thức như cách mà X-Men: Days of Future Past làm được, nếu không thì những Transformers hay The Amazing Spider-Man 2 cũng là lựa chọn không tồi. Những bộ phim mà ta chẳng bao giờ kì vọng thì nó cũng cũng gây quá nhiều thất vọng để bực bội.

Công bằng mà nói Transformers 4 đối với tôi, tôi thấy nó khá hơn hẳn 3 phần trước, câu chuyện rõ ràng, có lớp lang hẳn hoi, không bị tình trạng những cảnh quay sến một cách rất vô duyên như các phần trước. Hẳn nhiên nếu các phần là những tờ báo không có tin gì hấp dẫn, toàn những quảng cáo vô dụng, thì tờ này đã có tin tức gây chú ý, có lẽ vụ về con số 7 đang ám ảnh ngành hàng không chẳng hạn. Transformers 4 đã sửa được những cái dở tệ hại, tất nhiên nó vẫn có đầy những thứ dở tệ hại khác nhưng ít nhất nó đã gây ra cảm tình hơn đối với những “cinephile” như tôi.

Bỏ đi hết dàn diễn viên cũ, Micheal bay đã tìm đến những cái tên gây thiện cảm hơn, có khả năng diễn xuất hơn bao gồm Mark Wahlberg, Stanley Tucci. Nhưng trong một bộ phim mà sức mạnh của Robot quá vượt trội thì hình diện con người thật quá nhỏ bé và mờ nhạt. Bộ phim ban đầu dẫn ta đến một kế hoạch của chính phủ dựa vào những nghiên cứu trên cơ thể Decepticon (robot ác, khác với Autobot là robot tốt) để tạo ra những robot biến hình có khả năng và sức mạnh như hệt các Autobot chỉ có điều dưới sự điều khiển và kiểm soát của con người. Một kế hoạch dùng bản sao chống lại bản chính. Nhưng kế hoạch sau đó thất bại khi tinh thần của Decepticon được cấy vào trong lũ nhân bản, và tất nhiên như những phần trước cuộc chiến của những gã khổng lồ bằng kim loại lại tiếp tục. Cade Yeager (Mark Wahlberg) nhiêm vụ lớn vẫn là đi theo ủng hộ tinh thần, bảo vệ gia đình gồm một cô con gái 17 tuổi siêu nóng bỏng và người yêu của cô bé. Phần còn lại là cuộc chiến của Optimus Prime – lãnh đạo đội quân robot tốt chống lại đội quân nhân bản. Tất nhiên như tôi đã nói câu chuyện được xây dựng khá hơn. Không chỉ chống lại đội quân nhân bản. Optimus Prime phải chống lại đội quân được gửi đến trái đất của những “Kẻ kiến tạo” được cho là người tạo ra Optimus Prime và robot biến hình nói chung. Đến đây thì Micheal Bay quả là muốn mở rộng trí tưởng tượng của mình khi cho đưa vào phim cả những con khủng long biến hình “dinobot”. Quả là hơi quá đà.

Bộ phim trở thành cuộc chiến của các robot, điều mà có ai đó phải than rằng, giống như đang ngồi nhà chơi X-box vậy. Nhưng tôi không nghĩ rằng đây là thảm họa điều mà đang tàn phá Hollywood, khi kĩ thuật số được sử dụng hầu như trong toàn bộ bộ phim. Đây chỉ là điều hiển nhiên trong quá trình phát triển quá mạnh mẽ của công nghệ. Điện ảnh không phụ thuộc và cũng không sợ hãi điều này. Công nghệ có tiến bộ rồi sẽ lạc hậu. Có lẽ một thời gian nữa, ta sẽ thấy sự hoàng tráng của bộ phim đã trở nên lạc điệu so với bước tiến khác của công nghệ. Nhưng điện ảnh nó có linh hồn của mình. Như cách mà Autobot có linh hồn khác hẳn với lũ nhân bản không có linh hồn kia. Chính vì điện ảnh có linh hồn, nên nó sẽ sống bên ngoài công nghệ, công nghệ đơn thuần chỉ là phụ kiện phụ trợ cho mưu đồ của người làm phim. Micheal Bay đã làm phim theo cách của mình là tận dụng tối đa công nghệ để mở rộng không giới hạn trí tượng tượng của mình. Còn có những nhà làm phim khác, họ đơn thuần chạm vào linh hồn của điện ảnh để kể lại một cách tinh tế và sâu sắc nhất điều mà điện ảnh đã mang lại trong suốt 1 thế kỉ qua của mình.

Tôi không bao giờ sợ điện ảnh sẽ bị công nghệ mua chuộc, nên tôi luôn nhìn những sự hào nhoáng kinh hoàng loạt phim Transformers một cái nhìn có phần dễ dãi và chấp nhận. Gần đây nhất có bộ phim Godzilla của đạo diễn Gareth Edwards vấp phải sự chỉ trích gần tương tự khi vai diễn của con người quá mờ nhạt trong sự nổi giận của tự nhiên. Có lẽ, một phần họ sợ công nghệ đã biến sức mạnh ngoài con người quá to lớn, nó làm cho con người nhỏ bé đến mức không còn cái tôi nữa, cái tôi mà một nhân vật trung tâm của bộ phim cần có để lãnh đạo câu chuyện, và dẫn dắt nó thỏa hiệp với khán giả. nhưng trong một thế giới đa diện, con người, đôi khi nên dẹp đi cái tôi của mình để hiểu mình chẳng là gì so với những thứ khác, đến từ chính trí tưởng tượng của con người. Tôi thấy thật thú vị trong sự lựa chọn mà mình có khi tôi quyết định ra rạp xem phim. Boyhood đến từ linh hồn điện ảnh, và Transformers 4 đến từ phần phô trương của kĩ nghệ điện ảnh. Đó chính là điều điện ảnh luôn mang lại để cho những người như tôi không phải dùng những từ quá đao to búa lớn về sự thất vọng, về sự phi điện ảnh của những tác phẩm như Transformers 4. Tôi không hiểu tại sao lại có thể hy vọng vào loạt phim Transformers để mà thất vọng vì nó, thực sự hãy mong đợi 1 tác phẩm điện ảnh đích thực, khi đó sự thất vọng mới dùng đúng chỗ. Còn với những tác phẩm với sự phô trương về hình ảnh như T4 thì hãy cứ coi như ta đang chán, và cần có tờ báo nào đó để cầm lên, không cần đọc, chỉ cần ngồi cộng dồn các con số xuất hiện trong đấy cũng được, còn thú vị hơn bạn ngồi không, và tự vấn bản thân về sự lãng phí thời gian của mình.

Có điều lạ là sau khi xem xong Transformers 4 tôi lại liên tưởng ngay đến 1Q84 của Murakami. Thực sự mà nói tôi đang phát ngấy khi cố gắng hoàn thành tập 3 của bộ tiểu thuyết này. Nó chẳng khác Transformers về độ câu giờ lê thê của con chữ. Tiểu tiết được ông mô tả quá kĩ mà không hề cần thiết. Murakami không phải là Proust, không phải là Dostoievski, sự dài dòng của ông thật đáng chán. Và quả thực, tôi đang thấy mình bắt bài câu chuyện của ông để có thể đoán được các bước phát triển của 3 nhân vật chính của phần 3 này. Vẫn còn chút nữa, tôi vẫn sẽ cố đọc cho xong. 

Vài hôm nữa tôi sẽ đi xem Boyhood, tôi chỉ hy vọng, tôi sẽ viết được một bài review thật hay về phim đó. Tôi thực sự mong như vậy.

Exit mobile version