Cười là một ngôn ngữ chung của cả loài người trên thế giới này, một thứ ngôn ngữ không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, sắc tộc… Khi chúng ta cười có cảm tưởng như thế giới này dừng lại trong tíc tắc, mọi lo âu phiền muộn đều tan biến hết. Chính vì vậy mà thể loại phim hài hay hài kịch thường có kết thúc có hậu, mục đích đa phần là để giải trí và đây cũng là một trong những dòng phim lâu đời nhất – một trong những bộ phim câm đầu tiên cũng là phim hài. Thế nên cũng dễ hiểu khi phim hài là một thể loại gần gũi và dễ thu hút khán giả đến rạp nhất.
Đấy là với khán giả đại chúng, còn với những người yêu thích và nghiên cứu điện ảnh một cách nghiêm túc thì lại có sự phân hóa nhất định về cách nhìn nhận phim hài. Người thì nói rằng hài kịch/phim hài là một hình thái nghệ thuật vì từ xa xưa đến nay luôn có chỗ cho những sân khấu hài trong giới tri thức cũng như là giới quý tộc. Còn có những người lại phản bác và không chấp nhận phim hài là một bộ môn nghệ thuật và không đánh giá quá cao thể loại phim này. Cũng chẳng thể nói họ không có lý khi phim hài ngày càng có nhiều thể loại hài nhảm, thậm chí khó có thể gây cười nổi hoặc quá đơn giản, hời hợt và không có chiều sâu. Nó dành cho đại chúng, nó là một phương tiện giải trí tốt chứ không thể nào xếp chung vào loại hình nghệ thuật cấp cao được.
Cả hai nhóm đều có những cái đúng và những cái sai. Tuy nhiên về nhóm chê phim hài thì ta vẫn có thể phản biện được vì có một thể loại trong nhánh phim hài không mang những thuộc tính xấu trên đó là black comedy (hay còn có tên khác là dark comedy) – bi hài kịch/hài trào phúng. Dịch như trên vẫn không chuẩn xác lắm vì nó chưa diễn tả được hết bản chất của black comedy nhưng có lẽ trong tiếng Việt cũng không có một từ tương đương nào khác. Với bản thân cá nhân mình thì đây là một dòng phim mình cực kì hứng thú và đánh giá cao.
Nói một cách khách quan: làm trò cười lố bịch, hời hợt thì dễ nhưng để tạo ra tiếng cười thật vang, thật sâu, thật xa vào trong nội tâm con người mới là cực khó. Chính điều đó đã tạo nên giá trị nội tại của black comedy và góp phần đưa nó đứng cao hơn các thể loại phim hài khác một bậc. Trải qua thời gian thì đến nay black comedy cũng đã trở nên gần gũi, thân quen hơn với khán giả nhưng theo ý kiến của mình thì cùng chung số phận đi xuống của điện ảnh hiện đại, black comedy gần đây cũng không có quá nhiều cái tên nổi bật mà nhiều khi chỉ mang nặng tính cưỡi ngựa xem hoa. Muốn tìm hiểu cái chất, cái tinh túy của black comedy thì hãy tìm đến những bộ phim cũ, đặc biệt là black comedy của Anh. Cái chất phớt tỉnh và hài hước trào phúng sâu sắc thượng thừa của phim black comedy Anh sẽ làm bạn thấy thật sảng khoái và gật gù một cách thú vị. Nhưng sự thâm thúy nó không chỉ dừng ở đấy. Bởi vì sau tiếng cười là còn cả một bầu trời những điều trăn trở cần phải suy nghĩ. Họ – những đạo diễn tài năng sẽ không để bạn cười quá to tiếng, quá lâu mà quên đi cái sự thật phũ phàng cần được cảnh tỉnh kịp thời.
Chính vì vậy mà black comedy cũng khá kén người xem nhưng nếu nó hợp gu ai thì thích sẽ rất thích. Vậy Black Comedy là cái khỉ gì?
Black Comedy là thể loại phim hài xoay quanh những vấn đề lẽ ra không buồn cười chút nào. Thường là những chủ đề quá nghiêm trọng, cấm kị, nhạy cảm… ví dụ như: giết người, tự tử, chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, lạm dụng tình dục, phân biệt chủng tộc, giới tính, chủ nghĩa dân tộc cực đoan… Điều mấu chốt là những tác gia ấy chọn những chủ đề này không phải để tạo ra sự giật gân, câu khách rẻ tiền hay “mua vui cũng được một vài trống canh” mà ở đó là những triết lý sống, những cái nhìn chua cay, đắt giá và tinh tế về xã hội, về con người.
Tôi nhận thấy có một điểm thú vị về Black Comedy đó là trải nghiệm cuộc sống của từng cá nhân là nhân tố quyết định xem người đó thích những phim Black comedy nào nhất. Thậm chí danh sách 10 phim black comedy của ba người khác nhau có thể chứa tận 30 phim khác nhau! Chính vì vậy mà danh sách 13 phim Black Comedy tôi cho là xuất sắc nhất mọi thời đại (sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên) cũng chỉ là mang tính tương đối và chủ quan.
- Dr. Strangelove (1964) – Stanley Kubrick
- The Seventh Seal (1957) – Ingmar Bergman
- Brazil (1985) – Terry Gilliam
- Fargo (1996) – Anh em nhà Coen
- After Hour (1985) – Martin Scorsese
- Grosse Pointe Blank (1997) – George Armitage
- Delicatessen (1991) – Jean Pierre Jeunet
- Mary and Max (2009) – Adam Elliot
- Kind Hearts and Coronets (1949) – Robert Hammer
- Life of Brian (1979) – Terry Jones
- A Clockwork Orange (1971) – Stanley Kubrick
- Trainspotting (1996) – Danny Boyle
- Arsenic and Old Lace (1944) – Frank Capra
1. Dr. Strangelove (1964) – Stanley Kubrick
Nổi tiếng nhất của dòng phim Black Comedy hẳn phải nói đến “Dr. Strangelove” sản xuất năm 1964 của đạo diễn Stanley Kubrick. Nước Mỹ đang trong thời kì chiến tranh lạnh, vào một ngày đẹp trời viên tướng Jack Ripper quyết định sẽ tấn công Liên Xô bằng bom nguyên tử. Lệnh đã ra, máy bay B52 lên đường hướng tới lãnh thổ Liên Xô. Sĩ quan Lionel Mandrake tìm mọi cách thuyết phục Ripper nhưng mọi nỗ lực đều thất bại. Cùng lúc đó một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập ở Lầu Năm Góc nhằm ngăn chặn cuộc tấn công bằng mọi giá vì họ được đại sứ Liên Xô báo rằng nếu vụ tấn công không được dừng lại thì cỗ máy Doomsday Machine của Liên Xô sẽ tự động kích hoạt và trong vài tháng tới sẽ không còn bất kì sinh vật nào trên Trái Đất còn sống sót.
Thông thường thì một phim chính kịch (drama) về chiến tranh hạt nhân và sự diệt vong của nhân loại sẽ mang đến cho khán giả một cái nhìn và bầu không khí nặng nề, nghiêm trọng của một cuộc hòa giải, thương lượng căng thẳng đến nghẹt thở nhưng “Dr. Strangelove” lại tiếp cận chủ đề này theo một cách hoàn toàn khác, một hướng hoàn toàn bất ngờ: hài hước mỉa mai cực kì sắc bén nhằm chế nhạo chủ nghĩa hạt nhân và thời kì chiến tranh lạnh ở các nước phương Tây. Nhìn xung quanh đâu đây mình thấy những người trẻ nói về chiến tranh với một sự hào hứng nhiệt thành như thể đó là một trò chơi vui vẻ. Nhưng nó không phải. Chúng ta tưởng mình hiểu về chiến tranh. Chúng ta đọc vanh vách những số liệu, những trận chiến, phân tích chiến thuật và sai lầm. Nhưng chúng ta chẳng hiểu gì cả. Chỉ có những người trong cuộc mới biết rõ thế nào là chiến tranh.
Bộ phim diễn ra ở ba địa điểm chính: chiếc máy bay ném bom, phòng chiến tranh (The War Room) và văn phòng của Ripper. Diễn viên Peter Sellers đã hoàn thành cực kì xuất sắc cả ba vai: tổng thống Mĩ, Lionel Mandrake và tiến sĩ Strangelove. Kubrick thật là một thiên tài khi mọi cảnh quay trong phòng chiến tranh đều có thể khiến khán giả bật cười hả hê. Mỉa mai làm sao khi cái quy trình vốn để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân lại đang chính là thứ đang thúc đẩy nó diễn ra.
“Gentlemen, you can’t fight in here! This is The War Room!”
2. The Seventh Seal (1957) – Ingmar Bergman
Hiếm có một nền điện ảnh nào như Thụy Điển, từ đạo diễn huyền thoại Bergman cho đến đầu thế kỷ 21 chưa bao giờ lệch ra khỏi con đường nghệ thuật chân chính: Các thế hệ làm phim luôn giữ trong mình sự tự tôn và cố gắng vươn đến vẻ đẹp thuần khiết của nghệ thuật. Người ta ví von những bộ phim từ vương quốc Bắc Âu này như những viên ngọc nguyên sơ chưa mài giũa nhưng lấp lánh và có giá trị nhất. Cũng không có gì ngạc nhiên nếu ta biết chính sách ưu đãi của chính phủ Thụy Điển với những người làm nghệ thuật chân chính. Ở đây không phải là Hollywood, người làm nghệ thuật thực thụ không bao giờ phải lo và cần lo về vấn đề tiền bạc hay kinh phí.
Và khi nhắc đến điện ảnh Thụy Điển, hai huyền thoại sẽ được gợi nhớ đầu tiên, đều mang họ Bergman. Đó là nữ diễn viên Ingrid Bergman, kiều nữ trong phim kinh điển Casablanca… và gười còn lại là đạo diễn Ingmar Bergman, tác giả của những bộ phim bất tử như: The Seventh Seal, Autumn Sonata, Persona, The Virgin Spring hay Fanny & Alexander…
Mặc dù được quay trong vẻn vẹn 35 ngày nhưng The Seventh Seal đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển nhất của điện ảnh thế giới. Bộ phim nói về hiệp sĩ Antonius Block, người vừa trở về sau cuộc Thập Tự Chinh, nơi quê hương đang bị nạn dịch hạch khủng khiếp tàn phá. Trên con đường hồi hương Block đã bị Thần Chết đến đón đi, để kéo dài thời gian quay về đoàn tụ với vợ mình Block đã thách đấu thần chết cờ vua: nếu thắng sẽ được sống, thua thì sẽ chết. Trải qua và chứng kiến tận mắt những số phận con người bất hạnh, những con chiên ngoan đạo quằn quại trong dịch bệnh, Block nghi hoặc niềm tin của mình với chúa trời, nghi ngờ ý nghĩa của cuộc đời mình. Trước những đau khổ mà con người phải chịu đựng, Block tự hỏi: “Chúa trời đang ở đâu?”
Giống như các bộ phim khác của Bergman, “The Seventh Seal” mang đến cái cảm giác nặng nề của dịch bệnh, của chiến tranh, của cái chết nhưng theo một phong cách rất đặc biệt: nó quá thừa niềm đam mê, sự hân hoan về sự sống cho một phim có chủ đề về cái chết….
3. Brazil (1985) – Terry Gilliam
Một tuyệt phẩm của đạo diễn người Anh Terry Gilliam, một món ăn thừa vẻ bắt mắt, một tác phẩm nghệ thuật phóng túng về mặt hình ảnh, phong cách retro-futuristic, là ẩn dụ và biểu tượng tràn ngập mà không cần diễn giải, là sự vinh danh cho nhiều thể loại văn hoá đại chúng khác nhau, là sự kính trọng và tôn vinh đối với một trong những đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại: Akira Kurosawa.
Nhưng điều mình tâm đắc nhất về Brazil: nghệ thuật trào phùng được Gilliam đẩy lên đỉnh cao nhất.
Tất cả mọi nút thắt trong phim được bắt đầu với một sự kiện khiến chúng ta không khỏi bật cười:: một nhân viên văn phòng chính phủ đập chết một con ruồi làm xác nó rơi vào chiếc máy chữ gây ra một vụ bắt nhầm người. Thay vì bắt ông Buttle thì lại đi bắt ông Tuttle! Một con ruồi chết kéo theo một con người chết!
Bằng lời thoại cực chất và hài hước, mang tính hiện thực phê phán cùng phong cách hài Anh đậm vẻ mỉa mai chua cay, Brazil đả kích sự thối nát cùng cực của những kẻ cầm quyền và mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phim tố cáo sự suy đồi của đời sống thẩm mĩ, thói đua đòi chạy theo phẫu thuật thẩm mĩ điên cuồng, các dự án nhà ở xấu xí, những đường ống to thô kệch chạy ngoằn nghèo khắp nơi, sự quan liêu cứng nhắc đến vô nhân tính của bộ máy chính quyền…
Con người không còn được coi là con người nữa mà chỉ là những tệp hồ sơ vô hồn, khi mà việc giết một người được các Cục/Bộ khác nhau gọi bằng những cái tên rất “thiếu tính người”, người dân tin tưởng và tín nhiệm một cách mù quáng vào chính quyền hiện tại mà không hề hay biết quyền tự do và tự quyết của mình đã bị cướp đoạt một cách trắng trợn…
Cái vũ khí sắc sảo của Gilliam được sử dụng xuyên suốt bộ phim: cái cách ông ta tạo ra mâu thuẫn hay nói đúng hơn: mâu thuẫn luôn tồn tại trong xã hội, Gilliam chỉ nâng tầm nó lên, chiếu sáng và đưa nó ra trước công chúng để khán giả nhìn thấy và cười mỉa mai một cách khinh bỉ.
4. Fargo (1996) – Anh em nhà Coen
Fargo không chỉ xứng đáng đứng trong danh sách các phim Black Comedy hay nhất mà còn cả trong danh sách những phim Mỹ xuất sắc nhất mọi thời đại. Nhớ không lầm thì nó đứng thứ 84 trong danh sách 100 phim Mỹ xuất sắc nhất mọi thời đại của Viện Hàn lâm Hoa Kì.
Anh em nhà Coen vốn là một trong những đạo diễn nhận được nhiều sự kính trọng của đồng nghiệp và người yêu điện ảnh cho dù người ta có thích phim của họ hay không. Vì hai ông có một thái độ làm nghệ thuật nghiêm túc và cầu toàn đến khó tính: Joel và Ethan tự viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất và biên tập các phim của mình. Với một phong cách làm phim đặc trưng trong suốt sự nghiệp vốn vinh danh các dòng phim kinh điển của Mĩ, nhất là film noir nhưng vẫn giữ được cái cảm giác đương đại, chất hài mỉa mai chua cay, bạo lực nên không ngạc nhiên khi họ được tôn vinh là một trong những hiện tượng làm phim giai đoạn cuối thế kỉ 20.
Phim của anh em nhà Coen vốn nối tiếng với những đoạn đối thoại hài hước và cách mang lại bầu không khí cho phim một cách xuất sắc. Sau thành công của Barton Fink và Miller’s Crossing thì họ thừa thắng xông lên và kiến tạo ra tiếp Fargo – bộ phim thừa hưởng những gì tinh tế nhất của hai người.
Fargo dựa trên những tình tiết có thật xảy ra ở Minnesota năm 1987: Jerry Lundegaard làm việc cho ông bố vợ giàu có nhưng anh ta luôn tự đưa mình vào những rắc rối tài chính, đâm ra suốt ngày phải xoay sở kiếm tiền vì những mục đích không ai hiểu nổi. Việc biển thủ tiền quỹ công ty của hắn đã bị ông bố vợ phát giác – nhưng từ đó hắn lại nghĩ ra một âm mưu thâm độc hơn: thuê hai gã đàn ông bắt cóc vợ mình đòi tiền chuộc. Đương nhiên người phải xùy tiền ra không phải gã mà là lão bố vợ giàu sụ. Nhưng kể từ đó mọi việc bắt đầu tuột ra khỏi tầm kiểm soát của Jerry, sự vụ dần trở nên cực kì bạo lực và đẫm máu…
Cái tài của anh em nhà Coen là ngay từ những phút đầu của phim khán giả đã có cái cảm giác là mọi chuyện sẽ mất kiểm soát, đổ vỡ và gãy vụn. Hai kẻ bắt cóc, một thằng điên, một lão bố vợ tàn nhẫn và một gã bán xe nhu nhược chỉ là một trong nhiều nhân vật giúp thiết lập nên cái không khí kì quái trong Fargo. Độ máu me bạo lực và cái không khí kì quặc đó bổ trợ và tương phản với chất hài hước đậm đặc trong từng tiểu tiết phân cảnh khiến cho Fargo trở thành một trong những bộ phim độc nhất vô nhị.
5. After Hour (1985) – Martin Scorsese
Nói đến Martin Scorsese chắc hẳn ai cũng nghĩ đến các phim băng đảng, hình sự, tội ác như Taxi Driver, Raging Bull, Goodfellas… Trong phim của ông thường không có anh hùng 100% cũng chẳng có kẻ ác 100%. Ở cái thế giới rất thật, rất New York do ông tạo ra chỉ có những con người với cuộc sống bất ổn, lạc lõng với đời và như một điều không thể tránh khỏi: bạo lực là cách duy nhất họ dùng để giải quyết mọi chuyện.
Bạo lực là một phương tiện, là một chất xúc tác không thể thiếu trong phim của Scorsese và ngay cả ở một phim Black Comedy như “After Hour” cũng không phải là ngoại lệ.
Công bằng mà nói thì “After Hour” là một phim bị đánh giá thấp và hay bị bỏ qua của Martin Scorsese chức thực ra đây là một tác phẩm điện ảnh cực kì thú vị, nếu không muốn nói là một trong top năm phim xuất sắc nhất của ông.
“After Hour” là một đêm ác mộng của Paul Hackett – một nhân viên văn phòng có cuộc sống buồn chán, tẻ nhạt. Paul gặp Marcy ở một quán ăn tối – hai người có chung sở thích và mối quan tâm về nhà văn Henry Miller nên bắt chuyện khá hợp. Sau đó Marcy có cho Paul số. Quyết định đến gặp Marcy vào ngay đêm đó dường như là một sai lầm kinh khủng của Paul vì nó kéo theo một chuỗi các sự kiện tệ hại và đáng sợ nối tiếp nhau như một vòng xoắn ốc bất tận mà ta không thể nào thoát ra nổi. Đó là khi Paul cảm thấy như ông trời đang trêu ngươi mình. Anh ta chỉ muốn về nhà thôi. Nhưng bất kẻ anh ta đã làm gì, đã cố gắng ra sao thì mọi chuyện đều thất bại. Có mỗi tờ 20$ duy nhất thì gió làm bay mất, còn đủ tiền đi tàu điện ngầm thì vé lại tăng giá, rồi lại bị băng đảng xóm tưởng mình là trộm cắp đòi đuổi đánh chết…
Paul làm mọi chuyện đều đúng nhưng cái vòng quay mất kiểm soát đó đâu chịu dừng lại. Chính điều đó mới thật mỉa mai và châm biếm làm sao.
Cả bộ phim như một cơn ác mộng thành sự thật của Paul. Anh ta chạy, chạy, chạy mãi nhưng vẫn không tìm thấy lối thoát. Để rồi “bùm” một cái, Paul quay trở lại về điểm khởi đầu. Mọi chuyện tưởng là mơ nhưng lại quá thật: sự mệt mỏi và đau nhức của từng bắp cơ trên cơ thể. Cách di chuyển máy quay của Scorsese càng nhấn mạnh thêm cái cảm giác vừa hài nước vừa nhức nhối và kì quặc ấy.
Một black comedy không phải mẫu mực nhưng kinh điển.
6. Grosse Pointe Blank (1997) – George Armitage
Tên sát thủ chuyên nghiệp Martin Blank trở nên truầm ất và chán nản với công việc hiện tại của mình. Sau một phi vụ thất bại hắn nhận được giấy mời về gặp mặt bạn học cấp hai cũ nhân kỉ niệm mười năm tốt nghiệp tại thành phố Grosse Point. Ban đầu hắn ta không có ý định đi nhưng sau khi nhận được hợp đồng giết người ở Grosse Point thì hắn đành phải quay về quê cũ.
Gặp gỡ bạn bè cũ và mối tình cũ thời trung học cũng chẳng làm Martin vui thêm bao nhiêu. Bạn bè thì chật vật với những công việc nhàm chán, ông bố thì mất trí nhớ và sống ở trại dưỡng lão còn ngôi nhà thưở ấu thơ thì giờ mọc lên một cái siêu thị be bé. Cũng cùng lúc đó hắn phát hiện ra có nhiều sát thủ và mật vụ đang theo dõi gã về tận Grosse Point. Bất chấp những nguy hiểm đang rình rập mình thì Martin vẫn điềm nhiên thực hiện mọi việc theo kế hoạch như chẳng có chuyện gì xảy ra…
Bộ phim làm năm 1997 của đạo diễn George Armitage hội tụ đầy đủ các yếu tố để đưa nó lên tầm cult-classic1. Cốt truyện thừa đủ nền tảng cho một Dark Comedy hay: súng ống, giết người, chết, chết và chết. One-liner2 chất lừ. Sự thực tế và đáng tin trong cách diễn của nhân vật sát thủ Martin (John Cusack nhập vai quá xuất sắc và thông minh – thiếu anh có lẽ Grosse Pointe Blank sẽ không hay được đến như vậy) cũng khiến người xem dễ đồng cảm và nhìn lại, đối chiếu với những cảm xúc, kí ức trong công việc và sự nghiệp của mình.
Nếu bạn thích Pulp Fiction thì mình nghĩ bạn chắc chắn sẽ thích Grosse Pointe Blank.
1Cult-classic: Nếu như những phim mainstream thì nổi tiếng, được nhiều người biết đến hay gắn liền đến cái gọi là thương mại thì Cult hoàn toàn mang nghĩa ngược lại, nó lan truyền và được tung hô trong 1 số nhóm người xem/fan nhất định gọi là Cult-Follower.
Dĩ nhiên định nghĩa này chỉ mang tính một chiều bởi không phải phim nào có tính chất như vậy thì đều là Cult cả. Thường thì ta thấy những phim mainstream của Mĩ thì có hậu thuẫn lớn về mặt tài chính của các hãng phát hành nên nó sẽ nhận được sự phối hợp từ các nhánh khác của chính hãng đó như quảng cáo trên truyền hình, trên báo, radio và nhiều phương tiện truyền thông khác… Còn Cult, có lẽ nó thiên về nghệ thuật hơn, thiếu vắng sự hỗ trợ của các “tay to”, và đôi khi là độc lập trong sáng tạo nghệ thuật, độc lập trong tài chính nên con đường này khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng vẫn có những ngoại lệ, khi đó những phim Cult vượt ra khỏi phạm vi nổi tiếng thường thấy của nó và ta vẫn hay gọi nó bằng cái tên Cult-Classic.
2One-liner hay one-line joke: là những câu thoại hài hước chỉ dài có một dòng.
7. Delicatessen (1991) – Jean Pierre Jeunet
Nghệ thuật hiện đại nói chung và điện ảnh nói riêng giờ đây bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố, quá coi trọng nhu cầu giải trí và khả năng thương mại hóa của thị trường và tiếng nói của đạo diễn trong công cuộc sản xuất nghệ thuật của các hãng phim không còn có sức nặng như trước nữa. Khán giả thì thiếu sự tôn trọng nghệ thuật cần thiết dẫn đến điều ngược lại như một hậu quả không thể tránh khỏi: những bộ phim dạng coi thường người xem ngày càng nhiều như lá mùa thu. Trong cái thực tại ảm đạm ấy thì thật may mắn khi chúng ta vẫn còn có những đạo diễn theo đuổi nghệ thuật thuần túy như Jean-Pierre Jeunet.
Sinh năm 1953 ở Loire (Pháp), Jeunet không hề theo học một trường lớp chính quy nào về điện ảnh. Dẫu vậy ông có một giác quan điện ảnh nhạy bén và tinh tế đến khó tin, dường như là thiên bẩm. Phim của Jeunet đều rất đẹp, từ Amelie, The City of Lost Children, The very long Engagement hay là Delicatessen. Nếu như ba phim kia tươi sáng, rực rỡ đầy mầu sắc thì Delicatessen lại đẹp theo một cách không kém phần thú vị: tăm tối, đáng sợ và rùng rợn.
Cả bộ phim xoay quanh một khu nhà trọ cũ kĩ ở Paris trong một tương lai giả tưởng – hậu tận thế – khi mà những khách trị phải chật vật để kiếm miếng ăn cho qua ngày. Lão chủ trọ Clapet đồng thời cũng là chủ cửa hàng bán thịt ở tầng một thường tuyển nhân viên làm việc trên báo để rồi dụ con mồi vào tròng, giết thịt và bán cho khách trọ. Cho đến một ngày anh hề Louis xuất hiện và tất cả mọi chuyện bỗng thay đổi…
Rùng mình khi Jeunet có thể tiếp cận chủ đề ăn thịt người bằng một cách nhẹ nhàng vô tư lự đến vậy. Black Comedy, tình cảm lãng mạn, giật gân và chất kịch được Jeunet nhào nặn và hòa trộn vào nhau một cách tài tình theo đúng phong cách đặc trưng của ông: các nhân vật được khắc họa một chiều một cách cực đoan giống như các bộ phim hoạt hình. Bổ trợ cho điều này là máy quay được đặt ở các góc quay rất quái để cường điệu hóa nét mặt và nhấn mạnh tính cách cũng như môi trường xung quanh nhân vật.
8. Mary and Max (2009) – Adam Elliot
“Sometimes those who find this world quite impossible, find each other.”
“Mary & Max” kể về một tình bạn nảy nở giữa hai người bạn qua thư, hai con người trái ngược, chẳng có điểm gì chung và tưởng chừng như thế giới họ không giao thoa lẫn nhau. Mary – một cô bé tám tuổi sống ở ngoại ô Melbourne và Max – một người đàn ông Do Thái trung niên 44 tuổi ở New York.
Thế giới trong phim nặng lòng đến im ắng, ngỡ như xa xôi tận chân trời nhưng thực ra lại rất gần gũi với tâm can của mỗi chúng ta, nhất là với những linh hồn lẻ loi của xã hội thời hậu hiện đại. Xã hội phát triển như vũ bão, thời đại công nghệ bùng nổ đáng nhẽ ra con người ta sẽ dễ dàng kết nối với nhau hơn. Nhưng không, con người lại càng trở nên cô đơn hơn. Có lẽ ở một mình là một trong những nỗi sợ hãi bản năng nhất của loài người nhưng cô đơn đâu thể đồng hóa với ở một mình: bạn có thể thấy mình xa lạ, lạc lõng giữa đám đông, giữa dòng đời bất tận hay cô đơn trong cuộc đời mình – ngay giữa những người thân yêu nhất.
Có lẽ ai trong số chúng ta cũng có ít nhất một lần cảm thấy đơn độc và tuyệt vọng đến thế với bản thân mình. Những nỗi đau về thể xác, những chấn thương tinh thần khiến cho hai nhân vật chính Mary và Max nhìn vào cuộc đời qua một làn sương mờ xám xịt, ám ảnh, dày vò và tổn thương.
Mary: nhà cô bé nghèo, không bao giờ có quần áo đẹp hay đồ chơi. Biết thế nên Mary nào dám bao giờ vòi vĩnh bố mẹ cho bằng bạn bằng bè. Nhưng đến trường cô bé vẫn bị trêu trọc vì vết bớt “xấu xí” trên trán. Ông bố sống xa cách, bà mẹ thì nghiện rượu và bị bệnh thích ăn cắp vặt mãn tính.
Max: một “ông già” béo phì – người đã sống đơn độc cả đời vì những khuyết tật về tâm thần (tự kỉ, trầm cảm…) và bất ổn về tâm lí.
Nhưng rồi tình cờ họ tìm thấy nhau – hai tâm hồn cô đơn đã trở thành bạn tri kỉ qua hàng trăm lá thư trong suốt 20 năm. Bộ phim dựa trên một câu truyện có thật của chính đạo diễn Adam Elliot và một người bạn qua thư của ông – có lẽ vì thế mà ông có thể thổi một hơi thở tích cực đến thế vào một chủ đề buồn bã, tăm tối như thế này bằng những hình ảnh hài hước và rất sáng tạo khiến khán giả không chỉ cười và còn thấy có chút niềm tin vào cuộc sống.
“Mary & Max” buồn nhưng không bi quan mà ấm lòng. Ta cười trước sự ngây ngô của hai nhân vật chính: đứa trẻ ngây thơ đã đành nhưng người đàn ông trưởng thành đã sống hơn nửa đời cũng chẳng biết gì hơn. Tiết tấu chậm, dễ hiểu, không lắt léo nhưng khiến chúng ta phải lặng mình và suy ngẫm thật nhiều. Ôm lấy bế tắc và đau khổ trong đơn độc, để nỗi đau chồng chất nỗi đau hay là lấy hết can đảm, dũng khí để đối mặt với nó là lựa chọn của bạn và chỉ mình bạn mà thôi.
9. Kind Hearts and Coronets (1949) – Robert Hammer
Được sản xuất năm 1949, bộ phim Anh của đạo diễn Robert Hammer là một trong những phim Dark Comedy kì dị nhất trong danh sách này. “Kind Hearts and Coronets” lấy bối cảnh nước Anh vào thời đại Edward (dưới triều đại vua Edward Vii từ năm 1901 đến 1910). Phần lớn bộ phim là những hồi tưởng của Louis Mazzini – công tước thứ mười của lâu đài Chalfont ở trong tù. Mẹ của Louis vì lấy một ca sĩ Opera nghèo không môn đăng hộ đối nên bị dòng hò D’Ascoyne trục xuất. Được cha mẹ nuôi dạy trong nghèo khó nhưng hạnh phúc, Louis đã thề sẽ trả thù cho những gì mẹ mình đã phải chịu đựng, rằng anh ta sẽ tiêu diệt tám người còn lại của nhà D’Ascognes để trở về với tước công vốn thuộc về mình (Tám vai này đều do Alec Guinness đóng!).
Vào thập niên 40 thì black humor chưa được phổ biến rộng rãi ở Mĩ nên khó có thể tìm ra một bộ phim Mĩ mà hài hước và tăm tối ở cùng đẳng cấp như “Kind Hearts and Coronets”. Có lẽ chỉ có “Arsenic and Old Lace” của Frank Capra mới có thể làm đối trọng xứng tầm của tác phẩm kinh điển này. Về lĩnh vực này thì người Anh quả thật đã đi trước Mĩ rất lâu, cho mãi đến về sau khi Hipster trở thành một nét văn hóa đại chúng Mĩ thì Black Comedy Mĩ mới thật sự khởi sắc và có một lượng người hâm mộ đông đảo hơn trước.
Nhắc đến “Kind Hearts and Coronets” là phải nhắc đến diễn xuất tuyệt diệu của Alec Guinness. Ông ta đóng tám vai khác nhau một cách xuất sắc. Có lẽ cho đến sau này chỉ có Peter Sellers với ba vai trong “Dr. Strangelove” mới khiến khán giả phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ Alec Guinness.
10. Life of Brian (1979) – Terry Jones
Nói đến hài Anh thì người ta nghĩ ngay đến nhóm hài Monty Python lừng danh gồm sáu thành viên: Terry Jones, Terry Gilliam, Eric Idle, Graham Chapman, John Cleese và Michael Palin. Trong hầu hết các tập phim Monty Python của họ thì cả sáu đảm nhận tất cả các vai, ngoài ra còn tự làm đạo diễn, biên kịch, sản xuất, nhạc… Trong đó nổi tiếng và kinh điển nhất phải kể đến “Life of Brian” do Terry Jones đạo diễn.
Đối với nhiều người Anh thì “Life of Brian” là một trong những bộ phim Anh xuất sắc nhất mọi thời đại và bộ phim cũng khá thành công về mặt doanh thu bất chấp việc lúc ra mắt đã vấp phải sự phản ứng cực kì dữ dội của nhiều tổ chức đoàn thể tôn giáo do chủ đề mỉa mai, giễu cợt tôn giáo. Đến mức mà nó còn bị cấm chiếu một thời gian ở nhiều vùng lãnh thổ và quốc gia khác nhau.
Brian là một cậu bé được sinh ra ở một chuồng ngựa vào ngày giáng sinh ngay gần nơi chúa Giê-su ra đời. Brian luôn tin mình là đấng tiên tri được thượng đế gửi xuống nhưng khổ nỗi chẳng có ai tin cậu. Về sau khi tham gia một tổ chức chính trị chống nhà nước La Mã thì Brian bị lầm tưởng thành một nhà tiên tri, một đấng cứu thế bất đắc dĩ. Kể từ đó những chuyện dở khóc dở cười bắt đầu xảy ra…
Nội dung đại loại là thế, là về cái thời đại mà người ta sẵn sàng đưa một cục đất vô tri lên bàn thờ nếu họ tin nó có thể làm người ta kiếp sau sống sướng hơn, tốt đẹp hơn. Bậy, tục nhưng quá thật. Thoại hài và chơi chữ đặc chất Anh. Cái làm nên sự khác biệt của “Life of Brian” là mỗi trò đùa tôn giáo nó không thực sự báng bổ tôn giáo, đức tin của người khác mà nó nhắm đến tự thân những kẻ sùng đạo mù quáng.
Thời gian là một kẻ thù tàn bạo với các bộ phim hài nhưng riêng với “Life of Brian” thì hơn 30 năm sau, bộ phim vẫn gây sốc với người xem như những ngày đầu được công chiếu.
11. A Clockwork Orange (1971) – Stanley Kubrick
Kubrick không làm quá nhiều phim trong suốt sự nghiệp của mình nhưng ông thử sức ở rất nhiều dòng phim khác nhau và ở dòng phim nào Kubrick cũng cho ra lò một tuyệt phẩm: từ viễn tưởng (2001: A Space Odyssey), black comedy (Dr. Strangelove), chiến tranh (Full Metal Jacket), lịch sử (Spartacus)… cho đến kinh dị (The Shining). Full Metal Jacket là bộ phim duy nhất mình không thích của Kubrick nhưng dù sao đây cũng chỉ là sở thích cá nhân.
Đem so với “Life of Brian” thì “A Clockwork Orange” – chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Anthony Burgess còn bị phản đối dữ dội và mạnh mẽ hơn nhiều – một trong những bộ phim gây tranh cãi nhất mọi thời đại trong lịch sử điện ảnh. Bộ phim bị nhiều người phê phán là quá bạo lực một cách không cần thiết và gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Nhiều vụ bạo lực và hiếp dâm mà kẻ thủ ác đã bắt chước nhân vật chính Alex trong phim. Mặc dù vẫn giữ nguyên quan điểm của mình nhưng vì một số lí do không rõ mà Kubrick đã quyết định rút bộ phim ra khỏi rạp và hệ thống phát hành trên toàn bộ nước Anh. Mãi đến tận năm 1999 sau khi Kubrick qua đời lệnh cấm mới được gỡ bỏ và “A Clockwork Orange” mới được xuất hiện trở lại trên màn ảnh và các cửa hàng băng đĩa.
Phim lấy bối cảnh London trong một tương lai giả tưởng kể về cuộc đời của Alex – một thiếu niên 17 tuổi bệnh hoạn và côn đồ. Hắn là thủ lĩnh của một băng nhóm tội phạm vị thành niên (George, Dim và Pete). Sở thích của Alex: bạo lực, hiếp dâm và nhạc cổ điển – đặc biệt là Beethoven và Bản Giao hưởng Sô 9. Một kẻ bệnh hoạn – người có thể đánh một ông già ăn xin gần chết hay hiếp dâm phụ nữ trên phố lại đặc biệt thích nghe nhạc Beethoven! Quái dị, bạo lực và kinh sợ như vậy (cảnh báo: nên chuẩn bị tinh thần trước khi xem phim vì nó thực sự khá là ám ảnh), nhưng “A Clockwork Orange” là một phim có giá trị nhân văn sâu sắc và mang tính đả kích châm biếm sâu cay. Không phải tự nhiên mà trong lịch sử điện ảnh chỉ có hai phim bị phân loại X được đề cử Oscar là Midnight Cowboy (1969) John Schlesinger (phim này về sau thắng giải Phim hay nhất) và “A Clockwork Orange” của Kubrick.
Sau một phi vụ không thành Alex bị bắt vào tù và tình nguyện tham gia một thí nghiệm của chính phủ Anh nhằm mục đích “phục hồi nhân phẩm” cho tù nhân. Trong 14 ngày liên tiếp hắn bị trói chặt chân tay, kéo mở to mắt cả ngày, bị chơi thuốc và phải xem không ngừng nghỉ các bộ phim bạo lực đến kinh tởm. Mỉa mai hơn khi nhạc nền của mấy phim đó toàn là nhạc của Beethoven!
Alex “cải tạo” thành công và tái hòa nhập trở thành một công dân tốt của xã hội. Nhưng không phải vì hắn đã thay đổi, không phải hắn đã trở nên tốt hơn mà vì hắn đã không còn khả năng làm điều ác nữa…
Alex đã trở thành một thứ máy móc chạy bằng dây cót, chỉ làm được những việc mà nó được người ta lập trình sẵn!
Nhưng chính phủ độc tài trong phim thì quan tâm gì đến chuyện đó. Điều chúng quan tâm đâu phải là để biến kẻ xấu thành người tốt hay giáo dục con người ta tốt đẹp lên. Chúng bẻ gãy ý chí tự do của con người rồi quẳng hắn ta – một kẻ không còn có khả năng tự vệ, kháng cự trở lại cái xã hội xấu xa, bạo lực, bẩn thỉu ấy và gọi là “phục hồi nhân phẩm” thành công.
Phim kết thúc với cảnh Alex bắt tay bộ trưởng bộ nội vụ Anthony Sharp nhân dịp nhận công việc mới. Bản Giao hưởng Số 9 của Beethoven lại vang lên và hắn nở một nụ cười trống rỗng, vô hồn:”Mình đã được chữa khỏi” ….
12. Trainspotting (1996) – Danny Boyle
Nhiều người nói “Trainspotting” là một phiên bản giảm nhẹ của “A Clockwork Orange”. Dẫu so sánh đó có phần khập khiễng nhưng sự ấn tượng, bàng hoàng và sửng sốt của nó mang lại cho người xem là không thể phủ nhận. “Trainspotting” xoay quanh cuộc sống trụy lạc, vô vọng của những kẻ cặn bã dưới đáy xã hội ở Edinburg: không xu dính túi, vô công rồi nghề, nghiện ngập… Tất cả những gì chúng làm để lấp khoảng trống sâu thẳm trong tâm hồn mình cho qua ngày đó là trộm cắp, phim khiêu dâm, đi sàn, bắn chó mèo và hít heroin.
Với phong cách quay phim mờ ảo, mơ mơ thực thực Danny Boyle đã lột tả những con nghiện ma túy một cách trần trụi nhưng thực tế: vật vã vì thuốc đấy, nhưng cũng phê vô cùng tận. Như lời của nhân vật chính Mark Renton (Ewan McGregor) thì chúng chẳng chơi heroin để tự giết mình mà là vì cái khoái lạc ngắn ngủi trong khoảnh khắc.
“After all, we’re not fucking stupid.”
Đó là điều đặc biệt và nét duyên của Trainspotting. Phim về chủ đề ma túy thì không có gì mới nhưng bộ phim này có một cách tiếp cận khác: tăm tối nhưng vô cùng hài hước, thông minh. Trainspotting giống như một tay bác sĩ tâm lí đang nghiên cứu con nghiện vậy. Ông ta quan tâm đến những điều ẩn chứa sâu trong đầu con nghiện, tự hỏi rằng tại sao chúng lại thích hút chích như thế hơn là tìm cách ngăn chặn hay đặt ra những câu hỏi về mặt đạo đực. Nó không phô ra cuộc sống trụy lạc của con nghiện để nhét thuyết giáo cũ rích, lối mồn vào mồm khán giả. Ngược lại nó còn mang đến một cái nhìn buồn cười và vui thú về một vấn đề nghiêm trọng của xã hội để người xem tự hiểu, tự chiêm nghiệm riêng cho chính mình.
Chất hài và giọng địa phương đặc chất Scotland cùng với sự quyến rũ cực kì của Ewan McGregor (chính vai diễn này đã đưa anh ta lên hàng ngôi sao) càng điểm sáng thêm cho Trainspotting. Nói không ngoa rằng Trainspotting là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Scotland nói riêng và Anh Quốc nói chung.
13. Arsenic and Old Lace (1944) – Frank Capra
Như đã nói ở trên thì vào đầu thập niên 40 thì Black Comedy ở Hollywood hoàn toàn lép vế khi đem so với điện ảnh Anh Quốc. Tuy vậy nhưng có một cái tên nổi bật hẳn lên đó là “Arsenic and Old Lace” – bộ phim dựa trên vở kịch cùng tên của Joseph Kesselring (vốn nổi tiếng ở Việt Nam với cái tên “Sát thủ bà già”) của đạo diễn Frank Capra. Frank Capra là đạo diễn huyền thoại người đã tạo ra những tác phẩm kinh điển như It’s a Wonderful Life, You Can’t Take It With You, It Happened One Night…
“Arsenic and Old Lace” đi ngược lại với phong cách đặc trưng Capra-corn của Capra – ông bước ra khỏi vùng an toàn của mình với những bộ phim tôn vinh bản chất tốt đẹp của con người, nội dung tươi sáng – và tạo ra một thứ gì đó mới lạ và hoàn toàn thú vị. Không có gì nổi bật về doanh thu hay giải thưởng nhưng mình nghĩ bộ phim này là một nhân tố có sức hấp dẫn riêng của mình ngay cả khi đem so sánh với các tác phẩm lừng lẫy khác của Capra.
Ta được chứng kiến sự thay đổi bất ngờ của nhân vật chính Mortimer Brewster – từ một người đàn ông bình thường vừa cưới vợ thành một mớ lộn xộn khi phải giải quyết cái máu điên chạy trong dòng họ mình: hai bà cô điên Abby và Martha có “thói quen” giải quyết, “giúp” các ông bạn già khỏi đau khổ cuộc đời bằng thuốc độc, gã anh trai Teddy – người lúc nào cũng nghĩ mình là Theodore Roosevelt và tưởng chừng như thế đã là quá đủ, Mortimer còn bị đe dọa tính mạng bởi một gã anh trai Jonathan – một kẻ sát nhân điên khùng. Trớ trêu thêu thay khi cuối cùng, mọi chuyện đã trở nên êm thấm thì hóa ra Mortimer lại không phải là người nhà Brewster!
“I am not a Brewster, I’m a son of a sea cook.”
Nhịp phim của Capra luôn đạt đến độ hoàn hảo, ông có cái biệt tài mang lại sự trật tự và tính nhất quán cho những cao trào, phân cảnh hỗn loạn. Capra giảm độ dài các phân cảnh xuống tối thiểu và kết hợp sử dụng nhiều kĩ thuật biên tập Crosscutting và Jump Cut để mang đến sự kịch tính cho phim. Phong cách này về sau có ảnh hưởng lớn và truyền cảm hứng cho nhiều đạo diễn lớn khác như Akira Kurosawa, Francois Truffaut, Martin Scorsese, David Lynch…
Một phim Black Comedy hay sẽ biết cân bằng giữa hai yếu tố: hài hước và mặt trái của sự hài hước. Nghĩa là nếu nó làm người xem cười sặc sụa và cùng lúc đó lại cảm thấy tội lỗi thì bộ phim đó đã thành công. Tham vọng giữa doanh thu và nghệ thuật cũng là một nguy cơ có hại vì nó dễ kéo theo một tác phẩm làng nhàng cái gì cũng dở. Do đó xu thế làm phim hiện đại ít có những phim Black Comedy thuần chất đúng nghĩa nữa mà đa phần là phim có tí chút, hơi hướng Black Humor mà thôi. Ranh giới giữa chúng cũng hết sức mong manh, bạn làm sai thì khán giả sẽ khóc thét. Bạn làm đúng thì phần thưởng sẽ vô cùng xứng đáng và ngọt ngào.