Tuấn Lalarme

2001 A Space Odyssey – chuyến du hành kì vĩ của loài người

Stanley Kubrick phải có trí tuệ của siêu nhân mới có thể làm ra được một tác phẩm kỳ vĩ, diễm lệ và tuyệt đẹp như 2001 A Space Odyssey.

Tôi thấy mình giống như những người đã từng xem buổi công chiếu đầu tiên bộ phim 2001 A space odyssey vào năm 1968 tại New York. 250 người đã bỏ về giữa chừng, một ai đó la lên “cái quái gì thế này”, còn lần đầu tiên xem phim trong phòng chiếu tại thư viện điện ảnh ở 2B Hai Bà Trưng, nơi bây giờ đã bị dẹp để nhường chỗ cho một trung tâm thương mại, tôi ngủ. Một giấc ngủ ngon lành đến với tôi khi bộ phim đã đi được 1 nửa. Tôi không hiểu gì hết. Bộ phim quá tầm với của mình, tôi không thấy phim dở, tôi chỉ không hiểu, trí óc của tôi quá hạn chế, tôi mới tiếp cận điện ảnh không lâu,  còn chưa thực sự phân biệt được điện ảnh và truyền hình, tôi chọn xem vì tôi nghĩ đây là phim kinh điển, tôi phải xem, thế thôi. Nhưng không trụ được.

Cho đến lần thứ 2 xem lại, lúc này đã nhiều năm trôi qua, tích luỹ về điện ảnh của tôi ở mức độ có thể thu nạp những tác phẩm dài, những bộ phim không có kịch tính, những câu chuyện giàu triết lý với những biểu hiện sâu sắc về mặt nghệ thuật như những bộ phim thuộc trường phái biểu hiện Đức, những tác phẩm giàu chất hiện sinh trong làn sóng Mới của Pháp, hoặc những tác phẩm thuộc chủ đề tân hiện thực của Ý, tôi đã bắt nhịp được với 2001 A space odyssey, như thể trái tim mình có thể rung cảm theo âm nhạc của bộ phim để cùng hoà thành một thể với câu chuyện vĩ đại của Stanley Kubrick về chuyến du hành của loài người từ khởi thuỷ cho đến một tương lai vô tận nào đó trong khoảng không tịch mịch của vũ trụ.

Một cảnh hậu trường phim, Kubrick đang đứng cạnh máy quay

Nét đẹp của 2001 a space odyssey trong một phim có chủ đề không trọng lượng – khoa học viễn tưởng nơi chiếc bút lơ lửng trong không khí, nơi những con người di chuyển nhẹ nhàng và chính xác như một bài thơ của Baudelaire xuất sắc trong cách dùng ngôn ngữ một cách tinh vi với nội hàm mãnh liệt là sự kì diệu của một tác phẩm nghệ thuật có thể khiến chúng ta khóc không thực sự vì bất kì lý do nào mang tính cảm xúc liên quan đến cuộc đời của chúng ta như một luận đề hiện thực chủ nghĩa, mà nó đẹp vì sự duy mỹ. Sự duy mỹ của việc truy đến tận cùng của cái đẹp, khiến chúng ta cảm thấy rung động như chúng ta rung động với hoàng hôn, rung động trước một khung cảnh đồng quê, rung động trước tầm nhìn rộng lớn khi ta đứng trên một ngọn núi. Tôi rung động trước vẻ đẹp của bộ phim, ở mọi khía cạnh mà bộ phim mang lại, những bản nhạc cổ điển tuyệt vời hoà nhịp với tiết tấu đặc biệt chậm rãi để khán giả có thể thẩm thấu và thưởng thức từng khung hình, rung động trước triết lý mà Kubrick đặt vào bộ phim mà không để lại bất kì lời giải thích nào cho mỗi người chúng ta ở những xã hội khác nhau, với vốn hiểu biết khác nhau tự nhận định bộ phim theo cách mà chúng ta thấy nó hợp lý nhất. Đó chẳng phải là ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật sao? Người nghệ sĩ đâu cần phải dán một tờ giấy ghi chú để nói cho khán giả biết họ đang muốn nói điều gì.

Phim ảnh với bản chất là một sản phẩm liên văn bản có mối liên hệ chặt chẽ với văn học, thường khó có thể tách mình ra khỏi câu chuyện cụ thể với nhân vật và tính cách cũng như động lực để nhân vật tư duy và phát triển. 2001 A space odyssey là một tác phẩm hiếm hoi tách mình ra khỏi dòng tự sự của văn học, nó phô bày kĩ thuật tối thượng trong việc liên kết hội hoạ, nhiếp ảnh, thiết kế bối cảnh và khả năng tư duy bậc thầy của người đạo diễn với sự trợ giúp của những chuyên gia về vũ trụ hòng hình thành nên một sản phẩm điện ảnh trọn vẹn trong đó nhân vật chỉ là một sản phẩm phụ còn bao quát là câu chuyện về vũ trụ với sự vô tận, lạnh lẽo và trơ trụi. 

Vũ trụ trong phim là là những tinh cầu lấp lánh trong một màn đêm bất tận, nó như tấm màn lớn bao phủ mọi thứ chờ con người, bằng trí tuệ của mình khám phá. Trong đó những khối đá đen hoàn mỹ ở bờ mặt và góc cạnh như một thách thức dành cho loài người, kích thích tính tò mò, sự tìm tòi điều mà đã giúp cho xã hội loài người có thể tiến lên một bước vĩ đại từ khúc xương để làm vũ khí tự vệ cho những cá thể vượn người chống lại những cá thể sinh vật khác, đến chiếc tàu không gian trôi lặng lẽ trong bóng đêm vô cùng của vũ trụ khai phá trí thức cho chính mình. Một cú cắt cảnh đi qua hàng triệu năm, sức mạnh điện ảnh nằm ở chính trong hai khung hình tượng như khác biệt ở thời đại khác biệt nhưng mang lại ý nghĩa lớn về sự tiến hoá của hoài người từ những sinh vật ăn thịt sống, bảo vệ lãnh thổ trước kẻ thù trở thành những kẻ văn minh xây dựng nên những cố máy khổng lồ, phiêu lãng trong không gian để tìm kiếm thứ tri thức mãnh liệt được hình thành từ sự tò mò, lòng ham mê hiểu biết.

Bộ phim bắt đầu bằng bình minh loài người, sự xuất hiện của khối đá đen hoàn mỹ như tấm bia tri thức truyền đến để loài Homo Sapiens biết tư duy được sản sinh. Khúc xương nhờ tư duy biến thành vũ khí tự vệ. Từ vũ khí tự vệ, một bước tiến dài của phát triển đã giúp con người biến thành công cụ hỗ trợ tư duy với tàu không gian và siêu máy tính Hal 9000.  Khúc xương xua đuổi kẻ thù đã biến thành con tàu Discovery đưa con người đến bờ bên kia của hành tinh Jupiter nơi những tín hiệu đang vẫy gọi sự tò mò vốn là thứ tâm lý tối thượng giúp con người liên tục phát triển.

Một cảnh opening ấn tượng và một ending tốn nhiều giấy mực phân tích của khán giả

Khối đá đen hoàn mỹ thứ 2 xuất hiện trên mặt trăng. Dấu hiệu của việc con người không phải là một loài cô đơn trong vũ trụ. Nhưng Stanley Kubrick không bao giờ tiết lộ giống loài có thể tạo nên sự hoàn hảo ở từng góc cạnh của khối đá đó. Thay vì vậy, loài người vẫn được mô tả với sự tò mò và nghi ngại. Những nhà khoa học phải dấu kín khám phá của mình vì sợ sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng giữa các nước. Trong khi đó, họ tiến đến khối đá, cũng vẫn với sự ngờ ngàng của tổ tiên hàng triệu năm trước, họ ngưỡng mộ vẻ hoàn mỹ có một không hai đó.

Tại sao cú nhảy đầu tiên từ khúc xương đên khối đá thứ hai mất hàng triệu năm, trong khi từ khối đá thứ 2 đến khối đá thứ 3 chỉ mất 18 tháng. 18 tháng sau khi phát hiện khối đá trên mặt trăng, các nhà khoa học đã bắt được một tín hiệu truyền đi từ phía bên kia hành tinh Jupiter. Đây là sứ mệnh của con tàu Discovery – nơi được trang bị siêu máy tính Hal 9000 với trí thông minh tuyệt vời và không bao giờ mắc sai lầm. Lúc này, Stanley Kubrick mới thực sự tạo cho bộ phim một động lực để phát triển.

Nhưng ông chưa bao giờ tập trung vào phát triển yếu tố con người. Ở đây, loài người chỉ đại diện như một thực thể bé nhỏ tồn tại trong vũ trụ vô tận. Loài vượn người giữa hoang mạc mênh mông hay con người bé nhỏ trong chiếc tàu không gian khổng lồ. Họ không có tính cách, không có cảm xúc. Họ làm khoa học với lý trí tuyệt đối của một người đang đi tìm ẩn số của vũ trụ. Thay vào đó, họ cấy vào máy tính cảm xúc của mình, thứ định hình lên con người. Phải chăng đây là nghịch lý khi Hal còn con người hơn cả con người. Nó được lập trình để có sự ngạo mạn không bao giờ nhận sai nhưng sợ hãi trước cái chết đang đến với mình. Hal là một phản ảnh, là một sự quy chiếu, là tấm gương. Trong lịch sử điện ảnh, cỗ máy Hal với con mắt thần quan sát và chăm sóc sự sống trên tàu Discovery là một trong những nhân vật khó quên nhất. Và nó cũng cho thấy Stanley Kubrick đã đi trước thời đại xa như thế nào. Dù bộ phim được làm vào năm 1968, nhưng trí tuệ nhân tạo Hal không có hình dạng lỗi thời, không làm cho chúng ta – những kẻ đứng ở thế kỉ 21 thấy nó trái hiện thực.

Roger Ebert – nhà phê bình phim danh tiếng người Mỹ có nói về 2001: A Space Odyssey rằng “Bộ phim thất bại ở khía cạnh con người, nhưng thành công một cách tuyệt diệu ở cấp độ vũ trụ”. Tôi không nghĩ vậy, nếu đặt bộ phim về đúng bối cảnh xã hội lúc đó là chiến tranh lạnh với sự leo thang của khoa học và vũ khí, con người trở nên lạnh lẽo và vô cảm hơn bao giờ hết. Đó có lẽ là lý do, ông chuyển cảm xúc vào những cỗ máy, khiến chúng vừa kiêu ngạo nhưng vừa sợ hãi. Nhưng có một điều Roger Ebert nói mà tôi thấy thực sự quá đúng, 2001 A Space Odyssey là tác phẩm hiếm hoi có khả năng khiến cho âm nhạc được sử dụng thêm huy hoàng. Thông thường, nhạc phim là thứ giúp đỡ cho các phân cảnh nhấn mạnh được vào câu chuyện mà nó muốn kể, ví dụ như nhạc Beethoven mà ông dùng trong Clockwork’s Orange, nhưng với 2001 A Space Odyssey, nhờ dàn cảnh tuyệt vời và những phân cảnh có tiết tấu chậm nhưng giàu ý nghĩa đã khiến âm nhạc được tôn lên rất nhiều, như bản nhạc The Blue Danube của nhà soạn nhạc Richard Strauss trong không gian vô tận của vũ trụ, một sự trình diễn tuyệt vời, một tiếng gọi của loài người trong tham vọng chinh phục của mình.

Nhưng nói như chính bản thân Kubrick về việc con người cần điều gì đó để có thể chuyển tiếp. Hal không phải sự chuyển tiếp, sự chuyển tiếp nằm ở khối đá thứ 3 mà Bowman, người cuối cùng sống sót trên tàu Discovery sau khi đã tắt siêu máy tính Hal 9000, bắt gặp trong căn phòng của mình. Hồi 3 của phim tạo ra rất nhiều tranh luận, khi một Bowman – phi hành gia bắt gặp một phiên bản của chính mình đã rất già đang ăn uống và nghỉ ngơi trong một căn phòng lạnh lẽo nhưng sang trọng. Rồi khối đá thứ 3 xuất hiện. Bộ phim kết lại bằng hình ảnh một tinh cầu chứa một đứa trẻ bên trong như một bào thai đang nhìn về trái đất. Chẳng phải Bowman đã chuyển hoá, tái sinh nhờ một lực lượng nào đó mà Kubrick vốn chưa bao giờ chịu giải thích, để quay về trái đất với tư cách “một thiên sứ, một siêu nhân, hay chỉ là một đứa trẻ ngoài vũ trụ”. Điều duy nhất chúng ta biết, là đứa trẻ sẽ là bước tiếp theo trong tiến trình tiến hoá của loài người.

2001: A Space Odyssey giống như một trải nghiệm điện ảnh độc đáo, đặc sắc và duy nhất. Nó cho khán giả được thấy được rằng, nếu một bậc thầy, một đạo diễn tài năng, một “auteur” làm phim thì sẽ thế nào. Nó sẽ giúp khán giả có thể hưởng thức phim bằng tất cả các giác quan, đồng thời khai mở tâm trí của khán giả để hướng đến những suy nghĩ sâu sắc về vai trò của con người trong vũ trụ với những tham vọng và những điểm dừng cần thiết để không tự huỷ hoại chính mình. Từ chuyến du hành đầu tiên của điện ảnh lên mặt trăng của Georges Méliès đến chuyến du hành ngoài vũ trụ của Stanley Kubrick chỉ vẻn vẹn có hơn 60 năm, rất ngắn so với hành trình Copernicus tuyên chiến với nhà thờ về việc Mặt Trời mới là trung tâm đến bước chân đầu tiên của Neil Amstrong trên mặt trăng, nhưng nó cho thấy tham vọng của con người về vũ trụ chưa bao giờ lớn đến vậy, và điện ảnh với vai trò soi chiếu thế giới thực để chuyển tải thành một câu chuyện trình chiếu trên màn ảnh rộng, chắp cánh cho những mộng tưởng không giới hạn của con người. Và trong những mộng tượng đó, chuyến du hành của 2001: A Space Odyssey đã trở thành kiệt tác bất hủ.

2001: A Space Odyssey xếp thứ 4 trong danh sách 100 phim Mỹ hay nhất mọi thời đại theo BBC

Exit mobile version