Rất khó để có thể viết về kiệt tác dài 4 giờ đồng hồ của đạo diễn gạo cội Đài Loan Dương Đức Xương (tên tiếng Anh: Edward Yang), A Brighter Summer Day; quá ngắn thì không xứng với bộ phim; quá dài thì chữ nghĩa trở nên kiệt sức.
Xuất phẩm của điện ảnh Đài Loan
Suốt hơn hai thập kỉ kể từ ngày ra mắt khán giả và giới phê bình, A Brighter Summer Day trở thành một huyền thoại chu du qua những LHP phim quốc tế gồm Cannes và New York, để rồi khi năm 1991 (thời điểm công chiếu) qua đi, tác phẩm điện ảnh uy nghiêm nằm trong danh sách những bộ phim quan trọng nhất của thập niên 90, và là cái tên bất hủ mỗi khi nhắc đến phong trào Điện Ảnh Đài Loan Mới (New Taiwan Cinema).
A Brighter Summer Day thuộc thể thoại phim coming-of-age, khắc hoạ chân dung lớp thanh niên Đài Loan của hơn 50 năm trước. Tựa đề tiếng Anh của bộ phim lấy từ bản hit “Are You Lonesome Tonight” của danh ca Elvis Presley phát hành cùng thập niên 60 đầy cảm hứng đó. Bài hát này cũng được trình diễn trong bộ phim qua một cảnh quay vô cùng đẹp đẽ và đáng nhớ bởi ban nhạc rock n roll của các cậu học sinh . Với cái tên gốc Cổ Lĩnh Nhai thiếu niên sát nhân sự kiện (Vụ án thiếu niên giết người ở Cổ Lĩnh Nhai), bộ phim bị lộ khá nhiều nội dung, nhưng với cái tên mới xuất sắc này, Dương Đức Xương đã hoàn hảo lột tả được tinh thần của một bộ phim dành cho tuổi trẻ, nên thơ và mơ màng như những ngày hè, và cũng phản ánh được cái đẹp trong trẻo của thời thanh xuân trong suốt chiều dài hơn nửa đầu bộ phim.
Đạo Diễn Dương Đức Xương mất năm 2007 ở tuổi 59, được biết đến rộng rãi trên trường quốc tế qua một xuất phẩm khác: Yi Yi: A One and A Two, một lát cắt thấu thị vào đời sống gia đình ở chốn thành đô hiện đại. Cũng như Yi Yi, A Brighter Summer Day lấy chất liệu từ sự kiện có thật: một vụ án mạng. Đạo diễn họ Dương đã vô cùng xuất sắc giữ cảm xúc cho người xem đến phút cuối khi “đánh lạc hướng” khán giả khỏi mô-típ hình sự-phá án – nội dung cốt lõi của bộ phim, thay vào đó, vẽ ra một áng thơ về tuổi trẻ. Bộ phim xứng đáng với những mỹ từ và sự ca tụng của khán giả lẫn giới bình phim; không chỉ hoàn hảo trong mọi khía cạnh từ kĩ thuật quay, cách “dụng công” màu sắc cho đến cấu trúc câu chuyện, nó còn mang đến một trải nghiệm nhiều cảm xúc về một lớp thanh niên đầy rẫy bi kịch của xã hội Đài Loan thời bấy giờ, những “đứa trẻ mới lớn” ngây thơ và đẹp đẽ như tựa bài hát của Elvis Presley nhưng cuối cùng lại tự huỷ hoại mình, huỷ hoại cuộc sống của những người thân yêu nhất.
Những ngày hè tươi sáng
Bộ phim là câu chuyện về một vụ giết người thấm đẫm tinh thần phản kháng nổi loạn của điện ảnh Mỹ những năm 50, 60. Nhiều nhà phê bình còn ví A Brighter Summer Day là phiên bản châu Á của những East of Eden, Rebel Without A Cause, I Vitelloni, Mean Street… vì có cùng tuyến nhân vật, cùng chất liệu, cùng đề cập tới chất mã thượng nửa mùa của giới băng đảng.
Tương tự như Yi Yi: A One and A Two, A Brighter Summer Day mang dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết được điện ảnh hoá hơn là một kịch bản phim bài bản với cấu trúc phân khu rõ ràng. Tiết tấu phim chậm rãi, rề rà, nhưng không hề nhàm chán. Thời lượng 4 tiếng là quá dài so với chuẩn phim Mỹ nhưng với A Brighter Summer Day, mỗi giây, mỗi phút đều đẹp đẽ và đáng được thưởng thức như khi ta thưởng thức một câu văn hay, một đoạn thơ ngân. Trong suốt 4 tiếng ấy, khán giả có thể quên mất vài cái tên, vài chi tiết, nhưng theo đạo diễn Dương từng nói, đó mới là cuộc sống, bạn sẽ lãng quên đi nhiều thứ trong đời, nhưng cái ông muốn hướng tới không phải là những manh mối xâu chuỗi sự việc cần phải ghi nhớ, cái đáng nhớ là cảm xúc, là trải nghiệm là cảm thụ về một lớp người hỗn loạn ở thời đại mà ông từng sống, từng quan sát.
Mở đầu phim là một lát cắt cảnh từ cuối phim, như ám chỉ cái vòng luân lưu tuần hoàn bất tận của cuộc sống, khi cá nhân lẫn tập thể, tình bạn lẫn tình yêu đều trở thành một hạt bụi nhỏ bé xoay vần giữa những quy luật của cuộc sống. Số phận của từng con người trong suốt 3 tiếng 57 phút đã tạo nên một bộ phim đậm chất sử thi, không chỉ là câu chuyện rối ren của những cô cậu học sinh, anh em băng đảng, mà còn là vấn đề xung đột giữa cái cũ và cái cách tân của thời tao loạn, khi dân Quốc Dân Đảng tháo chạy sang Đài Loan đối đầu với dân bản địa.
Trong nhịp phim chậm rãi, những ý tứ lẫn các tuyến nhân vật đều có thời gian phát triển một cách đầy đủ và tự nhiên nhất. Với cách làm này, vị đạo diễn không chủ đích giải thích bất kì một hành động nào của nhân vật, mà hướng người xem tới cách quan sát và trải nghiệm phúc tạp hơn. Dương Đức Xương muốn khán giả thấy-hiểu, hơn là giải thích-hiểu, nhìn thấy sự phát triển của nhân vật để hiểu lấy nhân vật. Sự tịnh tiến trong tính cách của Tiểu Tứ (Trương Chấn thủ vai) là ví dụ điển hình và rõ ràng nhất. Khởi sự sinh trưởng trong một gia đình nề nếp gia giáo với ông bố kiên trung với lý tưởng của mình bất kể một xã hội náo loạn của thập niên 60, Tiếu Tứ là một đứa trẻ ngoan ngoãn, kiệm lời. Nhưng thời lượng phim trôi qua cũng là khi chúng ta chứng kiến sự phát triển của cậu học trò thông qua mối quan hệ với cô bạn gái Tiểu Minh (Dương Tĩnh Di thủ vai), những lục đục tan vỡ, những rắc rối băng đảng, những bạo lực đường phố, để rồi cậu trở thành một sản phẩm kinh điển của thời tao loạn mà cậu đang sống . Với thời lượng dài hơi đó, sự thay đổi trong tính cách nhân vật càng trở nên thuyết phục. Những Trương Hàm, Tiểu Minh, Tiểu Mã, băng đảng đối nghịch, ông thầy giám thị.. đều có thời gian đủ để tạo ấn tượng nơi người xem. Đạo diễn Dương Đức Xương đã cho mỗi nhân vật một đất diễn vừa đủ với những kết thúc vừa đủ để hằn dấu vào tâm trí khán giả khi bộ phim khép lại. Sắm vai Tiểu Tứ, diễn viên Trương Chấn ở tuổi 15 đã vụt thành sao trên bầu trời điện ảnh quốc tế. Với đôi mắt biết nói cùng lối diễn xuất nguyên bản chuyên nghiệp, anh tiếp nối sự nghiệp thành công của mình với vô số thành tựu về sau.
Kỹ thuật điện ảnh
Kỹ thuật điện ảnh trong phim khá đơn giản, thiếu vắng hẳn những chuyển động phức tạp hay hình ảnh màu mè phô phang. Trái lại, đạo diễn rất tự tin khi bắt chụp hành động nhân vật chỉ trong một vài cú bấm máy, hạn chế tối đa việc cắt cảnh, nhảy cảnh. Dường như có cùng triết lý làm phim với bậc thầy điện ảnh Ozu, đạo diễn Dương Đức Xương tận dụng khá nhiều khung hình tĩnh và sử dụng ánh sáng tự nhiên sao cho đồng điệu với tâm trạng và số phận nhân vật. Cách sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng này khiến cho người xem dễ chịu, dễ hiểu và chủ động hơn, không bị rơi vào trường hợp “bị ép” để hiểu.
Ánh sáng dường như là một nhân vật riêng rẽ được đạo diễn chăm chút tỉ mẩn không kém gì những nhân vật khác. Sự di chuyển của ánh sáng hay cách nó tác động lên nhân vật được quan tâm hơn cả; từ ánh sáng mang tính biểu tượng của chiếc đèn pin Tiểu Tứ giữ bên mình suốt gần hết bộ phim, là vật dụng giúp cậu soi rọi đường đi, đọc sách…, nhưng cũng là thứ giúp cậu khám phá ra một thế giới bạo lực và chết chóc xung quanh mình. Khi cậu từ bỏ ánh sáng của ngọn đèn cũng là lúc cậu thay đổi và dấn thân vào một lối đi không còn ánh sáng thiên lương; ánh sáng ban ngày nhẹ nhàng len lỏi xuống tàn lá khi Tiểu Tứ và Tiểu Minh ngồi trò chuyện dưới gốc cây cũng vô cùng tự nhiên và mơ màng, chẳng khác gì một bài thơ tình tuổi trẻ; Dương Đức Xương sử dụng ánh sáng phủ chụp lên khung hình để bắt sóng toàn bộ tâm lý nhân vật, nhưng đôi khi lại chỉ bắt được những chiếc bóng của họ khiến cho những chi tiết quan trọng chỉ được theo dõi và lắng nghe qua những mẩu đối thoại vọng lại.
Xung đột bản lai diện mục
Đài Loan một thời quá vãng của đạo diễn Dương Đức Xương là một vùng đất xào xáo cả về chính trị lẫn văn hoá. Đài Loan bị cai trị bởi Nhật Bản suốt nửa thế kỷ trước khi Nhật mất quyền kiểm soát vào tay Trung Hoa Dân Quốc sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Quốc Dân Đảng lại mở ra một cuộc nội chiến có sự nhúng tay của thế lực nước ngoài là Mỹ. Một bộ phận nhân viên quân chính của tập đoàn Quốc dân đảng rút lui sang Đài Loan. Dưới sự ủng hộ của chính phủ Mỹ lúc đó đã duy trì sự thống trị ở Đài Loan, nên hình thành trạng thái đất liền và Đài Loan bị chia cắt ở hai bờ eo biển.
Trong cục diện hai mặt trận ở phương Đông và phương Tây chống chọi nhau, Đài Loan chới với giữa những giá trị đan xen lẫn lộn của hai nền văn hoá không có nhiều điểm chung, người dân thì chầu chực tồn tại theo kiểu ngóng chờ những biến động tiếp theo. Những đứa trẻ và các gia đình trong A Brighter Summer Day phần lớn là những người di tản từ Trung Quốc sang Đài Loan, mang dòng máu của đất Đại Lục nhưng sinh trưởng trên mảnh đất Đài (chính đạo diễn họ Dương cũng có cùng số phận này). Những nhân vật trong phim sống theo những quy chuẩn của Trung Hoa truyền thống trên đất Đài Loan với hệ thống giá trị riêng, và ít nhiều còn ảnh hưởng tồn đọng từ văn hoá Nhật Bản suốt những năm bị trị.
Lớp người chịu ảnh hưởng sâu nặng nhất trong bối cảnh rối ren đó không ai khác là thanh niên. Không ai bảo họ cái gì đúng cái gì sai, họ thuộc về thang giá trị nào và bản ngã của họ được định nghĩa ra sao. Họ là những con người vô diện giữa những đan xen phức tạp của thời thế, không ngừng tìm kiếm chính mình để rồi sa ngã vào những bi kịch riêng.
Thập niên 60, kỉ nguyên của tổng thống Kennedy, cả thế giới ngóng về nước Mỹ với những bùng nổ trong chính trị lẫn văn hoá. Chính trường sôi động, văn hoá chuyển mình náo loạn với lớp thanh niên phản chiến thượng tôn tự do và ưa nổi loạn, luôn tìm cách vượt khỏi cũi sổ lồng của lề lối phép tắc để tiệm cận gần hơn tới cái bản ngã riêng, thời của âm nhạc rock n roll, của những quyển truyện tranh Nhật Bản và những cuốn phim viễn tây của John Wayne. Trong bối cảnh đó, A Brighter Summer Day như một cuốn sổ tay cũ ghi chép lại một thời đã qua của Đài Loan 50 năm trước, cũng cục cựa chuyển mình và chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây – yêu đương, băng đảng và những thanh niên lạc lõng trong chính tuổi trẻ của mình. Dù phương Đông hay phương Tây thì tuổi trẻ, sự cô đơn và những tấn bi kịch đều có những mẫu số gần chung.
Bộ phim kết thúc, người xem bị bỏ lại với cảm giác kinh ngạc, và sốc. Với những ai chưa tìm đọc thông tin về phim trước khi xem thì cái kết quả là một đòn bất ngờ và bạo liệt. Khán giả cảm thấy đau đớn khi chứng kiến những nhân vật yêu thích của mình rẽ qua một khúc quanh quá nhiều bi kịch. Số phận điện ảnh gọi tên họ, nhưng hình ảnh vừa nên thơ giàu sức gợi vừa bối rối hỗn loạn, vừa hồn nhiên trong trẻo vừa điên khùng đúng chất tuổi trẻ của những cô cậu vị thành niên vẫn là những gì đọng lại lâu nhất trong lòng người yêu điện ảnh.