Tuấn Lalarme

Amour – Chỉ Có Tình Yêu

Ở độ tuổi 85, Emmanuelle Riva đã là người lớn tuổi nhất được đề cử giải Oscar trong suốt chiều dài lịch sử của giải thưởng, nhưng cái kết có hậu lại dành cho Anna Hathaway trong vai Fantin ở bộ phim Những Người Khốn Khổ. Đây quả là một điều đáng tiếc khi bà đã không nhận được tượng vàng cao quý đó ở độ tuổi gần đất xa trời như một sự tri ân cho những gì mà bà đã đóng góp cho nền điện ảnh. Nhưng bỏ qua điều đó, Emmanuelle Riva đã đạt được giải thưởng lớn hơn thế trong lòng những người yêu điện ảnh, Anne của Emmanuelle Riva trong tác phẩm Amour (2012) của đạo diễn Michael Haneke sẽ là một hình ảnh kinh điển trong điện ảnh ở thể loại bi kịch lãng mạn.

Bộ phim kể về một đôi vợ chồng giáo viên dạy Piano về hưu, sống trong một căn hộ tiện nghi tại Paris. Tại đó cuộc sống của họ trôi qua êm đềm hạnh phúc, nhưng đến cái tuổi gần đất xa trời, Anne (Emmanuelle Riva) – người vợ trong một lần ăn cơm đã có dấu hiệu đầu tiên của một cơn đột quỵ và sau lần đó, bà với căn bệnh quái ác của tuổi già đã dần dần mất đi sức khỏe, sự minh mẫn của mình. Bà dần dần phải di chuyển bằng xe lăn rồi không thể cử động, chỉ có thể nằm một chỗ. Trong hoàn cảnh đó, người chồng Georges (Jean-Louis Trintignant) và Anne đã thể hiện một tình yêu tuyệt đẹp, một thứ tình cảm không phải nồng nhiệt của tuổi trẻ, mà đơn giản và gần gũi của tuổi già, của bao nhiêu năm cùng chung sống, cùng chia sẻ. Bộ phim không xây dựng tình yêu bằng những lát cắt tuổi trẻ của họ, mà thuần hiện tại, hiện thực – một căn hộ, hai người già, một vài người giúp việc, thỉnh thoảng có con gái định cư ở nước ngoài đến thăm.

Dùng nhiều cảnh tĩnh, máy quay cố định, trong khung hình cố định đó, họ – hai người già chậm rãi và tận hưởng cuộc sống, họ ăn cùng nhau, làm mọi thứ cùng nhau. Một cảnh hiếm hoi ở ngoài căn hộ trong nhà hát nơi học trò của họ đang trình diễn một tác phẩm cổ điển soạn cho Piano cũng vậy, tĩnh trong tiếng mộc mạc của những âm thanh hàn lâm, một sự tương phản kì diệu của sự bình dị và sự thanh cao của tâm hồn họ. Ở độ tuổi của họ, nếu gọi bệnh tình của Anne là một sự thử thách tình yêu đối với người chồng Georges thì có vẻ khiên cưỡng và thiếu thuyết phục khi họ đã ở bên nhau trên cả một hành trình dài của cuộc sống, trong mọi khuôn hình khi Anne còn khỏe mạnh đều thấy bóng dáng của một thứ tình cảm sâu sắc, một tình yêu không cần bàn cãi. Căn bệnh tai biến quái ác đó chỉ càng tô đậm thêm hơn nữa thứ tình cảm thiêng liêng vượt lên trên tất thảy của hai số phận, đã gắn chặt cuộc đời nhau bằng tất cả những mảng màu tối sáng trong suốt mấy chục năm trời chung sống.

Kịch bản giàu chất thơ, đậm chất văn học, nhẹ nhàng, sâu sắc, đơn giản đến kì lạ, tình yêu là câu chuyện muôn thuở và muôn đơn, nó nhiều đến mức đôi khi ta cảm giác nếu ta được xem hay được nghe kể về một chuyện tình gì đó thì nó cũng không có gì xa lạ, không có gì đáng ngạc nhiên. Và đôi khi ta mong đợi trong câu chuyện đó những tình huống trớ trêu, kì quặc, thú vị và bất ngờ. Haneke không mang đến điều đó ở kịch bản phim Amour của ông. Một camera đặt tĩnh, với sự xê dịch rất ít, bối cảnh bó hẹp trong một căn hộ với phòng khách đầy những sách vở, một chiếc dương cầm rất đẹp, những bức tranh, một phòng ngủ, phòng bếp, hành lang đi lại giữa các phòng.

Bối cảnh chỉ có vậy, nhưng trong cái khuôn hình tĩnh đấy, sự động đậy rất chậm của hai thân thể già nua, sự chăm sóc của một người chồng dành cho vợ, do tuổi tác, điềm tĩnh và chậm chạp, nhưng lại gây ra những hiệu ứng rất mạnh về mặt cảm xúc. Tương tự như vậy, không có những cảnh âu yếm đầy tình cảm như cách những cặp vợ chồng ở lứa tuổi trẻ hơn sẽ làm, họ không cần tất cả những điều như thế để thể hiện tình yêu của mình. Tình yêu đó là sự thấu hiểu, sự thấu hiểu của người chồng về mặc cảm, xấu hổ và nhục nhã mà người vợ cảm thấy để làm những hành động vụng về như khoá trái cửa phòng mẹ để không cho con gái vào thăm vì ông biết bà sẽ cảm thấy đau khổ khi có ai đó chứng kiến bản thân mình bất lực như vậy. Những chi tiết nhỏ của một tình cảm lớn. Những hành động nhỏ của sự ân cần và yêu thương hết mực. Người Việt Nam có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, đổi vị trí của ông và bà, Amour đã hoàn toàn thể hiện được điều đó, chỉ có sự thấu hiểu nhau của một tình cảm sâu sắc mới khiến cho họ, Georges và Anne trở nên tuyệt đẹp trong một bi kịch buồn vậy. Chỉ có thể có một tình yêu lớn đến mức nào thì Georges mới hành động như cách ông đã làm cho Anne, một cách đầy ngạc nhiên nhưng vô cùng đáng thông cảm. Một cái kết không phải mang đến cảm giác buồn, mà mang đến một cảm giác của sự trọn vẹn của một cuộc đời đã đến hồi kết thúc.

Chính vì một kịch bản súc tích và cô đọng, đầy chất tĩnh như vậy, việc diễn xuất của những diễn viên chính là yếu tố quyết định hoàn toàn sự thành công của bộ phim. Emmanuelle Riva, và Jean-Louis Trintignant dường như chính là những sự lựa chọn hoàn hảo. Tuổi thực của họ ngoài đời cũng tương đồng với tuổi của vai diễn, có lẽ chính vì lẽ đó, ở họ toát lên toàn bộ được sự mệt nhọc của tuổi già, của sự cận kề với cái chết, nhưng họ không sợ hãi, không lẩn tránh và than trách, họ đã sống một cuộc đời ý nghĩa và tuyệt đẹp, cuộc đời của hai diễn viên chính chắc cũng vậy.

Emmanuelle Riva là một cái tên đã từng rất thành công của điện ảnh Pháp, người đã có những thước phim tuyệt vời trong bộ phim Hiroshima, Mon Amour (1959) của đạo diễn Alain Resnais. Nhưng có lẽ ít người nhớ được bà cho đến vai diễn Amour đầy ấn tượng này. Emmanuelle diễn mà như đang thể hiện chính mình, từ việc là một người vợ đầu ấp tay gối qua bao nhiêu năm với Georges, cho đến việc thể hiện một người bị tai biến, bị bại liệt, chỉ còn diễn ở sự run rẩy, ánh mắt, khóe môi, sự đãng trí, lãng quên, giận dỗi, buồn khổ, đau đớn. Xem bộ phim này mới thấy đáng tiếc cho bà vì đã không được vinh danh ở giải thưởng Oscar. Jean-Louis Trintignant cũng vậy, hoàn hảo và đáng quý. Những hình mẫu tuyệt vời của sự miệt mài cần mẫn làm việc cho dù họ đã rất già rồi.

Michael Haneke không phải là một đạo diễn xa lạ đối với người hâm mộ điện ảnh, là một người Đức, phim của ông luôn luôn chứa đựng giá trị nhân đạo, một tinh thần nhân văn chủ nghĩa đầy sâu đậm trong các tác phẩm điện ảnh trước đó, như The White Ribbon (2009) là một ví dụ, ở tác phẩm đó, Haneke đã mang đến những nguồn cội tội ác đến từ tâm hồn trẻ thơ nơi chủ nghĩa phát xít bắt đầu được hình thành. Một bài ca đầy nhạc điệu lên án sâu sắc xã hội tiền phát xít của Đức. Haneke luôn biết cách đưa những hình ảnh tưởng như giản đơn của cuộc sống để truyền tải vào đó một câu chuyện đầy hàm súc và cảm động. Đi từ một chủ đề về tội ác xuất phát từ những đứa trẻ, đến một tình yêu giản dị vô cùng của hai vợ chồng già trong một căn hộ nhỏ. Haneke đã mang đến những cung bậc cảm xúc trái chiều, nhưng tựu trung lại ở đó là giá trị nhân bản đầy tính thiện và đẹp của cuộc đời. Trong cuộc đời đó, những mặt tốt xấu ẩn hiện, nhưng người ta luôn tìm được trong cái đơn giản nhất, sự tuyệt đẹp của cuộc sống.

Thông tin bên lề:

Bộ phim đoạt giải Cảnh Cọ Vàng cho bộ phim xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes 2012, và giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, cùng với rất nhiều các giải thưởng khác nhau của các liên hoan phim lớn trên thế giới.
Emmanuelle Riva rất không muốn xuất hiện trong cảnh bà tắm khỏa thân, tuy nhiên sau khi cân nhắc kĩ vì cảnh đó ít nhiều cũng quan trọng cho cả bộ phim nên bà đã đồng ý.
Ở ngoài đời, Emmanuelle Riva hơn Jean-Louis Trintignant 3 tuổi.
Emmanuelle Riva đã được thử vai cùng với nhiều nữ diễn viên lớn tuổi khác người Pháp, cảnh để diễn thử chính là cảnh bữa sáng khi Anne bị tai biến lần đầu tiên. Haneke nhận ra rằng khi đó Riva đã diễn rất thật và cảm động nên đã chọn bà cho vai diễn Anne này.

Đọc thêm về đạo diễn: Michael Haneke

Exit mobile version