Chiến tranh Việt Nam đã mang đến những cảm xúc rất phức tạp cho người Mỹ, nên khi nó kết thúc, người ta dường như không thể chấp nhận bất cứ thông điệp nào đến từ chính phủ Mỹ. Những người nghệ sĩ tự tìm con đường để dựng lại phức cảm đó, không phải để người ta có cái nhìn trực diện đa chiều về một trong những cuộc chiến lớn nhất thế kỉ 20, mà còn đưa ra câu trả lời cho câu hỏi siêu hình “bản chất sự thật là gì?” Trong tất cả những tác phẩm nghệ thuật về cuộc chiến tranh VIệt Nam, bộ phim Apocalypse Now là tác phẩm xuất sắc nhất, không chỉ vì nó có thể trả lời một cách triết trung cho câu hỏi bản chất sự thật của cuộc chiến, nó còn đưa ta vào một góc nhìn trung lập, để có thể thấu thị vào bản chất của con người, sự vụn nát của nền văn minh khi nó bị đối xử bằng bạo lực, tham vọng chính trị. Nhưng không chỉ xuất sắc nhất trong tất cả các tác phẩm nói về chiến tranh Việt Nam, Apocaplypse Now còn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, nói một cách không ngoa ngôn về đề tài chiến tranh mà ai cũng cần thiết phải xem 1 lần trong đời.
Đã gần 40 năm trôi qua, người ta không thể vin vào rất nhiều thứ mà bộ phim gặp phải trong suốt quá trình làm phim để xem xét danh tiếng của nó như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Người ta phải tin rằng 1 triệu đô la để trả cho Marlon Brandon là hoàn toàn xứng đáng, người ta cũng tin rằng việc đánh cược toàn bộ gia sản để làm phim của Coppola đã giúp ông hoàn thành được một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của điện ảnh. Bộ phim đầy những ẩn dụ, đầy cảm xúc, đầy sự giận giữ và trống rỗng. Dòng sông Mekong nơi viên đại uý Willard phải đi ngược lên thượng nguồn, đơn thuần là một ẩn dụ cho dòng chảy của cuộc đời con người, của tham vọng, và sự mỏng manh của xã hội văn minh. Từ dòng sông đó, trên chiếc tàu thuỷ đưa đại uý Willard đi làm một nhiệm vụ tối mật của quân đội, đạo diễn Francis Ford Coppola đã cho chúng ta đối diện với bản chất thực sự của một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh làm ẩn dụ cho mọi cuộc chiến khác để thoả mãn tham vọng của con người, nhưng phủ bóng đen lên những thân phận người lính, người dân phải chìm nổi trong chính cuộc chiến đó.
Mở đầu phim, trong tiếng nhạc của ca khúc The End mà ban nhạc The Doors thể hiện, sự trống rỗng được lột tả vô cùng ấn tượng, không gian đầy ám ảnh, mang tính trừu tượng, với sự mờ ảo của màu sắc, âm nhạc và sắc thái biểu cảm của đại uý Willard. Nhân vật bắt đầu tự sự câu chuyện của mình, câu chuyện mà bộ phim bám theo trong suốt hơn 3 tiếng hồ. Willard nói về sự vô nghĩa của chiến tranh, về sự thay đổi của bản thân mình khi một lần quay về lại Mỹ để rồi quyết định sẽ không bao giờ về lại đó nữa… lời thoại ám ảnh, không phải là những thông điệp giáo điều, nó chỉ là sự mệt mỏi, chán trường, một điều gì đó đã mất đi trong lòng người lính mà ta có thể cảm nhận được rằng anh ta đã từng nhiệt huyết biết bao với danh nghĩa “lòng yêu nước”. Chỉ trường đoạn đầu đó thôi, trong điệu nhảy đầy cảm xúc, trong cơn điên loạn vì lạc lõng, Martin Sheen đã giúp ta hiểu vì sao đạo diễn đã phải tìm đến ông để thay thế người diễn viên đầu tiên đã không thể lột tả thành công đại uý Willard.
Cảnh đầu phim, và cảnh cuối phim đã chứng tỏ đại uý Willard không hề điên loạn, ông chỉ hầu như điên loạn, chỉ gần như đã đánh mất chính mình. Sự trống rỗng, của ông được thể hiện bằng khuôn mặt vô cảm, giọng nói như không khí, lạnh lùng và quyết đoán. Những hành động của Willard được thể hiện tối giản, đa phần là quan sát, ông quan sát, ông thăm dò, và ông ra quyết định. Tiếng súng đanh lên vang động cả một quãng sông rộng khi ông bắn chết người phụ nữ Việt Nam đang bị thương hấp hối mang tính biểu tượng cao của lòng thương cảm cũng như sự tăm tối đang len lỏi trong tâm hồn ông. Hay cách ông quan sát viên trung tá Bill Kilgore hành xử trong trận ném bom napalm vào một ngôi làng yên bình cho ta thấy rõ được chân dung cuộc chiến. Francis Ford Coppola sử dụng hai góc máy để thể hiện câu chuyện, chính vì thế sức nặng của câu chuyện với khả năng truyền tải của nó càng mạnh mẽ. Một góc máy được đặt song song với ánh mắt của Willard, ở đó, bằng cách dùng giọng kể mang chất hồi tưởng, Willard cho ta thấy góc nhìn của mình, câu chuyện dưới mắt một vị đại uý Mỹ, một cách kể chuyện khách quan và khiêm tốn. Góc máy thứ hai quay chính Willard, chân dung của một quân nhân. Willard ít nói, chìm sâu vào những nghiên cứu của mình về vị đại tá bí ẩn Kurtz, nhưng mạnh mẽ quyết đoán trong hành động, sợ hãi nhưng lại vô cảm. Willard lạc lối trong chính con đường mà mình đang đi.
Là quân nhân, anh đang thực hiện mệnh lệnh của mình, một thứ mệnh lệnh mơ hồ về một con người mơ hồ, một vị đại tá đáng lẽ có thể trở thành Tướng nhưng quyết định từ bỏ tất cả để trốn vào rừng sâu sống với thứ triết lý mang nặng dấu ấn Phật Giáo của mình, và lãnh đạo một đội quân người bản xứ. Trên hành trình đó, anh vừa khám phá về một con người thông minh, tài giỏi, vừa khám phá về một cuộc chiến, nơi những doanh trại không có ai quản lý, những tên lính bắn súng xối xả vào tự nhiên vì sợ hãi. Những hành động bộc phát mang tính bản năng của sự cô lập, vô nghĩa, về nhân tính đang ngày càng bị mất đi. Là kẻ ám sát, a muốn giết Kurtz để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng càng tìm hiểu sâu về con người đó, càng dấn sâu vào cuộc đời của người đó, Willard càng bộc lộ bản thân mình có những tư tưởng và thái độ tương tự, anh giống chân dung tỉnh táo của Kurtz, giống bản thể của Kurtz. Để đến cuối cùng, với khuôn mặt được bôi chát bởi bùn đất Willard hiện hình là một người kế nghiệp hoàn hảo cho Kurtz, chỉ có điều, anh không bị điên, anh không cực đoạn, anh có thể tìm đường trở về làm người. Còn Kurtz là đại diện cho nỗi tuyệt vọng và sự cô đơn của chiến tranh. Ông dùng đi dùng lại từ “Horror” (kinh hoàng) để chỉ về những điều ông đã trải qua trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Kurtz khi tìm ra bản chất sự thật của cuộc chiến tranh mà ông tham gia, nơi những người lính Việt Cộng sẵn sàng cắt đứt cánh tay của mình để tiếp tục chiến đấu. Nơi đó, con người phải sẵn sàng giết người mà không còn chút cảm xúc nào, không còn chút đam mê nào, và không có bất kì sự phán xét nào. Khi hiểu được thứ “Horror” đó, ông đã phát điên. Quang cảnh nơi ông đang sống thật sự kinh dị, xác người ngổn ngang, những chiếc đầu bị cắt rời vô cảm. Khi gặp Willard, ông đã cho vị đại uý đấy biết rằng, ông đã đi quá xa, và không thể thay đổi được gì nữa.
Kurtz tuyệt vọng, cái chân dung tuyệt vọng được thể hiện trong một thứ ánh sáng mờ ảo, nửa sáng nửa tối, mờ mịt và ám ảnh, với giọng nói như ma ám, có sức truyền tải mạnh mẽ. Số tiền bỏ ra để trả cho vai diễn của Marlon Brandon thật sự rất xứng đáng. Với một người có cách diễn xuất nhập tâm hoàn toàn vào nhân vật như Brando, vai diễn Kurtz quả thực rất phù hợp. Một chân dung tuyệt vọng đến tận cùng, nhưng điềm tĩnh và khôn ngoan, điên loạn và vô cảm. Francis Ford Coppola đã tạo ra một trong những kết phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh. Cô đọng, quyết liệt đầy táo bạo.
Xuyên suốt bộ phim là những trường đoạn không thể quên, nó mang nhiều tính biểu tượng. Đặc biệt là trường đoạn tấn công một ngôi làng bằng trực thăng của viên trung tá Bill Kilgore, ở đây ông đã có câu nói bất hủ về bom Napalm: “Tao yêu mùi bom nalpalm vào buổi sáng…Chú mày biết không, cả mùi xăng trên ngọn đồi cứ như là mùi của chiến thắng… Một ngày nào đó cuộc chiến này sẽ kết thúc.” Hay trường đoạn tàu của Willard đối diện với một chiếc tàu bán hàng của người dân địa phương, họ đã dừng lại để kiểm tra tàu của dân địa phương có giấu thứ gì khả nghi của Việt Công không? Qua những câu thoại đặc sắc, sự nguy hiểm lên cao, sự sợ hãi của người lính Mỹ, lòng nghi kị, và rồi tiếng súng liên thanh được bắn ra không chút thương xót vì sợ hãi, nỗi đau không thể tả của cảm xúc đạt đến tận cùng. Bộ phim hơn là một thông điệp phản chiến, nó chính là chân dung của chiến tranh, một danh từ chỉ sự “suy đồi của nền văn minh”.
Cùng với John Millius, Coppola phát triển kịch bản dựa trên tiểu thuyết Heart of Darkness, ông chuyển địa danh từ châu Phi sang bối cảnh chiến tranh Việt Nam, để phát triển câu chuyện với rất nhiều hình ảnh biểu tượng nêu bật chủ đề phản chiến, cũng như đi tìm hình hài cho bản chất sự thật của chiến tranh. Qua góc quay của Vittorio Storaro, và cách sắp đặt bối cảnh, sử dụng ánh sáng tự nhiên của đạo diễn, bộ phim có những trường cảnh, đại cảnh, cảnh chiến đấu, cận cảnh đẹp mắt và gây choáng ngợp, cũng như lột tả một cách vô cùng sâu sắc tính cách nhân vật, con người nhân vật qua một ánh mắt, một góc nhìn. Apocalypse Now là một bộ phim phi thường, nó phi thường vì mọi thứ ăn khớp hoàn hảo từ câu chuyện, cảnh quay, từng frame hình, cách sử dụng âm nhạc, âm thanh để kích thích giác quan người xem đến tột cùng, và từ đó, như một bi kịch của nền văn minh, thế giới hiện ra tan nát, chủ nghĩa lý tưởng của Mỹ hoàn toàn lụi bại, những người lính Mỹ chỉ còn khoác lớp vỏ sợ hãi và đơn độc.
Apocalypse Now sẽ mãi mãi là bộ phim phi thường, vì tính chất phản chiến của nó. Khi nào còn chiến tranh, khi đó bộ phim còn có tiếng nói mạnh mẽ của mình để chúng ta có thể thấy được bản chất thực sự của một cuộc chiến. Chiến tranh, ngoài những hư ảnh của vinh quanh, nó là sự tuyệt vọng, trống rỗng, là nỗi đau tồn tại hàng thập kỉ, là sự đánh mất chính mình, là những sự thật nửa vời được nói ra để che giấu sự thật, là những lợi ích chỉ phục vụ cho quyền lực, không phục vụ cho nhân dân, cho người lính. Thế giới hình như chưa bao giờ ngưng tiếng súng, xã hội văn minh chưa bao giờ thôi kiêu ngạo để ngăn lòng tham của con người lại. Một thành phố đang ngủ yên thì hẳn đâu đó trên trái đất, một thành phố đang chìm trong bom đạn và sợ hãi. Apocalypse Now tự thân nó đã không chỉ là một tác phẩm vị nghệ thuật, mà thấm đẫm tinh thần vị nhân sinh. Thế giới cần hoà bình, và luôn luôn cần hoà bình như thể nó chưa bao giờ có được hoà bình thực sự.