Bonnie and Clyde (1967) không phải là bộ phim đầu tiên lãng mạn hoá những kẻ cướp của giết người, càng không phải là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên kể về cặp tình nhân khét tiếng Bonnie Parker và Clyde Barrow trong lịch sử tội phạm nước Mỹ. Nhưng rõ ràng, phiên bản điện ảnh năm 1967 này đã để lại nhiều dấu ấn và ảnh hưởng hơn cả trên các lĩnh vực nghệ thuật khác như thời trang, thơ, ca, nhạc, hoạ về sau.

Bonnie and Clyde là một dấu son trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ, là tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc của dòng phim gangster – một thể loại phim độc bá của điện ảnh Mỹ, bên cạnh dòng phim viễn Tây. Bộ phim nhận được 5 đề cử Oscar, thắng hai giải gồm Diễn viên phụ xuất sắc nhất (Estelle Parson) và Quay phim xuất sắc nhất, 7 đề cử giải Quả Cầu Vàng, một đề cử Grammy cho phần nhạc phim và hàng loạt đề cử/giải thưởng khác. Bộ phim đứng thứ năm trong danh sách những bộ phim gangster hay nhất do Viện điện ảnh Hoa Kỳ (AFI) bình chọn. Ra đời cùng thời điểm với những bộ phim kinh điển khác như Cool Hand Luke, The Graduate, Ulysses… nhưng Bonnie and Clyde luôn được đánh giá là phim hay nhất của năm 1967. Năm 1992, Bonnie and Clyde được chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ vì “tính văn hoá, lịch sử và tín hiệu thẩm mĩ”. Thậm chí một vài cây bút bình phim còn chia điện ảnh Hoa Kỳ thành hai giai đoạn: trước Bonnie and Clyde và sau Bonnie and Clyde.

Chất lượng của bộ phim được bảo chứng không chỉ bởi giải thưởng và đánh giá cao của giới phê bình, nó còn nằm ở yếu tố đi tắt đón đầu với lối làm phim táo bạo, động chạm vào vấn đề bạo lực một cách không khoan nhượng. Ngoài ra, Bonnie and Clyde còn tạo ra những chuẩn mực mới trong nhiều lĩnh vực: thời trang, văn hoá, văn học.. Phong cách thời trang của nhân vật Bonnie (do Faye Dunaway thủ vai) đã khiến những cô gái trẻ của thập niên 60 say mê, đồng thời gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế trong nhiều thập kỷ. Với Bonnie and Clyde, Faye Dunaway đã trở thành biểu tượng đi tiên phong cho cách mix đồ phá cách, những chiếc váy caro và những phụ kiện đầy quyến rũ. Điểm nhấn đặc biệt trong phong cách của Faye là những chiếc khăn quàng cổ và mũ bêrê làm tôn lên nét rực rỡ của mái tóc vàng óng ả.

Ở Mỹ, dòng phim gangster rất được ưa chuộng, những nhân vật tội phạm có thật thường xuyên được điện ảnh hoá. Những cái tên như Billy the Kid, Jesse James, John Dillinger và Bonnie & Clyde được quan tâm nhiều hơn cả các vị Tổng thống ngồi trong Nhà Trắng. Câu chuyện về những tên tội phạm vũ trang cùng những thông tin bên lề thú vị luôn là một đề tài hấp dẫn trên các mặt báo. Hollywood ‘bắt sóng’ được sự quan tâm này và đưa chúng lên màn ảnh suốt gần bốn thập kỷ qua.

Lãng mạn

Mùa xuân của vùng Texas nóng nực và bức bối với bầu không khí gắt gỏng, ngột ngạt, cô hầu bàn xinh đẹp với đôi môi đỏ gợi tình nằm buồn chán trên giường trong căn nhà dành cho người có thu nhập thấp. Đó là Bonnie Parker, cô gái tỉnh lẻ 19 tuổi bị mắc kẹt trong một cuộc sống nhỏ hẹp, nhàm chán, bế tắc. Không một mảnh vải che thân, cô đứng lơ đãng bên cửa sổ, nói vọng xuống sân nhà: “Này anh kia, anh đang làm gì với chiếc xe của mẹ tôi thế hả?” Ở phía dưới , một thanh niên đĩnh đạc đang cố cậy cửa chiếc ô tô đậu dưới bóng cây, tay vịn chiếc mũ fedora, ngước nhìn lên cửa sổ nơi mỹ nhân đang đứng.

Bonnie và Clyde đã gặp nhau như thế. Vùng đất Tây Nam bụi bặm quanh năm bắt đầu xáo trộn bởi cặp đôi cướp vũ trang đầy táo bạo. Họ mang đến những tia nắng căng tràn tinh thần tự do, bất cần giữa thời đại Tuyệt Vọng (Depression years).

Tác phẩm của đạo diễn Arthur Penn không chỉ độc đáo ở phong cách mà còn là sự pha quyện hài hoà giữa bạo lực và cái đẹp, giữa bi thương và hài hước, giữa thực tế và sự lãng mạn. Sự hoà quyện này nằm ngay ở câu logline của phim : “They’re young- They’re in love- And they kill people”. Bộ phim là một tổng thể hấp dẫn gồm có tuổi trẻ, tình yêu, bạo lực và lối sống tôn thờ tự do. Đi chệch ra khỏi những chuẩn mực của dòng phim hình sự, tội ác phải bị trừng phạt và kẻ thủ ác phải bị huỷ diệt, cặp nhân tình Bonnie và Clyde dù cướp nhà băng, dù giết cảnh sát nhưng vẫn thu phục được người xem, dấy lên lòng ngưỡng mộ và sự cảm thông nơi khán giả, thậm chí cả hai còn được yêu mến như những người hùng của một thời đại hỗn mang, được so sánh với tay cướp vĩ đại Robin Hood và các tay súng oai hùng vùng miền Tây.

Nhà làm phim đã thực hiện nhiều thủ pháp để đặt khán giả vào chỗ suy xét lại quan niệm đạo đức của mình về giới gangster, liệu họ có xấu xa, bỉ ổi, mưu mô xảo quyệt như bấy nay họ vẫn bị gắn nhãn, hay họ chỉ là những thanh niên tìm kiếm tự do trong một thời đại mệt mỏi và rệu rã?

Bạo lực

So với tiêu chuẩn của phim gangster thời nay thì Bonnie & Clyde không có gì nổi trội, nhưng ở thời điểm điện ảnh Mỹ vẫn còn nhiều kiềm kẹp thì bộ phim là một cú đột phá mới mẻ, chẳng khác gì một phát súng xuống mặt hồ phẳng lặng.

Bonnie và Clyde là cặp nhân tình khét tiếng với những vụ cướp vũ trang táo tợn, sẵn sàng trừ khử những kẻ ngáng đường, kể cả lực lượng cảnh sát địa phương bằng khẩu Tommy. Hai khẩu súng được sử dụng trong Bonnie and Clyde đã trở thành biểu tượng của một thời đại bạo lực bị chi phối sâu sắc bởi văn hoá gangster, một trang sử bi hùng của nước Mỹ. Hai khẩu súng đó cũng đại diện cho lối làm phim táo bạo, sáng tạo và không hề e dè của Arthur Penn, giúp vị đạo diễn huyền thoại đánh dấu tên tuổi của mình trong làng điện ảnh quốc tế. Nói cho chính xác, Arthur Penn là người đã làm thay đổi diện mạo dòng phim gangster ở Hollywood. Trước sức ép của làn sóng mới ( La Nouvelle Vague) của điện ảnh Pháp, Hollywood buộc phải chuyển mình, và Bonnie and Clyde chính là bước ngoặt quan trọng của cuộc chuyển mình ấy.

Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh hiện đại của Mỹ, bạo lực mới được gia công mạnh tay đến mức rợn sống lưng như vậy. Trước Bonnie and Clyde, bạo lực chỉ được trình bày gián tiếp qua tiếng rên rỉ đau đớn hay nhờ vào kỹ thuật diễn xuất của nhân vật. Phát súng bắn ra và người bị bắn không bao giờ nằm trong cùng một khung hình. Phải đến thời của Penn, thông qua những bước di chuyển sinh động của máy quay kèm theo một số hiệu ứng đặc biệt, yếu tố bạo lực mới được mục tả trần trụi qua từng nhát súng liên hoàn găm lên cơ thể con người ác liệt trong cùng một cảnh quay liên tục, lần đầu tiên khán giả mới thấy khuôn mặt nạn nhân nát nhừ dưới làn đạn mà không hề bị cắt cảnh. Hình ảnh mang tính biểu tượng tiếp theo là chiếc xe “tử thần” găm đầy dấu đạn, cửa xe tan nát, lốp xe bể trong cảnh phục kích khét tiếng dài gần 54 giây kết thúc phim. Máu bắn tung toé, thi thể nạn nhân nằm vất vưởng trên thành xe, đạn bay vương vãi.., tất cả các yếu tố ấy mang đến một trải nghiệm thực tế rùng rợn cho khán giả, giúp họ tiệm cận gần nhất tới hình hài của bạo lực.

Với Bonnie and Clyde, đạo diễn Arthur Penn chủ động trong cách xử lý vấn đề dục tính, thẳng thắn hoà hợp hai yếu tố cấm kỵ: tình dục và bạo lực., khắc hoạ tội phạm một cách gợi tình và đan xen với tình ái. Sự thành công ngoài mong đợi của bộ phim đã thúc đẩy các nhà sản xuất sau này đưa yếu tố sex và bạo lực vào điện ảnh nhiều hơn nhằm tăng tính hấp dẫn cho phim.

Comment