Tuấn Lalarme

Boyhood – bộ phim đặc biệt của thế kỉ 21

Người ta sẽ còn nhắc nhiều đến Boyhood, vì cách bộ phim được thực hiện trong suốt 12 năm, với cùng một dàn diễn viên, để kể về thời niên thiếu của Mason, từ khi cậu bé 5 tuổi đến khi cậu tròn 18 tuổi, bắt đầu bước vào đời. Có những bộ phim mang sức nặng của ngôn ngữ điện ảnh, có những bộ phim mang sức nặng của câu chuyện, và có những bộ phim như Boyhood, ghi dấu chính nó bằng thời gian. Cách đạo diễn Richard Linklater thách thức thời gian, đưa ra chỉ dấu để cho ta nắm được mắt mối của dòng tuyến tình mà thời gian làm nhiệm vụ tiến về phía trước thật vô cùng ấn tượng. Tôi nhớ bạn tôi, sau khi xem được khoảng nửa phim, đã thắc mắc rằng, tại sao thằng bé Mason, nó thay đổi từng năm, mà sao nhìn cứ như một diễn viên đóng, người ta hoá trang tài thế ư? Tôi cười, tôi biết Richard đã thắng, đã thắng thời gian, đã dùng chính thời gian như một công cụ để dựng phim, để ghép nối các cảnh, để ghép nối hình hài của một cuộc đời trong 12 năm.

Đúng như tên gọi của bộ phim, Boyhood là hành trình trưởng thành của cậu bé Mason (Ellar Coltrane), một hành trình bình thường, của một cậu bé bình thường, một cậu bé có cuộc đời như bất kì một cậu bé nào đó trên trái đất này. Không có quá nhiều khác biệt ở Mason và những đứa trẻ ở những nền văn hoá khác. Đấy là điểm đầu tiên khiến bộ phim vừa vô cùng giản dị, gần gũi và dễ mến. Vì ta bắt gặp mình trong đấy, bắt gặp lại tuổi thơ của mình với những tò mò về giới tính, bắt gặp một người chị em giống như chị em của mình, người vừa yêu thương mình, vừa vô cùng đáng ghét. Ta bắt gặp lại quá nhiều những sự liên hệ. Chính vì Mason giống như một mẫu số chung, nên một cách có chủ ý, đạo diễn Richard Linklater đã không đặt tên cụ thể cho cha mẹ cậu bé, họ chỉ là cha và mẹ như bất kì cha mẹ nào khác.

Mason sinh ra trong một gia đình không êm ấm. Người cha (Ethan Hawke) với bản tính nghệ sĩ và thích tự do, sống thiếu trách nhiệm đã ly dị vợ. Mason và chị gái của mình Samantha (Lorelei Linklater) sống với mẹ (Patricia Arquette). Một người phụ nữ lúc nào cũng tất bật lo toan cho gia đình, cho hai đứa con, một người cầu tiến, nhẫn nại, và biết mình cần gì để có cuộc sống tốt hơn, dù cho không phải sự lựa chọn nào của bà cũng đúng. Là những lát cắt được ghép lại qua từng năm của Mason, bộ phim được kể bằng những chi tiết đơn giản, nhưng đậm tính hoán dụ và ám chỉ. Ông dùng một chỉ tiết để kể về cả một năm lớn lên của Mason. Kể một hình ảnh để nói rằng đó là năm gì, đưa vào phim những chỉ dấu để ta có thể hình dung và theo dõi, để ta áp vào chính bản thân mình. Sinh nhật, một ca khúc đang đứng top trên bảng xếp hạng âm nhạc Mỹ, một giai điệu nhẹ nhàng chợt vang lên đâu đó. Linklater cho tôi liên tưởng đến nhà văn Raymond Carver, khi ông kể những câu chuyện không đầu không cuối nhưng chân thành, trung thực, và đầy tính hiện thực chủ nghĩa trong các chuyện ngắn của mình.

Quả vậy, dùng chủ nghĩa hiện thực, Linkhater chọn những thời điểm trong một năm của Mason, trong bối cảnh của xung đột gia đình, trong sự cố gắng làm lại cuộc đời của người mẹ, trong những lần chạy trốn khỏi những người đàn ông mà bà đã lựa chọn không đúng. Mason trong một tổng thể của tuổi thiếu niên, đã đưa ta vào câu chuyện của chính mình. Câu chuyện mà chúng ta đã trải qua trong suốt thời niên thiếu của mình. Có vẻ như Linklater không bỏ qua bất kì mối quan hệ nào để ta dễ hình dung, dễ cảm nhận, dễ thấy sự ám chỉ nhất. Nếu điều đọng lại ở đa số các bộ phim sau khi ta xem xong là câu chuyện, sự biến hoá của nhân vật, những bước ngoặt mang sự kịch tính để đẩy cảm xúc lên cao, thì Boyhood lại đưa ta đến một hình dung khác về điện ảnh, nơi điện ảnh mang hiện thực nhập vào chính hiện thực sống của ta.

Mang những thời khắc của cuộc đời bình thường, Linklater dùng chính thời gian để biến chúng thành những thời khắc chân thành và trung thực. Như câu nói của Mason ở cuối phim cho ta hiểu cách Linklater chọn những thời khắc của mỗi năm Mason trải qua để liên kết lại thành một dòng chảy tuyến tính về mặt thời gian cho câu chuyện:

“You know how everyone’s always saying seize the moment? I don’t know, I’m kind of thinking it’s the other way around, you know, like the moment seizes us.” (Tạm dịch: Cậu biết không, người ta hay nói rằng, phải nắm giữ lấy khoảng khắc. Tớ không biết nữa, tớ thì nghĩ theo cách khác rằng chính khoảng khắc nắm giữ chúng ta).

Quả thực vậy, như khi cô gái học sing của mẹ cậu bé chơi guitar ca khúc “Wish You Were Here” của Pink Floyd, tôi càng cảm nhận rõ hơn bao giờ hết, ước muốn ngay lúc xem phim, chính bản thể của mình thời niên thiếu, sẽ ngồi bên cạnh và xem phim với tôi, chúng tôi sẽ cùng chia sẻ tất cả những điều đã trải qua của chính mình,cách chúng ta đã lớn lên để trở thành bản thân mình ở thì hiện tại. Đấy chính là điều kì diệu Linklater mang lại thông qua Boyhood.

Như tôi đã nói, Mason có một gia đình không trọn vẹn, tuy nhiên, cậu bé cùng chị gái thỉnh thoảng vẫn gặp cha mình, đó là những buổi gặp gỡ vui vẻ, của những đứa con và người cha vui tính, thông minh, hài hước. Ethan Hawke hoàn toàn cho ta hình dung về nhân vật Jesse trong bộ ba phim nổi tiếng của Linklater Before Trilogy (Before Sunset, Before Sunrise, Before Midnight), nói nhiều, và nói hay. Có lẽ điều đặc biệt nữa của những phim mà Linklater đạo diễn đó là lời thoại, không phải dạng thoại sắc sảo và mang nhiều triết lý như cách đạo diễn Iñárritu (Birdman) thường thể hiện trong các phim của mình, Linklater luôn biết tiết chế sự thông minh để lời thoại vừa gần gũi, vừa hấp dẫn, vừa thông minh, và vừa khó quên. Nó đúng như cách một người cha thích tự do và từng trải dạy những đứa con đang lớn của mình, đúng như cách một người mẹ phải vật lộn với cuộc sống đồng thời đánh vật với hai đứa con tinh nghịch, nó nuôi dưỡng sự đam mê của Mason thông qua lời người thầy…

Điều mạo hiểm của Linklater là quyết định dùng một dàn diễn viên duy nhất trong 12 năm. Bất kì một biến cố xấu nào cho diễn viên đều ảnh hưởng đến nhân vật.Chính điều đó đã khiến bộ phim trở nên đặc biệt khi kể về một câu chuyện vô cùng bình thường. Không có bất kì một cú lùi thời gian nào, cả bộ phim là hành trình Carpe Diem – nắm giữ và sống trọn vẹn trong khoảng khắc hiện tại. Nói rằng Linklater đã chấp nhận mạo hiểm, cũng cần nói rằng dàn diễn viên đã dám chấp nhận thử thách. Nếu Ethan Hawke là một cái tên quen thuộc trong phim của Richard Linklater, thì những cái tên còn lại như hai diễn viên nhí Ellar Coltrane và Lorelei Linklater đã giữ được sự ổn định của mình, từ những đứa trẻ dễ thương, đến những cô cậu bé ở độ tuổi dậy thì vừa đáng yêu vừa đáng ghét, cho đến khi đứng ở ngưỡng cửa bước vào đời còn nhiều băn khoăn, trăn trở… Nhưng có lẽ người đáng được nói đến nhất là Patricia Arquette (True Romane – 1993), một giải Oscar nữ diễn phụ xuất sắc nhất dành cho bà là hoàn toàn xứng đáng. Có nhiều đất diễn hơn hẳn những diễn viên khác, Patricia đã thể hiện một người mẹ đầy nhẫn nại với con cái, đầy bất hạnh với đàn ông, nhưng quyết đoán và kiên trì của một người phụ nữ biết thay đổi cuộc đời mình sao cho tốt đẹp hơn. Một người phụ nữ, ngồi khóc tức tưởi khi thằng con vô tâm đi học đại học xa nhà mà không nói lời gì với mẹ để bà lại một mình đơn độc sau khi đã cố gắng hết sức mình nuôi dưỡng những đứa con.

Mỗi cuộc đời là một quyển sách mở, chúng ta nắm giữ khoảng khắc đã qua của đời mình, còn ở hiện tại, chính khoảng khắc nắm giữ chúng ta, để chúng ta biết mình là ai, biết chúng ta cần gì, đưa cho chúng ta những cánh cửa để mỗi người tự đi tiếp vào cuộc đời mình. Nếu cuộc đời của cậu bé Mason từ 5 tuổi đến 18 tuổi có thể ám chỉ đến bất cứ ai trên trái đất này, thì sau 18 tuổi, sau sự trưởng thành, sau bước chân đầu tiên vào cuộc đời với những trách nhiệm mà nó trao cho chúng ta, mỗi người tự đi con đường của riêng mình. Mason đi tiếp cuộc đời cậu ấy, tình yêu, sự đau khổ, những vấp ngã, thành công, và sự khủng hoảng của tuổi trưởng thành. Linklater không cần nói nhiều đến vậy, ông dừng lại ở ngưỡng cửa, để mỗi người tự bước qua nó, để chúng ta, giống như thằng bé Mason ở những cảnh đầu phim, nhìn lên bầu trời với những đám mây lơ lửng, mơ tiếp về cuộc đời mình.

Exit mobile version