Tôi tiếp cận phim của Phan Dang Di lần đầu tiên qua 1 phim ngắn, “Khi Tôi 20”. Một bộ phim có góc nhìn lạ, về giới trẻ, về nỗi buồn của cuộc sống, và về việc đánh đổi để được sống. Khi Tôi 20 mang dáng dấp của Kim Ki Duk. Từ đó, tôi đã có ấn tượng tốt về anh, để tiếp tục theo dõi dành trình của anh trên bước đường điện ảnh chuyên nghiệp, từ biên kịch cho Chơi Vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, cho đến Bi, Đừng Sợ do chính anh viết và đạo diễn. Tôi luôn luôn nhìn thấy dáng dấp của Kim Ki Duk trong phim của anh, một cái gì đó vừa mạnh mẽ nhưng vừa nữ tính, vừa thô ráp nhưng lại giàu chất thơ. Một kiểu đạo diễn mang nội tâm của mình làm nội tâm của bộ phim, điều mà dù cho những nhân vật có nghèo hèn như nào, ta cũng chỉ thấy ở đó tình yêu, sức sống của tuổi trẻ và cuộc sống của những mảnh đời chấp chới ở mảnh đất Việt Nam còn quá nhiều tâm tư trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Ở Mekong stories (Big father, small father and other stories) cũng vậy. Phan Dang Di tiếp tục với phong cách phim của mình, một sự tiếp nối Bi, Đừng Sợ. Anh nói về tuổi trẻ, tình yêu qua nhịp thở của con sông, nhịp thở hiền hoà, nhưng ở sâu bên trong đó, nó mang trong mình một gánh nặng, gánh nặng của việc làm người.

Dòng sông Mékong, nơi nuôi sống bao nhiêu mảnh đời, nơi tắm mát cho bao tâm hồn người. Điều hạnh phúc khi làm một người Việt Nam, dường như chính là việc “ai cũng có một dòng sông riêng mình”. Con người gắn vào sống mà lớn lên, mà sống. Phan Dang Di bắt đầu bộ phim bằng dòng chảy dịu dàng, mà ở hai bên bờ là những ngôi nhà tạm bợ lụp xụp ở Sài Gòn. Nó tương phải với những toà nhà cao hiện đại phía sau. Dường như cả bộ phim là sự tương phản, sự tương phản của phù phiếm làm nền cho những tâm hồn đang mơ mộng của tuổi trẻ, dù nghèo, dù hèn, nhưng sống với nhau bằng tình yêu và sự trở che cho nhau. Vũ trường sôi động ngược với vài bản nhạc quê hương, cô gái nhảy sexy và quyến rũ trái ngược với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi vì một điệu nhảy ballet với mong muốn trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp, anh chàng batender bảnh trai trái ngược với hình ảnh chân chất, mộc mạc luôn muốn giúp đỡ thằng em ở cùng khu nhà với mình, và nổi lên trên tất cả, chính là sự tương phản của nhục dục và đời sống bình dị bên ngoài.

chavaconva

Bộ phim thực sự không có một dây dẫn chuyện rõ ràng. Những mảnh khép trong phim rời rạc, những cảnh phim đôi khi tạo cảm giác chắp nối, khi cảnh cắt quá nhanh, hoặc một cảnh phim ở đâu đó cắm vào giữa câu chuyện, như một sự vô tình. Nhưng với những tác phẩm mang đậm dấu ấn riêng của tác giả, thể hiện chính nội tâm của đạo diễn, việc đòi hỏi sự mạch lạc, và có một dây dẫn từ đầu đến cuối dường như chỉ là sự tiếp cận sai để nắm bắt được ý tứ của bộ phim. Những đạo diễn như Trần Anh Hùng, hay Abbas Kiarostami đều theo đuổi phong cách này trong nhiều phim của họ.

Chậm, như cách con sông Mekong ở hạ lưu chảy, bộ phim dẫn ta vào một khu nhà tồi tàn bên bờ sông Sài Gòn. Những mảnh đời bắt đầu xuất hiện. Một ông bố từ quê lên, mang cho con cái máy ảnh ông mới mua, để thằng con thay cái máy ảnh đã cũ của nó. Vũ đang học nhiếp ảnh với sự ủng hộ nhiệt tình của cha mình. Ông muốn nó thành tài, rồi sau này về quê cưới đứa con gái mồ côi mà ông đang nuôi ở nhà. Khu trọ tồi tàn, nhưng những người sống trong đó thì không. Họ trẻ, dù nghèo, nhưng tràn đầy năng lượng sống. Đặc biệt là Thắng (Trương Thế Vinh), một batender ban đêm trong một hộp đêm ở Sài Gòn. Xóm trọ nghèo, cuộc sống khó khăn. Nhưng nó mờ đi dưới sức vóc của tuổi trẻ, của đam mê, và tình yêu thương dành cho nhau. Những vấn đề xã hội được cài cắm khéo léo, vừa phải để ta có thể hình dung cuộc sống của dân nghèo Sài Gòn những năm 20, nhưng không làm mờ đi câu chuyện tình yêu, vốn là chủ đề chính của tác phẩm Mekong Stories.

201508904_2_IMG_FIX_700x700

Từ tình yêu, những ẩn ức dục tình được khơi gợi. Cơ thể đầy mồ hôi trong cái nóng hầm hập của Sài Gòn, tương phải với sự tươi mát của dòng sông. Tình yêu và dục tình. Sự cuộn xoáy của nó, đôi khi gây ra những tổn thương, đôi khi tạo nên niềm hạnh phúc, nó khiến tuổi trẻ tràn đầy sức sống và thực sự nổi bật. Tôi nghĩ, bộ phim không cố tình mô tả sự nghèo khổ, cũng như khó khăn và phức tạp của cuộc sống nơi đô thị của một đất nước đang phát triển, nó chỉ là cái nền cho một điều gì đó rất đẹp về tình yêu, mà Vũ không thể thốt thành lời. Vũ chỉ có thể kể cho Vân (Đỗ Thị Hải Yến). Vân cũng không thể nói thành lời, cô chỉ dùng ánh mắt, kiêm lời, những cử chỉ hờ hững để thể hiện. Vũ và Vân mang đến sự nữ tính để tương phản với sự mạnh mẽ, mãnh liệt đầy nam tính của Thắng. Dụng ý của đạo diễn thật sự rõ ràng, anh dùng ánh sáng và những khung hình duy mỹ để truyền tải cái tình của một câu chuyện tình hoàn toàn hướng nội, đi sâu vào bên trong bản thể hơn là bộc lộ ra bên ngoài qua những cơn mê sảng khi dục tình tỉnh thức.

Phan Đăng Di và nhà quay phim K’ Linh đã rất dụng công khi tạo ra những khuôn hình đặc sắc để dẫn dụ người xem đi vào một loạt những hình ảnh tuyệt đẹp. Chúng chỉn chu với bố cục của một nhiếp ảnh gia (như một ám thị đến nhân vật chính đang học lớp nhiếp ảnh – có lẽ vậy). Chính vì vậy, mặc dù việc cắt dựng các phân đoạn đôi khi rời rạc và ý tứ không rõ ràng, thì tính thẩm mỹ đã là một điểm cộng rất lớn để khích thích cảm xúc của người xem, khiến họ khó có thể rời mắt khỏi màn hình. Nhưng cũng chính vì quá chú tâm về mặt thẩm mỹ, nên những hình ảnh đôi khi bị đẩy ra khỏi bộ phim, để đứng riêng một mình, khiến cho mạch phim trở nên rất gượng gạo.

Mekong Stories (tên Việt là Cha và Con và…) mang đến cho khán giả Việt Nam nói riêng và khán giả quốc tế nói chung một đất nước đang trong thời kì đổi mới (cái thời kì mà sẽ không biết kéo dài trong bao nhiêu năm nữa). Nhưng nó chỉ là cái nền để kể về những người trẻ phiêu dạt, họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau, tụ lại tại một điểm, cùng nhau gây dựng nên những mối quan hệ chồng chéo về tình bạn, bằng hữu, về tình yêu. Ở đó, trong những sức vóc của tuổi trẻ là sức sống, sự mãnh liệt của việc làm người với bản năng và dục tình. Với lối kể của một kẻ mộng mơ, Phan Đăng Di truyền vào bộ phim sự duy mỹ, và duy cảm, để khiến cho sự rời rạc của mạch phim hoàn toàn mờ đi trong nhịp thở mãnh liệt của tuổi trẻ, và vẻ đẹp của những khung hình biết nói. Khi mà điện ảnh Việt đang toàn tâm toàn ý đầu tư vào dòng phim giải trí, thì những bộ phim của những đạo diễn trẻ như Phan Đăng Di, hay Nguyễn Hoàng Điệp (Đạp Cánh Giữa Không Trung) là những viên gạch quý để kích thích dòng phim nghệ thuật của Việt Nam có chỗ đứng, có tiếng nói, và có sự dũng cảm để những sản phẩm tiếp theo được ra đời.

PS: Mékong Stories là tên mà nhà phát hành của Pháp lựa chọn khi phim được công chiếu tại Pháp. Tên tiếng Anh của phim là: Big Father, Small Father and Other Stories.

Comment