[Trong bài viết có tiết lộ một số tình tiết phim. Độc giả hãy cân nhắc trước khi xem]
Không nghi ngờ gì nữa, The Shape of Water chính là một câu chuyện cổ tích nơi mà tình yêu và sự dũng cảm được đề cao hơn bao giờ hết. Yếu tố được chờ đợi nhất, động lực lớn nhất của nhân vật chính trong những câu chuyện cổ tích luôn là tình yêu. Thế nhưng, cũng như “Lọ Lem”, “Bạch Tuyết” hay vô số những câu chuyện cùng loại, tình yêu trong The Shape of Water còn hời hợt và gây nhiều tranh cãi.
Thật khó để bị thuyết phục trước tình yêu của Elisa và chàng thủy quái. Bởi cả chàng và nàng chẳng thể chia sẻ quá nhiều câu chuyện, cảm xúc. Bởi khoảng thời gian gặp nhau thật quá ngắn và cảm xúc nhân vật diễn biến không rõ ràng. Thủy quái nào đâu biết quá khứ của Elisa, nào đâu hay nàng yêu gì, ghét gì. Và Elisa cũng vậy. Đó có thể được gọi là “tình yêu thực sự” hay “tình yêu vĩnh cửu khiến họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau” không?
Tôi thì cho rằng tình yêu này không đẹp, mà cũng chẳng xấu, không đúng mà cũng không sai. Nó đơn giản chỉ là tình yêu giữa hai cá thể đã quá cô đơn thôi. Như Elisa khi thuyết phục ông bạn già Giles giúp mình để cứu thoát người yêu (mặc dù chẳng thuyết phục lắm) có nói “Khi anh ấy nhìn tôi, cái cách anh ấy nhìn… Anh ấy không biết tôi khiếm khuyết ở đâu, như thế nào… Anh ấy nhìn tôi là chính tôi. Anh ấy hạnh phúc mỗi lần được gặp nhau. Mỗi ngày.”. Phải chăng đối với một người con gái cô đơn, sáng tối cuốn theo dòng chảy không ngừng của cuộc sống, cũng rạo rực khát vọng của xác thịt, thì chỉ như vậy là đủ. Chẳng phải đó là ước mơ của mọi cô gái hay sao khi nhìn vào trong ánh mắt người yêu và nhìn thấy hình ảnh phản chiếu là một cô gái xinh đẹp nhất, hoàn hảo nhất, lộng lẫy nhất. Chẳng phải đó là khát vọng của mọi con người hay sao khi yêu và được yêu. Nhiều người cứ áp đặt những quy chuẩn rằng yêu phải như thế này thế khác, những điều sẽ ứng nghiệm với cuộc sống của họ, thế nhưng, với Elisa thì có lẽ không. Có những lúc, sự cô đơn cùng cực hoặc khát vọng quá lớn sẽ khiến người ta chấp nhận và hạnh phúc với mọi điều họ có được. Hoặc có thể ngay từ đầu, Elisa đã là một người cá (hoặc mang trong mình dòng máu người cá). Bởi nếu so sánh câu chuyện của cô với nàng tiên cá (trong truyện cổ của Andersen) thì sẽ tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng. Có lẽ chàng thủy quái mà đối với ta là gớm ghiếc, đáng sợ kia lại thật hấp dẫn, hoàn hảo đối với cô, khiến cô bị hớp hồn ngay bởi ánh nhìn đầu tiên.
Mọi thứ tạo nên The Shape of Water đều tốt, có những mảng lên đến độ xuất sắc. Từ cách họ dựng cảnh, quay phim, kĩ xảo mượt mà đến sự nhập vai, duyên dáng của dàn diễn viên có tên tuổi. Nhưng cái hồn cốt – kịch bản lại là yếu tố kéo cả bộ phim xuống. Nó không quá mới mẻ, cá tính và cũng chẳng có cao trào. Các tuyến nhân vật (dù chính hay phụ) đều được khắc họa khá tỉ mỉ. Vì thế mà Elisa chẳng thể hiện được chiều sâu hay những diễn biến tâm lí rõ ràng. Ngoài ra thì còn có một số lỗi không hợp lí về mặt logic nữa.
Nhưng dẫu sao thì, The Shape of Water cũng là bộ phim thuộc mức khá tốt. Mọi yếu tố (trừ kịch bản) được hòa quyện nhịp nhàng, tinh tế. Dàn nhân vật mặc dù có nội tâm chưa sâu sắc, nhưng cũng điển hình, đại diện cho nhiều tầng lớp xã hội Mỹ lúc bấy giờ với những vấn đề mà đến nay vẫn chẳng cũ.