Tuấn Lalarme

Citizen Kane và ý nghĩa của “Nụ hồng”

Công dân Kane từ lâu đã được vinh danh là một tác phẩm kiệt xuất và không ngừng được các nhà phê bình mổ xẻ. Nhưng vẫn còn có điều bí ẩn trong cái hồn của kiệt tác này. Trước dịp kỉ niệm 100 năm tác phẩm của Orson Welles, Peter Bradshaw đến gần được lý giải về khoảnh khắc là nút thắt của phim.

Chương trình rối hài châm biếm Spitting Image có lần từng giễu Orson Welles – rằng ông này sống đời thật trái ngược. Ý tưởng ấn tượng này bắt đầu từ việc Orson Welles khởi nghiệp là một diễn viên béo mập với công việc đầu tay là đóng quảng cáo cho một nhãn rượu vang, rồi chuyển qua những vai lớn hơn là vào vai những người béo mập, nhưng đã dùng tiền của mình để tài trợ một bộ phim độc lập mà chính ông là đạo diễn; thành công khiêm tốn nhưng ngày càng tăng đã tiếp sức và cho ông quyết tâm để giảm cân. Và rồi những phim trường lớn ở Hollywood trao cho ông cơ hội là đạo diễn cho những bộ phim kinh phí lớn, qua đó ông dần dần kiểm soát tính nghệ thuật cho đến tác phẩm đỉnh cao là Công dân Kane, câu chuyện về cái chết của ông trùm báo chí Charlie Kane – do chính Welles thủ vai, một phần dựa trên chuyện đời của WR Hearst – được kể trong một chuỗi những hình ảnh long lanh, những mảnh ghép hình rời rạc và những hình ảnh phản chiếu.
Orson Welles tội nghiệp, tội nghiệp: thường bị bàn đến như là một thất vọng đầy bi kịch, những thành tựu của ông dường như chống lại ông như thể ông phải sống tội lỗi với thiên tài của chính mình. Sau hết, ông chỉ tạo ra một tranh luận về bộ phim vĩ đại nhất trong lịch sử Hollywood, chỉ đạo diễn một loạt phim xuất sắc, chỉ thắng giải đầu ở Cannes, chỉ chỉ đạo một số lễ động thổ những rạp hát hàng đầu ở Broadway, chỉ tái tạo lại phát thanh truyền thông đại chúng, và trong những diễn văn chính trị, chỉ tiếp sức phong trào cấp tiến và chống phát xít thời hậu chiến ở Mỹ. Như người phục vụ phòng trong khách sạn năm sao nói với George Best: “Tất cả bắt đầu sai từ đâu?”

Có lẽ là sai từ chính Công dân Kane, địa vị vương quyền đầy bí ẩn và như là chuyện cổ tích thời Elizabeth đã khéo đặt sự thành công và thất bại cùng tồn tại. Martin Scorsese trong bình luận xuất sắc về phim đã nói rằng điện ảnh thường làm khởi phát sự cảm thông cho những nhân vật anh hùng của mình, nhưng bí ẩn về Công dân Kane đã chống lại điều đó. Khán giả muốn hiểu và yêu mến Kane nhưng không thể -nên nhu cầu được thay thế bằng bản thân Wells, điều này lí giải cho sự nổi tiếng của ông trong thập niên 40. Giống như điện ảnh: dù việc nhen nhóm tình cảm và sự đồng cảm kiểu trẻ con có thấm đẫm, có cảm tính, có hiệu quả đến kinh ngạc thế nào, điện ảnh vẫn giữ lại đời sống bên trong của các nhân vật trong khi bộc lộ những cái bên ngoài: khuôn mặt, thân thể, những tòa nhà, những đường phố và những buổi chiều tà.

Câu chuyện về Foster Kane đầy rắc rối: chủ tờ báo cứng đầu kết hôn một cách khôn ngoan với cháu gái tổng thống Mỹ và thống lĩnh nền dân chủ, đại diện cho những cá nhân nhỏ bé chống lại chủ nghĩa tư bản độc quyền; nhưng chỉ lo củng cố đặc quyền của riêng mình, và trong bước đầu chặn từ trong trứng nước sự phát triển của Công đoàn. Và tham vọng chính trị riêng của Kane, cũng như của Charles Stewart Parnell ở Ai đều bị hủy hoại bởi quan hệ tình ái phạm pháp: một vụ ngoại tình với một cô ca sĩ sau này trở thành người vợ thứ hai. Sự bất cẩn của Kane chính xác đã phát sinh từ chính kiểu những câu chuyện tục tĩu, phá hoại mà ông tiên phong gieo vào tờ báo của mình

Bị suy sụp sau cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall và thảm kịch cá nhân, Kane trở thành một người theo chủ nghĩa biệt lập ủng hộ phái nhượng bộ [phát xít], mãn nguyện và không bận tâm về chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, dù thời trẻ ông sẵn sàng vui thích thưởng thức ý tưởng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Tây Ban Nha sẽ tăng-lượng-phát-hành báo. Ông qua đời vào thời điểm hiện tại trong phim, vào năm 1941 – Công dân Kane được phát hành bảy tháng trước vụ Trân Châu Cảng!. Bản thân Kane trở thành một hình tượng ẩn dật, kiệt sức và bại liệt với kho của cải bí ẩn, là hình ảnh đâu đó giữa Jay Gatsby của Fitzgerald và Adam Verver, một nhà sưu tập nghệ thuật giàu đổ vách trong The Golden Bowl của Henry James.

Nhưng những chi tiết nhỏ về Kane-ông là người thế nào trong mắt những nhà viết tiểu sử có phải là chìa khóa của mọi việc? Lời cuối thốt ra lúc hấp hối của ông: “Nụ hồng”. Đó là một bí ẩn mà họ không thể giải, nhưng chúng ta thì không –nó liên quan đến khoảnh khắc cuối cùng được là một đứa trẻ ngây thơ hạnh phúc đang chơi ngoài tuyết trước khi người nhân viên quỹ ủy thác –người giám hộ của ông, ngài Dickensian “Thatcher”, đến và dắt ông đi chuẩn bị cho một cuộc đời mới cô độc trong thế kỷ 20 trong chế độ đầu sỏ Hoa Kỳ. Quản lý công việc kinh doanh của Kane, ông Bernstein do Everett Sloane thủ vai nói với chúng ta rằng đừng bao giờ xem thường tầm quan trọng của những khoảnh khắc nhỏ bé, và lời tâm tình đáng chú ý rằng năm tháng trôi qua nhưng chưa bao giờ ông (Bernstein – N.D) thôi nhớ đến khoảnh khắc thoáng qua khi ông gặp một thiếu nữ trong bộ váy trắng muốt với chiếc dù. Tôi chưa bao giờ thôi nghĩ đến cảnh đó, tưởng tượng vẻ đẹp của nàng, và ai là người có thể thủ vai trong cảnh hồi tưởng đó (tôi thấy nên là Mary Astor chăng), có một chi tiết kì cục là Everett Sloane trở thành người bị ám ảnh với vẻ xí trai của mình và nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Với bất kỳ nhà báo nào, Công dân Kane là một bộ phim rực rỡ, nổi loạn và bi quan. Chúng ta đều biết trong phim các phóng viên báo giấy lẽ ra được yêu thích với những tính cách: vui tính, thông minh, lém lỉnh và là những anh hùng đáng ngưỡng mộ. Trong Công dân Kane thì không. Phóng viên không có hình ảnh. Người được đề cập đến ở đây là người chủ sỡ hữu. Thậm chí Charlie Kane của Orson Wells còn không tự thân lập nghiệp. Ông được thừa hưởng gia tài. Ông chưa bao giờ là kẻ yếm thế. Kiêu căng, bốc đồng, lịch lãm và có sức hấp dẫn: chàng Wells 25 tuổi quá điển trai, giống sư tử với một gương mặt thông minh tếu táo bất hủ, như Bob Hope thời trẻ.

Tôi không nhớ đã bao lần tôi xem lại cảnh lần đầu tiên Kane phô trương thứ mà ngày nay chúng ta gọi là bầu đoàn tùy tùng tại văn phòng tòa soạn Người điều tra New York, tòa báo nhỏ làm việc kém hiệu quả ông nắm quyền ngay ngả rẽ của sự nghiệp trong tương lai – như cách Rupert Murdoch khởi đầu với tờ Tin tức Adelaide. Ông thổi phăng văn phòng bụi bặm như một cơn lốc xoáy. Kane chế nhạo ý tưởng đóng cửa nghỉ 12 giờ của tờ báo ông: sau đó, ông rồi sẽ mua một nhà hát opera cho người vợ thứ hai ca hát và tờ báo của ông phát triển. Và trong câu chuyện, Kane đã phát minh ra ý tưởng tòa báo 24 giờ, và đế chế thông –tin –giải –trí hợp nhất theo chiều dọc. Bản thân Wells có một chuyên mục trên báo nhiều năm sau Công dân Kane, tôi đồ rằng ông nghĩ mình theo cách nào đó là chủ nhân ông của tờ báo do người khác sở hữu. Ông nói với Peter Bogdanovich trong chuỗi phỏng vấn lừng danh năm 1969 rằng ông chưa từng xem lại Công dân Kane sau khi xem bản phim hoàn chỉnh trong một rạp phim ở Los Angeles sáu tháng trước khi công chiếu năm 1941 – và không ở lại xem phim trong buổi chiếu chiêu đãi. Có lẽ hình ảnh thất bại của Kane trở nên ngày càng gây đau đớn.

Orson Welles (1915 – 1985), American actor, producer, writer and director. (Photo by Central Press/Getty Images)

Một trong những nhân vật chính là Jedediah Leland do Joseph Cotton thủ vai với gương mặt điển trai và đa cảm. Là bạn thời đại học thân thiết với Kane, ông ta được giữ thân cận như là một cận thần trong tổ chức và như lời của Leland, một “tay sai việc vặt”. Ông đối với Kane một lòng trung thành mãnh liệt nhưng chưa bao giờ trở thành tình bằng hữu, nhận việc là cây bút phê bình nghệ thuật lẽ ra phải viết bài nhận định hô hào cho buổi ra mắt của người vợ thứ hai, Susan do Dorothy Comingore. Leland đầy cảm xúc, không dám khéo léo dập đi ý kiến của mình cũng không đủ dũng cảm bày tỏ nó trên câu chữ. Ông say đến gục trên máy đánh chữ; và trong cơn cực cảm khi chán ghét bản thân, với sự thách thức muốn đày đọa và tự làm đau mình, Kane đã tự hoàn tất bài nhận định. Những nhà phê bình phải luôn chỉ trích hệ thống, Kane nói, và chủ của hệ thống phải bộc lộ những nỗ lực chứng tỏ tính độc lập của họ.

Kane có sự tương đồng với những ông chủ báo người Anh – thực sự tôi luôn ngạc nhiên là sự so sánh không được nhắc thường xuyên hơn. Ông rất giống Ngài Copper, chủ tờ The Beast trong tiểu thuyết Scoop của Evelyn Waugh, người đánh giá cao sự phấn khích từ các cuộc chiến tranh ngoại quốc chớp nhoáng, mạnh bạo. “The Beast đại diện cho sự thiết thân tương hỗ với những chính phủ đối nghịch khắp nơi,” Copper nói; với một thông tín viên mới được điện tín là không có chiến sự ở Cuba, Kane đáp lại: “Anh làm ra áng thơ ca ngợi đi, tôi sẽ tạo nên cuộc chiến.” Waugh cũng nói rằng Ngài Cooper rất thích yến tiệc, và “thật là khinh thường khi nói không ai thưởng thức bữa tiệc bằng chủ nhà, vì chẳng có ai khác ngoài họ thưởng thức cả.” Tôi luôn nhớ lại câu này mỗi khi xem lại cảnh trong buổi chiêu đãi hoành tráng sau thành công của tờ Người điều tra – với các vũ nữ được mời tới, vai lấp lánh những khẩu súng trường giả cắt bằng bìa các-tông, để hoan nghênh cuộc chiến sắp tới giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. Cotton thì thể hiện một sự căng thẳng, gương mặt mệt mỏi với nụ cười buồn ý chỉ ra một sự thật đáng ngại: bất kể cuộc vui trẻ trâu của Kane và sự phấn khích cuồng nhiệt chung quanh dễ thấy, có thể trong đó là sự căng thẳng khủng khiếp và nỗi xấu hổ không nói nên lời của những người làm công ăn lương phải vờ như thưởng thức việc sùng bái ông chủ của mình. Tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu ông chủ báo xem cảnh này và lấy đó làm chỉ dẫn khi mừng công.

Nó cũng nhắc tôi nhớ tới một khoảnh khắc kì lạ trong đời tôi: 20 năm trước, tôi được mời tới một buổi tiệc rất lớn ở Phòng trưng bày Trái Đất thuộc viện bảo tàng Lịch sử TỰ nhiên tại Luân Đôn, do Ngài David English một tổng biên tập huyền thoại của tờ Daily Mail chủ trì. Buổi tiệc thì sang trọng nhưng xa lạ trong không khí căng thẳng, rất hào phóng trên danh nghĩa là dành cho các trưởng ban biên tập bị English buộc phải nghỉ hưu. Sau một bài diễn văn dài đầy những lí lẽ đanh thép và sự đầm ấm không thật tình, tổng biên sống sượng mời mọi người nâng ly sâm panh – ông cũng nâng ly và mở rộng cánh tay. Đó là một khoảnh khắc không mấy dễ chịu và không ít người có biểu hiện như Cotton cười bẽ bàng trong phim.

Những khoảnh khắc là những gì chúng ta bỏ lại trong phim: một khoảnh khắc đầy sao li ti lấp lánh mà ta không bao giờ đứng đủ xa để có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh lớn toàn cảnh. Một trong những cảnh gây “buồn nôn” là cảnh “cắm trại” mà Kane đề nghị với Susan khi nàng đang lơ mơ buồn khổ. Kane và Susan bắt đầu tranh cãi trong chiếc lều riêng trong khi âm nhạc và vũ điệu tung tăng bên ngoài ngày càng hào sảng và thậm chí như là đang truy hoan. Wells cho diễn tấu những âm thanh bên ngoài đối âm với tiếng cãi của hai người, họ lên cực điểm với một tiếng thét xa lạ như thể sự khó chịu của Kane và Susan phóng chiếu ra buổi tiệc tùng bên ngoài.

Những cảnh Kane và Susan cùng nhau trong Thượng Đô Xanadu khá lạ lùng: một giấc mơ xấu theo chủ nghĩa biểu tượng, tất cả tối tăm và góc độ kì lạ, cặp đôi đi lững thững trong ngôi nhà to lớn và đầy vẻ tội lỗi, Kane lảng vảng quanh Susan và nàng phiền muộn khi đang xếp hình một bức tranh. Kane dạo bước quanh một lò sưởi to lớn lạ thường và trong phút chốc trông ông nhỏ nhoi, và Thượng Đô Xanadu như lâu đài tên khổng lồ trong truyện Jack và Cây đậu thần

Và những cảnh với Ruth Warrick, vào vai người vợ đầu Emily, cũng không có tí sinh động và ý nghĩa nào, đặc biệt là khi đôi vợ chồng mới cưới về nhà dùng bữa sáng, hay tiệc tùng suốt tối – và nhẹ nhàng cùng nhau lên giường nhưng không ân ái. Thật tinh tế nhưng vẫn rất khơi gợi.

Nó lại xoay vòng về lại hình ảnh nụ hồng: là lời giải đố cho người giết Nhân sư . Chính Wells đã khẳng định bông đùa rằng đó là từ của riêng Hearst dùng để nói về âm vật của vợ ông, và ông trùm này khó chịu theo lẽ tự nhiên. Lần theo dấu thất bại. Lời cuối thốt ra “nụ hồng” là một cách khơi gợi khán giả về hoán dụ: một phần của toàn thể, một mảnh ghép hình thực ra lại chính là toàn bức tranh. Nhưng không phải.

“Nụ hồng” có thể là trực giác của Wells và hiệu ứng hồi tưởng ảo vọng của kí ức ảnh hưởng lên tất cả chúng ta, đặc biệt là vào lúc cuối đời: sự thuyết phục đáng sợ rằng kí ức tuổi thơ đẹp hơn, đơn giản và thật hơn kí ức lúc trưởng thành-chỉ có kí ức lúc trẻ thơ là những điều thực sự. Những chi tiết được nhớ lại khi ta bắt đầu hiện hữu – những khoảnh khắc, những cảm giác và hình ảnh – có tính đích thực đầy chất thơ và tùy ý, là sản phẩm phát sinh bi tách rời khỏi ngữ cảnh phàm tục và những quan điểm sẽ ngăn trở trí năng người lớn, những tri nhận lý trí sẽ đánh cắp chúng ra khỏi những thế lực bí ẩn. Chúng ta luôn có quanh đây đó hai hoặc ba mảnh của thứ cực nhạy cảm như “nụ hồng” từ thời thơ ấu trong tâm trí, và sẽ trở lại bên giường khi ta hấp hối để nhạo thế những giấc mơ không thật trong đời sống của chúng ta.

Điều này làm tôi nhận ra biểu tượng “nụ hồng” chủ thuyết của phim theo ý tôi, khoảnh khắc có thể lý giải mọi điều hoặc có thể không. Đó thực ra là khoảnh khắc không ở trong phim, một sự thiếu vắng gây sốc và đầy ma mị mà Wells cho chúng ta nhận ra chỉ sau khi phim kết thúc: cái chết của người vợ đầu và đứa con trai trong một tai nạn ô tô. Chúng ta chỉ nghe đến điều này trong bản phim thời sự ngắn về Kane ở đầu phim – bản tóm tắt ngắn khiến ta bị thuyết phục điều này không khiến người chồng người cha động cảm. Nhưng đó là lần cuối chúng ta nghe về nó. Sự kiện xảy ra hai năm sau đám cưới thứ hai của ông. Kane nghe đến tin khủng khiếp này một mình khi nào? Ông phản ứng với tin về cái chết của người vợ đầu và đứa con yêu chiều thế nào? Chúng ta không biết được. Wells tránh đề cập – có lẽ để nói rằng Kane không phản ứng gì, ông ta quá trống rỗng, thủ tiêu cảm xúc quá sâu, tận triệt mọi gốc gác tinh thần cần có để phản hồi, tự mình hủy diệt cảm xúc chạm đến mình, cũng cùng tính vị kỷ từ nền văn hóa tự trọng và sự quản lý hình ảnh đã được thu nhỏ và đại chúng hóa trong kỷ nguyên truyền thông xã hội. Kane có nỗi ám ảnh về chế độ tài phiệt với cố gắng kiểm soát những gì quanh mình như cách ông kiểm soát đế chế truyền thông, mục đích hóa ra là kiểm soát suy nghĩ của mọi người. Và cuối cùng đây chính là một luận điểm đạo đức không nói ra của Công dân Kane: một bi kịch kinh khủng của chủ nghĩa tự tôn và tính sở hữu –một sự chìm đắm trong chủ nghĩa ái kỷ.

 

Nguồn: Citizen Kane and the meaning of Rosebud
Người dịch: Phu ta

Exit mobile version