Sinh ra và lớn lên tại Iran trong suốt thời gian của Thế chiến thứ 2, Abbas Kiarostami (1940-2016) là một trong những nhà làm phim hiếm hoi của đất nước này được chứng kiến thời kỳ sống động trong sáng tạo nghệ thuật, là nhà làm phim tiên phong của nền điện ảnh Iran theo phong trào Làn sóng mới trong những năm 1960, vốn được bắt nguồn từ lịch sử thơ Ba Tư hiện đại trong ba thập niên trước.

Đạo diễn Asghar Farhadi (A Separation, The Past,…), đồng hương của Kiarostami đã vô cùng sửng sốt và đau buồn khi nhận tin về cái chết của ông vào ngày 4/7/2016 vừa qua: “Kiarostami là con người của cuộc sống, là một người vô cùng yêu cuộc sống và rất thích làm phim ca ngợi cuộc sống. Nhờ có ông, nền điện ảnh Iran được khán giả thế giới biết đến ở một diện mạo hoàn toàn mới”. Ngoài ra, theo lời của đạo diễn Hollywood Martin Scorsese, người đã trao giải thưởng cho Kiarostami tại LHP Quốc tế Marrakesh 2005 nhận xét “Kiarostami không chỉ là một đại diện tiêu biểu của nền điện ảnh Iran, mà còn là một tên tuổi hiếm hoi bảo chứng cho đẳng cấp nghệ thuật của điện ảnh”. Những lời khen dành cho ông từ các đạo diễn hàng đầu không bao giờ cạn, đạo diễn đi đầu của Làn sóng mới, Jean-Luc Godard sau khi xem Life And Nothing More… (1992) cũng không quên thể hiện niềm kính phục của mình dành cho Kiarostami chỉ qua một câu nói: “Phim ảnh khởi đầu từ DW Griffith và kết thúc với Abbas Kiarostami.”

Một trong những bộ phim được chú ý nhiều nhất của Kiarostami là Close-up (1990). Dù ra đời trước 21 năm, nhưng Close-up là bộ phim thứ hai của Abbas Kiarostami, sau Certified Copy (2010) mà tôi được xem. Đây là một bộ phim nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng lại dấy lên một câu hỏi đáng sợ, với một hình thức nhất quán như các cảnh quay cận chân dung, cảnh cắt vai với sự rõ nét của hình ảnh dao động. Thực và ảo, màn trình diễn của trí tưởng tượng – là hình thức mà Kiarostami sử dụng trong bộ phim này (cũng tương tự như Certified Copy) để nói lên những vấn nạn xã hội mà chúng ta luôn thuộc về.

Tại Tehran, Iran trong thập niên 80s, một người yêu điện ảnh đang làm việc trong xưởng in đã nói dối và đóng giả đạo diễn nổi tiếng Mohsen Makhmalbaf theo cách của mình. Đây là một sự kiện có thực đã khơi nguồn cảm hứng cho đạo diễn Abbas Kiarostami. Sự ra đời của Close-up chính là cột mốc trong lịch sử điện ảnh hiện đại. Là thể loại nửa tài liệu với bối cảnh chính gần 70% là trong tòa án, và thoại phim xuyên suốt không ngơi nghỉ. Bộ phim như là một lời tuyên ngôn nghệ thuật của Kiarostami. “Nghệ thuật nếu không được tin tưởng thì chỉ toàn là những điều giả dối”. Nghệ thuật chỉ thuộc về những ai tin ở nó. Nghệ thuật là thế giới ở bên trong con người và phức tạp hơn nhiều so với đời sống thực. Kiarostami đã làm một phép thử, ghi lại đoạn đối thoại chân thực được thể hiện qua lời tự thú của một nghi phạm đang bị kết án “có hành vi lừa gạt tài sản”. Close-up không có vai diễn thực sự, tất cả các diễn viên đều thể hiện dưới tên thật của mình.

close-up

Anh chàng Sabzian làm trong xưởng in vì quá yêu nghệ thuật, quá yêu tiểu thuyết The Cyclist mà đóng giả là vị đạo diễn Mohsen Makhmalbaf mà mình hâm mộ, anh ta làm quen với một gia đình để mời mọi người thưởng thức nghệ thuật, và cả đóng phim… do mình làm đạo diễn. Thoạt đầu, anh ta chỉ vô tình ngồi kế bà Mahrokh Ahankhah khi đang đọc cuốn The Cyclist, hoàn toàn vô hại. Nhưng sau một cuộc trò chuyện bâng quơ, anh ta tự nhận mình là đạo diễn đã làm bộ phim này. Nếu ngày hôm đó anh ta không ngồi kế người phụ nữ có những đứa con rất hâm mộ ông đạo diễn kia thì sao? Hoặc nếu như lúc đó anh ta không đọc cuốn sách đó thì người phụ nữ kia sẽ không đặt câu hỏi với anh ta thì sao? Dù chỉ là một sự tình cờ, nhưng nếu không phải là người phụ nữ đó ngồi cạnh anh, không phải là chuyến xe bus đó, không phải do anh đang đọc cuốn sách đó, thì anh ta vẫn chỉ là công nhân trong một xưởng in và không ai biết anh ta khao khát điều gì. Chính nhân vật người mẹ trong gia đình Ahankhah chính là mắc xích của câu chuyện, và đạo diễn Kiarostami đã zoom cận cảnh gương mặt của bà ở hàng ghế ngồi sau chồng và các con trong phiên tòa, phụ nữ không thể ngồi trước đàn ông, có nghĩa rằng phụ nữ hoàn toàn không được tôn trọng, vậy thì lý do gì khiến cho Sabzian lại bị cuốn theo sự chú ý của bà để anh ta muốn thể hiện mình là vị đạo diễn kia?

Kiarostami đã khai thác tối đa sự nhiên của từng nhân vật trong Close-up, và tôi có thể tưởng tượng, Kiarostami không bao giờ cắt hình cho đến khi từng người kết thúc phần thoại. Ông đã để máy quay chạy liên tục, từng nhân vật trở thành những cá nhân đại diện cho một xã hội Iran thu nhỏ, họ đã thực sự thoát ra khỏi màn ảnh để trở về với cuộc sống hoàn toàn bình thường ngay trước máy quay. Kết thúc mỗi cảnh diễn luôn là một trạng thức rung động của cá nhân. Đó mới chính là điều mà nghệ thuật cần chạm đến. Nghệ thuật cần chạm đến với tất cả những ai thưởng thức nó và làm ra nó.

Nhắc đến nghệ thuật, Close-up còn là minh chứng cho sức mạnh của nghệ thuật, là niềm tin của những cá nhân cô đơn, nghèo khổ và ít được chú ý của xã hội như anh chàng Sabzian. Khi họ đau khổ, không phải là thánh Allah hay chúa trời xuất hiện, mà là nghệ thuật, những thân phận cùng khổ đồng cảm nỗi buồn với anh. Sabzian không chối cãi tội lỗi của mình, “hành vi của tôi là sai trái, tôi chấp nhận mọi bản án của tòa án, nhưng xin hãy nghe những bộc bạch của tôi, tình yêu nghệ thuật của tôi…” Ở góc độ này, nghệ thuật mà Kiarostami soi chiếu không phải là ánh sáng từ thánh đường, tình yêu điện ảnh của Sabzian không có vai trò lôi kéo sự cảm thông của gia đình Ahankhah hay tòa án dành cho anh. Nghệ thuật thực sự, chỉ đơn giản là một cuộc đời khác của Sabzian.

Close-up không có nhân vật chính diện hay phản diện, cũng không có câu chuyện cụ thể, đây chỉ là một màn tự thú của kẻ say cuồng điện ảnh, người xem khác có thể nghĩ anh ta là kẻ mắc bệnh tâm thần, hay một hiệu chứng hoang tưởng nào đó do anh ta quá hâm mộ đạo diễn thần tượng của mình,… nhưng với tôi, anh ta chính là vị đạo diễn kia, dù có xuất hiện hình ảnh thật của đạo diễn Makhmalbaf ở phân cảnh cuối hay không. Anh ta bắt đầu tìm thấy một kịch bản ở gia đình nọ và muốn quay chúng. Có thể, cận cảnh của nỗi đau khổ chính là sự bừng sáng của nghệ thuật. Tòa án như một phim trường, người cầm máy quay như một người bạn, người đang bị còng tay đóng vai trò của người dẫn chuyện và đặt câu hỏi, và đối tượng phải trả lời chúng chính là khán giả.

Đầu phim, khi người xem nhìn thấy nhà báo Hossain Farazmand gõ cửa hết nhà này đến nhà khác, những hàng xóm lân cận của nhà Ahankhah để hỏi mượn máy radio thu âm, từ cảnh cận cho đến xa, Kiarostami đã biểu đạt một không khí bình yên, trong lành của đất nước Iran. Người xem không thể hình dung đây là một nơi thường xuyên có các trận nổ súng. Một Iran hoàn toàn khác, một Iran tồn tại trong nghệ thuật, hay một Iran chuyển động thực sự trong Abbas Kiarostami.

Lối kể chuyện trần thuật và hồi tưởng lại một số cảnh quan trọng khiến cho Close-up dễ tiếp cận khán giả hơn là chỉ có thoại thông thường. Sabzian khi biết rằng mình đã bị phát hiện, vẫn thảnh thơi ngồi trong phòng khách chờ cảnh sát đến bắt mình, dáng vẻ của anh đang biểu thị cho sự mệt mỏi với câu chuyện mà mình dựng ra nhưng không cách nào thoát khỏi nó. Anh ta, một người thuộc tầng lớp công nhân của xã hội làm sao để thoát khỏi vai diễn của chính mình, làm sao để từ chối sự kính phục và tôn trọng mà người ta đang dành cho anh khi đang là một đạo diễn tài ba?

Cho đến khi Sabzian được cả gia đình Ahankhah rút đơn kiện, tôi cảm tưởng như mình đã có thể yên tâm rơi nước mắt. Đạo diễn Mohsen Makhmalbaf thực sự xuất hiện, chở Sabzian đi mua một chậu hoa màu đỏ để mang đến tặng cho gia đình Ahankhah. Bộ phim kết thúc trong cận cảnh khuôn mặt của Sabzian cầm chậu hoa và rơi nước mắt hạnh phúc khi được ông bố của gia đình và đạo diễn ôm vai động viên. Tôi tin là cậu ta sẽ là một người lương thiện.

Cuối cùng, như một cách hiểu của đạo diễn Kiarostami, nghệ thuật đích thực sẽ xuất hiện khi con người ta hướng thiện, vẻ đẹp cao nhất của cuộc sống. Ông đã kể lại một câu chuyện về nghệ thuật bằng một ngôn ngữ điện ảnh hoàn chỉnh và vô cùng cảm động trong Close-up.

Comment