Tôi nhớ những ngày tháng tôi đi tìm kiếm tự do cho mình, thoát khỏi những giáo điều ở trường lớp, thoát khỏi sự kiềm toả của bố mẹ, thoát khỏi những ánh nhìn đầy phán xét của những người xung quanh. Tôi trốn vào một góc của quán rock, ngôi trên chiếc ghế thấp, dựa vào bức tường bẩn thịu, và nghe Rock, biến mình thành một metalhead và tìm kiếm tự do. Tôi không nổi loạn, tôi chỉ muốn là chính mình, như rất nhiều 8x thuộc thế hệ của tôi cũng đi tìm tự do cho mình khi xung quanh thật ngột ngạt với sự bất an, phán xét, nhạt nhẽo.

The Who hát “Noone knows what its like/ To be a bad man, to be a sad man”. Tôi thành một “sad man”, không phải một “bad man”, buồn bã vì lạc lỗi, buồn bã vì thứ tự do mà mình truy cầu thật buồn, cô đơn, vì tôi tự biến mình thành hai nửa, một nửa là tôi, một nửa của bố mẹ tôi.

Tôi nghĩ mình giống như hai anh chàng trong bộ phim buồn Easy Rider của Mỹ, đi trên hai chiếc xe phân khối lớn dọc nước Mỹ, thấy mình tự do với mái tóc dài, gặp gỡ người này người kia, tự tại trong cách sống. Nhưng để làm vậy họ phải chấp nhận đi đến đâu cũng bị người ta xét đoán, tóc dài thế? Tóc của anh là tóc giả hay tóc thật… Đi đến đâu người ta cũng sợ. Nhưng giống như nhân vật của Jack Nicholson đã nói với anh bạn tóc dài, khi anh ta bảo rằng chúng tôi thậm chí còn không thể nào vào nghỉ ở nhà nghỉ ven đường vì dường như họ sợ chúng tôi cắt cổ họ hay sao.

“Người ta không sợ cậu, mà người ta sợ thứ tự do mà cậu gây ấn tượng với họ. Vì nói về nó và thực hành là hai chuyện khác nhau. Mua một quyển sách bàn về tự do khác với việc để bản thân tự do”.

Tôi nhớ ba tôi kể rất ấn tượng với một cậu thanh niên săm trổ đầy mình nhưng có thể đọc thuộc kinh Phật làu làu mà ba gặp trong chùa Vĩnh Nghiêm. Nhưng nếu mà tôi bảo ba tôi, con đi xăm nhé, chắc chắn là tôi sẽ bị ngăn cản hoàn toàn.

Giống như chuyện cải cách giáo dục, một ông thầy mặc quần đùi đi dạy học, chưa cần nói đến việc nó vi phạm đạo đức hay không, nhưng người ta sẽ chửi ông ta trước tiên vì ông ta không giống ai bất chấp mọi lý lẽ. Giống như một người thầy. Hay việc học phát âm theo cách khác cũng vậy, chúng ta thấy khác quá, mà cái gì khác với những cái chúng ta biết thì nó phải bị loại trừ. Hai cậu thanh niên trong Easy Rider bất hạnh vì đã tìm thấy tự do của mình với mái tóc dài, điều thuốc lá và lá cờ cắm ở sau xe phân khối lớn của mình. Tôi đã từng thấy mình bất hạnh vì đã sinh ra không đúng với thời đại của mình, vì đáng lẽ tôi phải sinh ra trong thời hoàng kim của Rock and Roll, của Metal mới đúng.

Bằng vào một thứ nhạc đồng quê đầy mê hoặc, Easy Rider đã miêu tả một cách tuyệt vời bối cảnh xã hội Mỹ những năm 60-70 với làn sóng Hippie, nhạc Rock and Roll, thuốc phiện và những sự phá rào trong xã hội đương thời, đặc biệt là thái độ đối với chính quyền khi những thanh niên trẻ tìm kiếm tự do riêng cho bản thân mình. Thật sự hiếm có bộ phim nào cho ta cái nhìn toàn cảnh như vậy về một thế hệ đang muốn thoát ra khỏi sự kiềm toả của xã hội. Nó giống như thế hệ 8x chúng tôi vào những năm đầu thế kỉ 21, đang vật lộn để thoát ra khỏi thứ giáo dục giáo điều và phản tư duy để tìm kiếm cho mình ý nghĩa của cuộc sống.

Hai thanh niên trong Easy Rider như bị xã hội ruồng bỏ. Các cậu vào một quán ăn, nhưng cả quán ăn bàn tán xôn xao, đùa cợt, và có ý đuổi đi, chỉ có những cô gái “hám của lạ” tìm đến như thể hai cậu là những sinh vật ngoài hành tinh vậy. Thật buồn, một bộ phim về tự do, nhưng thứ tự do đó cô đơn đến tận cùng, chúng chỉ tìm thấy bản thân trong thuốc phiện và trong những nhóm đoàn lang thang hiếm gặp trên đường.

Chứng ta có thấy cô đơn không, khi chúng ta tự do. Tôi nghĩ rằng có và không. Cô đơn vì đôi khi ta lạc lõng với những điều ta muốn làm dù nó chẳng ảnh hưởng đến ai. “Cắt tóc đi, cạo râu đi, trời ơi, để dài quá như cái tổ quạ”. Nhưng không vì những người như chúng ta nhiều lắm, và chỉ cần chúng ta tìm được đúng thế giới của mình với những tâm hồn như mình, thì nỗi cô đơn nhỏ nhặt trên kia có là gì đâu.

Box: Easy Rider là phim hành trình do đạo diễn Dennis Hopper kiêm diễn viên chính thực hiện vào năm 1969. Bộ phim được đánh giá là “tiêu chuẩn của thế hệ” khi đã nắm bắt được đúng tinh thần của nước Mỹ những năm 1970 với sự nở rộ của làn sống dân hippie (những người chọn lối sống lang thang không cố định ở bất cứ đâu).

Dù kinh phí phim chỉ khiêm tốn với 400.000 đô la, nhưng phim đã thu về đến 60 triệu đô la, điều này đã giúp tạo dựng nên một kỉ nguyên mới cho Hollywood, các hãng sản xuất nhận ra rằng những bộ phim kinh phí thấp cũng có thể dành được doanh thu lớn. Bộ phim chịu ảnh hưởng lớn từ làn sóng mới của Pháp với phong cách kể chuyện và những góc máy phá cách phá bỏ hết những cách quay phim truyền thống trong kỉ nguyên vàng của Hollywood.

Bộ phim là bệ phóng đưa Jack Nicholson trở thành siêu sao Hollywood. Năm 2004, nhà phê bình phim Roger Ebert đã đưa bộ phim vào danh mục “Những bộ phim vĩ đại”.

Comment