Hồi bé, tụi trẻ con chúng tôi hay chạy lên nghĩa trang liệt sĩ chơi, đó là một nghĩa trang nhỏ, nằm trang trọng trên một ngọn đồi thấp, dẫn lên đó là một con đường trải nhựa thoai thoải với những hàng bờ rào chạy 2 bên đường của nhà dân. Nghĩa trang rộng rãi, mát mẻ với nhiều cây lớn mà kí ức nông cạn của tôi không chỉ ra tên chúng được. Cũng như mọi nghĩa trang liệt sĩ trên khắp chiều dài đất nước đau thương, công trình trung tâm của nghĩa trang là đài tưởng niệm liệt sĩ vươn mình cao vút trên đề 4 chữ “TỔ QUỐC GHI CÔNG”, thêm vài tượng đài liệt sĩ, một bức tường dài trên đó mô tả chiến công và xương máu mà các anh đã hy sinh, phần còn lại là những dãy mộ trắng chạy đều tăm tắp nhỏ nhắn, đơn giản và bình an của những liệt sĩ, vô danh có, hữu danh có. Nghĩa trang nơi chôn người đã khuất nhưng không làm cho bọn trẻ chúng tôi sợ, chúng tôi chạy nhảy, bắt dế chọi, thả diều… thật là một tuổi thơ ở quá xa để nhớ.
Nghĩa trang không phải nơi để làm du lịch và cũng không phải nơi đến để thăm quan, thật không phù hợp khi quấy rầy người chết một cách không thích đáng, có lẽ chính vì vậy mà Pere Lachaise – nghĩa trang lớn nhất Paris là nơi có cổng vào và tường bao quanh không bán vé, và vì nó không chỉ là nghĩa trang đơn thuần mà trong đó nó có kể câu chuyện về một Paris của quá khứ, mở những mảnh đời đã trôi qua. Tôi đến thăm vào một sáng lạnh, nhiều mây, không vội vàng. Để to điểm cho sự lạnh lẽo, tiếng quạ kêu đầy những ngọn cây đầy đe doạ như tiếng gọi hồn. Một nghĩa trang đúng như hình dung thường đến qua sách vở phim ảnh, đặc biệt là những nghĩa địa gắn với bá tước huyền thoại Dracula, từ những ngôi mộ đơn giản đến những hầm mô quy mô của cả dòng tộc, những tượng đá vôi mô tả hình hài người đã khuất đến những bức điêu khắc trên đá mô tả một cảnh gì đến đến từ kinh thánh, thiên thần có, mà kẻ nanh ác cũng không thiếu. Một nghĩa địa đa dạng về hình hài nhưng âm u về màu sắc.
Nghĩa trang này không nổi tiếng vì nó to nhất, chứa 200 năm những nhân dạng của lịch sử Paris mà còn là nơi yên nghỉ của những danh nhân nước Pháp cũng như thế giới: Chopin, Edif Piaf, Geoges Melies, Oscar Wild…
Để mặc đôi chân cuốn đi trong những đường đá nhỏ chia nghĩa địa thành nhiều phân khu, không nhìn bản đồ để tìm ra vị trí nào đó của những con người vĩ đại trên, tôi những muốn xem cái duyên của mình sẽ dẫn mình đến với ai cũng như quan sát một cách chậm chạp chân dung của những con người trong suốt 200 năm lịch sử đó.
Trải dài trước mắt trong nhịp buồn bã của thời gian, những nhà mồ ẩn dưới những tán cây, chen chúc nhau bên mặt đường một màu đơn sắc u ám của một sáng cuối đông se lạnh. Tiếng quạ, những cây trụi lá, mộ địa, những bóng người vận áo khoác tối màu, tất cả hoà thành bản Định Mệnh mà Beethoven đã viết trên khuông nhạc. Một hoàng tử xứ nào đó, cái tên đã bị xoá sổ bởi thời gian cũng như bởi lòng người nguôi lạnh, nhìn đôi mắt vô hồn về du khách vô tình, cả nhà mộ trống hoác, đầy lá chết. Một ngôi mộ hình cuốn sách màu hồng nhạt rất thanh nhã của một nhà xã hội học nào đó khiến tôi như muốn đó chính là mộ phần của mình.
Nghĩa trang thê lương, những mộ đá xám xịt, tượng người nhàu nát,hoạ tiết tramg trí ố bẩn, quạ kêu the thé, cây cối trơ trụi lá. Trong sự cô quạnh đến rợn người đó, mùa xuân đã bắt đầu phô nét cơ thể đầy thanh sắc của mình. Mầm cây đã đâm ra xanh lợt lạt, hoa đào đã nở bung chấm những nét trắng đỏ vào một tấm vón tối màu của cảnh vật xung quanh. Mùa đông, với những lời hấp hối sau cùng của ảm thương đang lùi dần. Cảnh thê lương của nghĩa trang tô thêm chút ánh sáng hồng của mùa xuân khiến cảnh sắc càng thêm phần quỷ dị.
Kìa Honore de Balzac, một khoanh nhỏ vô cùng khiêm tốn với tượng đầu ông nằm trên một trụ cao khoảng 2 mét. Cái khuôn mặt tròn tròn hằn lên một cuộc đời khốn khổ đã viết lên “Miếng da lừa” như mỉa cười ngạo thế, cái thế gian của những tấn trò bi hài kịch, vài bó hoa héo tàn, vài mảnh giấy nhỏ mờ chữ của ai đó ngưỡng mộ ông. Cái giản dị của ngôi mộ đã khiến tôi không khỏi ngậm ngùi, cứ nghĩ rằng, một văn hào cự phách như ông cũng đáng được tôn vinh trong ngôi đền Patheon danh vọng. Một bia đá khá lớn trên tạc tượng một cô gái khoả thân đang dâng một bó hoa cho một khuôn mặt như nhà hiền triết với râu rậm dài và cái trán cao vô tận….
Cuộc đời ngắn ngủi, trong cuộc đời ngắn ngủi thường chứa vạn nỗi sầu ” Thiên hạ bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” (Tru Tiên), trong vạn nỗi sầu đa phần là thâm sâu. Bước chân lặng lẽ lê bước bên những ngôi mộ xa lạ, những ngôi nhà nhỏ của linh hồn nếu nó có tồn tại. Những cuộc đời ngắn ngủi ở đây đã từng là một phần trong cuộc đời ai đó, đã từng chiếm một vị trí dù lớn dù nhỏ trong quá trình hình thành nhân cách, những bước trải nghiệm, chiêm miệng về cuộc đời. Jim Morrison, chết ở độ tuổi vốn căng tràn sức sống, sức sáng tạo, sức phô diễn cho cuộc đời chiêm ngưỡng, anh nằm trong một ngôi mộ còn khá mới bằng đá granit, nhưng nhỏ, thấp và lọt thỏm giữa những ngôi mộ cũ kĩ nhưng cao lớn hơn nhiều. Một nghệ sĩ thực sự, một cuộc đời không còn nằm trong phạm vi hẹp của một cộng đồng, lại chiếm một góc vô cùng khiêm tốn, đến thảnh thốt, ngôi mộ chỉ như những ngôi mộ tạm ở Việt Nam còn chờ ngày bốc, nhưng thật chẳng nghi ngờ anh đã ở trong nhiều cuộc đời xa lạ khác. Nghĩa trang vắng vẻ vì lượng khách du lịch không tương thích được với độ rộng lớn của nó, vậy mà ở quanh ngôi mộ bé nhỏ đấy khá nhiều người đang vây quanh, có những người tò mò, có những người đến để cho một phần đã sống trong mình đó được tưởng niệm người chủ của mình. Một cô gái Nhật, viết tên mình lên một mảnh giấy, một tay giơ ra trước ngôi mộ, một tay cầm máy ảnh chụp lại tên mình đó và ngôi mộ, một thanh niên Pháp đứng trầm mặc nhìn vào đó một lúc dài… Jim Morrison, The Doors, đã từng sống, đã là niềm vui, nỗi buồn, sự phấn khích, một bác sĩ tâm lý, hay một hình tượng xấu, tất cả điều đó như một bông hoa đào nở vào đầu xuân ghi dấu vào lòng người như một phần của con đường mà đời người trôi qua.
Chết là hết. Chợt nghĩ liệu mình một kẻ suốt đời lang thang, sống một cách nửa vời, hời hợt và hão huyền có là một phần của ai đó, một phần của kí ức nào đó xa xôi mà đôi khi chợt hiện ra như một vì sao nhỏ nhá lên chút ánh sáng cho cả bầu trời. Bi quan chẳng phải tính của mình, nhưng bi hài kịch là bản hoà tấu vô thường của cuộc đời.