Thỉnh thoảng, kiếm được một viên ngọc thô giữa bãi đá trên sông. Tất nhiên đó chỉ là cách nói bóng bẩy cho việc tìm thấy một bộ phim hay nhưng bị lẩn khuất giữa hàng loạt phim hào nhoáng được Pr quá dữ dội. Krisha là một phim như vậy. Tác phẩm điện ảnh đầu tay, chủ đề đơn giản, bối cảnh càng giản dị, và câu chuyện lại gắn liền với cuộc đời đạo diễn, nên nó cứ im lặng chìm đâu đó để đợi khán giả khám phá.
Nói câu chuyện gắn với cuộc đời đạo diễn, vì nó đã từng là trải nghiệm của bản thân anh, bên cạnh đó bộ phim cũng toàn diễn viên gia đình, bản thân đạo diễn Trey Edward Shults cũng tham gia vào một vai trong phim của mình. Độc lập, kinh phí thấp và bối cảnh hẹp, chủ yếu là hàng loạt cảnh nội, với góc máy cận, lột tả và bóc trần chân diện của nhân vật.
Diễn ra vào lễ Tạ Ơn, ngày lễ có lẽ là rất quan trọng ở nước Mỹ (hôm qua giờ tờ báo lớn nào của Mỹ cũng đưa 1 đống hình ảnh gà tây cởi chuồng), bộ phim ban đầu là sự hồi tỉnh của một người phụ nữ lớn tuổi về lại với gia đình của mình. Không có flashback, chỉ có những câu chuyện, lời thoại ám chỉ cho ta biết, Krisha đã từng là kẻ nghiện rượu và tự huỷ hoại gia đình mình, đến nỗi bà không thể nuôi con trai mà phải để em gái nuôi. Thời gian trôi đi, đến lúc gia đình tha thứ và chào đón bà trở về (nhất là người em gái). Krisha trở về, với một chú chó và dáng vẻ già nua mệt mỏi. Cái mệt mỏi toát ra từ ngay khung hình cận đầu tiên khi bộ phim bắt đầu mang đến sự bất an và lạc lõng. Đó là một ngôi nhà hạnh phúc, gia đình và bạn bè, những đứa nhỏ và những con chó chơi đùa với nhau, họ tui họp nhân ngày lễ. Cái cách Krisha tiếp cận và được chào đón đã cho ta 1 dự cảm kì lạ, về sự niềm nở quá mức. Một không khí kì lạ, gượng ép và giả tạo. Họ vẫn nghi ngại bà.
Tiếp sau đó là hàng loạt sự tương phản, âm thanh được dùng xuất sắc như một bức bình phong giữa Krisha và gia đình đó, thậm chí với cả đứa con trai của mình. Bà muốn làm gì đó, nhận nấu món gà tây, gặp gỡ riêng cậu con trai để nói rằng bà đã hối tiếc thế nào. Nhưng có những tấm gương vỡ dù có cố gắng hàn gắn lại, vẫn chỉ khiến cho nhân vật tự soi vào và thấy méo mó mà thôi.
Kịch tính tăng dần, điều gì đến cũng sẽ đến, những cảnh cắt đột ngột, với sự sắp xếp hỗn độn về khung thời gian trong ngày mang đến cho ta một sự gấp gáp khó chịu, ta mong đợi cho bữa tiệc vốn đáng lẽ phải vui vẻ giữa những người thân này trôi qua nhanh đi, ta mong Krisha được tha thứ. Nhưng tha thứ là 1 cảm xúc đôi khi quá “tự kiêu”, khiến cho kẻ mong chờ được tha thứ không thể chịu nổi.
Phim đầu tay, lại mang dấu ấn cá nhân rất lớn, nhưng không vì thế mà Krisha lại thiếu hấp dẫn. Có những đoạn phim rất giàu cảm xúc, nhưng trên hết sự điều tiết nhịp phim xuất sắc kết hợp với âm nhạc trong phim khiến cho chúng ta thực sự kinh ngạc về cách một câu chuyện đơn giản lại tạo nên sự hiệu quả đến vậy về mặt điện ảnh.
Krisha xứng đáng là 1 tác phẩm cần xem của năm 2016, cũng như Trey Edward Shults là 1 cái tên cần chú ý trong những năm tới.