Chưa xem phim vội thì bộ phim đã đến với ta qua sự dịu dàng và dằn vặt của bản nhạc Jazz do Ella Fizgerald trình diễn, rồi cảnh đầu phim mở ra, một quán bar ở Tokyo, giọng nói của một cô gái chưa được quay rõ mặt, giọng buồn bã và căng thẳng, ánh sáng, không khí của quán bar, tất cả lại khiến ta liên tưởng đến một câu chuyện tình yêu thú vị sẽ diễn ra chăng? Đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami cứ vậy dẫn người xem đi vào một câu chuyện đẹp, tinh tế và đơn giản vô cùng, giống như một bài thơ với giọng đọc đầy truyền cảm của huyền thoại Ella, qua tiếng Piano trầm mỏng, gần hai tiếng của bộ phim “Like Someone in Love” là những điều đẹp đẽ của nỗi buồn mà ta không nên bỏ qua.

Cô gái trẻ đi trong phòng ngủ, Akiko (Rin Takanashi) dần dần đứng khuất sau bức tường vứt nhẹ nhàng về phía cửa áo, rồi váy, ông giáo sư già Takashi Watanabe (Tadashi Okuno) khuôn mặt có đôi chút căng thẳng, chậm chạp tiến về phía cửa buồn phòng tắm, tò mò hay lo lắng? ông đang nghĩ đến điều gì, cô gái trẻ đang đưa cho ông một lời đề nghị, cô ấy muốn đi ngủ, cô ấy đã sẵn sàng.

Akiko là sinh viên ngành xã hội học, nhưng do cần tiền nên ban đêm cô làm gái điếm thông qua một tay dẫn gái ở quán bar, cuộc sống của cô không được tiết lộ nhiều ngoài một người bà đang lên Tokyo gặp cháu, và một người bạn trai Noriaki (Ryô Kase) mà mối quan hệ của hai người đầy rạn nứt và khó hiểu, một sự đến với nhau mà ta đã không được kể bởi bộ phim khiến ta cảm thấy đầy khúc mắc và không bền vững. Một buổi tại quán bar đó, khi đáng lẽ phải đi gặp người bà của mình, thì Akiko bị bắt phải đi tiếp khách, một giáo sư già góa vợ. Một mối quan hệ kì lạ giữa hai người được bắt đầu. Đạo diễn Abbas chỉ kể câu chuyện của họ hai ngày đầu tiên khi họ gặp nhau, giống như rất nhiều tình tiết không được đưa lên phim khác, câu chuyện của họ chỉ có sự bắt đầu mà ta không biết kết thúc, một bài thơ mà ta cảm nhận cái đẹp qua ca từ, chứ không phải qua một câu chuyện được kể đầy đủ như những bộ phim khác.

Ông già vào phòng cô gái, không như cô gái nghĩ về một lão già biến thái muốn làm tình với gái trẻ. Ông vào năn nỉ cô ra ăn món soup do ông nấu và uống chút rượu rồi nói chuyện thêm chút nữa, nhưng sự mệt mỏi đã khuất phục cô, cô gái trẻ chìm vào giấc ngủ của mình. Ông già đơn giản như một người cha đên tắt đèn ngủ cho cô gái. Đến đây, bộ phim gợi nhớ nhiều đến câu chuyện “Người đẹp ngủ mê” của nhà văn đoạt giải Nobel của Nhật Yasunari Kawabata, về ông già trong những đêm cô độc của mình, tìm đến cô gái trẻ, nhìn cô ngủ ngon lành trong giấc ngủ để gợi nhớ về kí ức. Tất nhiên, bộ phim không đi theo chiều hướng mang lại hoài niệm cho ông già, nó mang đậm chất hiện sinh chủ nghĩa, mọi lát cắt về quá khứ không được nói đến, bộ phim chỉ đơn giản là kể câu chuyện hai ngày, qua hai ngày đó, cuộc sống hiện đại được thể hiện trong sự tinh tế và đẹp đến lạ lùng.

Akiko có một cuộc sống hai mặt, giữa bóng tối và ánh sáng, mà trong đó khi gặp ông giáo sư già, ta tự nhiên bối rối về cuộc đời hai mặt đấy, liệu cái gì khiến cô khổ sợ hơn. Cô có bạn trai người không được học hành nhiều, hay dùng vũ lực và luôn khiến cô bất an, trong cuộc nói chuyện điện thoại ở quán bar, những rạn vỡ của mối quan hệ không khó nhận ra, và anh người yêu khi nói chuyện với ông giáo sư già cũng đã thể hiện tình cảm của họ nó không hẳn là tình yêu nữa, cái gì đó đã không còn chân thật với nhau, có sự nghi ngờ và những điều chấp chới buồn bã. Thật kì cục khi muốn lấy một người chỉ vì trước hết vì sự ràng buộc của hôn nhân, vợ mình sẽ không dám dối lừa mình nữa. Noriaki nghĩ vậy. Và một nhân vật nữa trong cuộc đời dưới ánh sáng của cô không xuất hiện nhưng trong chuyến hành trình lái xe một tiếng để đi gặp khách hàng, người bà đó qua những tin nhắn thoại để lại cho cô gái, trong chiếc taxi, cuộc sống phồn thị ở ngoài, ta thấy sự nhỏ bé cô độc của một cô gái, một người mà đã thực sự không dễ dàng gì để chọn sống trong bóng tối với công việc đầy chê trách thứ hai. Làm gái điếm.

Không thực sự mô tả công việc làm gái của cô, nhưng qua cách cô tự tin và tự nhiên khi đến nhà ông giáo sư, ta biết rằng đây đã trở thành công việc quen của Akiko. Nhưng điều ông giáo sư thể hiện, trong sự ân cần, lo lắng, và đôi chút vội vã ta thấy được đó là tình cha con hơn là một nhu cầu về mặt tình dục từ một người góa vợ. Bộ phim không mạnh về mặt câu chuyện nhưng lại gây ấn tượng mạnh qua từng frame hình, qua từng hành động và ý nghĩa của hình ảnh, từ những frame hình đó, đạo diễn người Iran đã dịu dàng, chậm rãi dẫn dắt ta vào một cuộc đời và tiệm cận những cuộc đời khác. Câu chuyện được tối giản, hình ảnh được chau chuốt, và lời thoại rất kiệm, tiết chế vừa đủ, Abbas Kiarostami không như Asghar Farhadi – đạo diễn đã đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất với bộ phim “A Separation”, sử dụng sự tinh tế của hình ảnh để kể chuyện, mà qua đó người xem sẽ tự hình dung, đưa ra những nhận định riêng mình cho chính cuộc đời các nhân vật.

Liệu có phải là tình yêu không khi Noriaki lúc nào cũng cảm thấy nghi ngờ Akiko, lúc nào cũng dằn vặt cô, biết cô nói dối nhưng không thể làm gì được ngoài việc muốn cưới để tìm sự ràng buộc bắt cô không được phép giấu giếm mình nữa. Liệu có phải tình yêu không khi ông giáo sư già Takashi quan tâm lo lắng, bỏ cả công việc dang dở giúp đồng nghiệp để giúp cô đến với cô khi cô cần, ông không đưa ra phán xét gì về cuộc đời cô, luôn bảo vệ cô theo một nghĩa nào đó. Với tựa phim tuyệt vời “Like someone in Love” tự chúng ta phải cắt nghĩa những tình cảm trong phim đó, chúng ta lắng nghe giai điệu bản nhạc Jazz tuyệt vời do Ella trình diễn và cảm sự tinh tế của nhịp phim trong điệu nhạc đó.

Comment