Khi xem xong bộ phim Love Letter, tôi nghĩ đến album nhạc mà band nhạc Riverside phát hành vào năm 2015 với cái tên đầy ấn tượng “Love, Fear and The Time Machine”. Ai trong chúng ta cũng từng yêu, từng sợ, dè dặt, rụt rè, hoang mang, bối rối. Tình yêu như một con nước, cứ dâng đầy xung quanh mình, ai cũng thích bơi, nhưng đâu phải ai cũng biết bơi, chúng ta vừa thích thú, vừa sợ hãi, chúng ta nhảy vội lên bờ, hoặc ùa vào trong dòng nước, để cả cơ thể mình chìm trong đó, trong tình yêu. Rồi sợ hãi, những nỗi sợ hãi thầm kín đi cùng với những vị ngọt ngào. Ta trải qua mối tình của mình như vậy, để đến một ngày, khi nhìn lại, ta chỉ ước ta có cỗ máy thời gian quay về quá khứ, khi ta thật trẻ, ta nhìn lại chính mình, nơi ta đã trải qua bao điều, cũng như bỏ lỡ bao điều của tình yêu.

Hai năm sau ngày mất của vị hôn phu trẻ tuổi Itsuki Fujii, Hiroko Watanabe vẫn chưa nguôi ngoai nỗi buồn. Mùa đông ở Nhật mang dáng vẻ thê lương của màu tuyết trắng, và khuôn mặt cô gái mất người yêu. Nỗi buồn thấm đẫm trong không gian, nhưng bình yên. Sự bình yên vì Hiroko không cần phải chôn chặt nỗi buồn trong lòng, nhiều người chia sẻ với cô, thậm chí người đàn ông đang yêu cô hết mực cũng chia sẻ với cô nỗi mất mát mà dù hai năm trôi qua, nó dường như vẫn còn quá lớn. Trong ngày giỗ của Itsuki Jujii, Hiroko tình cờ được xem quyển kỉ yếu thời Itsuki còn đi học. Cô tìm thấy địa chỉ ngôi nhà cũ của anh ở thành phố Otaru. Trong nỗi buồn, trong niềm tiếc thương, cô tìm mọi cách để bám víu, để giải toả nỗi lòng. Cô viết một bức thư cho người chồng chưa cưới đã chết, gửi vào đúng địa chỉ mà anh từng ở thời còn trung học. Bức thư gửi đến thiên đường, cô nói vậy. Nhưng cô không biết rằng, cũng có một Itsuki Jujii khác, sống ở ngôi nhà đó. Hiroko nhận được thư trả lời.

Cuộc đời đầy những bất ngờ. Không ai dám bảo những điều tình cờ khó tin lại không thể xảy ra. Như Love Letter của đạo diễn Shunji Iwai mang đến cho chúng ta sự tình cờ kì lạ. Ở nơi người chồng đã chết của Hiroko ở và học, cũng có một người cùng tên với anh, nhưng lại là con gái, bằng tuổi và học cùng trường. Itsuki Jujii – phiên bản nữ là người đã viết thư trả lời Hiroko. Từ đó, những bức thư được trao đổi giữa họ. Một cô gái muốn biết thêm về người chồng chưa cưới của mình, như một sự bù đắp cho mất mát mà cô đang gánh chịu, một cô gái viết những lá thư như cỗ máy thời gian, đi về thời học sinh ngây thơ, trong sáng, để nhớ lại, để hiểu hơn về bản thân, hiểu hơn thứ tình cảm mờ nhạt mà hai người cùng tên có với nhau. Liệu có phải nó quá mờ nhạt nên cho đến cuối cùng họ vẫn chẳng bao giờ thổ lộ cho nhau biết?

Itsuki Fujii đã chết trong một tai nạn leo núi, gần như không xuất hiện trong một khuôn hình trực diện nào, anh xuất hiện qua lời kể, qua kí ức, bí ẩn, ít lời và đặc biệt. Nhưng Itsuki chính là sợi dây dẫn, gắn kết tất cả các nhân vật trong phim lại với nhau, ở hiện tại cũng như quá khứ. Bộ phim là hai bối cảnh song song. Một ở hiện tại tượng trưng cho mất mát và sự nối tiếp của cuộc sống. Bối cảnh thứ hai chính là quá khứ, của tình yêu và sự sợ hãi. Bộ phim trở thành một câu chuyện tình yêu lãng mạn, ngây thơ của tuổi học trò. Vì cùng tên, nên cả hai Itsuki Jujii bị bạn bè gán ghép và trêu trọc. Cô gái mau khóc, còn chàng trai thì lầm lì. Họ cứ lầm lũi tồn tại trong thế giới mà dường như đã trở nên đặc biệt của riêng họ chỉ vì lỡ cùng chung tên gọi. Sự đan xen giữa hai bối cảnh chính là những bức thư, như những cỗ máy thời gian đưa nhân vật về lại quá khứ, để lấy lại kí ức đã lãng quên. Hiroko tặng cho Itsuki – phiên bản nữ một phương tiện. Còn Itsuki tặng cho Hiroko câu chuyện về người chồng đã mất, như một sự cứu rỗi, như một cách, để cô có thể rũ bỏ bóng ma quá khứ, để sống tiếp cuộc đời mình cùng người đàn ông đang và luôn sẵn sàng chăm sóc cô.

Shunji Iwai đã sử dụng cùng một nữ diễn viên để thể hiện hai vai diễn Hiroko và Itsuki, nó như một sự ẩn dụ, một ẩn dụ về tình cảm thực sự của chàng trai Itsuki mà đến tận cùng, ta mới thực sự hiểu, thực sự cậu học sinh kiệm lời và bí ẩn đó có nội tâm thế nào. Như một giai điệu nhẹ nhàng của những phím đàn Piano, bên ngọn lửa, trong một đêm đông, bộ phim là hành trình khám phá tình yêu, nỗi sợ hãi của những đứa trẻ đang lớn, của những người trưởng thành kinh qua mất mát và buồn đau. Không riêng gì Hiroko mất đi hôn phu của mình, bản thân Itsuki cũng mất đi người cha sau khi ông bị cơn cảm lạnh nặng. Cả Hiroko và Itsuki đều cần một bước chuyển để trưởng thành hơn. Hiroko phải thoát khỏi bóng ma quá khứ mà bước tiếp, còn Itsuki, cô cần có trách nhiệm với bản thân, chăm lo cho sức khoẻ của mình để sống bên mẹ và ông nội. Hành trình của Hiroko về lại những nơi mà người chồng quá cố đã đi qua như một lời tạm biệt cuối cùng. Còn Itsuki, cỗ máy thời gian không chỉ giúp cô thấu hiểu về người bạn thời học sinh, mà còn hiểu hơn về cái chết của cha mình, điều mà cô đã không thực sự biết rõ.

Tình yêu, sự sợ hãi, và cỗ máy thời gian, Love Letter đủ tinh tế để cho ta thấy được cõi lòng của con người, không riêng gì những nhân vật trong phim, mà ai cũng vậy, ai cũng có những bóng ma của quá khứ ám ảnh, những tình yêu đã đi qua, sự sợ hãi đã kiềm giữ ta để ta thấy hối tiếc vì điều gì đó ta đã bỏ lỡ, để rồi một ngày, ở một điểm trên hành trình cuộc đời, ta chợt thèm, thèm được lên cỗ máy thời gian để trở về nơi xưa cũ, đi sâu vào kí ức, và tìm lại chính bản thân mình. Để nhớ một thời, ta đã sống thật đặc biệt.

Comment