Những năm trở lại đây tại Hollywood, phim tiểu sử dường như đang trở thành xu hướng. Khi mà cứ tới mùa giải thưởng là lại có vài ba phim tiểu sử đứng trong hàng ngũ đề cử. Người ta từng làm tới vài bộ phim về Steve Jobs, hay thậm chí là cả Florence Foster Jenkins- ca sĩ Opera có giọng hát dở nhất mọi thời đại, thì dĩ nhiên, cũng không thể bỏ xót cuộc đời đặc biệt của Vincent van Gogh. “Loving Vincent” không phải là bộ phim đầu tiên về vị họa sĩ tài ba nhưng chắc chắn sẽ là bộ phim độc đáo nhất, kì công nhất.

“Loving Vincent” được đạo diễn bởi cặp đôi Dorota Kobiela và Hugh Welchman. Phim kể về hành trình tìm kiếm chủ nhân bức thư mà Vincent van Gogh gửi người em trai Theo trước khi tự sát. Armand được cha mình giao nhiệm vụ này. Khi biết Theo cũng đã chết, đã miễn cưỡng phải lần theo những dấu vết, tìm hiểu về cuộc đời Vincent để rồi cảm thông, ngưỡng mộ và thương yêu vị họa sĩ “gàn dở” từ lúc nào.

Cuộc đời Vincent được kể bởi những người đã tiếp xúc với ông với những tình cảm hoàn toàn khác nhau. Nào là ông chủ cung cấp màu vẽ, bà quản gia, con gái và bác sĩ Gachet, cô chủ trọ nơi Vincent từng ở, người lái thuyền, đứa trẻ tóc đỏ bù xù… Đặc điểm chung của những nhân vật đó là họ đều từng xuất hiện trong những bức họa của Vincent. Mỗi người đều băn khoăn, thêu dệt những câu chuyện xung quanh cuộc đời và cái chết của ông họa sĩ “lập dị, khác thường, hiền lành, lặng lẽ”.

Phim mang hơi hướng trinh thám, khi mà chàng trai trẻ Armand phải tìm hiểu sự thật về việc Vincent đã sống thế nào, đã chết ra sao trước những lời kể đầy mâu thuẫn của dân làng. Thế nhưng, cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất không liên quan tới sự sống hay cái chết, mà là “Liệu mọi người có trân trọng công sức của Vincent?”, liệu ước nguyện dùng những bức họa của mình để chạm đến trái tim mọi người có trở thành hiện thực?

Cũng như “Boyhood” của Richard Linklater gắn liền với con số 12 năm để hoàn thành thì “Loving Vincent” cũng gắn chặt với những con số ấn tượng như 65.000 bức vẽ, thực hiện bền bỉ trong suốt bảy năm, bởi 125 họa sĩ và đội ngũ làm phim hùng hậu. Tâm sự về quá trình làm phim, bộ đôi đạo diễncho biết họ đã phải quay bản người thật đóng, sau đó dựa vào từng khung hình mà vẽ lại, theo chính phong cách của Vincent. Còn gì tuyệt hơn là dựng lại cuộc đời Vincent bằng chính chất liệu hội họa của ông?

Còn gì đáng quý hơn là dùng chính sự kiên trì của 125 họa sĩ tài năng để đáp lại 10 năm sự nghiệp cần mẫn của vị họa sĩ thiên tài. Không chỉ những người đam mê hội họa, mà cả những khán giả nghiệp dư cũng phải choáng ngợp trước từng thước phim mỹ lệ của “Loving Vincent”. Gam màu chủ đạo là xanh, vàng, khi hồi tưởng là đen, xám được kết hợp với những nét cọ ngắn đặc trưng đã gợi cảm xúc rất tốt. Những phân đoạn chuyển cảnh cũng được đầu tư rất công phu, khi từng nét vẽ di chuyển, thay đổi màu sắc, dáng hình, trôi chảy để tạo nên những bức họa trứ danh. Phần hình ảnh của “Loving Vincent” khiến người xem vừa trầm trồ, mê đắm, vừa bất ngờ, choáng ngợp.

“Loving Vincent” kể về cuộc đời đầy khác thường của vị họa sĩ cô đơn, tưởng chừng sẽ có nhiều khía cạnh để khai thác nhưng thực tế lại không. Phần lớn cuộc đời của Vincent được kể lại với góc nhìn là từ người ngoài nên những đấu tranh nội tâm, cắn rứt, suy ngẫm của Vincent không được thể hiện nhiều. Phim chỉ dừng lại ở cuộc đời Vincent dưới con mắt của người khác, chứ không phải của chính bản thân ông. Phải chăng đó là ngụ ý của tác giả khi làm phim về một cuộc đời còn nhiều uẩn khúc. Hoặc cũng là để trả lời cho câu hỏi cuối cùng của cô con gái nhà Gachet về ông. Do đó cảm xúc mà bộ phim mang lại chưa được trọn vẹn, hình tượng Vincent vẫn còn xa vời, mới được phác họa bề mặt, chứ chưa đủ chiều sâu.

Tóm lại, phần nội dung của “Loving Vincent” mặc dù còn nhiều thiếu xót nhưng là một bộ phim đáng ngưỡng mộ. Từng khung hình đẹp đầy mê hoặc, âm nhạc xao xuyến lòng người được soạn bởi Clint Mansell lừng danh. Bộ phim cũng đáng quý bởi sự can đảm, dám hiện thực hóa suy nghĩ độc đáo, điên rồ như vẽ hàng chục nghìn bức tranh như Van Gogh để trở thành một bộ phim hoàn chỉnh.

“Loving Vincent” (khởi chiếu từ 06/10) hiện đang chiếu trên hệ thống rạp toàn quốc.

Comment