Siêu Nhân (Superman) có lẽ là một trong những siêu anh hùng nổi tiếng nhất trong lịch sử truyện tranh. Một nhân vật hư cấu từ hãng truyện tranh DC của Mỹ đã lan tỏa và truyền bá một thứ văn hóa đại chúng của Mỹ đến thế giới. Xuất hiện nhiều trong hoạt hình, phim truyền hình, phim điện ảnh, nhưng thực sự mà nói thì Superman luôn luôn có cái dớp của một người anh hùng với sức mạnh quá phi thường nên không thể nào có thể có một cá tính riêng nổi trội để xây dựng thành một bộ phim hay. Siêu Nhân chắc chắn có rất nhiều người hâm mộ, tuy nhiên cũng chắc chắn không kém đó là nhân vật rất đáng chán với sức mạnh vô đối, một trí tuệ bình thường và một cuộc sống nhạt nhẽo. Cho đến tận khi bộ phim Superman Returns (Bryan Singer, 2006) được công chiếu, nó vẫn chỉ nhận được một sự phản hồi tệ hại từ giới phê bình lẫn người hâm mộ. Hãng truyện tranh DC comics gần như thua toàn tập trên mặt trận kéo các siêu anh hùng lên màn ảnh rộng so với hãng truyện tranh Marvel với những người hùng Người Sắt, Thor, Người Sói… cho đến khi Christopher Nolan mở ra một cách cửa đáng hy vọng cho sự khởi sắc với bộ ba phim Batman. DC comics lấy lại được hình ảnh của mình. và dự án đưa Siêu Nhân lên lại màn ảnh rộng với tên mới Man of Steel, trong đó Zack Snyder người đã vô cùng thành công với tác phẩm sử thi 300 làm đạo diễn, kịch bản do  David S. Goyer người đã viết nên kịch bản Batman chấp bút dựa trên câu chuyện được viết hợp tác cùng Christopher Nolan – người mà cũng đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất. Một dàn sản xuất đáng mong đợi và đầy hứa hẹn. Man of Steel đã ra mắt. Những phản hồi đầy tiêu cực xen lẫn tích cực của giới phê bình, người hâm mộ trên trang web lớn nhất về điện ảnh Imdb chấm 8.2/10. Man of Steel liệu thực sự đã khiến cho người ta bớt ngán Superman chưa?

Jack Snyder – một đạo diễn khá mạnh về hiệu ứng hình ảnh đã đưa ngay dấu vết của mình vào đầu câu chuyện, khi tạo ra những hiệu ứng kĩ xảo ấn tượng và đầy “màu sắc” của sự phô trương trên hành tinh Krypton, nơi lúc đó đang được Jor-El (Russell Crowe) cha của Clark Kent/Superman (Henry Cavill) dự báo cho hội đồng trị vì là sắp bị nổ tung nhưng không ai tin. Ngay tại thời điểm đó, Kal-El/ Clark Kent/ Superman được sinh ra đời cũng như tướng Zod (Michael Shannon) làm phản nổi dậy nhằm chiếm đoạt sự thống trị hành tinh này.  Jor-El một nhà khoa học thiên tài biết được hành tinh không còn tồn tại được lâu nữa đã quyết định gửi Kal-El đến một hành tinh còn trẻ là Trái Đất nơi mà ông tin, anh sẽ trở thành Chúa ở đó với những khả năng của mình. Còn tướng Zod thua trận, bị bắt và bị đi đầy vào vũ trụ. Nếu bộ phim Siêu Nhân năm 1978 chỉ miêu tả sự việc diễn ra ở Krypton bằng những cảnh ngắn và đầy tóm tắt, thì Snyder và Goyer lại quyết định kéo dài, và đưa thêm vào những cảnh chiến đấu của tướng Zod. Với kĩ xảo hiện đại, hiệu ứng CGI đạt trình độ cao, Snyder đã đưa người xem dùng chân tại Krypton đủ lâu để có thể cảm nhận được chút gì đó tình cha con cũng như sự sụp đổ của một hành tinh đã cạn kiệt năng lượng, hình ảnh vỡ vụn của Krypton là một hình ảnh ấn tượng và có lẽ, Snyder đã ám thị đến trái đất một ngày không xa chăng?

Kal-El mang cả niềm tin và hy vọng của cha, mang theo sứ mệnh mà ông muốn đến trái đất, cậu biết điều đấy khi đã ở độ tuổi 33, cha nuôi đã mất và cậu quyết định đi tìm sự thật về bản thân mình. Bộ phim là một sự đan xen giữa hiện tại và những hình ảnh từ kí ức của Clark Kent, kí ức về gia đình, về cuộc sống tuổi thơ, về sức mạnh mà cậu có và những bài học mà cha nuôi dặn dò cậu để cậu luôn luôn là một người bình thường trong mắt người khác. Với thủ pháp hồi tưởng đó, Snyder đã nói được nhiều điều về cuộc sống của Clark Kent trước khi anh khoác lên mình bộ quần áo Siêu Nhân huyền thoại. Không giống như Bác Ben của Người Nhện (The Amazing Spiderman, Marc Webb) dạy anh về việc phải luôn luôn cứu giúp người khác khi mình có khả năng, Jonathan Kent (Kevin Costner) lại không muốn – cho đến một thời điểm thích hợp Clark Kent bị ruồng bỏ nếu xã hội loài người phát hiện ra một cá thể không giống mình. Đó có thể là ý nghĩ tiêu cực và xấu xí của Jonathan nhưng điều đó cũng không phải là không đúng với thực tế, khi mà cá nhân trong xã hội luôn sợ mang vạ khi dính líu đến những chuyện không liên quan đến mình. Cái mạch quá khứ đó của Clark Kent, vừa là những đoạn nghỉ trầm lắng của phim vừa đưa ra một thông điệp của tình cha con, của sự dạy dỗ vừa có gì đó mỉa mai, lại vừa cảm động. Như trường đoạn Jonathan Kent chết, là một đoạn phim lặng và cảm động trong sự mỉa mai khá thú vị. Khi ngay trước đó trên xe, Clark Kent đã giận dỗi và nói “ông không phải bố đẻ của tôi”, thì sau đó, cái hình ảnh Clark Kent nghe lời bố không dùng sức mạnh của mình để cứu ông trước mặt bao nhiêu người khác vừa buồn thương lại vừa đầy mỉa mai khi anh đã tin vào cái niềm tin của người bố nuôi để lại cho anh. Trở lại thực tại, Clark Kent đi tìm nguồn gốc của mình nơi anh đã gặp được hình ảnh 3 chiều của cha ruột Jor-El cùng với công nghệ vô cùng hiện đại của hành tinh Krypton. Jor-El có thể nói chuyện và kể lại cho Clark biết nguồn gốc của mình cũng như sứ mệnh của anh như một siêu anh hùng mang chữ S mà với ngôn ngữ của Krypton nó mang nghĩa là “Hy Vọng” để cứu trái đất, và giúp cho trái đất không phải gặp cảnh như hành tinh của anh đã hứng chịu. Thời điểm đó cũng là lúc Lois Lane (Amy Adams) – một phóng viên giỏi của tờ Daily Planet xuất hiện đi tìm thông tin về một vật thể mắc kẹt trong băng đến 2 vạn năm nay. Cái tên Clark Kent luôn luôn xuất hiện cùng với Lois Lane, như một cặp đôi đầy duyên nợ từ lúc bộ truyện Superman ra đời. Biên kịch đã chọn cách khác cho họ gặp nhau trước khi họ trở thành đồng nghiệp tại tòa soạn báo Daily Planet. Sự gặp nhau của họ, rồi sau đó là sự xuất hiện của tướng Zod sau 33 năm tìm kiếm đứa trẻ mất tích trong vũ trụ của Jor-El đã tìm đến trái đất với tham vọng biến trái đất thành Krypton, gây dựng lại giống loài Krypton tại trái đất. Clark Kent đã gặp Lois Lane, Superman đã xuất hiện để đối đầu với tướng Zod. Câu chuyện đang là một dòng chảy đều đã đến đỉnh thác, và sau đó là đổ sập xuống với sự biểu hiện sức mạnh siêu nhiên của Superman nhằm cứu thế giới.

Hành động liên tiếp, hoành tráng đến ngộp thở với sự phá hủy điên cuồng, từ một thị trấn nhỏ, đến thành phố Metropolis toàn nhà chọc trời, nhận xét không hề quá nếu nói rằng, Snyder đã tạo dựng một bộ phim hành động với mức độ và cường độ lớn hơn nhiều so với những phim đình đám Iron Man, hay Batman… Đặc biệt là dựa trên nền nhạc của Hans Zimmer – một nhà soạn nhạc, người làm nhạc phim tài năng với những tác phẩm hành động đình đám, đặc biệt là bộ ba Batman của Christopher Nolan. Với những người hâm mộ phim hành động thì thực sự mãn nhãn với sự hủy diệt của máy móc, và sự tàn phá khủng khiếp của những người Krypton mang sức mạnh siêu nhiên bao gồm cả Siêu Nhân. Nhưng đó chính lại là điểm yếu của kịch bản và cũng là của bộ phim, khi quá chú trọng để tạo dựng nên sự tàn phá không thể tưởng tượng thì dường như lại khiến cho Siêu Nhân trở thành một người thiếu suy nghĩ và hành động có vẻ đầy hời hợt. Có bao nhiêu dân thường chết trong khi Siêu Nhân chiến đấu? Có bao nhiêu dân thường chết khi Siêu Nhân chọn lựa việc đi phá hủy cỗ máy khổng lồ đang hoạt động ở nơi hẻo lánh chứ không phải cái cỗ máy đang phá nát cả thành phố? Tất nhiên, với một bộ phim như này thì đó chỉ là những hình ảnh cường điệu hóa, và người ta dễ bỏ qua cho sự mất mát dường như không ai để ý khi còn đang mải miết theo dỗi sự hoành tráng và đầy kịch tính của diễn biến. Còn hơn thế nữa, Siêu Nhân lại có mặt kịp lúc để cứu Lois Lane. Snyder và biên kịch Goyer đã “non tay” khi xây dựng mối tình của hai nhân vật này để rồi tạo nên những khoảng trống và sự phi logic đầy đáng tiếc. Hiệu ứng hình ảnh đầy hấp dẫn đó đã không đủ sức lấp lại những lỗi như vậy. Clark Kent đã làm rất tốt phần mình, tạo ra những hình ảnh đẹp và ấn tượng. Nhưng khi anh mặc bộ đồ vào thì khác, một Siêu Nhân ồn ào, phá hoại và quá mạnh và thiếu hài hước.

Henry Cavill, Amy Adams và Michael Shannon là những nhân tố đẹp đáp ứng được vai  trò của mình và gây thiện cảm đối với người xem. Henry là một diễn viên điển trai, sức vóc cao lớn, và đặc biệt là một khuôn mặt không thực sự khôn ngoan với nụ cười hiền lành thực sự là một sự lựa chọn đúng đắn. Amy Adams cũng vậy, thông minh, sắc sảo và mạnh mẽ, một Lois Lane hoàn toàn phù hợp với Clark Kent. Còn Micael Shannon – một diễn viên  tài năng với vai diễn xuất sắc từ bộ phim truyền hình Boardwalk Empire thì thực sự đã biểu đạt được một vị tướng độc ác sẵn sàng chà đạp tất cả để đạt được mục đích của mình.

Trở lại với câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết. Thực sự mà nói thì Man of Steel phần nào đó đã làm tốt trong vai trò đưa Siêu Nhân trở lại màn ảnh và khiến người xem thích thú khi mà bản thân tính cách và câu chuyện cuộc đời anh không có gì thực sự đặc sắc và đầy bi kịch như người Dơi, hay cuộc sống của dân chơi lại đính kèm sự thông minh tuyệt đỉnh như Người Sắt…. Man of Steel dù sao đã mang đến một câu chuyện có ý nghĩa nhất định, mang đến một bộ phim hành động mãn nhãn và mang đến một tương lai có phần sáng sủa cho những dự án khác về các siêu anh hùng của DC comics khi mà doanh thu của bộ phim đạt đến những mốc khổng lồ khiến nhà sản xuất hoàn toàn hài lòng.

Comment