Tuấn Lalarme

Of Mice and Men – Bi Kịch Của Sự Hồn Nhiên

“Tôi không thấy có nhiều người đi cùng nhau, có lẽ trong cõi đời chó má này người ta e sợ lẫn nhau”.

Năm 1937, hai người đàn ông trôi dạt cùng nhau xuống tận vùng California miền Tây nước Mỹ, nơi có đặc sản là nắng rát và những cánh đồng vàng lúa mạch. Đó là Lennie (John Malkovich) và George (Gary Sinise), một người kiệm lời, ít biểu cảm, một kẻ ngu ngơ như trẻ lên ba. Họ tham gia vào một toán làm thuê cùng những gã đàn ông khác. Cuộc sống của dân lao động Mỹ cuối thập niên 30 được khắc họa tỉ mỉ và chân thành qua sự chỉ đạo của Gary Sinise, vừa thủ vai George kiêm đạo diễn.

Phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn John Steinbeck. Một tác phẩm văn chương bất hủ trở thành một bộ phim bất hủ, môt tác phẩm bất hủ hai lần là một trường hợp hy hữu và là nỗi thèm muốn của bất cứ người nào làm nghệ thuật.

Cùng thời, Hemingway và Join Steinbeck là hai cây bút elite cự phách của nền văn học Mỹ. Nếu Hemingway khởi sự văn chương bằng những chân trời xa lạ, với “hội hè miên man” hay những chiến trận xa xôi, thì Join Steimbeck lại miệt mài với đề tài người lao động của thập niên 30, một thời đại nhiều cam go và biến động, thường được nhắc nhớ như một Kỷ Nguyên Tuyệt Vọng (Depression- Era) của nước Mỹ, ba tác phẩm đồ sộ và nổi tiếng nhất của ông là Chùm Nho Phẫn Nộ ( The Grapes of Wrath), Phía Đông Vườn Địa Đàng ( East of Eden) và Của Chuột Và Người (Of Mice and Men). Cả ba đều được phóng tác lên màn ảnh và một trong số đó từng giành giải Oscar.

Of Mice and Men là một bức tranh hiện thực rất chân thành, sống động và gai góc về đời sống của những người lao động Mỹ. Ở cái trang trại Tyler Ranch ấy, có nhiều cuộc đời được Gary Sinise gia công mạnh mẽ mang tính biểu tượng. Một George ít nói, kiệm lời nhưng tốt bụng, một Lennie lành tính, khù khờ, không kiểm soát được hành vi của mình, một gã da đen hay giễu nhại cuộc đời vì sự cô độc của một kẻ không có ai để trò chuyện trong cái thế kỷ mà nạn phân biệt chủng tộc còn hoành hành, một lão già Candy lụ khụ, có lẽ đã trôi dạt cả đời khắp các đồng lúa mạch miền Tây, đau đớn trên giường khi con chó già của ông bị mang đi giết, một thằng con Curley gàn dở, thích lấy địa vị uy hiếp người khác, một cô vợ cô đơn mang ước mơ trở thành ngôi sao màn bạc nhưng lại bị khóa chân ở cái vùng nông thôn tẻ nhạt. Tất cả những nhân vật trầm lặng này tạo nên một bộ mặt chân xác nhất của cuộc sống người lao động đương thời. Ai cũng có giấc mơ cho riêng mình, nhưng kèm theo đó những rào cản vô hình nhưng hiển hiện rõ ràng, như sợi dây cước trong veo nhưng có thể gây sát thương. Những giấc mơ ấy vô hại, nhưng để có được nó là cả một chặng đường nan giải.

Lennie là một đứa con nít trong hình hài khổng lồ của người đàn ông trưởng thành. Không biết nên gọi sự ngây thơ đó là bi kịch hay may mắn cho Lennie, may mắn vì trong thời khắc tuyệt vọng của nước Mỹ, trong những bi thương nhỏ lẻ của những cuộc đời nơi tỉnh lỵ xa mờ vô vọng trên những cánh đồng lúa mạch, Lennie vẫn vô tư và hồn nhiên như miễn nhiễm với mọi vất vả trên đời, nhưng bi kịch cũng khởi sinh từ đây, khi hắn nhìn cuộc đời gay gắt qua lăng kính trong vắt ngây ngô đến ngớ ngẩn, khi không thể kiểm soát hành vi của mình và sống rất mực bản năng, ngu ngốc và u mê giữa cuộc đời không cần nghe cảm thán. Đó chẳng phải là bi kịch của sự hồn nhiên sao?

Lennie và George trở nên háo hức và đầy hy vọng mỗi khi mơ về một trang trại của riêng mình, nơi cả hai có thể sống nhàn nhã với khu vườn, đàn gà, vài con thỏ. Một cuộc sống thơ thới tránh xa những nhọc nhằn lao động. Ước mơ cháy bỏng là khi nó được phát biểu ra bằng lời, từng chi tiết, từng hình ảnh cụ thể. Ước mơ đó không phải phi hiện thực, tự huyễn mình nhưng đó lại là một giấc mơ khó nắm bắt. Ai cũng khát khao một sự thay đổi, những chuyến xe ngựa đón đưa họ trên những cánh đồng lúa mạch với nắng gắt và mồ hôi nhễ nhại khiến những người đàn ông bồn chồn bất lực, chẳng khác gì những con chuột luẩn quẩn trong một đụn rơm.

John Malkovich là một diễn viên đa tài khi hóa thân hoàn hảo vào các vai bi (Of Mice and Men), hài (The Great Buck Howard) và cả vai tâm thần (In the Line of Fire). Gary Sinise cũng đa tài không kém khi thường xuyên qua lại giữa hai cương vị diễn viên và đạo diễn. Từ thuở thanh niên, Of Mice and Men đã là cuốn sách ưa thích của ông. Trước khi bắt tay thực hiện phim, ông từng hóa thân thành nhân vật Tom Joad trong tác phẩm The Grapes of Wrath, đủ để nhận thấy tầm ảnh hưởng của nhà văn John Steinbeck trong tư duy điện ảnh của ông.

Gary Sinise trong Of Mice and Men không điển trai, nhưng lại có cái phong trần đặc trưng của đàn ông lao động. Với ngoại hình cơ bắp bắt mắt trong chiếc áo trắng dính đầy vết bẩn, cùng lối diễn xuất tinh tế, lột tả chân xác thần thái của nhân vật, cả Sinise và Malkovich đều vào tròn vai và rất thuyết phục.

Nhân vật Lennie dễ khiến người xem liên tưởng đến vai diễn Raymond Babbitt của Dustin Hoffman trong Rainman. Cũng những người đàn ông trưởng thành thiểu năng như trẻ con, và cũng những người anh em cưu mang đùm bọc lẫn nhau.

Phim khép lại với cái kết khá đau lòng, trong đầu người viết bỗng văng vẳng lời bài hát “You Ain’t Heavy, You’re My Brother” của Bobby Scott and Bob Russell:

The road is long

With many a winding turn

That leads us to who knows where,

Who knows where

But I’m strong, Strong enough to carry him.

He ain’t heavy, he’s my brother..

Exit mobile version