Đến một ngày, một người đàn ông trưởng thành, đã đi qua rất nhiều va vấp của cuộc đời bao gồm thành công, thất bại, hạnh phúc và sự chán nản, người đàn ông đó liệu có hét lên: “Tôi muốn quay trở lại”?, quay trở lại ngày xưa, quay trở lại với khoảng thời gian khi gã còn rất trẻ, còn chưa thấu hiểu được tương lai, còn đang mơ mộng rằng, rồi đây, tương lai sẽ mở ra trước mắt mình rất nhiều điều tuyệt diệu. Giống như gã đàn ông trong bộ phim Peppermind Candy của đạo diễn người Hàn Quốc Lee Chang-dong, anh ta đứng trước đoàn tàu hoả đang lao về phía mình và hét lên hết cỡ “I want to go back”. Một cảnh phim buồn thương, thảm thiết, khiến chúng ta nhận ra rằng, cái nhân vật mà ta đã đi theo anh chàng nhiều phút qua, một gã đàn ông như đang say rượu, điên loạn và chẳng thiết sống, gã đã bị cuộc đời này, vùi dập đến cỡ nào.
Gã đàn ông đó là Yong Ho (Kyung-gu Sol), ngay từ đầu phim, anh xuất hiện trong một bộ dạng chỉn chu như một viên chức mẫn cán, anh đi dạo bên sông, rồi tham gia vào một buổi họp mặt của những người đã từng làm việc với nhau nhiều năm về trước. Anh được chào đón, nhưng rất nhanh sau đó, anh trở thành kẻ phá rồi, và một cách điên rồi, anh đứng ở đường ray xe lửa để tìm đến cái chết, chẳng ai quan tâm đến anh nữa, trừ một người đàn ông bé nhỏ, nhìn sự thảm hại của anh, thương cảm và khóc. Anh cũng khóc cho cuộc đời mình. Một cuộc đời, lẽ ra đã khác. Bộ phim bắt đầu như vậy, từ bình yên, đến hỗn loạn, rồi một phần bình yên, một phần hỗn loạn, rồi máy quay, quay cận cảnh khuôn mặt anh khi đoàn tàu lao đến, chỉ có nỗi đau tột cùng và sự hỗn loạn. Cắt cảnh.
Bộ phim là một hành trình quay ngược về quá khứ, với sự tham chiếu đời người như một chiếu tàu, luôn tiến về phía trước, đi qua những ga tạm để dừng lại rồi tiếp tục đi. Lee Chang-Dong chia cuộc đời Yong Ho thành 5 trạm dừng, và cuộc đời của Yong Ho được kể qua một chuyến tàu chạy ngược, chạy ngược về quá khứ, cho ta biết, vì sao, lý do tại đâu, Yong Ho tuyệt vọng đến nhường vậy. Ngược dần về quá khứ, Yong Ho không chỉ mắc kẹt ở trong đời sống cá nhân, mà thực chất, anh bị mắc kẹt trong xã hội anh đang sống, những mộng mơ của tuổi trẻ kết thúc trong một đất nước đầy biến động. Từng lớp quá khứ của Yong Ho được bóc ra, được kể, được tiết lộ, từng chút từng chút một, khi chuyến tàu đưa chúng ta về sâu hơn vào quá khứ của Yong Ho. Anh là một gã đàn ông bị phụ tình, một người làm kinh doanh bị lừa dối? Hay nguyên nhân sâu xa không chỉ đơn giản thế. Cứ vậy, mỗi một trạm dừng của chuyến tàu đi về quá khứ, khán giả lại khám phá ra một Yong Ho khác, một con người mới (thực ra là cũ hơn), một con người gần với bản thể của chính anh nhất, cái bản thể còn chưa bị những trải nghiệm sống đè nát đến tội nghiệp.
Peppermint Candy, giống như nhiều phim khác về sau này của Lee Chang-dong đi sâu vào một cá nhân, kể chuyện về một cá nhân, nhưng lồng vào đó, là khung cảnh xã hội mà ở đây, là xã hội Hàn Quốc những năm 80-90 đầy biến động. Từ những cuộc biểu tình của sinh viên, việc bắt bớ của cảnh sát đối với phong trào lao động, đến khủng hoảng kinh tế…. Lee Chang-dong không cố gắng tìm cách giải thích cho con người Yong Ho hiện tại, anh chỉ kể chuyện, anh chỉ nói rằng, một cá nhân, là một thực thể quá nhỏ bé không thể trốn thoát khỏi định mệnh mà lịch sử ban phát cho mỗi người. Mỗi chương trong cuộc đời của Lee Chang-dong được lựa chọn rất cẩn thận, với sự chuẩn xác trong chi tiết, để nêu bật được con người Yong Ho, một gã đàn ông đang làm theo bản năng, hay đang bị định mệnh điều khiển.
Lee Chang-dong, một kẻ có gia đình, có mối tình đầu tuyệt đẹp với những Viên Kẹo Bạc Hà thơm ngon. Một người đàn ông, chân thành, đầy tương lại. Nhưng số phận nghiệt ngã, những viên kẹo chỉ làm mát được một lúc trong miệng, cũng giống như cuộc đời của anh, ở đâu đó, trong hành trình của chuyến tàu trở về quá khứ, và vị của hạnh phúc, bình yên, nhưng nó chỉ tồn tại rất ngắn, còn lại là sự bất tri của cuộc đời. Bộ phim rất Hàn Quốc, với con người, với cuộc sống, với lịch sử Hàn Quốc, nhưng nó có giá trị nhiều hơn thế, không chỉ vì bản thân cách kể chuyện của Lee Chang-Dong rất hấp dẫn khiến khán giả xem phim không có một giây phút nào cảm thấy nhàm chán, không chỉ những góc quay đẹp, vừa đầy ý vị, vừa gai góc, vừa bạo liệt, nhưng cũng đầy tình cảm, mà nó nhấn mạnh đến sự tác động của dòng chảy lịch sự đến mỗi cá nhân người sống trong dòng chảy đó. Giống như con cá trong một dòng nước sắp cạn, nó không thể tìm kiếm một dòng chảy khác. Con người cũng vậy, sống ở đâu cũng vậy, định mệnh nằm trong tay mình, những tay mình nằm trong vòng xoáy của lịch sử. Nó cứ cuốn ta đi, ta bất cẩn hay cẩn trọng, thì rồi đến lúc, những hậu quả nó mang lại là không thể tránh. Hàn Quốc những năm xưa đã như vậy, và Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, ở niên kỉ này càng như vậy. Có bao nhiêu con người, chạy đâu cho thoát, định mệnh của lịch sử đây?