Tuấn Lalarme

Phim hay nhớ lại (1)

1. Sophie Scholl: The Final Days (2005)

Tôi nhớ ngày xưa học Tư tưởng Hồ Chí Minh, bác Hồ có nói đại để rằng trí thức là thành phần dễ lung lay nhất của xã hội, có lẽ vì khả năng nhận thức xã hội của giới trí thức phần lớn dựa vào logic và lý trí hơn là việc tư tưởng dễ bị ép buộc và lợi dụng như các tầng lớp khác. Chỉ là sự liên tưởng nảy sinh chứu hoàn toàn không có ý so sánh với chủ nghĩa phát xít của Hitler, nhưng cũng chính lẽ đó khi một bộ phận sinh viên những trí thức tương lai đứng lên phản kháng, đưa ra những tư tưởng chống đối lại chính quyền phát xít khi mà cả nước Đức dưới sự bảo hộ của “chủ nghĩa anh hùng” đang bị Hitler đẩy vào một cuộc chiến trên khắp các mặt trận từ Đông sang Tây ở châu Âu năm 1943. Tổ chức đó được gọi là “Hoa hồng trắng”, và trong một tổ chức mà mục tiêu là vạch mặt những tội ác của chính quyền Hitler, đưa nhận thức đúng đắn về chiến tranh, về sự bình đẳng của quyền con người giữa các dân tộc, có một cô gái nhỏ bé nhưng ý trí mạnh mẽ và quyết đoán, Sophie Scholl. Trong một lần tham gia rải truyền đơn với anh trai, cô đã bị bắt, tổ chức bị phanh phui. Bộ phim nói về những ngày cuối cùng của cô sau khi bị bắt, bị tra khảo, thẩm vấn trước khi buộc tội phản quốc. Vậy phim có gì hay nếu không có tra tấn, không có hành động, không có những trận chiến hoành tráng, không có những màn cân não căng thẳng?

Bộ phim có bối cảnh khá đơn giản, nhân vật không nhiều, thoại khá nhiều. Nhưng cái sâu sắc của phim chính là không tạo cho người ta cái cảm giác đang xem một bi kịch được dựng lên theo kịch bản, những cuộc đối chất trong phim dựa hoàn toàn vào những ghi chép có thật của tòa án, đấy chính là điều thứ nhất khiến bộ phim thực sự khiến người xem cảm thông với Sophie. Điều thứ 2 mà bộ phim mang đến chính là cuộc đối chất, thẩm vấn của viên cảnh sát địa phương Robert Mohr
và Sophie Scholl. Đấy là buổi thẩm vấn của một viên chức cảnh sát làm nhiệm vụ và một công dân Đức đang bị buộc tội phản quốc, nhưng cuộc thẩm vấn không căng thẳng, không ồn ào, không tra tấn, cưỡng bức, Sophie trả lời một cách vừa phải, dứt khoát, rõ ràng và mạnh mẽ, dù cho ban đầu là sự chối tội, rồi sau bằng chứng được đưa ra không thể trối cãi, cô nhận tội, cô vẫn với phong thái trả lời đấy, một cô gái tất nhiên không thể không bị căng thằng nhất là trong tình huống này nhưng tất cả căng thẳng chúng ta chỉ nhận biết khi máy quay quay cận cảnh bàn tay cô, còn khi đối diện với đại diện của chính phủ mà cô đang chối bỏ thì cô lại thể hiện với một thái độ cương quyết bảo vệ lý tưởng, và đưa ra những câu trả lời đanh thép mà đôi khi ta có cảm giác Robert Mohr nếu cởi bỏ bộ quân phục của mình thì hẳn cũng sẽ bị cô thuyết phục. Và từ viên cảnh sát, ta đến với cấp cao hơn, đại diện mạnh mẽ cho chính quyền đó là thẩm phán, và cái cảnh quay trong phòng xử án đã bộc lộ tất cả việc ai ở đây mới là người đang yếu thế trong lý lẽ của mình. Trong phòng xử án, không phải là những bài hùng biện đanh thép mà ta chờ đợi, mà đó là sự cứng rắn cương quyết của anh em Sophie, cũng như sự bực bội và lớn tiếng của viên thẩm phán, sự to tiếng đó như để át đi những lý lẽ đúng đắn, sự lớn tiếng đó như “cả vú lấp miệng em” vừa nhằm thể hiện uy thế của quyền lực, vừa để thể hiện cái yếu đuối trong việc buộc tội những sinh viên đang làm điều đúng đắn cho một nước Đức đang trên bờ thua trận. “Today you will hang us, tomorrow it will be your turn”, anh của Sophie đã chỉ tay vào thẩm phán và nói vậy.

Bộ phim không phải là một bài học đạo đức, càng không phải là một bài giáo dục về tội ác phát xít, chỉ đơn giản là một câu chuyện về một cô gái dũng cảm đã đi theo đến cùng, lý tưởng của mình, bảo vệ nó với sự khôn ngoan và với niềm tin sắt đá.

2. Leaving Las Vegas (1995)

Nicolas Cage, cái tên hạng A của Hollywood, nhắc đến tức là nhắc đến những bộ phim hành động bom tấn đình đám The Rock, Face off, Con Air và cũng thật ngược đời khi cái tên đó bây giờ đang bị xuống dốc thảm hại với một hoạt cái loại đạn xịt Stolen, Ghost Rider, Drive Angry. Nhưng có lẽ không nhiều người biết đến một Nicolas Cage từng đoạt giải Oscar Nam chính xuất sắc nhất trong phim Leaving Las Vegas. Một vai diễn để đời, đã cho ta thấy sức diễn bất tận của một diễn viên trẻ đầy tài năng vào năm 1995.

Leaving Las Vegas có lẽ là một trong những phim bi kịch nhất của điện ảnh mà tôi được xem. Bộ phim kể về Ben Sanderson do Nicolas Cage thủ vai, sau những bất hạnh về gia đình, anh bắt đầu tìm rượu giải sầu, và anh bị nghiện rượu lúc nào không hay, từ đó tất cả sự nghiệp và tiền bạc đều theo rượu ra đi hết. Quá tuyệt vọng về cuộc sống, anh tìm đến Las Vegas để quyết định uống rượu đến chết. Tại Las Vegas anh gặp cô gái điếm Sera do Elisabeth Sue thủ vai, và ở họ hình thành một mối quan hệ kì quặc, khi họ sống cùng nhau nhưng thỏa thuận khôgn động chạm đến tự do của người kia, Sera không được yêu cầu Ben ngừng uống và ngược lại, và rồi như bóng tối của thành phố Las Vegas xa hoa tráng lệ với những kẻ giảu có trong các sòng bạc màu mè, Ben và Sera sống trong những bị kịch của chính mình, họ tìm ở nhau sự đồng cảm, nhưng khi hai cá tính chạm vào nhau mà không được can thiệp vào nhau luôn tạo ra xung đột, rồi những bi kịch mà xã hội mang lại cho một nghề thấp hèn như của Sera, tất cả những bi kịch đó cộng dồn lại, đầy bi thương và đau đớn trong lần làm tình duy nhất và cuối cùng của cuộc đời Ben.

Bộ phim đã lột tả chân thực một xã hội Mỹ với quá nhiều những cá thể cô đơn, những cá thể không tìm được sự cân bằng cho chính mình trong một xã hội mà bóng tối và ánh sáng chỉ cách nhau trong gang tấc. Giấc mơ Mỹ có thể thành ác mộng bất cứ lúc nào, và trong một xã hội hoa lệ, khi cuộc đời dường như tràn ngập màu sắc và tiếng cười, thì ở đâu đó trong bóng tối, cuộc sống sẽ không nề hà mà mang đến những bị kịch đau thương.

Nỗi buồn luôn là vẻ đẹp vĩnh cửu của cuộc đời.

Exit mobile version