Đó là một người phụ nữ vô hình. Bà vô hình ở giữa đám đông, bà vô hình ở nhà, bà vô hình ở nơi bà làm việc, và sớm thôi, bà sẽ trở nên vô hình với chính mình. Nhưng bà hay cười, ăn mặc rực rỡ, giản dị nhưng đẹp. Bà nói chuyện nhẹ nhàng, bà sống khiêm nhường, không làm phiền ai, không gây sự chú ý. Điều duy nhất mà bà muốn, ở cái độ tuổi đã gần đất xa trời là làm được một bài thơ, vì bà tin mình có một tâm hồn, biết yêu cái đẹp. Và một tâm hồn như vậy, hẳn sẽ làm được thơ, điều mà bà vẫn nhớ khi bà còn bé, ai đó đã nói với bà rằng bà sẽ trở thành nhà thơ. Poetry của đạo diễn Lee Chang-Dong dịu dàng như một bài thơ buồn, cô đơn, nhưng đẹp, giàu tình cảm. Bộ phim khiến khán giả khắc khoải về thân phận một con người, bà vô hình trước cuộc đời, nhưng chẳng phải bà cũng chính là mỗi cá nhân chúng ta, rồi sẽ đến ngày vô hình trước cuộc sống này hay sao?

Mở đầu thật chậm và kì lạ, trên một dòng sông, những đứa trẻ đang chơi bên bờ sông phát hiện một xác chết đang trôi. Điều gì đã xảy ra? Cảnh cắt ngay ở đó. Câu chuyện chuyển cảnh sang một người phụ nữ lớn tuổi, bà đi khám bệnh, sau rất nhiều lần trì hoãn, bà đã quyết định đi khám bệnh, vì dạo này bà hay quên, quên từ, quên mất nhiều thứ. Bác sĩ nghi ngờ và khuyên bà đi đến bệnh viện lớn hơn để khám vì có thể bà đã bị chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer. Người phụ nữ luống tuổi đó tên là Mija (Jeong-hie Yun). Bà là một người phụ nữ goá chồng, đang nuôi đứa cháu mà con gái bà bỏ lại cho bà. Luôn luôn ăn mặc thật đẹp, sặc sỡ. Trong cái nắng chói chang, khuôn mặt bà luôn luôn ẩn chứa một nụ cười, bà có hài lòng với cuộc đời mình không? Không ai dám chắc, nhưng điều chắc chắn, bà muốn nhìn ngắm cuộc đời, để tìm ra vẻ đẹp của nó, vẻ đẹp của sự giản dị, tầm thường như cuộc đời bà thôi. Công việc của bà là giúp chăm sóc một ông già bị tai biến. Bà làm việc tận tuỵ và cẩn thận, chỉn chu và thật thà. Có lần ông cho bà thêm tiền, rồi dặn bà đừng nói cho con cái ông biết. Vậy mà bà vẫn nói, bà sống thật thà, không giấu diếm, không muốn làm phật lòng ai.

fullsizephoto113915

Sự tầm thường của cuộc đời bà khiến bà dường như vô hình trong mắt mọi người. Bà kể chuyện cho con gái ông già mà bà chăm sóc nghe về một xác chết trôi trên sông. Nhưng cô ta không nghe, cười mà không nghe, chỉ lo làm việc của mình. Bà ngồi trong một bữa ăn của những người yêu thơ, bà hỏi nhà thơ làm sao để có thể làm được một bài thơ, vì bà đã cố gắng nhiều rồi mà không thể? Rồi lời nói của bà chìm nghỉm trong không khí ồn ào ở đó, nhà thơ cười mà không trả lời bà. Cứ vậy, cảm giác của việc tan biến của người phụ nữ đã già cứ dâng đầy trong phim, cho ta cảm giác chua xót. Nhưng còn bà, bà nghĩ gì?

Bà luôn luôn có một vẻ ngoài rất sáng và đẹp, từ trang phục đến khuôn mặt. Bà không biểu lộ cảm xúc sâu trong lòng mình. Bà nghe tin về cô gái nhảy cầu tự tử có liên quan đến đứa cháu. Nó kết bạn với những đứa trẻ xấu, rồi chúng nó hãm hiếp cô bé cùng lớp, khiến cô gái tự tử. Bà buồn, hẳn nhiên, nhưng rồi bà vẫn tiếp tục sống tiếp cuộc đời vô hình của mình. Lo bữa ăn cho đứa cháu, nhìn nó chẳng bao giờ chịu nói chuyện với mình, nhìn nó sống bừa bộn, nhìn những người cha đang cố gắng cứu những đứa con trai xấu tính của mình khỏi phải ra toà… bà nhìn những điều đó, trong đôi mắt, ở sâu bên trong là nỗi buồn không nói thành lời. Nhưng bà không suy sụp, hoặc bà không thể hiện là mình đang suy sụp. Bà chỉ đang muốn tìm kiếm cái phần tâm hồn biết nhìn thấy cái đẹp giản dị của cuộc sống để làm thơ, khi mà trí nhớ của mình đang tan dần, đang giảm dần.

fullsizephoto417366

Bắt đầu bằng cái chết, nhưng cả bộ phim, không cố gắng mang đên sự dằn vặt, hay đau khổ. Đạo diễn Lee Chang-dong tập trung máy quay vào người phụ nữ lớn tuổi, để cố gắng cho chúng ta thấy một tâm hồn luôn luôn yêu cuộc sống và cái đẹp. Chết và Sống, trí nhớ và sự úa tàn, một người già cô đơn và những đứa trẻ bất an với chính bản năng của chúng. Poetry giàu cảm xúc, giàu tính biểu tượng về một bài thơ ít chữ, nhưng ẩn giấu những ý tứ sâu sắc về nhân sinh quan, về tâm hồn đẹp. Kịch bản giống bài thơ, và bộ phim, chính là một người ngâm thơ, để lột tả hết chiều sâu và sự tinh tế của bài thơ đó. Thế giới hiện đại còn mấy ai yêu thơ, nhưng chắc hẳn trong mỗi tâm hồn đều chứa đựng một hồn thơ, để biết yêu cái đẹp, và thấy sự sống quý giá đến nhường nào.

Trong thế giới đầy sự hờ hững và thơ ờ. Người phụ nữ đó trôi dạt đi tìm cái đẹp, như thể bà đang sống ở bên trong nội tâm của chính bà. Bà sống trong ốc đảo như các bộ phim khác của Lee Chang-dong. Trong ốc đảo đó, nhân vật chính có một tâm hồn xanh mướt, tuyệt đẹp, họ nằm giữa sa mạc khô cằn của lòng người. Nhưng mặc cho xa mạc ngoài kia, họ sống trong thế giới nội tâm của họ, mát lành và đầy vị tha.

Comment