Tuấn Lalarme

Raging Bull – Vinh quang và Thất bại

Có một sự thật rằng, năm 1978, đạo diễn Martin Scorsese đang phải điều trị trong bệnh viện vì dùng thuốc phiện quá liều. Khi đó, Robert de Niro đã vào thăm ông, và bảo ông rằng, ông phải bỏ thuốc phiện và làm một bộ phim về boxing. Martin ban đầu từ chối do không thích thể loại phim về thể thao. Nhưng cuối cùng, với sự thuyết phục của Robert de Niro, ông đã đồng ý. Có thể nói không ngoa rằng, Robert de Niro, đã cứu cuộc đời Martin Scorcese, giúp ông quay trở lại với sự nghiệp điện ảnh và tiếp tục làm ra những tác phẩm điện ảnh vĩ đại. Bộ phim đó là Raging Bull, một trong những tác phẩm điện ảnh về thể thao nói chung hay đấm bốc nói riêng hay nhất mọi thời đại. Bộ phim nói về vinh quang, tình yêu, và nỗi buồn của một con người có tất cả và mất tất cả.

Xoay quanh cuộc đời của nhà vô địch boxing hạng trung Jake Lamotta, Raging Bull không quá tập trung miên tả những chiến thắng áp đảo không chỉ đánh bại đối thủ mà tàn phá đối thủ của mình, Martin Scorsese đi sâu vào diễn biến tâm lý nhân vật, giúp ta thấy một kẻ không bao giờ bị đánh gục trên võ đài, lại là một kẻ thất bại như thế nào trong cuộc đời.

Jake LaMotta là một tay đấm đáng sợ, sự gan lì, không sợ hãi, dũng mãnh như bò mộng đã giúp anh đạt được nhiều chiến thắng. Anh luôn có tham vọng và ước muốn đạt được đai vô địch hạng trung thế giới. Nhờ sự trợ giúp của em trai mình, Joey (Joe Pesci), một người thông minh và linh hoạt, Jake LaMotta đã dành được vinh quang đó. Nhưng đáng buồn, vinh quang trên sàn đấu, nghịch hẳn với cuộc sống bình thường của anh. Jake kết hôn với Vickie (Cathy Moriarty), một cô gái tóc vàng xinh đẹp, luôn là mơ ước của mọi gã đàn ông. Nhưng Jake đã tự biến tình yêu của mình thành sự ghen tuông. Biến hạnh phúc của mình thành những chuỗi nghi ngờ bất tận. Nghi ngờ ngay chính cả em trai mình.

Jake tự chui vào nhà tù của tâm trí. Anh trở nên ích kỉ, dễ bị chính mình lừa mị vào mê cung không lối thoát của ghen tuông. Không thể kiềm chế chính mình, cảm xúc trong anh luôn ở mức tới hạn muốn bùng phát. Vì lẽ đó, có những trận đấu anh tàn huỷ đối thủ một cách không có chút lòng thương hại nào. Những cú đấm liên hoàn, không do dự, bạo liệt và tàn nhẫn như để chút bỏ hết lửa nhiệt trong cơ thể, vốn bị bản tính nghi ngờ mọi thứ thiêu đốt.

Cuộc đời anh, chỉ có duy nhất hai người thân thiết, em trai và vợ mình. Mối quan hệ của anh và Vickie cho ta thấy bản chất của một cuộc hôn nhân quá nhiều nghi kị. Jake luôn muốn Vickie ở một mức độ hoàn hảo tức là vừa làm bạn, làm người tình, người bạn đời, người tâm giao và người luôn luôn chỉ biết đến thế giới bên trong anh mà không được tiếp xúc với bất kì thế giới nào khác. Từ đó, bi kịch dành cho một người đàn bà đẹp, và một người đàn ông không kiểm soát được mình xảy ra như một điều tất yếu. Những trường đoạn ghen tuông cho ta thấy cách xử lý bậc thầy của Martin Scorsese cũng như biên kịch Paul Schrader và Mardik Martin. Chỉ một câu nói vẩn vơ của Vickie khi khen địch thủ của Jake đẹp trai, vậy nhưng nó giống như que diêm châm vào đầu sợi dây cháy chậm, Jake nghi ngờ, dò xét, sự căng thẳng được tăng dần theo từng câu đối chất của Jake, để đến cuối nổ bung ra bằng sự tàn nhẫn và thô lỗ.

Có lẽ không ai hiểu điều đó bằng Joey. Sự có mặt của người em trai trong cuộc sống của Jake giống như một người dẫn đường để Jake không đi quá giới hạn của mình. Nhưng như một con bò mộng, biệt hiệu mà anh có trên võ đài, anh không thể chiến thắng được sự hoang dã, bản năng của mình, để cuối cùng anh đã đập tung tất cả. Sau khi xem bộ phim về chính mình, Jake LaMotta có hỏi Vickie rằng: “Anh thực sự là một người tệ thế ư?” Khi đó Vickie có trả lời: “Anh còn tệ hơn thế.”

Robert de Niro xứng đáng là người học trò vĩ đại của Marlon Brandon trong sự nghiệp diễn xuất, sự xuất sắc của ông từ những vai khi ông còn trẻ mà đặc biệt là trong các phim như Mean Streets, Bố Già II cho đến Raging Bull, Taxi Driver… luôn được thể hiện rõ nét. Chưa có ai nắm bắt được Phương pháp diễn xuất (Method Acting) chắc chắn như Robert de Niro khi hoá thân vào nhân vật điện ảnh. Khuôn mặt bông lơi, đôi mắt hời hợt nhưng nguy hiểm, luôn có những tia lửa của sự nóng giận thiếu kiềm chế. Chân dung của Jake hiện ra trong một cuộc sống đầy ích kỉ, với dục vọng, vinh quang, và sự cố chấp khiến ta cảm thấy choáng ngợp bởi quá khứ của một người đàn ông, một người mà ở hiện tại (thời điểm những năm 80), có thân hình to béo, mệt mỏi, cô độc, ngồi trước tấm gương và kể về chính mình.

Robert luôn luôn tìm hiểu mọi chi tiết về nhân vật, những điều ông cho là cần thiết, thậm chí ở cùng họ nếu nhân vật đó có thật ngoài đời để nắm bắt được một cách chính xác, tâm lý và đời sống của nhân vật. Raging Bull mang về cho ông tượng vàng Oscar thứ hai trong sự nghiệp diễn xuất của mình đã chứng minh điều đó. Bên cạnh đấy, cũng phải kể đến Joe Pesci, một diễn viên Mỹ gốc Ý, người mà sau này sẽ tiếp tục cộng tác cùng Robert de Niro trong các phim Once upon a time in America, Goodfellas, Casino… Dáng người nhỏ bé, linh hoạt, giọng nói nhanh, Joey mang đến ấn tượng của một người thông minh, hiểu người khác, khái tính và sẵn sàng làm mọi thứ vì anh trai mình. Joey giúp cấu thành một bản tam tấu với những nốt trầm của Vickie, sự hùng dũng và mạnh mẽ của Jake, và sự hài hoà của một chiếc đàn dây, hòng giảm tiết tấu của bản nhạc xuống.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhà quay phim Michael Chapman, người đã tạo ra được một không khí căng thẳng đầy ám ảnh của một cái đầu toàn lửa, cũng như việc chỉ sử dụng duy nhất 1 camera thay vì dùng nhiều camera cho những cảnh quay đấm box để tạo cảm giác chân thực cho từng cú đấm. Thêm vào đó, chủ định sử dụng các thước phim trắng đen của Martin Scorsese đã giúp làm giảm bớt khung cảnh bạo lực của mỗi trận đấu vì quả thực, vinh quanh chưa bao giờ là điều làm nên con người của Jake LaMotta. Vinh quanh đó cũng chính là thất bại của chính anh ở cuộc đời bình thường.

Người ta luôn luôn thắc mắc là tại sao đến tận năm 2006, Martin Scorsese mới được trao tượng vàng Oscar sau rất nhiều phim luôn nằm trong top những phim hay nhất mọi thời đại như Raging Bull, Taxi Driver, hay Casino. Nhưng có lẽ Martin Scorsese không cần những giải thưởng để làm động lực cho mình. Và người ta sẽ mãi mãi hàm ơn Robert de Niro vì đã cứu lại cuộc đời vị đạo diễn vĩ đại này. Nếu không có Robert, không có Raging bull, có lẽ điện ảnh, đã thiếu đi nhiều những tuyệt phẩm.

Exit mobile version