Mở đầu phim, Michael Pitt và Michael Stuhlbarg đứng đâu đó đợi ai đó nói chuyện với nhau. Qua cuộc hội thoại, ta biết được 2 người là 2 tên gangster đang đơi ai đó để ám hại. Nếu ai đang nôn nóng đợi từng tuần để được xem phần 3 của series phim mafia “Boardwalk Empire” thì sẽ hiểu được cảm giác gặp 2 người quen, 2 nhân vật quan trọng, hiểu sự thích thú của tôi khi nhìn thấy cảnh đấy. Nhưng đúng một cái, một cách thiếu chuyên nghiệp nhất: 2 tên gangster chuyên nghiệp bị bắn vỡ sọ ở cự ly không thể gần hơn bởi một tên sát thủ bịt mặt. Việc đếm số lượng “Psychopaths” bắt đầu: kẻ trùm mặt đó là Số Một.
Kể từ In Bruges, một bộ phim hài, tội phạm rất thành công, Martin McDonagh và Colin Farrell lại hợp tác với nhau trong phim hài, tội pham khác: Seven Psychopaths. Không thực sự ấn tượng như In Bruges nhưng Seven Psychopaths có nét duyên riêng rất thú vị. Marty (Colin Farrel), một người chuyên viết kịch bản phim cho Hollywood, đang bế tắc trong việc định hình ra kịch bản phim mà anh đang theo đuổi có tên là “Seven Psychopaths”. Billy (Sam Rockwell) là bạn thân của Marty, một diễn viên nghiệp dư, đồng thời cùng với Hans (Christopher Walken) chuyên bắt trộm chó rồi sau đó giả vờ tình cờ tìm được để nhận tiền thưởng từ những người chủ. Không may, Billy bắt nhầm chó của một tên trùm gangster, từ đó kéo Hans và Marty vào một cuộc truy đuổi bắn giết đầy hài hước.
Đây là một dạng phim lồng trong phim, những ý tưởng kịch bản của Marty thỉnh thoảng được biểu đạt bằng hình ảnh, đan xen trong cuộc sống thực một cách không theo trình tự và không nguồn gốc. Ta chẳng hiểu tại sao lại xuất hiện nhân vật đó. Những tên “psychopaths” xuất hiện được đánh số vừa thật vừa ảo. Billy vì muốn giúp bạn có ý tưởng cho kịch bản của mình đã đăng lên báo quảng cáo để ai có chuyện gì hay thì đến kể cho Marty như một nguồn cảm hứng. Zachariah (Tom Waits) xuất hiện với con thỏ trắng trên tay ngồi trước của nhà của Marty, và kể câu chuyện giết người hàng loạt của mình với một đồng sự là người tình da đen của mình.
Bộ phim đầy máu, có cả đầu bị nổ tung, một bộ phim “cult” điển hình như kiểu phim của Quentin Tarantino, lại có hơi hướng của “The unusal suspect” (Bryan Singer). Nhưng tất nhiên kịch bản tưng tưng của Martin tạo được một cái duyên riêng nhưng không thể đạt được như Quetin Tarantino. Cái hay của phim là đã tạo được nhiều bất ngờ rất thú vị, bất ngờ từ kẻ mang mặt nạ ở đầu phim được đánh số 1, đến kẻ số 7. Rồi những trường đoạn của kịch bản được tái hiện thành những cảnh phim, những cảnh quay đầy bạo lực, những thắt mở rất hợp lý và tạo được hiệu ứng tích cực của sự hài hước và thông minh. Đặc biệt là bộ phim có sự xuất hiện của Long Nguyen với vai diễn là một nhà sư. Ban đầu, Long Nguyen xuất hiện trong một nhà nghỉ với một cô gái điếm, sau khi nói chuyện và có vẻ sắp rút súng, cảnh cắt. Marty, không muốn phát triển tiếp câu chuyện của Long Nguyen vì có vẻ như đó là một câu chuyện quá thô bạo. Nhưng đến cuối, Hans đã nghĩ ra cho Marty một kịch bản đầy bất ngờ. Billy cũng vậy, anh đã tự đặt mình vào câu chuyện và tự quyết định cái số phận đầy hài kịch của mình.
Nhạc đồng quê sử dụng trong phim là một điểm cộng nữa, chắc vì tôi rất có cảm tình nếu loại nhạc đấy được làm phim. Cảm giác là sự tự do, tự tại, thoải mái và những cuộc sống giản đơn. Đoạn cuối phim, khi Bill, Marty, Hans đi ra giữa sa mạc để trốn khỏi sự truy đuổi gắt gao của Charlie (Woody Harrelson) là một đoạn rất điển hình của kiểu phim cao bồi miền tây. Ở đó, kịch bản của Marty đã được hình thành với sự giúp sức đầy máu của 2 người bạn.
Seven Psychopaths là một bộ phim đáng xem từ đầu đến cuối, không thực sự hay nhưng lại rất lôi cuốn, những tình tiết hài hước, những cảnh bạo lực, một chút sex làm gia vị, và những gương mặt “thần kinh đa nhân cách” được kịch hóa tưng tửng và cuốn hút. Tôi chấm 7/10.