Tuấn Lalarme

Shoplifters – Đôi khi ao máu đào không bằng giọt nước lã

Dành giải Cành Cọ Vàng năm 2018, bộ phim Shoplifters của đạo diễn Hirokazu Kore-eda đưa khán giả vào thế giới của những người bên lề xã hội với lối sống vi phạm pháp luật nhưng không thiếu tình người và thể hiện tính phê phán xã hội Nhật Bản một cách sâu sắc về sự dửng dưng và thơ ơ đối với con trẻ.

Hirokazu Kore-eda có thể được coi là đạo diễn kế thừa xuất sắc của đạo diễn huyền thoại Yasujiro Ozu khi các bộ phim của ông thể hiện rất tinh tế và sâu sắc về những câu chuyện của cuộc sống xoay quanh đơn vị nhỏ bé của xã hội Nhật Bản “gia đình”. Từ gia đình, ông bóc tách những số phận trong đó có bi, có hài, có niềm hy vọng nhưng đôi lúc là những nỗi bế tắc và u buồn đầy cay đắng. Năm 2004, bộ phim Nobody Knows của ông đã như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người phụ nữ trẻ sinh con ra nhưng không có trách nhiệm với chúng. Nobody Knows mang một kết cục đau đớn không chỉ vì người mẹ thờ ơ, mà còn vì cả xã hội xoay quanh những đứa trẻ đó đã không hề nhận ra sự hiện diện khốn cùng của chúng để giúp đỡ.

Shoplifters tiếp tục là một câu chuyện về gia đình và những thân phận bị bỏ bên lề xã hội. Bộ phim vừa hài hước, vừa hấp dẫn, vừa vui nhưng đan xen vào đó là những nỗi đau nhói lòng, những niềm cảm thông sâu sắc và nỗi buồn đầy nhân tính mà đạo diễn đã đủ thấu hiểu và tinh tế để buộc khán giả một cách tự nhiên mang những cảm xúc rất sâu lắng về tình người.

Bộ phim bắt đầu bằng một cảnh ăn trộm trong siêu thị của một gã đàn ông trung niên và một cậu bé, họ phối hợp và lấy đồ một cách lành nghề như một điều gì đó quen thuộc. Chân dung của gia đình “đạo tặc” hiện ra với một người bà có tiền trợ cấp của chồng, một đôi vợ chồng làm những công việc nặng nhọc với đồng lương ít ỏi, một cô gái trẻ làm việc trông một cơ sở về tình dục và một thằng bé được cấy vào đầu tư tưởng rằng “chỉ những đứa trẻ không học được ở nhà mới đến trường”. Và dù đã chen chúc trong một căn nhà chật chội, lộn xộn, bừa bộn như vậy, nhưng tình cờ, họ lại phải cưu mang thêm một cô bé gái gầy gò bỏ nhà đi vì suốt ngày bị mẹ ruột mình đánh đập.

Những tưởng một gia đình như vậy, họ sẽ chỉ lợi dụng nhau để dựa vào nhau sống qua cơn khốn cùng của cuộc đời, nhưng không, giữa họ có những tình cảm thực sự nảy sinh khi sống với nhau vì thực chất không ai thực sự có quan hệ với ai trong cái gia đình đông đúc đó. Tất cả họ đều là người dưng, cùng gặp nhau ở hoàn cảnh và sống “nương” vào nhau. Những phân đoạn được xây dựng tinh tế và chi tiết về những tiếng cười giữa họ, về mong ước được hai đứa trẻ gọi một tiếng “bố”, một tiếng “mẹ”. Ở một lúc nào đó, ranh giới giữa “máu đào” và “nước lã” đã không còn nữa, chỉ còn lại những trái tim con người cố gắng yêu thương lẫn nhau.

Khán giả hiểu được họ, nhưng xã hội không hiểu được họ. Họ có thể được coi là “bắt cóc trẻ em”, “giấu xác chết trong nhà”, “trộm cắp gây nguy hiểm cho xã hội” theo góc nhìn của luật pháp và đạo đức. Sự tinh tế của đạo diễn đã được thể hiện xuất sắc trong cách đổi góc nhìn và biến câu chuyện về hy vọng thành câu chuyện của những quy chuẩn xã hội vốn khô cứng và đôi khi thiếu tình người. Xã hội đầy rẫy những bất cập. Nếu con bé bị bỏ rơi và chết ngoài đường thì ai quan tâm hay nhờ có gia đình này mà nó có thể biết được thế nào là niềm vui và hạnh phúc? Xã hội bằng lý tính của mình không nhìn sự việc như vậy, nó chia cắt tình thương vốn không được xây dựng bằng giấy tờ, bằng máu thịt. 

Nhưng trong tuyệt vọng là hy vọng, là tiếng gọi “bố” không thành tiếng của cậu bé đã vô tình khiến cái gia đình nhỏ mà nó có tan vỡ. Trái với hình ảnh về đám tang u ám trong Nobody Knows, Shoplifters không chỉ phê phán, mà còn giàu tình cảm của đạo diễn dành cho những cá thể đơn lẻ trong xã hội vốn bị bỏ rơi, vốn bị kì thị. Xem Shoplifters, có lẽ khán giả sẽ có một cái nhìn khác về những số phận đang sống quanh ta. Người với người, sống để yêu nhau.

Exit mobile version