Tuấn Lalarme

The Deer Hunter – Kiệt tác về cuộc chiến Việt Nam

Sau tất cả, The Deer Hunter lại là một bộ phim hay. Tai sao tôi lại nói sau tất cả? Vì bộ phim có hơi hướng mô tả những người lính Cộng Sản quá thô bạo và tàn độc, nhưng bỏ qua những cảnh đấy thì đây lại là một câu chuyện tuyệt vời về chiến tranh, cách mà chiến tranh đã tác động như thế nào đến những người lính, những người tham chiến. Một kiểu “Nỗi buồn chiến tranh” của lính Mỹ. Nói thêm 1 chút cho những ai chưa xem, đây là một bộ phim Mỹ, do người Mỹ làm, và không phải là một bộ phim phản chiến nên các bạn đừng quá chú trọng vào vấn đề lịch sử. Ở đây không có sự xét lại lịch sử, không có sự làm quá lên về bên đúng bên sai, chỉ là một bản nhạc mà mở đầu là sự sống và kết thúc là cái chết.

Mở đầu phim là những cảnh những người đàn ông với khuôn mặt nhem nhuốc đang làm việc trong một nhà máy chế tạo công cụ cơ khí tại một thị trấn hẻo lánh nào đó của nước Mỹ. Sau khi gột bỏ lớp bồ hóng, nhóm nhân vật chính xuất hiện, một nhóm thanh niên của thị trấn vui vẻ, bốc đồng, đùa giỡn trước ngày cưới của Steven – 1 trong 3 thanh niên của làng sẽ xung vào quân đội để đến chiến trường Việt Nam. Và sau chiến tranh Việt Nam trở về, 1 người bị cụt tay chân, 1 người thất lạc và 1 người trở về trong sự im lặng với huân chương đầy mình.

Vậy 3 tiếng phim nói gì khi tóm tắt lại chỉ đơn điệu như vậy? Chẳng có gì quá cao xa, nhưng lại chạm một cách sâu sắc vào cảm xúc người xem. Cứ ví bộ phim như một cuộc đời, thì chiến tranh chính là một căn bệnh nan y mà 3 thanh niên của thị trấn bé nhỏ đó mắc phải. Cái căn bệnh đó đã dẫn 3 con người đang khỏe mạnh, yêu đời, có một tương lai đầy hứa hẹn đi đến cái chết. Không phải tất cả đều chết, nhưng xét ở nhiều góc độ, sống vậy cũng là chết. Trường đoạn dài ban đầu mô tả về cuộc sống của những người thanh niên trong làng, trong đó nổi lên 3 nhân vật chính là Michael (Robert de Niro), Steven (John Savage), và Nick (Christopher Walken). Họ là những người dân miền núi, ban ngày đi làm công ăn lương ở nhà máy, xong việc thì kéo nhau tụ tập ở quán bar địa phương nhậu nhẹt, nói chuyện về cuộc sống, gào lên những câu hát của bản nhạc Country nổi tiếng “I love you babeee” ( Can’t Take My Eyes Off You), về gái gú, trêu đùa, cợt nhả, cuối tuần thì cùng nhau đi săn hươu trên núi, đấy thực sự là một cuộc sống dân dã thanh bình, với những vui thú rất người, những mảnh đời rất bình dị. Rồi Steven chuẩn bị lấy vợ, Angela. Cái ngôi làng đó nhỏ đến nỗi ta cứ có cảm tưởng để chuẩn bị cho lễ cưới đấy là có sự tham dự của cả làng, rồi lễ cưới diễn ra, đây cũng là một trường đoạn dài mô tả cả những nghĩ lễ nhà thờ, đến buổi liên hoan sau đó khiến tất cả mọi người nhảy múa đến say mềm. Trước khi lên đường sang Việt Nam, cả hội kéo nhau đi săn, những tranh cãi rất thường giữa bạn bè, Michael vẫn luôn là người mạnh mẽ và cứng rắn nhất trong hội, và đặc biệt có khả năng săn hươu rất giỏi. Đó là lần cuối cùng.

Trường đoạn chấm dứt, màn thứ 2 của vở kịch mở ra, hồi hai của bản nhạc chết đến. Đoạn này tôi không mô tả chi tiết và không có giá trị về mặt sử liệu, nhưng nó mô tả sự thô ráp của chiến tranh với sự cường điệu hóa một cách cố ý sự tàn ác của Cộng Sản, với một mục đích không phải đẩy phần đúng sang phía Mỹ mà để đẩy phần bi kịch của cuộc chiến lên cao trào và dìm xuống dòng sông lạnh lẽo nốt phần còn sót lại của hạnh phúc, của nhân bản, của những nụ cười mà 3 người bạn đó còn giữ lại. Chiến tranh theo mô tả của kịch bản và đạo diễn, đó là trò chơi cò quay Nga, khi người ta thử vận may trên tính mạng con người bàng khẩu súng ổ quay một viên đạn. Xét tận cùng một cách khách quan và công tâm, chiến tranh là cuộc chơi của chính trị, và người lính chỉ là những con tốt trên bàn cờ dựng sẵn. Những con tốt đấy chỉ tồn tại để thí mạng hòng mang lại cái gọi là chiến thắng hay mang danh chân lý. Nước Mỹ đã đẩy những đứa con của nó ra khỏi sự bình yên của những rặng núi phủ tuyết, ra khỏi nụ cười của người con gái, ra khỏi tình bạn, kéo đến một vùng xa xôi mang danh nghĩa lý tưởng để hủy hoại một thế hệ.

Chiến tranh trở về, Michael với bộ quần áo bộ đội, những huân chương trên ngực, mọi người chuẩn bị lẽ ăn mừng anh trở về. Nhưng anh trốn, đi qua một cách yên lặng, cả một trường đoạn dài, từ khi anh về lại quê nhà là sự im lặng trên nền nhạc kinh điển “Cavatina”. Đó là khoảng lặng sau một cơn bể dâu đã trôi qua đời Micheal, anh im lặng, chỉ gặp người anh yêu quý – là cô bạn gái của Nick (Meryl Streep thủ vai). Đó chính là sự trống rỗng, sự mệt mỏi mà chiến tranh đã để lại, nếu đầu phim Michael thể hiện mình là một kẻ cứng rắn, mạnh mẽ, hay gây sự và hoạt động bao nhiêu thì khi về anh khác hẳn, trầm tính và lạnh lẽo hơn. Ngay cả việc đi săn hươu anh cũng thất bại. Anh không còn có thể tuy đuổi theo chú hươu của mình nữa. Nhưng Michael mạnh mẽ hơn Steven và Nick nhiều, anh vẫn sống, vẫn là chính mình vẫn nguyên ven trở về, còn Steven và Nick, phải một thời gian lâu sau khi sự trống rỗng dường như đã trở thành quen thuộc và anh đã có thể hòa đồng hơn với bạn bè thì mới tìm hiểu về 2 người bạn. Tôi sẽ không nói về 2 người đó, vì nói ra sợ sẽ tiết lộ phần nào nội dung phim.

Nói thêm chút nữa về cái trò cò quay Nga, nó theo bộ phim đến tận cùng, nó là biểu tượng mạnh mẽ của trò chơi chiến tranh, khi mạng sống của con người nằm xung quanh một đống người đang cá cược những đồng tiền vào từng cái kéo cò của kẻ cầm súng, chết hay không chết đó không phải vấn đề, vấn đề là phát súng có đạn hay không để đặt cược, chết người này thì có người khác thay, ban đầu còn là sự ép buộc của bên thắng đối với tù binh, sau thì ở cấp cao hơn đó là sự tình nguyện của những tâm hồn trống rỗng và quá mất niềm tin vào cuộc sống.

Suy cho cùng trong mọi cuộc chiến tranh,
Bên nào thắng thì nhân dân đều bại.
(Thơ Nguyễn Duy)

The Deer Hunter không phải là phim phản chiến, cũng không cần thiết phải xem nó như một phim phản động nếu xét từ góc nhìn của chúng ta. Nhưng rõ ràng The Deer Hunter đã nói lên được sự thất bại của nước Mỹ nói riêng, và cuộc chiến tranh nói chung. Nó đã làm rạn vỡ những người con nước Mỹ. Họ dù trở về hay không thì họ đã mất đi rất nhiều thứ tốt đẹp của cuộc sống, họ đi trên chính quê hương mình với những bước đi không còn vững vàng nữa, những kí ức đã làm hoại tử một phần con người của họ, một bi kịch mà một thế hệ người Mỹ không bao giờ có thể khỏa lấp. Đấy chính là cái hay của bộ phim, khi đã lái bộ phim ra khỏi sự thô thiển của chiến tranh chính trị, mà đưa bộ phim lần hồi trong thân phận của con người.

Exit mobile version