Điện ảnh Hàn Quốc vốn hay bị đánh giá thấp trong con mắt của giới mộ điệu bởi làn sóng thần tượng đang tấn công ồ ạt giới trẻ các nước châu Á. Nhưng nếu thực sự nhìn vào thành quả làm việc của họ, thì chúng ta sẽ thấy Hàn Quốc là anh lớn của điện ảnh Châu Á, và là một phần không nhỏ của điện ảnh thế giới.

Thay vì ở Việt Nam, giới làm phim vẫn đang xô ngả theo 2 chiều đối lập. Bên thì ngả hẳn về phía phim thương mại, chỉ tập trung câu khách mà bỏ bê chất lượng. Bên thì chìm sâu trong mảng độc lập, mải chạy theo phong cách nghệ thuật và xa rời đại chúng. Thì người Hàn, họ tìm được cách dung hoà cả 2. Tại sao cứ phải xa cách, khó hiểu mới là nghệ thuật? Người Hàn đã đem điện ảnh trở về với điện ảnh ở mặt nghĩa rộng nhất, tạo ra những sản phẩm vừa đảm bảo về thương mại, vừa đáp ứng nhu cầu về chất lượng, làm hài lòng cả khán giả lẫn giới phê bình.

“The King” – bộ phim đầu tư 10,4 tỷ won (180 tỷ đồng tiền Việt) của đạo diễn Han Jae Rim với sự tham gia diễn xuất của 2 ngôi sao khủng đại diện cho thế hệ tài tử sáng giá nhất điện ảnh xứ Kim Chi là Jo In Sung và Jung Woo Sung là một bộ phim như thế.

Phim được kể theo góc nhìn của nhân vật Tae Soo về những góc khuất trong ngành tư pháp Hàn những năm 90s từ khi anh ta còn là một cậu trai 17 tuổi cho đến khi trưởng thành và bước vào thế giới ngầm của chính trị. Tae Soo là con trai của một kẻ lừa đảo. Cậu ta vốn không mong muốn gì xa hơn là học hỏi được cách nhậu giỏi và đánh nhau hay như bố mình. Tuy nhiên, một hôm đi học về, Tae Soo thấy bố đang quỳ xuống ôm chân một người mặc vest đen trong khi bị người này đánh tới tấp mà không dám chống đỡ. Đến đây, Tae Soo nhận ra, để đến được với quyền lực, thì con đường nhanh nhất là trở thành công tố viên.

Dù vậy, kể cả khi đã vượt qua tất cả các kỳ tích đối với một tên đầu gấu là tốt nghiệp bằng luật ở trường đại học chính thống danh giá nhất thủ đô để làm việc cho viện kiểm sát tỉnh thì Tae Soo vẫn không cảm thấy có gì là quyền lực cả. Làm việc quần quật với đồng lương ba cọc ba đồng và suốt ngày ngập trong các vụ án lặt vặt. Cho đến ngày cậu ta qua tay một vụ án hiếp dâm. Tay thủ phạm là con một gia đình quyền thế đã thoát tội và thậm chí lừa tiền hoà giải của mẹ nạn nhân bị khuyết tật trí tuệ. Với sự phẫn nộ và lương tâm nghề nghiệp, Tae Soo quyết lôi vụ án trở lại để đòi lại công bằng.

Tuy nhiên, một tiền bối cùng trường đại học đã ngăn anh lại và mời anh đến dự hội của một công tố viên trưởng có tiếng tăm là Han Kang Sik. Từ đây, cuộc đời anh thay đổi. Bằng sự thực tế đến lạnh người và lời lẽ thẳng thắn không giấu giếm, Han Kang Sik đã khai thị cho Tae Soo về cách vận hành thực sự của quyền lực. Từ đây trở đi, Tae Soo chính thức bước vào thế giới ngầm đẩy thủ đoạn của ngành tư pháp với rượu ngon, gái đẹp, nhạc disco và những bộ vest bóng bẩy.

Nhân vật Han Kang Sik của Jung Sung Woo là điểm sáng nhất của bộ phim. Một gương mặt bảnh bao, lạnh lùng, không để lộ một chút cảm xúc nào nhưng luôn nung nấu thứ gì đó ở bên trong đang trực chờ phun trào bất cứ lúc nào. Han là hiện thân của khái niệm chính trị, một kẻ đã bán mình cho quyền lực. Không bỏ qua bất kì điều gì để duy trì vị trí của mình, thậm chí tìm đến cả niềm tin tâm linh. Với Han, cái gì không phải quyền lực thì đều là hư ảo.

 

Còn Tae Soo, nhân vật này mang nhiệm vụ kể chuyện và dẫn dắt thông điệp cho khán giả. Nếu Han là bức tranh miêu tả góc tối của chính trị thì Tae Soo là nét khắc hoạ sự nghiệt ngã đến nực cười trong bức tranh đó. Nhưng đồng thời, Tae Soo cũng là mảng màu tươi sáng nhất trong tranh, biểu thị rằng trong thế giới tối đen của quyền lực đó, cái ác không phải là tuyệt đối. Có sự trả giá, và cũng có cơ hội để làm lại từ đầu. Tae Soo nhắc nhở chúng ta về trật tự mà thế giới đáng ra phải có, trật tự của lẽ phải, của niềm tin chân thành và những khát khao lành mạnh, rằng đừng vội mất niềm tin vào cái đẹp và buông thả trước cái xấu.

Bộ phim sử dụng nhiều yếu tố kế thừa từ đạo diễn kì cựu Martin Scorsese. Đặc biệt là từ 2 tác phẩm Goodfellas và The Wolf of Wall Street. Câu truyện về góc khuất chính trị của Goodfellas, lời dẫn chuyện miên man và sự tha hoá của nhân vật chính theo kiểu Jordan Belford hiện ra ngay trong đầu người xem như được bật công tắc điện. Tuy nhiên, đạo diễn Han Jae Rim đã khéo léo kéo câu truyện vào bối cảnh và góc nhìn của Hàn Quốc. Chính vì thế bộ phim diễn ra một cách tự nhiên và không bị kệch cỡm. Ngoài những yếu tố từ Martin Scorsese, Han Jae Rim vẫn đáp ứng những yếu tố điện ảnh thời thượng mà các nhà làm phim Hàn đương đại vẫn tuân theo.

Đó là chất hài phớt đời kiểu Tarantino và phong cách dựng phim duy mĩ làm của riêng. Người Hàn chọn lọc kế thừa lại những tinh hoa của điện ảnh thế giới rồi tổng hoà nó lại làm của riêng mình, tạo thành một sân chơi chung đậm đà tinh thần bản sắc. Nơi màn hình lớn trong phòng tối là nơi trình diễn trò ảo thuật kết hợp giữa máy quay và diễn xuất người thật, mát-xa cảm xúc của khán giả, khiến họ thoả mãn với những góc máy lạ-đẹp-đã, và phải ồ à theo từng diễn biến trên phim.

Tuy nhiên, The King vẫn có những điểm không được hoàn hảo. Bộ phim quá dài, một trăm hai mươi phút  thời lượng lên hình là quãng thời gian đủ để hoà loãng không khí châm biếm vung vẩy trong phim. Đạo diễn dành nhiều thời lượng để gây dựng ấn tượng cho từng nhân vật nhưng lại không tập trung phát triển hết được so với tiềm năng mà mình đã tạo ra, khiến cho nhiều nhân vật bị bỏ rơi và đuối dần về phía sau của bộ phim. Cái kết tuy rất ấn tượng nhưng quá chóng vánh so với thời lượng khổng lồ phía trước. Nếu biết cân bằng tốt hơn, cái kết thậm chí có thể còn “đã” hơn thế.

Tóm lại, The King là một tác phẩm có đầu tư về nội dung và hình ảnh. Đây là bộ phim “nghiêm túc” nhất của Han Jae Rim sau hai tác phẩm gây ấn tượng là The Face Reader và The Show Must Goes On. Diễn xuất của 2 diễn viên chính tuyệt vời. Thật khó để tưởng tượng vai công tố viên trưởng sẽ như thế nào nếu người diễn không phải là Jung Woo Sung. Vai Tae Soo của Jo In Sung thì đã giúp anh bỏ túi thêm một vai diễn về gangster chất lượng sau Dirty Carnival. Ra mắt vào thời điểm bối cảnh chính trị Hàn Quốc đang đầy rối ren, The King chính là bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh xứ Kim Chi thời điểm này.

Comment